Từ tình yêu đến lòng bác ái

 

Trong thư gửi tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô Tông đồ đã quả quyết: “Làm sao người ta có thể kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi?” (Rm 10, 14-15). Cũng vậy, làm sao người ta có thể làm việc bác ái nếu họ không yêu? Làm sao họ có thể yêu nếu họ không cảm thấy được yêu? Làm sao họ có thể cảm thấy được yêu nếu họ không nhìn lại cuộc đời của mình? Làm sao họ thực tâm nhìn lại đời mình nếu họ không nhìn đến tha nhân?

Quả vậy, chỉ khi nhìn đến tha nhân, đặc biệt là những người nghèo khố; chỉ khi nghe thấy tiếng rên siết vì đau đớn của họ; chỉ khi chạm được vào đôi tay run rẩy vì giá lạnh của họ; chỉ khi cảm được nỗi cô đơn, tuyệt vọng vì bị rẻ rúm, bị hắt hủi của họ, thì ta mới thực sự biết mình được Thiên Chúa yêu thương quá chừng! Thế Thiên Chúa không yêu thương người nghèo sao? Có chứ! Ngài yêu họ nhiều hơn ta tưởng. Nhưng Ngài muốn ta chia sẻ tình yêu dồi dào như những nén bạc to lớn mà ta đã nhận được cho họ, để tình yêu mà ta đã lãnh nhận được nên trọn vẹn trong tình yêu và niềm vui của họ.
Chúa Giêsu đã dạy cho các môn đệ của mình: Các con hãy dùng tiền của bất chính mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời. (Lc 16,9). Vậy ai là bạn hữu của người môn đệ nếu không phải là Chúa Giêsu? (x.Ga 15,15) Ai là hiện thân của Chúa Giêsu ở đời này nếu không phải là những người nghèo khổ bé mọn? (x.Mt 25, 40) Thế nên, trong một xã hội giàu vật chất nhưng đang mất phương hướng này, ai ai cũng cố gắng tìm kiếm và đầu tư sức lực, tiền bạc cho những gì là ý nghĩa cuộc đời, những gì là thiêng liêng vĩnh cửu.

Vậy cái gì là ý nghĩa, cái gì là vĩnh cửu của “bộ mặt thế gian” sắp qua đi này? (x.1Cr 7,31) Những thực tế phũ phàng của cuộc sống đã giúp ta nhận ra rằng, có những cuộc đầu tư là thành công, nhưng cũng có những cuộc đầu tư thất bại; có những lợi nhuận là chóng qua, nhưng cũng có những lợi nhuận vững bền. Càng ngày, ta càng hiểu và thấm thía một sự thật rằng: cho đi là còn mãi. Khi ý thức được tất cả những gì mình có đều là do Thiên Chúa ban tặng, Người ban tặng vì Người yêu ta, ta sẽ chẳng còn hà tiện, hay ích kỷ trước những phận đời bất hạnh.

Mỗi hành động bác ái dù nhỏ bé thôi, nhưng một học sinh nghèo sẽ có thêm một cuốn tập để ghi chép, một cụ già neo đơn thêm phần ấm bụng với ổ bánh mì, một bệnh nhân đau yếu có thêm một hộp sữa Vinamilk. Được tình yêu Chúa thúc đẩy, có rất nhiều tâm hồn quảng đại chẳng kém gì người Sa-ma-ri tốt lành (x.Lc 10, 29-37), đã rộng lòng làm việc bác ái với tất cả tình thương.
Thật vậy, trong biến cố Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều cho năm ngàn người ăn no nê (x.Lc 9, 10-17), phép lạ đã xảy ra khi người ta biết chia sẻ cho nhau. Bởi đó, việc mọi người cùng chung tay đóng góp cho công cuộc giúp đỡ người nghèo, cùng chung ta làm việc bác ái bằng cách này hay cách khác, bằng vật chất, tinh thần hay lời cầu nguyện, chính là lúc chúng ta đang góp phần vào việc làm nên những phép lạ với Chúa Giêsu cho những người anh em bé mọn của Người. Do đó, khi thực sự nghiệm thấy mình được yêu, tức khắc ta cũng sẽ phát sinh tình yêu với người khác và hoa trái của tình yêu ấy chính là lòng bác ái!

Văn Tài, SJ

Kiểm tra tương tự

Nghĩa trang Công giáo: Tuyến đầu chống lại nỗi sợ thế tục về cái chết

  Ông Peter Nobes, người quản lý các nghĩa trang Công giáo thuộc Tổng giáo …

Xin cho Nước Cha trị đến | Suy tư Tin Mừng CN Chúa Kitô Vua

  Trong bài Tin mừng Chúa nhật cuối cùng của năm Phụng vụ, chúng ta …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *