Chút trải nghiệm về khát khao cầu nguyện

Mácta Nguyễn Thị Ngọc Hạnh

 

 

Hình ảnh “cầu nguyện, phó thác” thật tuyệt vời đang diễn ra trước mắt tôi. Từng đoàn người bệnh tật ngồi trên xe lăn, được những thiên thần tình nguyện đẩy họ; cùng nhau lần lượt tiến vào hang đá Đức Mẹ Lộ Đức. Những khuôn mặt rạng rỡ niềm tin, niềm hi vọng, tay gắn liền với chuỗi hạt, miệng thì thầm những lời nguyện dâng lên Mẹ Maria tận đáy lòng của họ. Hình ảnh này luôn đánh động tôi thật mãnh liệt trong mỗi lần tôi đặt chân tới nơi này. Sự khát khao cầu nguyện, và rõ rệt nhất là “cầu nguyện theo thánh ý Chúa”. Họ đang thực thi lời Mẹ nhắn nhủ năm xưa mà Mẹ đã gởi cho Hội Thánh, khi hiện ra ở nơi này, hoặc ở Fatima, và ở các nơi khác; “siêng năng cầu nguyện theo thánh ý Chúa”.

 

Việc cầu nguyện là việc mọi người đều phải làm và phải tập làm. Chỉ cần cầu nguyện vắn tắt trong bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào. Tôi có một thói quen nói chuyện với Đức Mẹ và thưa với Chúa, kể cả trong những lúc tôi đang rất bận rộn “xin thương giúp con biết đón nhận Chúa vào lòng con. Xin luôn ở bên con, đừng bỏ con”. Tôi tín thác một điều, Chúa sẽ rất vui mừng nếu mỗi người chúng ta trở thành con người cầu nguyện. “Mục đích đời con là tới với Chúa”.

 

Cầu nguyện, nơi tìm lại bình an nội tâm, nâng tâm hồn lên tới một thế giới tĩnh lặng, hoan lạc thật cao. Để đạt được sự bình an nội tâm này, chúng ta cần liên lỉ tới với Chúa. Đây là đời sống bên trong con người, đời sống thiêng liêng, đời sống sâu thẳm của tâm hồn. Theo cách nói của giáo lý Công Giáo, thì đời sống nội tâm là “đời sống tha thiết với các chân lý thiết yếu của cuộc đời. Như mục đích đời mình, chết rồi đi đâu. Đời sống nội tâm là sống có Chúa, với Chúa và trong Chúa”.

 

Nhìn lại hành trình theo khóa Magis, tôi nhận ra rất rõ hoa trái của việc cầu nguyện. Thực sự tôi đã được ơn Chúa bước vào đời sống cầu nguyện qua những bài làm. Những suy tư khi đọc sách thiêng liêng hoặc những câu hỏi Cha Linh hướng đưa ra, từ từ đã đưa tôi đến gần với Chúa và được trổ sinh hoa trái: giúp tôi kiên nhẫn hơn, khiêm tốn hơn, tâm hồn hoan lạc hơn, và rất là bình an. Trên hết, tôi yêu mến Thiên Chúa hơn và những người anh chị em đang gặp khó khăn. Giờ đây, tôi luôn muốn sống phục vụ cho Giáo Hội, phục vụ tha nhân qua khả năng hạn hẹp của mình. Nhưng nếu tôi chỉ dấn thân hành động mà thiếu cầu nguyện, thì hành động của tôi sẽ không chuyển tải được sự sống Chúa Ba Ngôi, và các giá trị thiêng liêng, tôi sẽ không có ánh sáng của Chúa chiếu vào lòng tôi, và sẽ không giúp tôi nhận ra đâu là những giá trị đích thực mà Chúa muốn tôi phát triển và chia sẻ. Tất cả những gì tôi gặt hái được, không đến từ những nỗ lực của tôi, nhưng được đến từ Một Đấng ban tặng cho tôi, Ngài ban cho tôi sự thanh thản, Ngài ban cho tôi sự điềm tĩnh khi gặp những vấn đề, những lo toan và không bị sợ sệt khi những khó khăn ập xuống.

 

Bình an nội tâm là một quà tặng quý giá, bởi chính trong hương thơm của nó, đức ái lớn lên. Bình an này làm cho chúng ta sẵn sàng trước công việc của ân sủng, giúp chúng ta phân định những hoàn cảnh và những quyết định cần đưa ra.

 

Trong mỗi ngày sống con cảm tạ Chúa vì được gọi Chúa là Cha, và được Chúa nhận làm con, qua lời kinh “Lạy Cha chúng con ở trên trời”. Con xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho con biết trách nhiệm nội tâm, mà Chúa trao ban cho con.

 

Những hoa trái quý giá nhất là sự tinh tuyền trong tâm hồn. Cầu nguyện có khả năng lớn lao thanh luyện nội tâm. Trong cầu nguyện, tâm hồn được lắng đọng, trở nên giản dị và quy về Thiên Chúa với lòng khát khao đầy tín thác; đó là yêu mến Người cách chân thành và thực thi ý Người.

 

“Những ai nghe các lời Thầy nói, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví như người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa nước cuốn hay bảo táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ tan tành” (Mt 7,26-27). Lời Chúa cảnh báo xưa kia thật ứng nghiệm. Nếu ta xem nhẹ việc gặp gỡ Ngài, ít cầu nguyện với Ngài, ít suy niệm Lời Ngài, thì làm sao chúng ta có thể gặt hái được hoa quả tốt, làm sao có được hiệu quả trong việc cầu nguyện. Sự khát khao, trung thành, liên lỉ, kiên trì là giá trị chính của cầu nguyện. Ước nguyện chân thành tìm gặp Thiên Chúa, làm vui lòng Người và yêu mến Người. Hiệu quả tuyệt vời của cầu nguyện mà tôi vẫn thường nghĩ: Đó là một phép lạ, một món quà đến từ Một Đấng; tâm hồn được đổi mới một cách âm thầm. Được tái sinh trong Chúa Thánh Thần. Sự tái sinh này được thực hiện một cách hết sức thầm lặng khiêm tốn. Tôi, một con người tội lỗi đã đựợc ơn trở về, một con người kiêu ngạo sa ngã đã được ơn trở lại. Xin Chúa Thánh Thần ban ơn cho con luôn biết phấn đấu với chính mình, phải thường xuyên cầu nguyện và tỉnh thức trước mọi thử thách, con quyết tâm theo Chúa trọn đời.

 

“Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau yếu mới cần. Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn” (Lc 5,31-32). Tôi tin Chúa yêu thương tôi, chính vì tôi là kẻ tội lỗi. Tôi tin Ngài yêu tôi, trước khi tôi trở lại với Ngài. Nghĩa là, tôi cầu nguyện với lòng tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu của Ngài và ở lại trong tình yêu ấy. Niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa đã giúp tôi nhận ra, cuộc sống là một chuỗi dài những ơn Chúa ban. Cầu nguyện được coi là một điều thiết yếu thuộc về cuộc sống. Cuộc sống gắn liền với cầu nguyện. Cầu nguyện đi theo mọi tình huống cuộc sống. Lúc nào cũng cầu nguyện. Sống là cầu nguyện. Cầu nguyện là hơi thở của cuộc sống. Cầu nguyện đưa tôi đến gần Thiên Chúa, để tôn vinh Danh Ngài, để thành thật nói với Ngài về những yếu đuối của tôi, những nguyện vọng của tôi. Và tôi xin Chúa cho tôi được ơn vâng theo thánh ý Chúa. Chỉ với tinh thần cầu nguyện, tôi sẽ biết nghĩ đúng, chọn đúng, làm đúng trong âm thầm và khiêm tốn.

 

Cầu nguyện nhất thiết là một hành vi đức tin, còn là phương thế trước nhất và tự nhiên để diễn tả đức tin. Hành vi đức tin này giúp chúng ta nên một với Thiên Chúa. Đối với tôi, tin vào Chúa chính là gặp gỡ Chúa. Đây là một cuộc gặp gỡ sống động giúp ta thấy Chúa. Người đến trong tâm hồn tôi. Người đào tạo tôi nên tạo vật mới. Người giúp tôi tiến bước trên con đường thực thi thánh ý Chúa. Thánh Thần Chúa mở lòng tôi ra, cho tôi thấy bầu trời của đức tin. Càng thấy đức tin, càng thúc dục tôi đến gặp gỡ Thiên Chúa. Bên cạnh Ngài, tôi thấy mình rất tội lỗi, thế mà được Chúa thương một cách lạ lùng. Tôi không hiểu hết được tình thương xót của Ngài, nhưng tôi tin nơi Người, gặp gỡ Người, bước theo Người, bắt chước Người, từ bỏ mình, khoan dung, nhẫn nhục, yêu thương phục vụ, chấp nhận khổ đau và tuyệt đối tuân phục thánh ý Ngài.

 

“Những người yêu mến Chúa Thánh Thần, sẽ thấy việc cầu nguyện đầy hoan lạc đến nỗi họ không thấy đủ thời giờ để cầu nguyện” (Cha Thánh d’Ars Johann Marie Vianey).

 

Cảm giác và cảm xúc đóng một vai trò không thể thiếu trong đời sống thiêng liêng. Có hai khả năng này chúng ta mới có thể cảm nếm sự hiện diện của Thiên Chúa và sự trìu mến của Người. Bằng không Người vẫn luôn xa lạ đối với chúng ta.

Trong đời sống hiện tại, mối lo âu hàng đầu, theo tôi, chính là sự lãnh đạm của rất nhiều người công giáo chúng ta đối với Lời Chúa, đối với Bí Tích Thánh Thể, đối với những thao thức của Chúa, đối với những lo âu của Hội Thánh Chúa. Nghĩ đến sự lãnh đạm này, tôi sợ cho chính bản thân tôi, những cám dỗ vây quanh từng giây phút. Đó là cám dỗ chủ quan, lười biếng, về ỷ lại, kiêu căng… Dần dần, nó sẽ biến tôi thành một người bất lực trong việc dành một vị trí xứng đáng cho khả năng cảm nhận của mình.

 

“Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy”. Chúng ta có quyền xin ơn tri giác để có thể cảm nếm một điều gì đó từ mầu nhiệm Thiên Chúa, cảm nhận nhũng chân lý đức tin… bằng các giác quan và những cảm xúc thể lý; bằng không chúng ta không thể hiểu cũng không thể đem chúng vào đời sống một cách năng động. Khả năng cảm nhận của chúng ta cần được thanh luyện. Cầu nguyện là găp gỡ Thiên Chúa chứ không chỉ là những cảm giác mà sự hiện diện của Thiên Chúa gợi lên nơi chúng ta. Điều quan trọng không phải là những gì chúng ta cảm nhận, nhưng là điều chúng ta tin. Hành vi đức tin vượt xa mọi cảm xúc của chúng ta và thật sự giúp chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa ngay cả khi chúng ta hoàn toàn trống trơn và tâm hồn khô cằn. Cầu nguyện như là đường dẫn đến tự do. Mặc cho những khô khan, việc trung thành cầu nguyện và kiên trì thực hành đức tin trong cầu nguyện sẽ dần dần giúp chúng ta tự do thanh thoát đối với những cảm xúc. Để có thể đạt được đến điểm son “trung thành cầu nguyện”, tôi cần sấp mình trước Mặt Chúa và khiêm tốn nhận mình chưa biết tỉnh thức và cầu nguyện, liên lỉ kiên trì xin Chúa giúp, để cùng được với Chúa mà tỉnh thức và cùng với Chúa mà cầu nguyện. Tôi tín thác, Chúa sẽ cho tôi một trái tim đổi mới, để tôi có một cái nhìn mới về Hội Thánh, về cộng đoàn, về chính bản thân tôi. Lúc đó, tôi mới thấy đâu đâu cũng cần được Chúa cứu độ, đâu đâu cũng kêu gọi sự cộng tác của tôi vào việc cứu độ. Cộng tác bằng sự tôn thờ kính yêu Chúa Giêsu Thánh Thể. Cộng tác bằng sự phục vụ những người xung quanh một cách khiêm nhường. Cộng tác bằng tâm tình sám hối và cảm thương, mối tương quan của tôi với người khác không dựa trên vui thú mà họ trao ban. Tự do đích thực cốt tại yêu thương họ, dù họ làm tôi hài lòng hay không làm tôi hài lòng; trung thành cầu nguyện bất cứ giá nào. Lạy Chúa, xin Chúa giúp con.

 

Lý trí đóng một vai trò nền tảng trong đời sống con người và đời sống thiêng liêng; đức tin không thể hoạt động mà không có lý trí. Càng hiểu điều mình tin, đức tin càng trở nên ánh sáng và sức mạnh cho chúng ta. Trong đời sống cầu nguyện, chúng ta sẽ thường đón lấy những luồng sáng soi rọi trí năng trong  nhiều lãnh vực: một sự hiểu biết những khía cạnh nào đó của mầu nhiệm Thiên Chúa, nhận biết cách sống động con người Đức Kitô hay ý nghĩa của thân phận con người v.v…Mỗi khi tâm trí được soi sáng như thế, thì nó là một quà tặng quý giá và chúng ta cần làm hết sức có thể để sống đức tin của mình một cách khôn ngoan, sử dụng các khả năng suy tư, nhận thức, phân tích và những gì còn lại. Chúng ta phải cầu xin và tìm kiếm những soi dọi khai mở trí năng. Một đầu óc lười biếng và một sự sống động thiêng liêng không sánh đôi cùng nhau được.

“Ôi, sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm đường nào! Quyết định của Người, ai dò cho thấu! Đường lối của Người ai theo dõi được!”

 

Trí tuệ có thể mang chúng ta đến gần Thiên Chúa hơn, nhưng nó không dẫn chúng ta đến với những gì Thiên Chúa thực sự là Người nơi chính Người. Chỉ có đức tin mới có thể làm điều đó. Chính đức tin, đức mến và sự thờ phượng đặt chúng ta vào sự gặp gỡ Thiên Chúa. Đức tin và duy chỉ đức tin, mới thiết lập cuộc gặp gỡ đích thực với sự hiện diện sống động của Thiên Chúa. Tôi tin và tôi cảm nghiệm thấy điều này: Chúa chủ động trong cách Ngài đến với tôi, trong thời gian và trong nơi Ngài đến với tôi. Vì thế, nhận ra sự hiện diện của Ngài, việc Ngài đến là một ơn trọng đại vô cùng, tôi không thể nào diễn tả hết được. Ơn Chúa ban qua lòng thương xót của Ngài. Tôi chỉ biết bổn phận của tôi phải cộng tác một cách tích cực bằng sự khiêm nhường cầu nguyện và khiêm nhường tỉnh thức. Điều tôi lo sợ cho mình là mất khả năng lãnh nhận. Do hẹp hòi, do tự đắc, do dửng dưng bất cần. Lạy Chúa, xin Chúa giúp con luôn khiêm tốn và chân thành để tiếp xúc với Thiên Chúa với một lòng tin tuyệt đối.

 

Tin không nhất thiết là phải thấy, hiểu hay cảm nhận, nhưng đức tin là điều sống động nhất trong đời sống thiêng liêng. Một cách huyền nhiệm nhưng thiết thực, nhờ đức tin, chúng ta có thể “chạm đến Thiên Chúa” và để cho mình được người chạm đến; đức tin thiết lập một mối hiệp thông nội tại với Người và cho phép chúng ta được biến đổi dần dần bởi ân sủng Người. Sự hiểu biết Thiên Chúa mà đức tin mang đến có khả năng đốt lên trong chúng ta ngọn lửa yêu mến hơn bất cứ một kiến thức cụ thể, rõ ràng nào của trí năng. Thánh Gioan Thánh Giá đã diễn tả: “Đức tin trong đó chúng ta yêu mến Thiên Chúa mà không hiểu biết Người”.

 

Lạy Chúa, con tin Chúa nắm trong tay cuộc sống của con. Chúa có kế hoạch riêng cho đời con. Chúa có quyền sắp xếp mọi chi tiết cuộc đời con. Nơi Chúa, con tìm được ý nghĩa đời con. Bỏ Chúa, mọi thực hiện của con cho dù có thành công, cũng sẽ chỉ là phù du, mong manh. Chúa dạy con biết yêu thương, biết phục vụ, biết đón nhận, và làm gì, nghĩ gì, điều quy vào Lời và Thánh ý của Chúa.

Con đến với Chúa, con mời Chúa vào tâm hồn con. Một tâm hồn tội lỗi, xấu xí, nhưng Chúa vẫn đi vào và ở lại với con. Khi được đồng hành với Chúa trong chuyến đi cuộc đời, con sẽ không ngừng nhìn vào Chúa là Chúa của con. Con như một trẻ nhỏ khi cảm nhận được sự hiện diện của Chúa trong bản thân mình.

 

Chúa Giêsu thực là Chúa của con, là Đấng cứu độ con.

Thiên Chúa là chủ cuộc đời. Không có Chúa con người chẳng làm gì nên công trạng. Vì thế phải sống trong đức tin. Đức tin cho thấy ta chẳng là gì. Chúa là tất cả. Ta chẳng có gì. Chúa có tất cả. Nhưng Chúa vô hình. Nên ta phải tin tưởng. Sống trong đức tin, con người được giải thoát, được tự do. Không còn lệ thuộc vào những gì bên ngoài: Lề Luật, dư luận. Chỉ sống cho Chúa. Sống trong đức tin vào Thiên Chúa.

Sống đức tin thực sự. Sống nội tâm thực sự. Tôi chẳng còn bận tâm đến bên ngoài. Đến người ngoài. Chỉ thanh tẩy nội tâm. Để một mình Thiên Chúa chiếm ngự tâm hồn. Thế là đủ và thật hạnh phúc!

 

 

Kiểm tra tương tự

Mến Yêu Hằng Ngày, 26-12-2024

MẾN YÊU HẰNG NGÀY Thứ 5, 26-12-2024 (Mt 10,17-22) “Hãy coi chừng người đời. Họ …

Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem

Các mục đồng thờ lạy Chúa (1622). Hoạ Sĩ Gerrit van Honthorst (1592-1656). Tranh được …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *