Cách Chúa Giêsu đến với người trẻ

Bài viết dưới đây được khai triển trong ánh sáng của:

 Tông Huấn “Chúa Kitô sống” số 224-229

Thiên Chúa không hiện ra để nói với người trẻ hãy tin yêu nơi Ngài. Dù ngài có thể làm điều ấy, nhưng thường thì Thiên Chúa chọn cách khác. Ngài hiện diện một cách vắng mặt trong mọi sinh hoạt đời thường của con người. Vấn đề là làm sao nhận ra Chúa? Không dễ chút nào, phải không bạn?

Bạn có biết năm 2019, cả Giáo Hội cùng với đức giáo hoàng Phanxicô ngồi xuống để bàn với các bạn trẻ trên toàn thế giới. Sau khi lắng nghe và hội thảo, Giáo Hội chấp nhận và ủng hộ nhiều con đường để giúp người trẻ. Các bạn có thể đọc rất nhiều điều trong Tông Huấn “Chúa Kitô sống”. Trong bài viết ngắn này, chúng ta thử tìm thấy vài phương thức đặc biệt phù hợp với giới trẻ Việt Nam.

Trước hết, đây đó chúng ta thấy một số bạn trẻ thích cầu nguyện trong thinh lặng. Họ dành giờ trước Chúa Giêsu Thánh Thể. Họ thích đọc Lời Chúa và tham dự các bí tích. Tạ ơn Chúa, vì sự thánh thiện, tốt lành của các bạn ấy! Bởi trước giờ, Giáo Hội luôn “mời những người trẻ đến với những nguồn mạch của đời sống mới này, chúng ta không có quyền tước đoạt những điều tốt đẹp như thế khỏi các em.” (số 229). Điều ấy thật quý giá biết bao! Trong môi trường đó, Giáo Hội mời gọi giáo xứ: “phải coi trọng những thời điểm mãnh liệt nhất trong năm phụng vụ, đặc biệt là Tuần Thánh, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống và Lễ Giáng Sinh. Các em cũng thích những dịp lễ hội, là những dịp tạm ngưng các việc thường lệ và giúp các em cảm nghiệm được niềm vui của đức tin.” (số 224). Lễ hội ai cũng thích, đặc biệt là người trẻ, phải không bạn?

Khi đi dạy giáo lý, tôi cảm thấy các em thường chán ngán với giờ giáo lý khô khan. Làm thế nào để những cơ hội học về Thiên Chúa được sống động? Giáo Hội chỉ cho một cách (nhiều nơi đã thực hiện): thăm viếng. Ngoài giờ giáo lý, các em được ích lợi rất nhiều nếu được thăm hỏi và giúp đỡ tha nhân. Đặc biệt, nơi các trẻ em đồng trang lứa hoặc người nghèo, họ sẽ cho người học giáo lý những bài học sống động về Thiên Chúa. Đó là những giờ ngoại khóa để các em thấy giáo lý của Thiên Chúa không xa lạ. Mười điều răn của Chúa đang sống động với con người, cụ thể là nơi những ai các em tiếp xúc. (xem thêm số 225).

Ở số 226, Giáo Hội đề nghị một phương pháp dường như hơi thách đố với người trẻ Việt Nam: nghệ thuật. Chẳng hạn, hội họa dường như là điều chúng ta chưa quan tâm. Tuy nhiên, trong nghệ thuật còn có: ca hát, kịch nghệ, vũ điệu lại là sở thích của người Việt Nam. Biết bao bài thánh ca hay, nhiều buổi diễn nguyện hào hứng, sâu lắng được các nhóm trình bày. “Ca hát có thể là một khích lệ lớn lao trên đường đời của những người trẻ.” (số 226). Chúa Giêsu thực sự đến được với tâm hồn người trẻ nơi những ca khúc, ca từ thánh thiện, sôi nổi và du dương. Có người chia sẻ với tôi rằng: “chỉ có thánh ca Việt Nam là hay nhất!” Tôi thấy phần nào đúng, vì chính tôi cũng được Chúa Giêsu an ủi trong những bài ca ấy.

Một cách thế Chúa Giêsu đến với người trẻ, ai cũng nhìn nhận, đó là thể thao. Vui chơi là sở trường của người trẻ. Dĩ nhiên, thể thao không chỉ giúp người chơi cường tráng về mặt thể lý, nhưng còn thể tinh thần. Một lần nữa, người trẻ thích thể thao vì nơi ấy có “niềm vui của thể dục, niềm vui được ở bên nhau, niềm vui được sống và ban tặng những món quà mà Tạo hóa ban cho chúng ta mỗi ngày.” (số 227) Trong ý hướng này, đơn cử dòng Salêdiêng Don Bosco chuyên đồng hành với người trẻ, thể thao là điều luôn được nhà Dòng quan tâm. Ước gì mô hình ấy cũng được lan rộng trong môi trường giáo xứ, trong các nhóm.

“Ở với thiên nhiên” đang là điều rất khó với nhiều bạn trẻ Việt Nam. Tiếc là họ thích “cày” Game online hơn là vui đùa với thiên nhiên. Trong bối cảnh đó, làm sao để người trẻ công giáo gần gũi với “ngôi nhà chung”, với “Mẹ Thiên Nhiên” là điều đáng quan tâm? Một mặt, người trẻ rất nhạy cảm với việc bảo vệ môi trường; mặt khác, các em lại ít có cơ hội. Ước gì trong các giáo xứ, “nhóm hướng đạo sinh và các nhóm khác, là các nhóm tổ chức những ngày ở giữa thiên nhiên, cắm trại, leo núi, du ngoạn và các chiến dịch cho môi trường. Theo tinh thần của Thánh Phanxicô Assisi, đây là những kinh nghiệm có thể dẫn đến một con đường để nhập vào trường của tình huynh đệ phổ quát và cầu nguyện chiêm niệm.” (số 228). Đã đến lúc người trẻ ý thức về biến đổi môi trường, nơi đó, Thiên Chúa thực sự mời người trẻ chịu trách nhiệm, và làm cho thiên nhiên nên xinh đẹp, trong lành hơn. “Laudato si’”[1] là vậy!

Trên đây chỉ là những con đường trong những lối nẻo Chúa Giêsu có thể đến với người trẻ. Xin đừng đóng cửa, loại bỏ những phương thế tuyệt vời ấy. Người trẻ thích những điều ấy, và Chúa Giêsu cũng muốn đến với người trẻ bằng con đường ấy. Ước gì chúng ta cùng sống, cùng vui chơi, cùng chia sẻ, cùng cầu nguyện và cùng nhau cảm nghiệm Chúa Giêsu. Được như thế, Giáo Hội sẽ sinh động hơn nhiều, người trẻ sẽ yêu Chúa hơn nhiều và con người sẽ hạnh phúc hơn nhiều.

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

[1] Laudato si’ theo ngôn ngữ miền trung nước Ý, nghĩa là “Chúc tụng Thiên Chúa”, có phụ tựa: “Chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta”. Đây là một thông điệp của Giáo hoàng Phanxicô kêu gọi “toàn cầu hành động nhanh chóng và thống nhất” để chống suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu. Các bạn có thể đọc thông điệp này trên Internet.

Kiểm tra tương tự

Ai tín: Ông cố Phê-rô Nguyễn Duệ, thân phụ linh mục Phê-rô Nguyễn Xuân Anh, SJ

Anh em Dòng Tên Việt Nam Tỉnh Dòng Phanxicô Xaviê xin kính báo:      …

Dám dìm sâu với Chúa | Suy tư TM CN lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa năm C

  Suy Tư Tin Mừng Chúa Nhật Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa DÁM DÌM SÂU …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *