Bài Thương Khó Theo Thánh Matthêu

Như đã nói ở trên, quá trình khai triển sự hiểu biết về mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô đi từ mầu nhiệm Khổ Nạn – Phục sinh ngược lên, nhưng khi viết sách Phúc Âm thì lại đi xuôi từ đầu cuộc sống của Chúa Giêsu.

1-2/ Giêsu – Em-ma-nu-en: Truyền thống rao giảng Tin Mừng trong đó sách Tin Mừng Matthêu được viết ra, đã ngược lên tới thời thơ ấu của Chúa Giêsu, cho thấy Tin Mừng ơn cứu độ không chỉ bắt đầu từ lúc Chúa Giêsu chịu phép rửa (x. Cv 1,21-22), nhưng ngay từ khi thành thai trong lòng Đức Mẹ Đồng Trinh Maria (Tin Mừng thời thơ ấu), Người đã là Đấng Kitô, “Đấng Cứu dân mình hỏi tội lỗi của họ”. Tin Mừng thời thơ ấu theo thánh Matthêu cho thấy toàn thể mầu nhiệm Chúa Giêsu là sự thực hiện lời Thiên Chúa hứa cho tổ phụ Ap-ra-ham và Đavit. Chúa Giêsu vừa là điểm tới của lời hứa ban dòng dõi theo huyết nhục, vừa là khởi đầu mới để lời hứa được thực hiện qua một dòng dõi mới, không phải do huyết nhục nhưng do Thánh Thần. Khi sinh làm người, Chúa Giêsu đã là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” để thiết lập Giao Ước Mới, nhưng khi đã chết và phục sinh để nhận mọi quyền trên trời dưới đất, thì Chúa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế” và muôn dân được vào trong Giao Ước bằng Máu của Chúa, nhờ chịu phép rửa và tuân giữ mọi điều Chúa truyền dạy.

3/ Người tôi tớ đau khổ: Chết và phục sinh là cách Chúa cứu dân mình khỏi tội lỗi của họ. Tại sao lại như vậy? Sách Tin Mừng Mt dẫn chúng ta vào mầu nhiệm này bằng cách vạch cho thấy đó là kế hoạch của Thiên Chúa đã được các ngôn sứ loan báo. Ngay sau bài giảng trên núi (công bố Luật của Giao Ước Mới, chúng ta sẽ trở lại điểm này), Chúa Giêsu bắt đầu chữa lành bệnh tật, vốn được coi là hậu quả của tội lỗi, Mt lý giải bằng cách cho thấy đó là ứng nghiệm lời loan báo về người tôi tớ đau khổ trong sách Isaia 53,4: “Người đã mang lấy các bệnh hoạn tật nguyền của ta”.

Bài ca “người tôi tớ đau khổ” (Is 52,13 – 53,12) được cả bốn sách tin Mừng vận dụng để giải nghĩa cái chết và sự  phục sinh của Chúa, mỗi sách vận dụng một cách khác nhau; Mt trích dẫn rõ ràng ở đây để cho thấy rằng khi chữa lành bệnh tật thì không phải Chúa xua trừ nó, nhưng là mang lấy vào thân mình. Mc theo phong cách khác trong nghệ thuật kể chuyện, không trích dẫn, nhưng kể rằng sau khi đưa tay chạm vào người phong cùi để cho người ấy được lành thì Chúa Giêsu không thể công khai vào thành nào được mà ở lại nơi hoang vắng (thế chỗ người phong cùi!) (Mc 1,45 à Is 53,3). Bài ca này còn chứa nhiều yếu tố khác sẽ được ứng nghiệm trong mầu nhiệm Chúa Giêsu chết và Phục Sinh. Lc dùng như một sơ đồ để viết trình thuật cuộc Thương Khó.

 4/ Người tôi tớ hiền lành: Sau bài giảng về cung cách và số phận của ngươi được sai đi loan báo Tin Mừng (Mt 10), trong đó Chúa Giêsu đã nói đến sự bách hại và điều kiện để làm môn đệ, Mt tiếp tục kể việc Chúa Giêsu đi rao giảng, chữa lành và khi bị chống đối thì Chúa lánh đi và cấm người ta không được tiết lộ Người là ai. Để lý giải thái độ này của Chúa, Mt 12,16-21 trưng dẫn bài ca thứ nhất về người tôi tớ của Thiên Chúa trong Is 42,1-7. Hiền lành, khiêm nhượng, thinh lặng là cung cách của người tôi tớ “không yếu hèn, không chịu phục cho đến khi thiết lập công lý trên địa cầu”. Chúa Giêsu mời gọi “Hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,29-30). Cung cách hiền lành, khiêm nhường và thinh lặng sẽ thể hiện tuyệt vời trong cuộc Thương Khó, qua đó Chúa Giêsu sẽ thực hiện sứ mạng Thiên Chúa trao như được diễn tả trong bài ca: “Ta đã gọi ngươi vì muốn làm sáng tỏ Đức Công Chính của Ta. Ta đã nắm tay ngươi, giữ gìn ngươi và đặt làm giao ước với dân, làm ánh sáng chiếu soi muôn nước, để mở mắt cho những ai mù lòa, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm” (Is 42,6-7). Mt sẽ cho thấy khi chết là lúc Chúa Giêsu đi vào phá ngục tù của cõi chết mà đưa những người bị giam giữ trong đó ra khỏi tù.

 5-6/ Tin Mừng thời thơ ấu của Mt đã có nhiều ám chỉ, so sánh với chuyện Môsê và dân It-ra-en trong sách Xuất Hành. Cấu trúc phần thân của sách Mt gom lời giảng dạy của Chúa Giêsu thành 5 bài giảng, khiến chúng ta không thể không nghĩ tới Ngũ Thư (5 cuốn sách đầu của Cựu Ước) được coi là Luật Giao Ước do Môsê ghi chép. Bài giảng đầu tiên là bài giảng trên núi, trong đó Mt trình bày Chúa Giêsu như là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” để mở miệng dạy dỗ chúng ta: “Thấy đám đông dân chúng, Đức Giêsu lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người mở miệng dạy họ rằng…” (bản dịch CGKPV 1999 – đáng tiếc là lần tái bản năm 2008, nhóm “CGKPV” đã bỏ cách dịch này vốn theo sát bản Hy Lạp, làm mất đi một khía cạnh quan trọng của sự tương phản với cảnh trên núi Xinai như thấy sau đây). 

Quang cảnh và cách Thiên Chúa nói trong sách Xuất Hành 19-20 thật là khác:

Ông Môsê đưa dân ra khỏi trại để nghênh đón Thiên Chúa; họ đứng dưới chân núi. Cả núi Xinai nghi ngút khói, vì Đức Chúa ngự trong đám lửa mà xuống; khói bốc lên như khói lò lửa và cả núi rung chuyển mạnh… Ông Môsê nói và Thiên Chúa trả lời trong tiếng sấm” (Xh 19,17-18).  

Kết quả là: “Khi nghe tiếng sấm sét, tiếng tù và, khi thấy ánh lửa và núi bốc khói, toàn dân sợ hãi run rẩy và đứng xa xa. Họ nói với ông Môsê: “Xin chính ông nói với chúng tôi, chúng tôi mới dám nghe; nhưng xin Thiên Chúa đừng nói với chúng tôi, kẻo chúng tôi chết mất” (Xh 20,18-19).

Lời truyền dạy của Chúa Giêsu là Luật của Giáo Ước Mới. Trong bài giảng này Chúa Giêsu không bãi bỏ luật Môsê nhưng làm cho nó nên trọn vẹn.  Luật Giao Ước Mới được ghi trong lòng, trong tim nên phải tuân giữ tận đáy lòng, phải thực hành với cả tấm lòng chứ không phải chỉ bề ngoài (x. Gr 31,33-34 và Ed 36,25-27).

Mỗi bài giảng đều kết thúc với một câu chuyển tiếp giống nhau:

khi Đức Giêsu giảng dạy những điều ấy xong, đám đông dân chúng sửng sốt” (7,26);

khi Đức Giêsu ra chỉ thị cho mười hai môn đệ xong, Người rời chỗ đó” (11,1);

khi Đức Giêsu kể các dụ ngôn ấy xong, Người đi khỏi nơi đó” (13,53); 

khi Đức Giêsu giảng dạy những điều ấy xong, Người rời khỏi miền Galilê” (19,1);

khi Đức Giêsu giảng dạy TẤT CẢ những điều ấy xong, Người bảo các môn đệ của Người rằng: “Anh em biết còn hai ngày nữa là  đến lễ Vượt Qua, và Con Người sắp bị nộp để chịu đóng đinh vào thập giá” (26,1).

Sau bài giảng trên núi, câu chuyển tiếp nêu phản ứng của dân chúng, cấu trúc tương tự trong sách Xuất Hành, nhưng nội dung khác hẳn:  “Khi nghe tiếng sấm sét, tiếng tù và, khi thấy ánh lửa và núi bốc khói, toàn dân sợ hãi run rẩy và đứng xa xa. Họ nói với ông Môsê: “Xin chính ông nói với chúng tôi, chúng tôi mới dám nghe; nhưng xin Thiên Chúa đừng nói với chúng tôi, kẻo chúng tôi chết mất” (Xh 20,18-19). Còn khi nghe Đức Giêsu thì “đám đông dân chúng sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư của họ” (Mt 7,28-29).  Dân ở núi Xinai nghe sấm sét thì sợ, xin Môsê nói, đừng để Thiên Chúa nói. Kinh sư giảng dạy Luật Môsê, chỉ lặp lại những gì đã nghe chứ không dám nói điều gì mới. Chúa Giêsu giảng dạy như một Đấng có uy quyền, hơn cả Môsê, vì Người là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” để “ngồi trên núi và mở miệng” rao truyền Luật Giao Ước Mới.

Sau bài giảng 2, 3, 4 câu chuyển tiếp nêu sự di chuyển trong không gian: rời chỗ đó, đi khỏi nơi đó, rời khỏi miền Galilê (bản dịch ở đây sát với bản Hy Lạp).

Sau bài giảng thứ năm, câu chuyển tiếp có thêm một yếu tố: TẤT CẢ, và không nêu di chuyển trong không gian, nhưng loan báo biến cố sắp xảy ra: “hai ngày nữa là lễ Vượt Qua và Con Người sắp bị nộp để chịu đóng đinh vào thập giá.” Điều Chúa đã báo trước 3 lần, bây giờ sắp xảy ra: hai ngày nữa.

Câu chuyển tiếp này gợi lại lời ở cuối sách Đệ Nhị Luật: “khi ông Môsê đã nói xong tất cả những lời ấy với toàn thể It-ra-en, thì ông bảo họ…” (32,45).

Nhưng lời Chúa Giêsu bảo môn đệ “hai ngày nữa là lễ Vượt Qua và Con Người sắp bị nộp để chịu đóng đinh vào thập giá” lại gợi nhớ việc lập Giao Ước trong Xh 24,1-8:

Thiên Chúa phán với ông Môsê: “Hãy lên với Đức Chúa…

Ông Môse xuống thuật lại cho dân mọi lời của Đức Chúa và mọi điều luật…

Ông Môsê chép lại mọi lời Đức Chúa…

Sáng hôm sau ông Môsê dạy sớm…Ông Môsê sai các thanh niên trong dân It-ra-en dâng những lễ toàn thiêu, và ngả bò làm hy lễ kỳ an tế Đức Chúa. Ông Môsê lấy một nửa phần máu đổ vào những cái chậu, còn nửa kia thì rảy lên bàn thờ.

Ông lấy cuốn sách Giao Ước đọc cho dân nghe. Họ thưa: “Tất cả những gì Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo.” Bấy giờ, ông Môsê lấy máu rẩy lên dân và nói: “Đây là máu giao ước Đức Chúa đã lập với anh em, dựa trên những lời này”.

 Trình tự diễn biến sau đó đối chiếu sát đoạn sách Xuất Hành:

Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, các môn đệ đến thưa với Đức Giêsu: “Thầy muốn chúng con dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?

Chiều đến, Đức Giêsu vào bàn tiệc với mười hai môn đệ… Rồi Người cầm lấy chén rượu… “Đây là Máu Thầy, Máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội…”

Trong sách Xuất Hành, theo lời Thiên Chúa truyền, ông Môsê lên với Đức Chúa trên núi và “xuống thuật lại cho dân mọi lời của Đức Chúa”.

Trong Tin Mừng Mt 24,1-26,1 chúng ta gặp lại Chúa Giêsu trên núi, lần này thì núi có tên: Chúa Giêsu ngồi trên núi Ôliu, các môn đệ tới gặp riêng Người và thưa: “Xin Thầy nói cho chúng con biết…”

Kết thúc: “khi Đức Giêsu giảng dạy TẤT CẢ những điều ấy xong, Người bảo các môn đệ của Người rằng: “Anh em biết còn hai ngày nữa là đến lễ Vượt Qua, và Con Người sắp bị nộp để chịu đóng đinh vào thập giá”

Khi Chúa Giêsu đổ máu mình ra và chết trên thánh giá, chính là lúc Chúa lập Giao ước bằng Máu của Chúa. Mặc dù trong bản văn Mt Chúa Giêsu chỉ nói Giao Ước, không có chữ “Mới” như trong bản văn Lc, nhưng đây là Giao Ước bằng Máu của Chúa chứ không phải bằng máu  các con vật như ở núi Xinai, và máu này lại đem ơn tha tội nữa, nên đương nhiên là Giao Ước Mới.

7/ Đến đây còn phải chú ý tới một điều trong thân sách Tin Mừng Mt, đó là ba lần Chúa Giêsu báo trước cuộc Thương Khó và Phục Sinh. Mặc dù trong bài giảng về thân phận người được sai đi loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu đã nói đến điều kiện để theo Chúa, trong đó có sự bách hại và sự từ bỏ gia đình, Chúa vẫn chưa nói đến thập giá. Chỉ sau khi thánh Phêrô tuyên xưng “Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa hằng sống”, Chúa mới bắt đầu nói đến viêc Chúa phải lên Giêrusalem và bị giết chết và ngày thứ ba sống lại. Sau đó Chúa nói đến điều kiện để theo Chúa là “từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Như vậy cuộc Thương Khó là con đường Chúa phải đi qua mới nhận được quyền năng của Đấng Kitô Con Thiên Chúa hằng sống. Sau khi Phục Sinh Chúa mới tuyên bố “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất… Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (28,20).

Chết và phục sinh là cuộc tấn phong của Đức Kitô, là sự hiển linh trọn vẹn của “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

(kính mời quý vị xem trang tiếp theo)

Kiểm tra tương tự

Bạn biết gì về Ngai tòa thánh Phêrô?

  Theo truyền thống, chiếc ghế nhỏ này từng được Thánh Phêrô sử dụng khi …

Chúa ơi, bây giờ con phải làm gì ?

  “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc3,10-18)   Trong đoạn Tin Mừng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *