[Bạn đường Đức Giêsu]: Tha thứ

Tác giả: Nguyễn Mai Kha, S.J. – Cao Gia An, S.J. 

Các bạn trẻ thân mến,

“Hạnh phúc thay, kẻ lỗi lầm mà được tha thứ,

người có tội mà được khoan dung.”

(Tv 32,1)

Lời Thánh Vịnh trên đây diễn tả niềm vui và bình an sâu thẳm nơi tâm hồn khi nhận được tình yêu thương tha thứ và hoà giải với Thiên Chúa. Người lỗi lầm nếu có bị lên án thì cũng là lẽ thường tình, nhưng đối với Thiên Chúa, lên án không phải là lựa chọn tốt nhất.

Chuyện xảy ra vào một buổi sáng khi Đức Giêsu đang giảng dạy trong đền thờ, có một nhóm kinh sư và người Pharisêu dẫn đến một phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình. Theo Luật thì người phụ nữ phải chịu ném đá nhưng đây lại là cơ hội tốt để những kinh sư và người Pharisêu đặt Đức Giêsu vào tình huống khó xử. Họ hỏi: “Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” Một câu hỏi nhẹ nhàng có vẻ tỏ lòng khiêm tốn nhưng bên trong lại chứa đầy thâm ý với ý định tìm bằng chứng tố cáo Người.
Khung cảnh hội đường lúc ấy thật căng thẳng, mọi người im lặng chờ đợi. Chị phụ nữ lo lắng và run sợ chờ đợi cái chết nhục nhã đang đến gần, những khi sư và người Pharisêu chờ đợi giây phút Đức Giêsu lỡ lời hay phải bẽ mặt trước toàn dân, những người khác đang lăm lăm những viên đá trong tay chờ đợi được thoả cơn tức giận hay là để hoà vào với đám đông tự cho mình là công chính và có quyền kết án người khác.

Trong cái im lặng chết người ấy, con người đang thách đố Thiên Chúa bằng chính tự do và lựa chọn của mình. Đức Giêsu, Đấng ban tặng sự sống cho con người giờ đây đứng trước lựa chọn cứu sống hay lên án, duy nhất một mình Người là Đấng Công Chính có quyền lên án giờ đây đứng trước nguy cơ bị chính con người tội lỗi lên án. Đức Giêsu cũng đang im lặng chờ đợi, Ngài chờ đợi và hy vọng con người biết nhìn ra yếu đuối của mình hơn là xăm soi lỗi lầm người khác. Im lặng và lấy ngón tay viết trên đất, Đức Giêsu vẫn kiên nhẫn chờ đợi sự thức tỉnh của tâm hồn người ta.

Tin Mừng nói rõ rằng “Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: ‘Ai trong các ông không có tội, thì cứ lấy đá ném chị này trước đi.’” (Ga 8, 7) Đức Giêsu đã không đưa ra ý kiến về câu hỏi của họ, Ngài cũng chẳng kết luận về chị phụ nữ nhưng nhắc nhớ người ta về thân phận con người bất toàn của họ. Chẳng có ai muốn mình bị kết án, và cũng chẳng ai yêu thích kẻ kết án mình. Hơn nữa, thân phận con người bất toàn và yếu đuối, kết án và bị kết án nào có lợi gì, có lẽ chỉ đào sâu thêm ngăn cách và thù hận. Về khía cạnh luân lý, chẳng ai có thể lên án người khác ở vị thế của người công chính, thế nên Đức Giêsu hiểu, thông cảm và muốn hoà giải tất cả mọi người, hoà giải họ với Thiên Chúa và với đồng loại.

Nghe Đức Giêsu nói vậy, họ lần lượt bỏ đi, cũng trong thinh lặng. Từng bàn tay buông rơi viên đá xuống đất, họ cũng để cho lòng mình nhẹ vơi những giận ghét và phẫn nộ. Nhẹ nhàng hơn để thấy rõ bản thân mình, soi vào tấm gương của Đức Giêsu để biết mình nhiều hơn. Họ rút lui trong thinh lặng, không phải cái thinh lặng căng thẳng và chết người như cách đây ít lâu, nhưng là thinh lặng của tâm hồn, của con tim hối cải. Rút lui khỏi việc lên án chị phụ nữ, họ đã tiến một bước trong việc biết mình và hoán cải cõi lòng.

Đám đông bỏ đi hết, Đức Giêsu nói với chị phụ nữ: “Không ai kết án chị sao?” Chị đáp: “Thưa Ngài, không có ai cả.” Đức Giêsu nói: “Tôi cũng vậy, tôi không kết án chị đâu! Chị về đi; từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 7, 10-11) Chắc chắn chị phụ nữ đầy tràn niềm vui và hạnh phúc: vui vì không bị kết án, vui vì chị dường như vừa trở về từ cõi chết; hơn thế nữa, chị hạnh phúc vì được tha thứ, được giao hoà với Thiên Chúa và anh chị em mình. Chị đã trải nghiệm sự việc từ đầu và hiểu rằng hôm nay chị gặp được một vị ngôn sứ, một người không giống ai trong số các kinh sư, người Pharisêu và đám đông kia. Chị đã gặp Đấng Cứu Thế. Đức Giêsu, từ việc là trung tâm của âm mưu lên án, trở thành nguồn của hoà giải và bình an. Đức Giêsu đã không phá bỏ luật Môsê nhưng kiện toàn luật ấy trong tình yêu và tha thứ.

Các bạn thân mến,

Đến với Đức Giêsu, chúng ta cũng thử đặt mình vào vị trí của một người chứng kiến sự việc, một người trong đám đông ấy, để nhìn ngắm dung mạo của từng người. Qua họ, ta cũng có cơ may nhìn ra dung mạo của mình và để được chính Đức Giêsu thánh hoá và làm cho dung mạo ấy trở nên giống Ngài hơn.

Kiểm tra tương tự

Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem

Các mục đồng thờ lạy Chúa (1622). Hoạ Sĩ Gerrit van Honthorst (1592-1656). Tranh được …

Phép màu Giáng Sinh: Cuộc hoán cải của thi hào Paul Claudel

  Vì sao thi sĩ nổi tiếng ấy trở lại đạo Công giáo vào đúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *