Bài tập Mùa Chay – Bài 26: Bị xét xử

Bài tập 26:

Bị xét xử

 

Vừa tảng sáng, các thượng tế đã họp bàn với các kỳ mục và kinh sư, tức là toàn thể Thượng Hội Đồng. Sau đó, họ trói Đức Giêsu lại và giải đi nộp cho ông Phi-la-tô. Ông Phi-la-tô hỏi Người: “Ông là vua dân Do Thái sao?” Người trả lời: “Đúng như ngài nói đó.” Các thượng tế tố cáo Người nhiều tội, nên ông Phi-la-tô lại hỏi Người: “Ông không trả lời gì sao? Nghe kìa, họ tố cáo ông biết bao nhiêu tội!” Nhưng Đức Giêsu không trả lời gì nữa, khiến ông Phi-la-tô phải ngạc nhiên. Vào mỗi dịp lễ lớn, ông thường phóng thích cho dân một người tù, tùy ý họ xin. Khi ấy có một người tên là Ba-ra-ba, đang bị giam với những tên phiến loạn đã giết người trong một vụ nổi dậy. Đám đông kéo nhau lên yêu cầu tổng trấn ban ân xá như thường lệ. Đáp lời họ yêu cầu, ông Phi-la-tô hỏi: “Các ông có muốn ta phóng thích cho các ông vua dân Do-thái không?” Bởi ông thừa biết chỉ vì ghen tỵ mà các thượng tế nộp Người. Nhưng các thượng tế sách động đám đông đòi ông Phi-la-tô phóng thích tên Ba-ra-ba thì hơn. Ông Phi-la-tô lại hỏi: “Vậy ta phải xử thế nào với người mà các ông gọi là vua dân Do-thái?” Họ la lên: “Đóng đinh nó vào thập giá!” Ông Phi-la-tô lại hỏi: “Nhưng ông ấy đã làm điều gì gian ác?” Họ càng la to: “Đóng đinh nó vào thập giá!” Vì muốn chiều lòng đám đông, ông Phi-la-tô phóng thích tên Ba-ra-ba, truyền đánh đòn Đức Giêsu, rồi trao Người cho họ đóng đinh vào thập giá. – Mác-cô 15:1-15

 

Cảnh Chúa Giêsu bị xét xử trái ngược hoàn toàn với cơn hấp hối của Ngài trong Vườn Dầu trước đó. Ở đây, Chúa Giêsu dường như đã chấp nhận, thậm chí còn trong trạng thái bình tâm: Ngài không còn sợ hãi kinh hoàng như trước đó. Nghịch lý thay, chúng ta không thấy Chúa Cha được nhắc đến, và chính sự vắng mặt rõ ràng ấy lại khiến ta chú ý. Tại sao, vào những lúc ta cần Ngài nhất, Thiên Chúa lại im lặng như thể Ngài không nghe biết gì?

 

Khi suy niệm về sự đau khổ, thánh Gioan Thánh Giá đã mô tả sự cần thiết của “đêm tối linh hồn” – kinh nghiệm về sự vắng mặt của Thiên Chúa:

 

Thật là điều xứng hợp khi xét rằng nếu trí hiểu muốn được kết hiệp với ánh sáng Thiên Chúa và trở nên Thần Thiêng trong tình trạng hoàn thiện, thì trước hết nó phải được thanh tẩy và tiêu hủy ánh sáng tự nhiên nơi mình, và thông qua sự chiêm niệm tối tăm này, thực sự được dẫn vào đêm tối. Sự tăm tối này phải được tiếp tục bao lâu còn cần để loại bỏ và tiêu hủy thói quen mà linh hồn đã hình thành từ lâu trong cách hiểu của nó, và sau đó, ánh sáng và sự soi sáng thần linh sẽ thế chỗ của nó. (Đêm tối Linh hồn, IX.3)

 

Điều Chúa Giêsu cho thấy trong kinh nghiệm bị xét xử là sự sẵn sàng thi hành điều mà Ngài biết Chúa Cha đòi hỏi nơi mình – ngay cả khi điều đó dẫn đến một cái chết đau thương. Đây là hành động đức tin mẫu mực của Chúa Giêsu: tín thác vào Chúa Cha cho đến cùng, ngay cả khi Chúa Cha dường như vắng mặt.

Cầu nguyện

Hãy đọc và suy ngẫm câu chuyện về phiên tòa xét xử Chúa Giêsu và quan sát xem điều gì được khơi dậy trong lòng bạn? Bạn đã hoặc đang phải đối mặt với những thử thách nào? Liệu bạn có tìm thấy một nơi nào đó trong tâm hồn mình, nơi bạn có thể tin tưởng phó thác cho Thiên Chúa như chính Đức Giêsu đã làm không?

Hành động

Trong những ngày sắp tới, hãy dành thời gian để suy ngắm Đàng Thánh Giá. Hãy dành thời gian để suy niệm về con đường thập giá của Chúa Kitô để nhận ra hành trình ấy đã soi sáng thế nào cho những thử thách cụ thể mà bạn đang đối diện.

 

The Ignatian Workout for Lent – 40 Days of Prayer, Reflection, and Action

Phần III: Exercise 26: Trial

Tác giả: Tim Muldoon

Chuyển ngữ: Thục Đoan | CTV JESCOM – Truyền Thông Dòng Tên

Kiểm tra tương tự

Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ nỗi buồn sâu sắc trước thảm họa tại Myanmar, Thái Lan và Hàn Quốc

Hai bức điện tín từ Đức Thánh Cha, được ký bởi Đức Hồng y Quốc …

Tin nhắn Mùa Chay (5) – Bàn về tham lam

Tin Nhắn 5 Mùa Chay BÀN VỀ THAM LAM Tham lam không chỉ thể hiện …