[Bạn đường Đức Giêsu]: Chạnh lòng thương

Tác giả: Nguyễn Mai Kha, S.J. – Cao Gia An, S.J.

Các bạn trẻ thân mến,

Trên hành trình rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu và các môn đệ đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, chứng kiến nhiều biến cố và bản thân các môn đệ cũng trải qua những kinh nghiệm khác nhau. Nơi những kinh nghiệm ấy, các môn đệ chứng kiến và kinh nghiệm các hành xử của Thầy Giêsu và qua đó, các ông đúc kết thành bài học cho bản thân mình.

Tin mừng Mátthêu tường thuật công việc rao giảng của Đức Giêsu một cách điển hình như sau: “Đức Giêsu đi khắp các thành thị và làng mạc, giảng dạy trong các hội đường của họ, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết mọi bệnh hoạn tật nguyền.” (Mt 9, 35) Có lẽ qua những hoạt động của Đức Giêsu đối với dân chúng, các môn đệ cũng được nhiều kinh nghiệm và bài học quý giá. Bên cạnh đó, giữa những hoạt động tấp nập thường ngày, các môn đệ còn có dịp nhìn ra nơi Thầy mình nét rất riêng, rất đặc trưng của Thầy Giêsu: “Đức Giêsu thấy đám đông dân chúng thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt.” (Mt 9, 36)

Như các môn đệ, chúng ta có thể nhìn ra nơi Đức Giêsu nhiều hoạt động cứu giúp người nghèo, chữa lành nhiều bệnh nhân hay những phép lạ lớn lao khiến nhiều người sửng sốt đến kinh ngạc. Bên dưới những hành động ấy chính là con tim biết chạnh lòng thương. Đức Giêsu đã thổn thức khi nhìn cảnh bà mẹ goá đưa tiễn người con trai duy nhất ra nghĩa trang, ngài đã chạnh lòng thương khi nhìn thấy đám đông vất vả lầm than, Ngài đã khóc thương khi nghe biết anh bạn Lazarô qua đời. Trên hết, nơi Đức Giêsu, chúng ta thấy rõ những cảm xúc, những rung động của một con tim rất con người.

Bài học đầu tiên Đức Giêsu muốn các môn đệ phải thuộc lòng chính là biết chạnh lòng thương. Đi theo Đức Giêsu, các môn đệ được mời gọi trở nên giống Ngài, biết tạo cho mình thói quen biết rung động trước những hoàn cảnh khốn khó của người khác, trước những người đang thực sự cần giúp đỡ. Chạnh lòng thương không có nghĩa là bày tỏ lòng thương xót, không chỉ là nghĩa cử thương hại nhưng là đồng cảm và đồng hoá mình với người khốn khó.

Chạnh lòng thương là nét đẹp nơi con người Đức Giêsu và cũng là tính cánh nơi mỗi người chúng ta. Một tính cách con người nhưng xuất phát từ Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch của Tình Yêu Thương. Đức Giêsu cũng đã ở trong cung lòng của Chúa Cha, đã kín múc cho mình ân sủng tình yêu từ nguồn mạch vô biên của Cha. Mở lòng ra với ân sủng là điều cần thiết để có một con tim biết rung động và chạnh lòng thương.

Thực tế cuộc sống có nhiều điều khiến ta đôi khi đóng kín lòng mình lại. Những đòi buộc khắt khe của cuộc sống lôi ta vào những toan tính thiệt hơn để rồi ta chẳng còn đủ thời gian để dừng lại, để chiêm ngắm và mở lòng mình ra với Chúa. Tự do của con người giúp chúng ta làm chủ bản thân nhưng cũng có lúc tự do ấy ngoảnh mặt đi trước những bàn tay đang ngửa xin, trước những ánh mắt hy vọng của tha nhân.

Cuộc sống thường vội vàng và nhộn nhịp, đôi khi ta không kịp dừng lại để con tim có cơ hội rung lên trước những thân phận đang gặp cảnh gian truân. Hay có khi con tim chỉ rung lên theo một cung bậc tạm thời nào đó để rồi sau đó ta lại trở về với thế giới của mình. Chạnh lòng thương như Đức Giêsu giúp ta dám bước vào cuộc đời của ai đó để đồng cảm, để sẻ chia với họ những gian nan sầu khổ.

Chạnh lòng thương không chỉ là nét riêng của Đức Giêsu hay của các môn đệ Ngài nhưng tất cả chúng ta được mời gọi để biết và dám chạnh lòng thương như Ngài. Trong dụ ngôn người Samari nhân hậu, không phải thầy Lêvi, cũng không phải thầy tư tế, những người đang vội bước đến với công việc của mình, là những người chạnh lòng thương đối với người bị nạn nhưng lại là một người Samari, người bị coi là ngoại đạo, bị đánh giá thiên về thù hận hơn là yêu thương (x. Lc 10, 29-35).

Ước gì chúng ta được ban tặng con tim biết rung động, dám chạnh lòng thương như Thầy Giêsu vì Ngài đã đến và sống giữa chúng ta như một người với con tim biết rung động và dám chạnh lòng thương chúng ta.

Kiểm tra tương tự

Đổi mới giáo dục Công giáo tại Học viện Thánh Augustinô

  Khi Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiên của Ngài trong Tin …

Những người thầy thầm lặng

  Bạn thân mến,   Trong tháng 11 này, chúng ta đặc biệt nhớ đến …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *