Chuyện tình yêu : (10) Có Mẹ Maria cùng đi trên hành trình hôn nhân thập giá

“Hãy tin tưởng vào Mẹ Maria, bạn sẽ thấy phép lạ là gì,” thánh Don Bosco đã khẳng định như thế trong kinh nghiệm đời ngài. Lời của thánh nhân nhắc nhớ vị trí tối quan trọng của Mẹ đối với cuộc đời mỗi người, và cả trong những cuộc hôn nhân thập giá. Câu chuyện tiệc cưới Cana là dẫn chứng kinh điển cho thấy tầm quan trọng của Mẹ Maria trong đời sống lứa đôi, đặc biệt vào những lúc tình vơi “rượu hết”.

Thánh sử Gioan cho biết Đức Giêsu và các môn đệ được mời đến dự tiệc. Mẹ Maria cũng xuất hiện trong tiệc cưới mà chẳng biết lý do. Đây là chi tiết quan trọng. Nếu hiểu tiệc cưới Cana không phải là một hai ngày tiệc nhưng là cả một đời, thử hỏi có mấy người mời Chúa đến chung vui trong chuỗi ngày đại hỷ? Và có mấy ai nhận ra Mẹ cũng hiện diện xuyên suốt những ngày vui?

Mẹ sớm nhận ra tình trạng hết rượu của gia chủ. Mẹ có một con tim bén nhạy và một đôi mắt tinh tường. Mẹ đã không la toáng lên. Mẹ không ồn ào náo động. Mẹ quan tâm mà không tọc mạch, để ý mà không tò mò. Bằng chứng là Mẹ không chạy tới gia chủ để hỏi han, vì những lời ra tiếng vào lúc ấy chỉ khiến người ta thêm bối rối và làm tình hình tệ hơn. Mẹ không tự ý giải quyết khó khăn theo ý mình.

Nhận ra việc “hết rượu” cạn tình trong các gia đình như Mẹ đã khó, hành động như Mẹ lại càng khó hơn. Thật vậy, Mẹ Maria đã chạy đến với Đức Giêsu con Mẹ. Mẹ cầu nguyện, và Mẹ dạy con cái Mẹ cũng hãy biết cầu nguyện. Trong niềm tin bình dân, người ta thường xin cái này cái kia, từ những lợi ích vật chất đến lợi ích thiêng liêng. Khi nghèo khó xin đủ ăn, khi đủ ăn xin giàu có. Khi đau khổ xin niềm vui, khi vui tươi xin hạnh phúc. Khi thất bại xin bình an, khi bình an xin thành đạt. Kể cả việc xin được nên tốt lành thánh thiện, hay xin sự sống đời đời đều là những ơn xin thường ngày con người dâng lên Chúa. Mẹ Maria, ở một “đẳng cấp” khác đã cầu nguyện khác hẳn. Mẹ có xin gì nơi Chúa không? Thưa không! Mẹ chỉ nói : “Họ hết rượu rồi” (Ga 2,3). Mẹ trình bày với Chúa thực trạng của gia chủ. Mẹ không xin. Mẹ không dạy Chúa phải làm gì. Mẹ để Chúa tự ý thực hiện thánh ý Ngài. Thế đó, đôi khi cầu nguyện đơn giản chỉ là chạy đến với Chúa, thủ thỉ với Ngài những chuyện buồn vui và muôn vàn khốn khó trong đời. Vì như Mẹ xác tín, Chúa biết Ngài sẽ phải làm gì để sinh ích cho con cái. Vấn đề cốt lõi là: Tôi cần khiêm tốn chạy đến với Chúa như Mẹ. Thiên Chúa chờ một phản ứng đầy tự do và trách nhiệm của tôi trước khi Ngài ra tay can thiệp.

Người ta thường cố giải quyết khó khăn theo ý mình, nhưng như lời Mẹ dặn : “Người bảo gì, cứ việc làm theo” (Ga 2,5). Chỉ khi bước vào cầu nguyện, chỉ khi để lòng lắng dịu trước những bão tố, chỉ khi biết bộc bạch và phó thác mọi sự trong tay Chúa, tôi mới hy vọng nghe được tiếng Chúa muốn tôi làm gì. Xin đừng quyết định vấn đề trong cơn nóng giận. Xin đừng giải quyết trục trặc trong lúc khổ đau. Xin đừng đưa ra giải pháp trong cảnh dầu sôi lửa bỏng. Điều ta nhận được hầu chắc chỉ là đổ vỡ và thất vọng, bởi vì trong những lúc như thế, cảm xúc vốn dĩ lấn át lý trí tự nhiên khiến ta khó lòng nhận ra điều Chúa muốn.

Như Mẹ Maria,  cầu nguyện một cách giản đơn là rút vào thinh lặng và kể cho Chúa nghe câu chuyện gia đình mình. Chúa sẽ hóa rượu mới, thậm chí hóa dư đầy rượu yêu thương, rượu hy sinh, rượu phục vụ, rượu chung thủy và đủ thứ rượu tốt lành khác cho đời sống lứa đôi. Tin tưởng rằng có Mẹ ở ngay bên, hằng chuyển cầu cho những người con cái đang gặp khốn khó. Lạ lùng thay, Mẹ Maria chiếm một chỗ quan trọng trong đời sống lứa đôi chẳng phải vì chính Mẹ, nhưng Mẹ là đấng trung gian bầu cử cho ta trước tòa Chúa.

Thật ra mỗi một người đều có thể trở thành một Maria mới khi biết để ý quan tâm mái ấm của con cái, bạn bè, xóm giềng. Một sự quan tâm đầy nhân văn và thiêng liêng. Quan tâm vì yêu thương thay vì tò mò, để giúp đỡ thay vì hãm hại, để xây dựng thay vì chia rẽ, để cầu nguyện tìm ý Chúa thay vì muốn người ta theo ý mình.

Tin tưởng vào Mẹ Maria và biết có Mẹ cùng đi trên hành trình đời hôn nhân thập giá. Thật ra, Mẹ không làm phép lạ. Mẹ chỉ kể cho Chúa nghe chuyện đời chuyện người, chuyện của con cái Mẹ, và rồi Mẹ đợi chờ Chúa khiến phép lạ xảy ra.

Jos. Nguyễn Minh Vương, SJ.

 

Kiểm tra tương tự

Sinh Nhật Chúa Giêsu và câu chuyện Giáng Sinh

  Tại sao Sinh Nhật của Chúa Giêsu được gọi là Giáng Sinh?   Thuật …

“Lạy Đấng Emmanuel, xin hãy đến!”: Nỗi khắc khoải và niềm hy vọng trong Mùa Vọng

Người phương Tây thế kỷ 21 – từ Taylor Swift đến Billie Eilish – đã …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *