Các loại thần khí

 

Thần khí là một năng lực vô hình, mang tính thiêng liêng, vượt khỏi không gian và thời gian, một sức mạnh tự thân có tính siêu phàm, tác động cả bên trong lẫn bên ngoài, có sức mạnh đẩy con người phải làm theo và có thể bị lệ thuộc hoàn toàn.

Trong đời sống tâm linh, mỗi Kitô hữu có những lúc phải đối mặt với những thử thách, có thể làm đức tin của con người bị chao đảo, tê liệt hay tắt lịm. Những lúc như thế, con người rất cần phải phân định để biết rõ thần khí nào đang hoạt động nơi linh hồn.

Theo cha Jordan Anmaun, O. P, các thần khí có thể được sắp thành ba loại: thần khí của Thiên Chúa, thần khí của ma quỉ và thần khí của con người. Thiên Chúa luôn hướng chúng ta về điều thiện hoăc trực tiếp hoặc gián tiếp qua các nguyên nhân phụ. Ma quỉ luôn xúi giục chúng ta làm điều xấu, nó hoạt đọng bằng sức riêng của mình hoặc qua vẻ quyến rũ của những sự vật trần thế. Thần khí của con người có thể hướng về điều xấu hoặc điều tốt, tùy theo cá nhân đó trong lẽ phải hay theo những ước muốn vị kỷ.

Như vậy, trong cuộc sống, không thiếu những dạng thần khí, và không phải thần khí nào cũng tốt. Vì thế, phải phân định để thấy được đâu là ý Chúa, đâu là do ma quỷ và đâu là chủ đích của con người.

Người Kitô hữu cần có sự phân biệt đúng đắn và minh bạch, cần một sự chọn lựa dứt khoát, sự lựa chọn mang tính cách quyết định đến cuộc sống hạnh phúc hoặc bất hạnh đời đời.

THẦN KHÍ THIÊN CHÚA

            Theo cha Jordan Anmaun, những đặc điểm sau đây là những dấu hiệu chung của thần khí Thiên Chúa: Chân thật, khiêm tốn, bình an, nghiêm túc, sáng tỏ, ngoan ngoãn, cẩn trọng, tin tưởng, ý ngay lành, dễ phục thiện, kiên tâm trong đau khổ, quên mình, hồn nhiên, tự do tinh thần, tình yêu vô vị lợi, ước muốn theo Chúa Kitô.

Thánh Phaolô phân biệt đâu là sự tác động của Thần Khí tốt và đâu là thần khí xấu. Theo ngài, Thần Khí Thiên Chúa sẽ làm tác sinh điều thiện hảo, ngài nói: “Còn hoa quả của Thần Khí là: Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ. Không có luật nào chống lại những điều như thế. Những ai thuộc về Ðức Kitô Giêsu thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê” (Gl 5: 22-23).

Còn Đức Giêsu nhắc nhở các môn đệ khi phân định để biết được cái gốc nảy sinh vấn đề: “Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì họ biết họ là ai. Ở bụi gai, làm gì có nho mà hái? Trên cây găng, làm gì có vả mà bẻ? Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt. Cây nào không sinh quả tốt, thì bị chặt đi và quăng vào lửa. Vậy, cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai” (Mt 7, 16-20).

Thần Khí Thiên Chúa chính là Thánh Thần của Người, tín hữu nào cũng được lãnh Bí Tích Thêm Sức với 7 Ơn Chúa Thánh Thần:

  1. Ơn Khôn Ngoan: giúp ta phân biệt được phải-trái, thật-hư.
  2. Ơn Hiểu biết: giúp ta hiểu rõ được các Giới Răn của Chúa và của Giáo Hội.
  3. Ơn Lo Liệu: giúp ta biết giải quyết đúng đắn các khó khăn của cuộc sống.
  4. Ơn Sức Mạnh: giúp ta vượt qua mọi khó nguy trong cuộc sống và chu toàn được các bổn phận của mình.
  5. Ơn Thông Minh: giúp ta nhận ra được thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.
  6. Ơn Đạo Đức: giúp ta luôn biết yêu mến và tín thác nơi Chúa và nâng đỡ trợ giúp các anh chị em đồng loại.
  7. Ơn Kính Sợ Thiên Chúa: giúp ta tôn thờ Chúa, kính trọng quyền năng của Người và xa tránh tất cả những điều xúc phạm đến Người.

            Trong đời sống thiêng liêng của kitô hữu có sống đúng và sống theo 7 ơn này không, hay nói cách khác là sống trong Thần Khí Thiên Chúa không?

            Một bài giảng hay, chia sẻ Lời Chúa hấp dẫn, chia sẻ lưu loát đề tài trong đạo… có Thần Khí Thiên Chúa hoạt động không? Thần khí nào đang dẫn dắt? Đó là câu hỏi khi người chia sẻ Lời Chúa cần đặt ra cho chính mình. Cũng như mỗi Kitô hữu khi giữ đạo, sống đạo, hoạt động tông đồ, ăn ở đối xử khi tiếp xúc với mọi người… có Thần Khí của Thiên Chúa ở cùng không? Hay thần khí con người? Ma quỷ?

THẦN KHÍ CON NGƯỜI

Thần khí này xuất phát từ con người với đầy đủ ý chí và tự do của nó, do những dục vọng thúc đẩy với đích điểm là quy chiếu vào mình, thỏa mãn chính mình. Tuy vậy thần khí của con người có thể hướng về điều xấu hoặc điều tốt, tùy theo cá nhân đó trong lẽ phải hay theo những ước muốn vị kỷ.

Đứng ở góc độ con người, những việc tích cực đều đáng ca tụng, nhưng ở góc độ thiêng liêng trong ân sủng của Thiên Chúa nó lại là tiêu cực, vì động lực cho những hành động được dẫn dắt bởi thần khí của con người, do tính khí và mục đích cá nhân.

Một bài giảng rất hay với những kỹ thuật và nghệ thuật thuyết trình, nghe thật sướng tai nhưng không mang lại ích lợi gì cho thính giả thì mất đi cái mục đích của nó, chỉ là mua vui, tìm tiếng khen cho mình. Một bài giảng chiều theo thị hiếu của người nghe, gân guốc trình bày những quan điểm riêng về chính trị, văn hóa, xã hội… mang tính thúc đẩy, đấu tranh, phê phán cũng do thần khí con người dẫn dắt. Một bài giảng dùng Lời Chúa để tìm sự khen ngợi, sự thành công, muốn được nổi tiếng mà không cảm hóa được người tội lỗi, làm cho người tiếp nhận biết tu thân, nhận ra và tin vào tình yêu Thiên Chúa, biết yêu mến Chúa và tha nhân, yêu mến Giáo hội… thì cũng chỉ là thần khí của con người. Một bài giảng với những kiến thức uyên bác, lý luận logic, bố cục chặt chẽ, ngôn ngữ hùng biện, ví von hình tượng… nhưng không trở thành thông điệp của Thiên Chúa có sức lay động và cải biến cải con người, dẫn con người quay về với Thiên Chúa thì vẫn là thần khí mang tính con người.

Trong việc giữ đạo lại mang thần khí của con người còn rõ ràng hơn nữa.

Người phụ trách một cộng đoàn, đoàn thể, làm từ thiện, công tác tông đồ… nhưng làm việc theo tính cá nhân, nhiều tự ái, kỳ thị, theo cảm tính yêu ghét, cầu tiếng khen, sợ bị chê bai, thiếu sự cảm thông, không có khả năng yêu thương và tha thứ, khộng chịu đựng được sự hy sinh và đau khổ, thiếu tinh thần cầu nguyện (sống kết hiệp nội tâm).

Người giữ đạo chỉ ham chuộng những hình thức bề ngoài, tham gia mọi hội đoàn, thích hình thái tổ chức màu mè, trình diễn, với trang phục, tiếng kèn tiếng trống hoành tráng, kinh nguyện rước sách rầm rộ, tiệc tùng tưng bừng, những hình thức kích thích rung động mùi mẫn… trong một nội tâm rỗng tuếch, thiếu sự cầu nguyện đích thực.

Người giữ đạo với kiểu không giống ai (lập dị), với dáng “hàng độc”, một mình một cõi, có ý tách biệt cộng đoàn, làm những chuyện như “thần hiệp” với Thiên Chúa vượt khỏi thế giới trần tục.

Người giữ đạo với kiểu cách chơi trội, chải chuốt trước mọi người (xảo ngôn lịnh sắc), phong thái bệ vệ như nhân vật rất quan trọng (VIP), như người có thế giá trong cuộc sống, như của hiếm trong đạo.

Người giữ đạo nhắm tới những lợi lộc trần thế, như thế giá, chức vụ, vật chất, sự quan hệ, được quan tâm và thăm hỏi… Để được Thiên Chúa ban cho nhiều thành công và may mắn ở đời, chạy theo phép lạ khắp nơi, hy vọng mình được hưởng phép mầu để thoát khỏi những khốn khổ trong cuộc sống.

Người giữ đạo mà ưa chuộng những sự kiện thần bí, tìm những cảm xúc an ủi giác quan qua kinh nguyện, ảo tưởng về mình như được những ơn lạ (đặc sủng), thích chìm đắm trong thế giới nội tâm mang tính u sầu đau khổ, tìm ý Chúa qua những ảo tưởng của đồng bóng…

Có lần hai môn đệ Giacôbê và Gioan thưa Người rằng: “Lạy Thầy, Thầy muốn chúng con khiến lửa bởi trời xuống thiêu huỷ chúng không?” Nhưng Người quay lại, quở trách các ông rằng: “Các con không biết thần trí nào xúi giục mình. Con Người đến không phải để giết, nhưng để cứu chữa người ta” (Lc 9, 51-56).

Tất cả những trường hơp trên đều xuất phát từ “thần khí con người”, nó được thần khí này thúc đẩy và đẫn dắt, bởi vậy ân sủng của Thiên Chúa ban rất ít hoặc không có khi sống và hành động trong cái tinh thần đó.

Thần khí con người còn có những trường hợp tiêu cực do những dục vọng xấu dẫn dắt, dẫn đến nhiều lỗi lầm và tội lỗi khác. Giữ đạo để che mắt thiên hạ, giữ đạo để làm bình phong cho sự phóng túng, tranh chấp, ghét ghen, làm những việc đạo đức để che đậy cho những ý đồ đen tối của mình, mượn danh nghĩa của đạo để đạt mục đích cho danh vọng của mình, để được “làm quan” sai khiến người khác (như nhóm Pharisêu Do Thái)… Thánh Phaolô viết: “Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa.  Những việc do xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy” (Gl 5, 18-21).

 

THẦN KHÍ MA QUỶ

Bản chất của ma quỷ thì: Kiêu ngạo cùng cực. Thù hằn, gian dối, phỉnh gạt. Gian xảo qủy quyệt. Luôn hủy diệt và làm xáo trộn mọi trật tự. Lừa đảo và bất trung, bất tuân. Chia rẽ, bất an, buồn phiền, lo lắng, ngờ vực. Thích thú vì sự dữ, không còn khả năng yêu thương.

Thần khí ma quỷ luôn xúi giục con người làm điều xấu, luôn dẫn dắt con người đi lạc đường qua vẻ quyến rũ của những sự vật trần thế, nó hoạt động bằng sức riêng hoặc qua vẻ quyến rũ của những sự vật và những lợi lộc trần thế đối với những người mê thế gian. Nó còn hiện diện hoặc lợi dụng những tâm hồn mang tính hiếu kỳ bệnh hoạn, cố chấp, dễ chán nản thất vọng, dễ nghi ngờ, tính tự ái và tự cao tự đại (Sự khiêm nhường giả tạo), tính cực đoan, bất tuân phục, không nhẫn nại trong đau khổ, lòng quyến luyến quá mức với sự an ủi giác quan trong việc cầu nguyện, thiếu lòng sùng kính sâu xa với Đức Giêsu và Mẹ Maria, qúa tỉ mỉ bám theo văn bản lề luật và lòng nhiệt thành cuồng tín trong những vấn đề tôn giáo.

Nó luôn mang tính đe dọa, chia rẽ, nói xấu, tính phê phán, nghi ngờ Giáo hội và người khác, đạo đức giả hình và thiếu ngay thẳng, không có lòng Tin Yêu xuất phát từ chân lý Đức Kitô. Chiêu bài của nó đối với người “mộ đạo” là luôn kích thích việc đạo đức cảm tính (tốt xấu căn cứ trên giác quan), lấy Kinh Thánh và Thiên Chúa làm bình phong để dẫn dụ.

Ngày nay cả ngàn giáo phái mới ra đời bao bọc bởi cái thần bí quái dị quanh nó, hàng trăm “sứ điệp” không có cơ sở của Giáo hội và sai lạc giáo lý, tín lý thần học chính thống, tự ý giải thích Kinh Thánh. Họ đội lốt “ánh sáng” từ trời cao đe dọa con người, lên án người khác, phủ nhận hoặc bất tuân Giáo hội. Họ có những phù phép hấp đẫn lôi kéo được những người nhẹ dạ, không nắm vững giáo lý, yếu đức tin, mong giải thoát khỏi cái thực tại. Họ có thể chữa được bệnh tật, làm được những dấu lạ.

Thánh Gioan Tông Đồ cảnh giác các tín hữu: “Anh em thân mến, anh em đừng cứ thần khí nào cũng tin, nhưng hãy cân nhắc các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không, vì đã có nhiều ngôn sứ giả lan tràn khắp thế gian” (1Ga 4,1tt). Và chính Chúa Giêsu cũng đã nhắc nhở các môn đệ phải luôn cẩn trọng trước các ngôn sứ giả, những người không mang trong mình Thần Khí Thiên Chúa, nhưng là thần khí của tên Phản Kitô, nên đừng nghe theo những gì họ nói, nhưng hãy tỉnh táo nhìn hoa quả của các việc họ làm, thì sẽ biết ngay họ là ai và họ thuộc thành phần nào (x. Mt 7,15-23). Và Người nói: “Thật vậy, sẽ có những Kitô giả và ngôn sứ giả xuất hiện, đưa ra những dấu lạ lớn lao và những điềm thiêng, đến nỗi chúng lừa gạt cả những người đã được tuyển chọn, nếu có thể” ( Mt 24,24).

Ngày nay “thủ lĩnh thế gian” đã thống trị, không còn “vô thần duy vật” nữa mà là “hữu thần duy vật”, vì người ta vẫn tin có Thiên Chúa, có thể vẫn còn đến nhà thờ, nhưng lại lấy vật chất để tôn thờ, làm mục đích sống như một cứu cánh thay cho Thiên Chúa. Một thứ duy vật thực tế không cần lý thuyết nào cả, nó chẳng khác gì đang mang trong mình cái thần khí của ma quỷ.

LỜI KẾT

Nhà bác học Pascal nói : “Con người không phải thiên thần cũng không phải ác quỷ, nhưng hễ cho mình là thiên thần thì thành ác quỷ”. Bởi vậy con người luôn bị tác động bởi những dục vọng nơi bản năng, nên sự dữ luôn rình rập gợi mở và thôi thúc. Con người như lạc lõng giữa một cuộc chiến trong nội tâm, nó vừa mang tính siêu nhiên vừa mang tính tự nhiên, vừa tác động nội tại vừa tác động ngoại tại. Đó là sự nhập nhằng giữa thần khí con người và thần khí ma quỷ, đôi khi có cả hai, có khi không thuần túy của con người hoặc của ma quỷ, như trường hợp có người vừa mang bệnh tâm thần vừa bị quỷ ám. Nhưng có tự do, với lương tâm, cộng với ân sủng của Thiên Chúa, con người vẫn phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những chọn lựa của mình: theo thần tà hay theo Thiên Chúa.

Thực tế trong đời sống đạo con người vương mắc rất nhiều, trong mọi chiều kích con người luôn phải chạm trán với nhiều dạng thần khí cùng lúc: thần khí con người, ma quỷ hoặc Thiên Chúa. Bản chất yếu đuối của con người khó vượt thắng nên dễ bị “chìm xuồng” bởi điều xấu do thần khí của ma quỷ hay của con người tác động.

Để phân biệt được đâu là Thần Khí Thiên Chúa, đâu là thần khí của ma quỷ hay con người, phải căn cứ vào Lời Chúa làm kim chỉ nam dẫn đường, là khuôn vàng thước ngọc, là nguồn mạch và là lẽ sống của con người. Mất đi cột trụ này, người phân định sẽ mất phương hướng và lạc đường. Việc phân định các loại thần khí cũng cần được trải nghiệm trong đời sống nội tâm, biết tĩnh lặng để lắng nghe tiếng Chúa trong lương tâm ngay lành, vì không phải con người mà chính Chúa Thánh Thần là tác nhân thôi thúc con người hành động theo Thánh Ý của Thiên Chúa.

Nếu cứ  “vô tư” không chịu suy gẫm và tìm hiểu, đến khi trình diện trước mặt Chúa, mới thấy rằng bao nhiêu năm giữ đạo, làm việc cho cộng đoàn, cho việc hoạt động tông đồ, cho Giáo hội… mà chẳng thấy công phúc đâu, vì đã được hưởng vinh danh trước mặt người đời rồi, chưa kể đã sa vào cạm bẫy của ma quỷ.

Có lẽ không cách gì hơn là sấp mình tha thiết xin Thiên Chúa ban Thần khí của Người lấp đầy sự khốn nạn của mình, vì “Thần khí là mãnh lực của Thiên Chúa, mãnh lực từ trên cao, bổ xuống và xâm chiếm những  cá nhân biến đổi họ thành sức mạnh, thành con người khác, thành hùng mạnh” (1 S 16, 13).

Khi “Thần khí Chúa đã sai tôi đi , sai tôi đi loan báo Tin Mừng. Thần khí Chúa đã thánh hiến tôi. Sai tôi đi, Ngài sai tôi đi…”, con người lúc này có thể “xuất thần”, lúc mà được Thần Khí Thiên Chúa phủ đầy. Để: “Đã đến lúc và chính là lúc này đây, những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật” (Ga 4,23).

Hướng về Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 04/06/2017

Hàn Cư Sĩ

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

   

Kiểm tra tương tự

Xuân phúc ân

    XUÂN Đứng trước thềm Xuân. Cảm nhận hạnh phúc trong tâm hồn, cảm …

Tiếng “ồn”

  Âm thanh là điều kỳ diệu mà cuộc sống đã ban tặng cho chúng …

2 Bình luận

  1. Xin cam on Han cu Si(HCS) da dang 3 loai Than khi cho giao dan cong giao hieu. Xin HCS dang bai day chung toi ” Cach cau nguyen” de duoc Than Khi nhan loi gin giu khoi con dich China virus, tuoi gia co don, ngheo doi.v.v. Rat mong nhan duoc nhung bai doc huu ich cua HCS.
    KY ten
    Nguoi gia that bai

  2. Xin cảm tạ Chúa đã có những con cái Chúa viết và dạy cho mọi người hiểu biết về các loại thần khí, xin Chúa chúc lành cho HCS và cho tất cả chúng con Amen

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *