Chủ đề: Đời Sống Ẩn Dật Của Chúa Giêsu – Linh Thao Trong Kỳ Dịch Covid-19

Bài chiêm niệm  

ĐỜI SỐNG ẨN DẬT CỦA CHÚA GIÊSU

 

Lời Chúa: Lc 2, 39-40; 51-52

 

39 Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê.40 Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.

51 Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.52 Còn Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta.

 

Kinh dọn lòng:

 

Xin cho tất cá ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ qui hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa chí tôn theo cách sống của Chúa Giêsu.

 

Về Lịch sử:

 

Sau khi hạ sinh ra làm người, Chúa Giêsu sống thuộc về một gia đình. Ngài sống vâng phục và hiệp nhất trong gia đình suốt 30 năm với nếp sống âm thầm.

 

Về khung cảnh:

 

Hãy nhìn ngắm một gia đình nghèo ở làng Nadarét, nơi đó có thánh Giuse, Mẹ Maria và Chúa Giêsu. Nhìn các Ngài làm việc mưu sinh như bao người dân làng. Từng người sống bình an, hiệp nhất và luôn giúp đỡ nhau, giúp đỡ mọi người xung quanh.

Rồi mỗi người nhìn ngắm gia đình của mình hôm nay, nơi đó từng thành viên gia đình; người thì làm việc, người học hành, người nghỉ ngơi… Nhìn xem điều gì đang chi phối mỗi người trong gia đình.

 

Về ơn xin:

 

Xin cho con được lòng hiểu biết thâm sâu về Chúa, Đấng đã làm người vì tôi, đã chia sẻ nếp sống giống tôi, để được yêu mến Ngài hơn và bước theo Ngài hơn.

 

Điểm chiêm niệm:

 

Chúa Giêsu sống cuộc sống ẩn dật có phải là để lẫn trốn hay sống ra sao? Chúng ta cùng chiêm ngắm để thấy cách sống của Ngài mà noi theo.

 

1) Theo Tin Mừng, Chúa Giêsu sống 33 năm dương thế, nhưng các sách Tin Mừng phần lớn viết nhiều về Ngài trong 3 năm sứ vụ, còn 30 năm của cuộc sống trước đó chỉ được viết đôi dòng. Thật ngạc nhiên! Ngài là Con Thiên Chúa, mà cuộc sống thật bình dị. Bình dị quá đỗi nên không có nhiều điều để viết. Ngài sống như một kẻ vô danh. Chúng ta chiêm ngắm cuộc sống thanh thoát của Chúa Giêsu và cơn cám dỗ về danh tiếng trong cuộc sống của mình.

 

2) Ngôi Hai Thiên Chúa làm người, nên Chúa Giêsu sống cung cách thuộc về một “phẩm trật” gia đình: “Ngài đi xuống cùng với cha mẹ… và hằng vâng phục các ngài”. Cha mẹ là chủ gia đình, Chúa Giêsu để mình thuộc về và được hướng dẫn. Một sự khiêm tốn, tự hủy. Sống như thế, tự nó là một lời chứng. Chúng ta chiêm ngắm Hội thánh là một gia đình: Thiên Chúa là Cha, Chúa Giêsu là trưởng tử, chúng ta là đàn em đông đúc trong gia đình Thiên Chúa (x. Cl 1,15-20), khởi đi từ sự hạnh phúc trong gia đình riêng của mỗi chúng ta. Có điểm nào gì cần điều chỉnh không?

 

3) Nếp sống gia đình hiệp nhất là ý muốn của Thiên Chúa. Nếp sống này không khoa trương, không kèn trống. Nó là một sự gắn kết thầm lặng bề trong, nhưng có âm vang mạnh mẽ. Nó được phát xuất từ con tim thuộc về nơi mỗi thành viên gia đình. Chúa Giêsu đã sống cuộc sống đậm chất gắn kết này ở mức độ gia tăng: “càng ngày…càng thêm ân nghĩa với Thiên Chúa và người ta”. Hiệp nhất ở dưới trần thế là phản ánh sự hiệp nhất thần linh.

 

4) Dù là Ngôi Hai Thiên Chúa, khi vào trần thế, Chúa Giêsu không chọn lối sống “thần đồng” nổi bật, nhưng Ngài đi con đường của “hạt cải” bé nhỏ, được lớn lên mỗi ngày qua sự chăm bón của người trồng cây, để chim trời có thể đến làm tổ được (x. Mc 4,30-32). Vì thế, Chúa Giêsu cũng học hỏi về mọi phương diện để lớn lên mỗi ngày. Chúng ta chú ý đến những cặp từ được Tin Mừng diễn tả ở mức độ tăng và mở rộng:

 

  • Phương diện thể xác: càng lớn lên – thêm vững mạnh, thêm cao lớn.
  • Phương diện lý trí: khôn ngoan – thêm khôn ngoan.
  • Về nhân đức: được ân nghĩa cùng Thiên Chúa – thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta.

Chúa sẽ không dạy chúng ta điều Chúa không sống. Chúa sống trước, giảng dạy sau. Chúa sống dài, giảng dạy vắn. Nên thánh không phải là điều để nói. Nên thánh là sống. Dù sống ở đâu, hoàn cảnh nào cũng đều nên thánh. Khả năng nên thánh được đặt trong tầm tay của mỗi người. Nên thánh là thấy mình thuộc về Thiên Chúa, không thuộc về thế gian.

 

Tâm sự:

 

Tâm sự với Chúa Giêsu về lối sống của Chúa và của mình.

 

Tâm sự với Mẹ Maria và thánh Giuse về lối sống hiệp nhất và thuộc về nhau.

 

Lm. Antôn Nguyễn Thành Nguyên, SJ.

Kiểm tra tương tự

Cuộc phỏng vấn về Sứ mạng Truyền giáo

Trong bối cảnh của Năm Sứ Vụ – “Cùng Nhau Loan Báo Tin Mừng”, chúng …

Thánh lễ khấn lần đầu của thầy Gioan Vũ Đức Ba

Hôm nay ngày 18 tháng 01 năm 2025, cùng với Giáo Hội hoàn vũ, Dòng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *