Có thực sự ta yêu?

tinh yeuĐã không biết bao nhiêu lần ta nghe đến chữ “yêu”. Yêu và được yêu bao giờ cũng là điều ta ao ước. Sống trong tình yêu thương, ta ngập tràn những khoảnh khắc thăng hoa. Ngay tận sâu trong cõi lòng, ta cũng muốn mình yêu, yêu hết mọi người, vì ta biết tình yêu sẽ giải thoát ta khỏi những muộn phiền, buồn bực. Chỉ khi yêu ta mới thấy bình an và có sức mạnh vượt qua tất cả những phong ba của cuộc sống. Ý thức được tất cả những điều này, ta cố gắng xây dựng những tình thân ái với mọi người. Ta cảm thấy vui vì thấy ai cũng hòa nhã với mình và mình cũng chẳng có xích mích gì với ai. Ta có nhiều bạn bè. Những buổi tiệc vui của ta có đầy ắp tiếng cười hân hoan của láng giềng hàng xóm. Ta thậm chí còn không ngại giúp đỡ, hy sinh cho những người khác. Thế rồi, ta an tâm tự nhủ rằng mình đã biết yêu, đã sống trọn vẹn chữ yêu cách tuyệt hảo.

Chúng ta thường bị ru ngủ trong ảo tưởng ấy mà ít khi để ý rằng ta thường chỉ yêu những ai yêu thương mình, tôn trọng mình, thần phục mình, đứng về phía của mình, không gây trở ngại cho mình. Còn người chống đối ta, ghét bỏ ta, gây khó khăn cho ta… cố gắng lắm thì ta cũng chỉ “không ghét” họ thôi, chứ chẳng “yêu” gì cả. Trong nhóm bạn chơi với nhau, những người bạn nào có cùng quan điểm, sở thích, tính cách giống ta, ta thường đối xử với họ tốt hơn và gạt sang một bên những người khác. Ngày hôm trước, ta còn dành cho người này nhiều cảm tình. Ngày hôm sau, người ấy nói hay làm điều gì đó không hợp ý ta, cái nhìn của ta về người đó bỗng dưng đổi khác. Bình thường, ta với người kia chẳng có gì. Nhưng nếu người kia được lòng ai đó hơn, được nhiều người để ý hơn, có được thành công hơn, ta bỗng dưng nổi cơn ghen và cảm thấy bao khó chịu sôi sục trong lòng. Ta có cảm tình tốt với một người, nhưng người này lại đem lòng yêu một người ta không thích. Thế là ta “ghét lây” luôn người mà ta vừa khẳng định là yêu kia…

Thói ích kỷ trong ta vẫn còn đó, lôi kéo ta đến việc chỉ muốn chiếm giữ cho riêng mình mà thôi. Ai cố gắng chiếm giữ điều ta muốn, ta lập tức ghét họ ngay. Sự ghen tuông vẫn còn chế ngự con người ta. Ai có được điều gì ta không có, cũng sẽ không là đối tượng yêu của ta. Cái cao ngạo của ta vẫn còn tiềm ẩn nơi ta. Ta muốn mình phải là nhất, muốn mọi thứ quy về ta, phục vụ ta. Nếu có ai đó trở nên trỗi vượt hơn ta, tình yêu của ta chẳng bao giờ dành cho người ấy. Cái tôi to tướng của ta vẫn còn chiếm đoạt mọi thứ trong ta. Có đời nào ta chịu để mình thua thiệt, chịu thừa nhận mình sai, mình kém cỏi. Ai đụng chạm đến danh dự của mình, buông lời sửa dạy mình, dù lời ấy có đúng đi chăng nữa, cũng sẽ nằm ngoài phạm vi “yêu” của mình thôi. À, hóa ra, ta nghĩ là mình yêu chỉ đơn giản là vì người ta không xâm hại gì đến lợi ích và con người mình. Ta tưởng là ta đã yêu người với con tim quảng đại, nhưng hóa ra là ta chỉ yêu chính ta mà thôi. Còn ích kỷ, ghen tương, kiêu ngạo, còn giữ cái tôi cứng cỏi trong mình, dù có cảm tình tốt với người khác, đó cũng chỉ là một thoáng mong manh của cảm xúc, chứ chẳng thể gọi là yêu theo đúng nghĩa của nó được.

Ai không dám hy sinh, người ấy chưa yêu. Ai chỉ cho đi những gì mình “có”, mà không dám từ bỏ những cái mình “là”, người ấy cũng chưa yêu. Nhưng nếu chỉ là hy sinh cho những người yêu mình, thì vẫn chưa đi đến tận cùng của chữ “yêu” mà Thiên Chúa muốn. Chúng ta tìm thấy dấu chứng về một tình yêu nguyên tuyền nơi Đức Giêsu. Ngài đã xuống thế làm người, rao giảng Tin Mừng rồi chịu chết và phục sinh cho tất cả, không trừ một ai. Ngài ăn uống cả với người giàu lẫn người nghèo. Ngài vào nhà của các bậc chức sắc cũng như những người thu thuế tội lỗi. Ngài ân cần trao ban lời hằng sống của mình cho cả người thương lẫn kẻ ghét Ngài. Ngài xin ơn tha thứ không những cho người đón tiếp Ngài, nhưng còn cho cả những kẻ đang hả hê đóng từng nhát đinh, ghim chặt Ngài vào cây thập giá. Ngài không hề giữ thành kiến về những ai bêu xấu hay vu khống Ngài. Trên thập giá, Giêsu đã đi đến một sự hy sinh tột cùng, là vì tình yêu của Ngài không phải là hời hợt bóng mây, không phải là miệng lưỡi, nhưng là một tình yêu sâu sắc và thực lòng. Đức Giêsu không muốn sống một cuộc sống tầm thường với những trò yêu thương giả tạo. Ngài đã yêu là yêu cho đến cùng, yêu đến khi phải gục đầu xuống.

Một cậu bé kia nuôi một con rùa nhỏ xinh xắn. Hằng ngày, cậu chơi đùa và chăm lo cho nó. Một hôm, cậu phát hiện là con rùa nằm bất động trên sàn, không có dấu hiệu gì của sự sống nữa. Cậu đã khóc lóc rất nhiều. Ông bà, bố mẹ, anh chị thay nhau dỗ dành, nhưng không tài nào khiến cậu thôi khóc và ăn uống trở lại. Cuối cùng, họ đành phải lấy lòng cậu bằng cách đề ra một kế hoạch an táng trịnh trọng cho con rùa. Họ sẽ trang trí căn phòng giống như phòng tang. Rồi sẽ có một cái hòm nhỏ thật xinh xắn để đặt con rùa vào trong. Rồi sẽ có những vòng hoa. Cả nhà sẽ rước hòm con rùa đi một vòng quanh nhà như một hình thức đưa tiễn. Sau đó, bố sẽ đào một cái hố nhỏ trong vườn. Anh sẽ làm một cái bia mộ nhỏ nhắn… Cậu bé thấy hay quá, nên vui vẻ trở lại và không khóc nữa. Khi mọi người chuẩn bị thực hiện những gì đã nói thì bỗng dưng con rùa tỉnh lại. Cả nhà, ai cũng vui mừng vì hóa ra con rùa vẫn còn sống. Họ nghĩ là cậu bé sẽ rất vui, nên nói với cậu. Nhưng trước sự ngạc nhiên của mọi người, cậu bé chẳng có biểu hiện gì là hạnh phúc. Trái lại, cậu còn đề nghị là hãy giết con rùa đi, để kế hoạch “an táng” kia được thực thi vì nó vui hơn.

Tôi đã giật mình khi đọc câu chuyện này. À, hóa ra, cậu bé có yêu quý con rùa đâu. Cậu chỉ yêu những gì làm cậu ta vui mà thôi.

Còn bạn, bạn có thực sự yêu không?

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Kiểm tra tương tự

Sống mùa Vọng cùng “cậu bé trong Tám Mối Phúc”

Sách đề cập trong bài: Một phần tiểu sử và lòng mộ đạo giúp ta …

Đổi mới giáo dục Công giáo tại Học viện Thánh Augustinô

  Khi Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiên của Ngài trong Tin …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *