Bài giảng tại nhà thờ Hiển Linh ngày 26/1/2014
Có lẽ nhiều người trong anh chị em đã từng nghe hai từ “linh đạo”, tức là con đường thiêng liêng, giúp người ta nên thánh. Trong Giáo Hội có nhiều con đường để nên thánh, được đúc kết từ kinh nghiệm của một vị thánh nào đó: Phanxicô, Đaminh, Tê-rê-xa, v.v. Hôm nay, tôi xin chia sẻ với anh chị em một điểm rất đặc biệt trong linh đạo của thánh I-nhã Loyola (1491-1556) liên quan đến cái nhìn về cuộc đời, về công việc và về tình yêu. Cái nhìn này được thể hiện trong các bài tập thiêng liêng gọi là “linh thao”. Đây là kinh nghiệm rất sâu xa của thánh I-nhã được Chúa dẫn dắt trong một thời gian dài.
Trong anh chị em, chắc nhiều người đã từng làm linh thao. Dù đã làm linh thao hay chưa, ta cũng có thể ghi nhận rằng mọi người đều có một cuộc đời để sống, với những công việc để làm và cần một tình yêu để được lớn lên trong hạnh phúc. Vấn đề là ta nhìn vào những điều ấy thế nào. Hãy cùng xem cái nhìn của thánh Inhã.
1. Cái nhìn về cuộc đời của thánh Inhã được thể hiện trong bài linh thao đầu tiên, đó là bài: Nguyên lý và nền tảng, nguyên văn như sau:
Con người được dựng nên để tán dương, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa chúng ta, và nhờ đó cứu rỗi linh hồn mình ; và các sự vật khác trên mặt đất được dựng nên cho con người, để giúp họ trong việc theo đuổi cứu cánh mà vì nó họ được dựng nên. Do đó con người phải dùng chúng chỉ ở trong mức độ chúng giúp họ đạt tới cứu cánh của họ, và phải gỡ mình khỏi chúng trong mức độ chúng cản trở họ đạt tới cứu cánh đó. Vì vậy điều cần là chúng ta làm cho mình trở nên bình tâm đối với mọi vật thụ tạo, trong tất cả những gì dành cho sự tự do chọn lựa của chúng ta và không bị ngăn cấm đối với sự tự do này; đến độ là, về phía chúng ta, chúng ta không muốn sức khỏe hơn bệnh tật, cái giàu hơn cái nghèo, danh vọng hơn nhục nhã, cuộc sống lâu hơn cuộc sống vắn, và cứ như thế đối với mọi sự khác; chỉ ước ao và chọn lựa cái gì dẫn đưa chúng ta hơn tới cứu cánh mà vì nó chúng ta được dựng nên (LT23).
Thưa anh chị em,
Đây đúng là một cái nhìn về cuộc sống. Câu hỏi được đặt ra: “Đâu là ý nghĩa của đời tôi cùng tất cả mọi sự đang có mặt trong thế giới này?” Cái nhìn của thánh Inhã mang tính nền tảng vì nó đưa chúng ta về cội nguồn sự sống là chính Thiên Chúa và mời gọi mỗi người suy nghĩ: Tôi sẽ phải sử dụng mọi sự trong thế giới này thế nào để quy hướng về Người là nguyên lý và cùng đích của tôi? Tôi phải làm thế nào để đạt tới hạnh phúc thật một khi tôi đã được tạo dựng nên với mục đích ấy? Điều này sẽ dẫn tới những chọn lựa trong đời sống hằng ngày. Sự thật căn bản là tôi được tạo dựng nên bởi một Thiên Chúa quyền năng đầy yêu thương và từ đó tôi phải có thái độ xứng hợp với Người. Cái nhìn này ngăn ngừa tôi khỏi tôn mình lên làm chúa, giải phóng tôi khỏi sự mù mờ về nguồn gốc của mình (bởi nhiều người hiện nay vẫn không biết mình từ đâu mà có), đồng thời giúp tôi tương quan với mọi thụ tạo khác cách đúng đắn: yêu thương và tôn trọng anh chị em là quà tặng cho mình, biết dùng mọi sự như phương tiện chứ không nô lệ vào chúng. Tiền bạc, sức khỏe, nhà cửa, thành công, thời gian sống lâu, …dù quí giá đến đâu cũng không phải là mục đích tối hậu của đời tôi, khiến tôi phải tìm kiếm với bất cứ giá nào. Như thế, cái nhìn này đem lại cho mỗi người sự tự do nội tâm thật sâu xa.
Tôi cảm nhận đây thực sự là một luồng sáng cho đời mình. Nếu khi xưa, Isaia đã viết: dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng (Is9,1) và thánh Matthêu đã áp dụng lời đó khi Chúa Giêsu xuất hiện tại Galilê (Mt4,16), thì tôi cũng thấy phần nào giống như thế khi tôi đi làm linh thao lần đầu tiên (năm 1978) và suy niệm về bài nguyên lý và nền tảng của thánh Inhã. Khi ấy, tôi cảm nhận mình được gỡ ra khỏi bao nhiều thứ mình vẫn ôm ấp, được tự do để đi theo tiếng Chúa gọi và lên đường thi hành điều Chúa muốn mình làm.
2. Cái nhìn về công việc theo linh đạo Inhã được diễn tả trong bài cầu nguyện khởi đầu giai đoạn thứ hai của kỳ linh thao; đó là bài Tiếng gọi của Vua thế tục giúp chiêm ngưỡng cuộc đời của Vua Hằng Sống (LT 91-100).
Vấn đề là tìm ra ý nghĩa của những việc tôi làm trong thế giới này, để thấy giá trị nào chi phối những việc làm của tôi. Thánh Inhã đề nghị thao viên chiêm ngắm Chúa Giêsu là Vua Hằng Sống sau khi hình dung ra một vị vua trần gian nào đó mà mình kính trọng và vâng phục. Vị Vua Hằng Sống này chia sẻ ước muốn: “vượt thắng và đánh bại mọi bệnh tật, mọi cảnh khó nghèo, mọi ngu dốt, mọi áp bức và sự nô lệ – tóm lại là mọi sự dữ đang vây kín nhân loại.” Vị vua kêu gọi người đi theo phải chấp nhận thử thách: “Ai muốn theo ta phải bằng lòng ăn uống và mặc như ta v.v., khó nhọc cùng ta ban ngày và tỉnh thức với ta ban đêm v.v., để sau này được dự phần cùng ta trong chiến thắng như đã dự phần với ta trong khó nhọc” (LT 93).
Trong cái nhìn về công việc này, có hai đặc nét là ở với vua và làm việc với vua. Trước hết, Vua Kitô kêu gọi chúng ta đến ở với Ngài. Đây là điểm thiết yếu của tiếng gọi dành cho mỗi chúng ta. “Ở với” bao hàm mọi chi tiết đời sống hằng ngày như chính đời sống của vị vua kêu mời chúng ta: ăn, uống, mặc, ngủ nghỉ,… Đó là lời mời gọi chia sẻ đời sống của Vua Kitô, giống như Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay: “Hãy đi theo tôi” (Mt4,19). Lời này mời gọi môn đệ khuôn mình theo lối nghĩ giống như Thầy, mang lấy cung cách sống của Thầy và từ đó sẽ làm những việc Thầy làm. Các thừa sai đến Việt Nam cách đây 400 năm cũng đã cảm nghiệm được việc ở với vùa Giêsu tại Đất Việt này với một nền văn hóa khác biệt, tiếng nói thì nghe như chim hót chẳng biết làm sao để có thể học được (như lời cha Đắc Lộ chia sẻ trong hồi ký truyền giáo của mình), hoàn cảnh chính trị khó khăn, đường đi vất vả,…
Làm việc với Vua là đặc nét thứ hai của lời mời gọi. Vua Kitô không phải là một vị vua cai trị theo kiểu quyền uy và được trọng vọng, nhưng miệt mài làm việc như người nông phu lao tác trên cánh đồng ướt đẫm mồ hôi. Đích thân Ngài thực thi sứ vụ rao giảng Tin Mừng và chữa lành thế gian. Lời mời gọi của Ngài mang tính cá vị; Ngài muốn từng người chúng ta cộng tác với Ngài. Nếu Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ theo Ngài, để Ngài huấn luyện thành những kẻ lưới người như lưới cá thì chính Ngài đang là thợ lưới người đích thực, đang thi hành sứ mạng nhận lãnh từ Cha. Các vị thừa sai phục vụ trên mảnh đất này đã chia sẻ với Chúa Giêsu thao thức loan báo Tin Mừng nên các ngài không lùi bước khi gặp khó khăn khi thi hành sứ mạng. Nhiều lần bị quản thúc, bị trục xuất, các ngài vẫn kiên trì đến cùng.
3. Cái nhìn về tình yêu được Inhã đặt vào thời điểm cuối cùng của kỳ linh thao, với bài Chiêm niệm để đạt tới Tình yêu, tiếng La Tinh là Ad Amorem (LT 230-237).
Trên hết mọi sự, Thiên Chúa yêu, và Người cũng mời gọi chúng ta yêu Người. Thánh I-nhã dùng hai lưu ý về tình yêu để giới thiệu bài cầu nguyện này:
Thứ nhất: “Tình yêu phải diễn tả bằng việc làm hơn là bằng lời nói”;
Thứ hai: “Tình yêu cốt ở sự trao đổi giữa hai bên…”
Thánh I-nhã nhấn mạnh đến việc làm và sự thông truyền.” Người ta yêu nhau bằng cách chia sẻ những gì họ có, và sự chia sẻ này là một dạng thức của thông truyền. Thiên Chúa không chỉ là Đấng trao ban những món quà. Người muốn bày tỏ cho ta Tình Yêu lớn lao của Người qua những gì Người ban: Người đã và đang tạo dựng nên ta và mọi sự – cả những gì hữu hình lẫn những điều thuộc về tinh thần, đang điều khiển mọi sự để phục vụ cho ích lợi của chúng ta. Tột đỉnh của tình yêu Chúa dành cho ta được tỏ hiện trong cuộc tử nạn của Đức Giêsu. Ở đây, Người chia sẻ chính sự sống của Người, Người ban chính mình Người cho chúng ta, để chúng ta được phục hồi sự sống và hạnh phúc mãi mãi. Thiên Chúa không giữ lại hay giữ riêng điều gì. Người trao hiến hết. Còn gì nữa đâu! Vậy, phần chúng ta, chúng ta sẽ phải làm gì?
Thánh I-nhã mời gọi chúng ta trả lời câu hỏi này bằng việc liên lỉ chiêm ngắm cách Thiên Chúa yêu chúng ta ra sao và từ đó chúng ta cũng biết đáp lại bằng tình yêu nhỏ bé của mình, dâng hiến tất cả những gì mình có cho Người để Người sử dụng cho công trình của Người.
Thưa anh chị em,
Cái nhìn chi phối cách sống của chúng ta. Cái nhìn về cuộc sống, về công việc và về tình yêu như Inhã nhìn giúp biết bao người nên thánh. Tôi tin rằng các thừa sai Dòng Tên đầu tiên phục vụ trên quê hương chúng ta cũng là những người đã thấm nhuần linh đạo này. Các ngài luôn qui hướng về Chúa là nền tảng của đời mình, luôn bình tâm trước mọi tác động của trần gian để chuyên tâm thi hành sứ mạng với tất cả tình yêu. Yêu đến mức khi thân xác không còn ở lại trên đất Việt này mà lòng vẫn muốn ở với anh chị em tín hữu của mình (chia sẻ của cha Đắc Lộ khi phải rời Đàng Trong mà về Áo Môn).
Cuối cùng, để sống linh đạo này, chúng ta hãy đặt cái nhìn của mình vào chính cái nhìn của Chúa Giêsu, Đấng luôn hướng về Chúa Cha là nguyên lý và nền tảng của mình, luôn làm việc Chúa Cha trao phó với tất cả tình yêu. Đặt mình trong cái nhìn của Chúa Giêsu như vậy, chúng ta sẽ nhìn mọi sự đúng như Chúa muốn và cũng sẽ trở nên khí cụ Chúa dùng để phục vụ cho ơn cứu độ của anh chị em mình. Amen.
V.Phạm Đình Khoan, S.J.
(lấy ý từ David L. Fleming, S.J. trong What is ignatian spirituality?, Loyola Press, 2008)