(Truyện ngắn)
1.
-“Tụi con ở nhà ngoan, đợi mẹ đi kiếm đồ ăn về. Nhớ! Đừng đi chơi lung tung!”
Rồi quay sang dặn dò riêng tôi:
-“Coi chừng các em cho mẹ nha con!”
Mẹ vẫn nhắn với riêng tôi như thế mỗi khi mẹ đi kiếm ăn cho chị em tôi. Nét mặt của mẹ hằn lên nỗi lo khó tả. Dường như mẹ vẫn chưa an tâm khi giao các em cho tôi. Cứ như mẹ sợ trong lúc mẹ đi kiếm ăn thì chúng tôi sẽ kéo bầy đi chơi ở chỗ nào đó đầy hiểm nguy chực chờ mà lũ trẻ chúng tôi không biết trước. Hay… mẹ còn nỗi lo nào khác.
2.
Trước khi mẹ ra đi, chị em chúng tôi tung tăng vẫy đuôi bơi xung quanh chiếc vây đã bạc màu của mẹ. Mẹ mỉm cười trong hạnh phúc. Chợt tôi nhận ra trên người mẹ có một vài chiếc vảy nhỏ sắp rớt ra. Có lẽ đó là hậu quả của cuộc đánh nhau hôm trước với những bầy cá khác để giành con tôm to cho chị em chúng tôi. Nhớ lại hôm đó mẹ đem về con tôm to ngậm trên miệng. Đầu tôm đã sứt ra. Thân hình của mẹ cũng xài xể. Tôi gặng hỏi mẹ chỉ ậm ờ:
– “Không sao đâu con! Mẹ bị trúng nhánh cây. Sẽ nhanh lành thôi!”
Nhưng tôi đủ trí khôn để nhận ra vì sao mẹ lại bị như thế. Hẳn đã có một cuộc chiến sinh tử để có được đồ ăn ngon cho chúng tôi. Mẹ không ăn, chỉ nhìn chúng tôi ăn. Hôm đó, tôi cũng không ăn, chỉ nhìn mẹ thi thoảng giật nhẹ người vì cơn sóng nhẹ dập vào chỗ bị thương.
Mẹ đã bơi đi, làn nước nhè nhẹ đưa mẹ đi xa dần, cho tới khi chúng tôi không còn nhìn thấy mẹ nữa.
3.
Chúng tôi là dòng họ cá linh. Tổ tiên chúng tôi sống ở vùng Biển Hồ Chao Phraya ở Cam-pu-chia và sinh sôi nảy nở rất nhiều ở vùng ấy. Còn đàn cá nhỏ của chúng tôi đây thì được sinh ra ở tận khu vực sông hồ Việt Nam, vì đến mùa đẻ trứng thì trứng cá linh chu du dọc theo bờ sông Mê-kông, bởi thế mà trứng cá trôi dạt vào xứ Việt, nên chúng tôi xem chính mảnh hồ ở xứ Việt là chốn nương mình. Tuy vậy, lòng vẫn hướng về Sông Tổ nơi Cam-pu-chia và thao thức về đấy dù chỉ một chút. Mà… tôi chợt nghĩ nếu được về Sông Tổ mà hạnh phúc vậy, chắc tôi sẽ không quay lại mảnh đất buồn thiu này nữa đâu.
Mẹ cũng không được sinh ra ở Sông Tổ. Mẹ chỉ nghe ông bà ngoại kể lại vì ông bà nhiều lần cùng bầy đàn bơi về Sông Tổ. Ông bà kể nhiều điều cho mẹ nghe. Những câu chuyện ấy dấy lên trong tâm hồn mẹ thao thức về nguồn dù đến hiện tại mẹ chưa được về lần nào. Giờ đây, khi đã làm mẹ của đàn cá con đông đúc, mẹ lại kể cho chúng tôi nghe rằng ở Sông Tổ người ta không đánh bắt cá và các đàn cá cũng sống trong hòa bình với nhau. Trong suy nghĩ của lũ cá nhỏ như chúng tôi đây, chúng tôi đã từng tưởng tượng đến mặt hồ tại Sông Tổ với những bầy cá linh khổng lồ. Hẳn sẽ vui lắm khi thấy bầy đàn của mình sum tụ bên nhau trong những ngày lễ hội. Cũng tuyệt vời biết bao khi không còn mang nỗi sợ lớn rằng sẽ bị những giống cá khác ức hiếp. Khao khát về Sông Tổ – nơi yên bình, chúng tôi vẫn kèo nài mẹ rằng:
-“Mẹ ơi! Chúng con muốn về Chao Phraya!”
Mẹ lấy chiếc vây vỗ lên vây chúng tôi. Mẹ chợt nhìn xa xăm. Đôi mắt lồi to tròn nhìn về xa xăm, mẹ không trả lời gì ngoài câu nói có vẻ không liên quan lắm:
-“Xa lắm con à!”
Mãi sau này tôi mới hiểu yêu cầu của chúng tôi là một hành trình gian khổ. Vượt qua dòng sông Mê-kông nhìn có vẻ yên ắng nhưng trong lòng đầy bão tố. Chưa kể tới những nguy hiểm chực chờ trong quá trình di chuyển khi bị người ta giăng bắt. Giờ đây tôi hiểu câu trả lời của mẹ. Đúng là xa lắm. Lúc ấy chúng tôi buồn tiu nghỉu vì không nghe mẹ trả lời gì thêm. Thấy nét buồn của đàn con, mẹ cũng nói trong nỗi buồn khó tả:
-“Mẹ cũng nhớ Chao Phraya! Nhớ nhiều lắm!”
Nhắc tới chuyện bị những giống cá khác ức hiếp, tôi chợt tủi thân cho nhóm cá linh nho nhỏ nơi sông Việt. Lý do là vì dòng họ chúng tôi có thân hình nhỏ nhắn, to lắm cũng chỉ cỡ hai ngón tay. Trông chúng tôi bơi lội trong dòng nước sông Mê-kông, ai cũng phải trầm trồ khen nét đẹp riêng mà ông Trời ban cho dòng dõi của mình. Những lớp vảy long lanh, lưng màu xám xanh vàng và lường bụng màu bạc trắng lóe sáng khiến bầy cá chúng tôi bơi tới đâu cũng làm lung linh cả khu vực. Chính vì thế người ta còn đặt cho chúng tôi cái tên rất đẹp: cá linh ngư hay cá thủy tinh. Có người, dù trong nghề đã lâu, nhầm chúng tôi với cá chép, nhưng chúng tôi chỉ thuộc họ cá chép chứ không phải cá chép. Nhưng đẹp là một chuyện, còn nguy hiểm rình rập vẫn là chuyện khác. Những công cụ đánh bắt luôn chờ sẵn dưới những dòng nước trong ngần. Dù chúng tôi có nhanh đến cách mấy cũng không thoát được. Vài tuần trước đây, ba của chúng tôi cũng đã bỏ mạng vì chính những công cụ đánh bắt quái ác ấy.
4.
Tôi cũng muốn kể về sự ra đi của ba. Trước đây, hồi ba còn sống, ba và mẹ cùng nhau đi kiếm ăn đem về cho chúng tôi. Thành quả sau mỗi lần đi kiếm ăn là những món ăn ngon tuyệt. Những con tôm to khỏe đã đành bó tay với sự đuổi bắt của ba mẹ. Nhiều loại sinh vật phù du mà chúng tôi được ba mẹ chiêu đãi khiến một lần ăn là chúng tôi nhớ mãi. Lúc ấy gia đình tôi vẫn luôn đầy ắp tiếng cười. Những lần đi kiếm mồi của ba mẹ luôn mau chóng và quay về rất sớm. Có ba bảo vệ nên mẹ luôn an tâm và hạnh phúc.
Nhưng… đến một ngày…
-“Anh à! Chúng ta sẽ dẫn các con về Chao Phraya chứ? Ít phải cho các con biết Sông Tổ của mình chứ anh!”
Vấn đề này đã được mẹ nhắc nhiều lần. Lần nào ba cũng đồng tình. Ba đã có lần vượt ngược Mê-kông với các bạn để thăm Chao Phraya. Ba biết những khó khăn trên đường. Có lần ba nói với mẹ:
-“Ừ! Anh đồng ý! Nhưng đợi các con lớn xíu đã em! Các con còn nhỏ quá!”
Mọi khi ba đã trả lời mẹ như thế, nhưng hôm nay sau câu hỏi của mẹ lại không nghe ba hồi đáp gì. Ba thường bơi sau mẹ để bảo vệ mẹ mỗi khi xảy ra chuyện. Nhưng lạ sao hôm nay không nghe tiếng vẫy nước của ba ở phía sau. Mẹ quay lại thì thấy ba đã nằm gọn lỏn trong chiếc lưới cá đang kéo ngược ba về phía sau xa mẹ. Mẹ chỉ vội la toáng lên: “Anh ơi!” rồi bơi nhanh về phía chiếc lưới. Ba nhìn mẹ rưng rức lắc đầu, ra hiệu mẹ đừng đuổi theo nữa, vì họ đánh bắt bằng thuyền máy nên động cơ chạy nhanh lắm, mẹ sẽ không đuổi kịp. Xa xa mẹ chỉ nghe ba nhắn lại: “Lo cho các con. Em bảo trọng!” Hôm ấy mẹ bỏ về một mình buồn hiu. Chúng tôi hỏi: “Ba đâu?” thì mẹ chỉ khóc và khóc. Có khi mẹ chỉ trả lời trong nghẹn ngào: “Ba về Chao Phraya rồi các con à!”
5.
Mẹ thương chúng tôi vô ngần. Từ dạo không còn ba. Mẹ hy sinh biết bao nhiêu cho chúng tôi. Không để chúng tôi tự đi kiếm thức ăn khi còn quá nhỏ. Sự bảo vệ của người mẹ đối với chúng tôi là điều mà tôi cảm nhận rõ nhất. Thi thoảng mẹ dẫn chúng tôi đi kiếm ăn, đa phần là đến những khu vực có những sinh vật phù du, nhưng chủ yếu là nơi ấy không có bóng dáng những chú cá to lớn vốn lăm le xơi tái chúng tôi chỉ trong một lần há miệng. Đến những nơi ấy, mẹ để chúng tôi tự do tung tăng ăn những thứ mình thích. Còn đa phần những lần đi tìm thức ăn, mẹ phải xả thân vào những khu vực nguy hiểm, vốn là những chỗ mà trước đây ba và mẹ hay đến. Chỉ những nơi có nhiều loại cá to tụ tập lại mới có những thức ăn ngon cho đàn trẻ chúng tôi. Đương nhiên mẹ phải tranh đấu với những loài cá to ấy. Cũng vì thế mà mẹ không bao giờ cho chúng tôi đi theo, chỉ một mình mẹ thôi. Tôi chỉ biết mẹ bơi theo một hướng khác với lúc dẫn đàn cá con chúng tôi đi kiếm ăn. Có lần tôi hỏi mẹ kiếm ăn ở đâu, mẹ thỏ thẻ với riêng tôi:
– “Về hướng sông Mê-kông! Về hướng Chao Phraya! Sông Tổ của mình con à!”
Nghe nhắc tới Sông Tổ, tôi sáng mắt lên và muốn thé lên vui sướng, nhưng mẹ kịp đọc suy nghĩ trong đầu tôi rồi vội chặn suy nghĩ ấy:
– “Đợi con đủ khôn lớn, trưởng thành, hẳn về hướng đó con nha! Chao Phraya chỉ xứng đáng với những con người trưởng thành và có trách nhiệm thôi! Hứa với mẹ! Được không con?”
Tôi “Dạ!” với mẹ trong nghẹn ngào.
Trời chạng vạng. Bóng mặt trời đỏ loét in trên mặt hồ. Mẹ chưa về. Đáng như mọi khi thì mẹ đã về rồi. Các em bơi tới bên tôi, em cá út khóc thút thít:
-“Chị ơi! Mẹ chưa về!”
Tôi lấy vây vỗ nhẹ đôi mắt lồi em, nhẹ nhàng trấn tĩnh:
-“Ừ! Ngoan! Xíu mẹ về! Chắc hôm nay được đồ ăn ngon nên mẹ mang vác nặng! Đợi xíu nha em!”.
Hết buổi tối hôm đó, rồi mấy tối nữa, mẹ vẫn chưa về. Mẹ không về nữa. Tôi biết mẹ mình đã … Hẳn mẹ đã trở thành món ăn ngon cho một gia đình nào đó trên bờ sông Mê-kông, hay mẹ đã bơi về Sông Tổ vì nỗi nhớ dịu vợi, mà chắc gì mẹ vượt qua được những dòng cuộn kinh hoàng như thế, hay… giờ đây hồn của mẹ đã ngự về Chao Phraya với ba rồi. Nơi ấy bình yên mà hạnh phúc mẹ nhỉ!
Mặt trời lại dọi. Đàn em tôi buồn thiu. Chúng vẫn chờ mẹ. Tôi nhìn về phía Chao Phraya, nhìn về dòng Mê-kông. Tôi thấy bóng ba mẹ thấp thoáng trong bóng hoàng hôn dọi xuống mặt hồ. Thấy ba và mẹ vẫy gọi chúng tôi. Quay lại nhìn đàn em, tôi mỉm cười. Tôi tự nhủ thầm: “Ba mẹ ơi! Lớn lên rồi chúng con cũng về Chao Phraya! Ba mẹ đợi chúng con nhé!”
Little Stream