Chờ?

“Sao lại phải chờ? Chờ gì?” một người bạn ngoại đạo đặt câu hỏi sau khi nghe tôi giới thiệu về Mùa Vọng. Trong lúc suy nghĩ cách trả lời sao cho hợp lý, vô tình tôi lại nghiệm ra chút gì đó về ý nghĩa của mùa Vọng trong tâm thức của người Ki-tô Hữu. Mùa Vọng không chỉ là sự chờ đợi Đấng Cứu Thế đến trong hình hài của một đứa bé bằng da bằng thịt, cũng không phải mong được hưởng cái bầu không khí se lạnh của mùa Giáng Sinh kéo dài đến tận Tết Dương Lịch và cả Tết Âm Lịch, cũng chẳng phải muốn nghe lại những bài hát Giáng Sinh vui nhộn cho hợp bầu không khí. Trong tĩnh lặng, tôi nghiệm ra rằng mùa Vọng gợi lên cho mỗi người một thực tại của kiếp người, rằng chúng ta thiếu… rất thiếu… và chúng ta chờ mong được khỏa lấp những thiếu thốn ấy.

Thiếu gì? Kể ra những nhu cầu của con người thì chẳng biết bao nhiêu giấy mực mà kể cho hết, nhưng sâu thẳm mùa Vọng muốn nhắc nhớ tôi và bạn về sự thiếu vắng hạnh phúc vĩnh cửu và niềm mong mỏi được hưởng hạnh phúc ấy. Dẫu sao chúng ta vẫn phải công nhận rằng mọi nỗ lực trong cuộc sống của mỗi người đều nhằm mang lại hạnh phúc hoặc cho bản thân hoặc cho một ai đó. Nhưng thực tại là hạnh phúc ấy quá vắn vỏi. Theo dòng thời gian, những vắn vỏi ấy biến mất như chớp mắt và để lại bao nhiêu cảm thức ngậm ngùi. Ai đó mới sống với tôi hạnh phúc hôm qua thì hôm nay đã lìa xa tôi vĩnh viễn. Công việc mới hôm qua suông sẻ thì hôm nay đã gặp trắc trở và thậm chí còn mang hàm oan. Đại dịch mới tưởng đã dập tắt nay lại tiếp tục bùng lên âm thầm mà mãnh liệt… Cứ thế, vui hôm qua rồi buồn hôm nay, xen lẫn những tích cực lẫn tích cực khó diễn tả.

Thực tại đời tôi và bạn là thế. Vì là thực tại nên chúng ta cũng chẳng thể trốn tránh hoặc sợ hãi mà co ro nơi góc tường chờ những thực tại không mong muốn sớm biến đi. Nhưng mùa Vọng lại cho tôi cái nhìn tích cực hơn bởi lẽ mùa ấy mang cho tôi niềm tin vào Đấng Cứu Độ. “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả, nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18) Nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà tôi đã nhận được lời hứa hẹn chắc chắn rằng đời sau của tôi là hạnh phúc vĩnh cửu nếu tôi chân thành sống trọn vẹn Thánh Ý của Thiên Chúa ở đời này. Chính góc nhìn ấy chỉ cho tôi thấy rằng những vui buồn trong cuộc đời không là trò đùa trớ trêu của Tạo Hóa khi xem con người như con rối để điều khiển. Hoàn toàn ngược lại, Thiên Chúa đã mặc cho tôi và bạn một nhân vị cao quý, để chúng ta hiểu rằng mọi biến cố trong cuộc đời đều là những công cụ hữu hiệu giúp chúng ta đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu, chỉ là chúng ta có biết cách sử dụng chúng hay không mà thôi.

Nói thì có vẻ lý thuyết, nhưng thực tế tôi và bạn có bao giờ dám ngồi lại, ngẫm xem có phải trong mỗi người vẫn còn cảm giác thiếu một điều gì đó sâu thẳm mà không thể gọi tên? Có phải mọi nỗ lực hiện tại của bản thân tôi đều có giới hạn nhất định và chóng qua? Và nếu hỏi rằng mong chờ thẳm sâu nhất nơi mỗi người là gì, thì đáp án có phải là một điều gì đó cụ thể mang lại hạnh phúc nhất cho tôi hay ai đó?… Nếu chưa bao giờ lặng lại để suy nghĩ, thì có lẽ mùa Vọng năm nay là dịp để chúng ta ngồi lại…

Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người đã trả lời những suy ngẫm ấy của tôi. Chờ đợi không còn là chờ một em bé sắp được sinh ra để cứu nhân loại, cũng không phải là chờ những bản nhạc hay, những bộ đồ đẹp và thời tiết mát lạnh. Nhưng là chờ… hạnh phúc vĩnh cửu vào một ngày nào đó. Tôi và bạn được mời gọi sống chân thành và triển nở trong ơn gọi làm người và làm Ki-tô Hữu, để xứng đáng với lời mà Chúa Giê-su đã nói: “…anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.”(Lc 21,28).

Cuối cùng, tôi đã có câu trả lời cho bạn của mình – một người bạn ngoại đạo – về nỗi chờ mong cho mình và của bạn. Có thể đáp án không giải đáp tất cả, nhưng cả tôi và người bạn ấy đều được mời gọi hướng về một ngày mai tươi sáng và hạnh phúc. Từng ngày hạnh phúc làm nên từng tháng hạnh phúc. Từng tháng hạnh phúc làm nên từng năm hạnh phúc. Từng năm hạnh phúc dệt thành một đời hạnh phúc. Mong rằng đến phút cuối cuộc đời, cả tôi và bạn sẽ biết mình thiếu gì, chờ gì và biết đích thị rằng mình đã sống hạnh phúc như thế nào.

Little Stream

Kiểm tra tương tự

Phép màu Giáng Sinh: Cuộc hoán cải của thi hào Paul Claudel

  Vì sao thi sĩ nổi tiếng ấy trở lại đạo Công giáo vào đúng …

Bạn biết gì về Ngai tòa thánh Phêrô?

  Theo truyền thống, chiếc ghế nhỏ này từng được Thánh Phêrô sử dụng khi …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *