Ảo tưởng siêu nhân

Siêu nhân hay anh hùng là biểu tượng nhằm diễn tả khát vọng vươn lên của con người thời đại. Nhưng vì thiếu hiểu biết về những giới hạn của bản thân mà nhiều người rơi vào tình trạng ảo tưởng siêu nhân. Ảo tưởng này được mô tả qua ba giai đoạn: người giải cứu, người giày vò và nạn nhân [i]. Từ đây, chúng ta tìm ra nguyên nhân của vấn đề, để rồi tìm hướng khắc phục, giúp lột bỏ cái mặt nạ bao lâu nhiều người đeo bám.

Quan sát các sản phẩm dành cho thiếu nhi được bày bán trên thị trường, chúng ta nhận thấy phần lớn là những hình tượng các nhân vật trong những phim nổi tiếng được nhiều người biết đến; ngoài ra, những chiếc mặt nạ và bộ cánh hình siêu nhân đã khiến những người khoác nó vào cảm thấy mình được mọi người yêu mến và thán phục. Tính cách siêu nhân và anh hùng ấy còn được sống lại trong các gameshow của màn hình ảo. Họ cảm thấy thích thú và hưng phấn vì được đóng vai anh hùng để cứu mỹ nhân. Không chỉ thiếu nhi nhưng cả những ông bố trẻ trong gia đình cũng sẵn sàng để vợ quán xuyến mọi việc hầu có thể ra tay cứu mỹ nhân. Vai trò người giải cứu đã ăn sâu trong tâm thức con người. Họ trở nên ảo tưởng vì bê trễ bổn phận của mình. Họ tra tay cứu mỹ nhân trong thế giới ảo, trong khi đó, mỹ nhân ngoài đời lại càm ràm, khó chịu đến mức giận dữ quát nạt khiến gia đình cũng tiêm nhiễm bầu khí bất hòa.

Một số người thực tế hơn, họ đóng vai người giải cứu trong đời thường. Họ tỏ ra tinh tế khi đi bước trước khám phá ra nhu cầu của tha nhân. Những siêu nhân này quảng đại ban phát những lời khuyên đến mức thao túng người khác. Khi ấy họ tự đánh giá cao khả năng của bản thân hơn người mình giúp đỡ; từ đó sinh ra ngạo mạn khinh người và khinh đời như thể chỉ có mình là siêu nhân. Họ tiếp tục thủ vai anh hùng cứu mỹ nhân, song trong phim kết thúc có hậu: hai người đã lấy nhau; còn trong đời thường, chàng ngộ nhận và đồng hóa giữa ân nhântình nhân. Thật vậy, nàng có thể biết ơn về hành động quả cảm của chàng, nghĩa cử đó khiến nàng xúc động, nhưng tình yêu lại là nhịp rung động của hai con tim. Chàng lầm ! Thế rồi ảo tưởng ấy sụp đổ bởi vì người khác không có khả năng đón nhận thiện chí và đánh giá năng lực đúng đắn của họ. Họ rơi vào tình trạng giày vò.

Nếu giai đoạn trước hoành tráng và tỏa sáng bao nhiêu thì chuyển sang giai đoạn này, họ tăm tối và lạc lối bấy nhiêu. Họ cho quay lại trong ký ức về một thời đóng vai người giải cứu như một cách nhằm xoa dịu bớt nỗi đau, nhưng thật ra, họ càng cảm nhận những tổn thương và tổn thất; tổn thương vì những người xưa kia mình giúp đỡ đã phụ ơn mình, tổn thất vì những mất mát không chỉ thời gian mà còn năng lực vươn lên và vượt qua. Sự giày vò càng có lý để tồn tại vì bản thân không chấp nhận thực trạng của mình. Họ cảm thấy khó chịu khi người kia không đánh giá cao về những hy sinh của họ. Sự cuộn tròn trong chính mình lại càng làm cho họ khó buông bỏ để thoát ly. Trong tình thế này buông bỏ là thượng sách, là cách giải thoát bản thân. Không chấp nhận ! Dần dà, họ trở thành nạn nhân của chính mình.

Với tâm thế chủ động, họ tự đặt mình làm nạn nhân cho cuộc giải cứu không mong đợi. Trong lúc, người khác có đủ khả năng để đảm nhiệm vấn đề và cuộc sống của mình, họ lại đến mang theo một cái phao không đúng “kích cỡ”. Thật ra, đó là cái phao vừa vặn với chính họ, chính nó sẽ giúp họ vượt qua những vấn đề của mình. Thực tế cho thấy, họ trở thành nạn nhân vì đã tinh tế nhận ra nhu cầu của người khác mà lại không nhận ra nhu cầu của chính mình, để rồi trách đời và trách người không ai quan tâm đến nhu cầu của tôi. Họ còn trở thành nạn nhân vì cảm thấy an lòng khi cho đi hơn là nhận lãnh, bên cạnh đó, họ cảm thấy bất lực và có lỗi khi không giải cứu được người khác. Đó chính là sự giằng co của một cuộc chiến nội tâm mà những người ảo tưởng siêu nhân đã tự đặt mình vào đó.

Chúng ta có thể nhận ra nguyên nhân gây nên tình trạng ảo tưởng này. Có thể nói, ảo tưởng siêu nhân là người có lòng tự trọng yếu. Thật vậy, họ muốn giải cứu người khác vì không hài lòng với chính mình. Thoạt tiên, nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng càng đi sâu vào chi tiết, chúng ta thấy họ đã diễn dài tập trong việc giải cứu người khác vì họ cảm thấy tự tin và mạnh mẽ khi đóng vai siêu nhân. Nói cách khác, vì không hài lòng với bản thân mà họ cảm thấy cần phải buộc mình làm một việc gì đó để chứng minh mình có giá trị. Họ tưởng rằng khi giải cứư ai, người đó sẽ lệ thuộc vào mình nhưng thật ra, chính họ là người lệ thuộc vào cách đánh giá của người khác.

Như thế, vai diễn siêu nhân đã đến hồi kết, họ cần đảm nhận và chịu trách nhiệm những vấn đề của mình. Có thế, họ sẽ tự khẳng định bản thân và từ đó, lòng tự trọng cũng được củng cố không phải dưới sự đánh giá khắc nghiệt của dư luận mà là niềm tin vào chính mình.

Nói như thế, không có nghĩa, tôi cổ võ việc bạn làm ngơ với nhu cầu của người khác đâu. Nhưng hãy khởi đi từ chính tình yêu bản thân, một khi biết đáp ứng nhu cầu khẩn thiết của chính mình, bạn sẽ có cách tiếp cận đúng đắn và chính đáng cho nhu cầu của tha nhân.

Siêu nhân ơi, tự cứu lấy mình !

EYMARD An Mai Đỗ O.Cist.

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

[i] Đây chính là tam giác: giải cứu – giày vò – nạn nhân mà nhà tâm lý học Stephen B.Karpman đã khám phá ra, triết lý này đã được gọi là Karpman.

Kiểm tra tương tự

Chúa ơi, bây giờ con phải làm gì ?

  “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc3,10-18)   Trong đoạn Tin Mừng …

Món Quà Giáng Sinh – Suy tư Tin Mừng CN 4 Mùa Vọng năm C

  Giáng sinh là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong năm đối với phần …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *