« Còn anh em, anh em nói Thầy là ai ? » (17.2.2022 – Thứ Năm, sau Chúa Nhật VI Thường Niên)

 

« Còn anh em, anh em nói Thầy là ai ? »
(Mc 8, 27-35)

 

27 Đức Giê-su và các môn đệ của Người đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai? “28 Các ông đáp: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó.”29 Người lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? ” Ông Phê-rô trả lời: “Thầy là Đấng Ki-tô.”30 Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người.

31 Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại.32 Người nói rõ điều đó, không úp mở. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người.33 Nhưng khi Đức Giê-su quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phê-rô: “Xa-tan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”

34 Rồi Đức Giê-su gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.35 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)

 

 

Bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay gồm ba phần thật rõ rệt, và có thể được hiểu theo cấu trúc song song đối xứng như sau:

  1. « Thầy là ai ? »
  2. Giảng dạy về con đường Thương Khó và Phục Sinh

A’. « Ai muốn đi theo tôi… »

Câu hỏi của Đức Giê-su: « Còn anh em, anh em nói Thầy là ai ? » mời gọi mỗi người môn đệ, nghĩa là mỗi người Ki-tô hữu chúng ta, trả lời một cách đích thân (A). Lời nói tuyên xưng Người là ai phải đi đôi với bước chân đi theo Người (C), như thánh Gia-cô-bê mời gọi, trong bài đọc II, đức tin phải đi đôi với hành động (x. Gc 2, 14-18). Và không phải đi theo Người trên con đường mình muốn, nhưng trên con đường Vượt Qua của Người (B).

Xin Chúa làm cho chúng ta, những đã làm cho thánh Phao-lô, hiểu biết và cảm nếm sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa, được thể hiện nơi mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô, để con tim của chúng ta được chinh phục.

1. « Thầy là ai? » (c. 27-30)

a. « Người ta nói Thầy là ai ? »

Với câu hỏi thứ nhất này của Đức Giê-su, các môn đệ đồng thanh trả lời : « Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại». Câu trả lời tuy chưa đúng với điều Người thực sự là trong tương quan với Thiên Chúa và với loài người, nhưng lại diễn tả một cách thật khách quan cách sống của Người, và nhất là phù hợp với con đường qua đó Người bày tỏ căn tính đích thật của mình.

Thật vậy, Người đã hiện diện như thế nào, để cho người ta không đồng hóa Người với một kinh sư, luật sĩ hay quí tộc… nhưng nói về Người như một ngôn sứ ? Như thế, Đức Giêsu đã chọn lựa ứng xử giống như những ngôn sứ đi trước Ngài, đến độ người ta nói Người là Gio-an Tẩy Giả, là Ê-li-a, hay là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại ! Qua đó, chúng ta có thể nhận ra với tâm tình cảm mến, rằng Người đã hòa nhập vào một truyền thống, hay đúng hơn, Ngài xuất phát từ một truyền thống, từ lịch sử, văn hóa, tôn giáo của dân tộc Ngài. Ngài không từ trên trời nhảy xuống cách ngoạn mục, để mọi người thán phục, như ma quỉ gợi ý. Nếu làm thế Ngài, chắc hẳn Ngài cũng sẽ được nhìn nhận là Con Thiên Chúa, nhưng là Con Thiên Chúa theo kiểu của ma quỉ. Ngài đến để hoàn tất, chứ không phải hủy bỏ.

Ngài ứng xử giống với nhiều người đi trước Ngài, như Gioan, như Elia, như Giêrêmia… ; và tất cả đều là ngôn sứ. Như chính Ngài đã nói về mình : « Không một ngôn sứ nào được đón nhận nơi quê của mình ». Số phận của các ngôn sứ loan báo số phận của Đức Giêsu, mà gần Ngài nhất là số phận của Gioan. Theo mặc khải Cựu Ước, Người Tôi Tớ đau khổ là hình ảnh biểu tượng của tất các các ngôn sứ thuộc mọi thời đại. Đức Giêsu đến để hoàn tất cách trọn vẹn và duy nhất thân phận của Người Tôi Tớ đau khổ và cả niềm hi vọng được Thiên Chúa tôn vinh nữa, nơi chính cuộc đời hướng tới mầu nhiệm Vượt Qua của mình. Và chỉ một mình Đức Giê-su mới có thể hoàn tất như thế. Chính vì thế, ngay khi ông Phê-rô trả lời đúng về căn tính của Người, Đức Giê-su nói về mầu nhiệm Vượt Qua và mời gọi Phê-rô và tất cả mọi người đi con đường của mầu nhiệm Vượt Qua.

b. « Còn anh em, anh em nói Thầy là ai ? »

Tuy nhiên, trong tương quan thiết thân với Người, Đức Giê-su mời gọi các môn đệ, và đến lượt chúng ta hôm nay, vượt qua điều « người ta » nói về Ngài đến đi đến điều chính « tôi » nói về Ngài. « Người ta » có thể hiểu là những người nói không đúng hay không đủ về Chúa, nhưng cả những người nói đúng nữa. Nghĩa là chúng ta được mời gọi vượt những công thức có sẵn, hay đúng hơn, đi vào kinh nghiệm thiêng liêng và đích thân, từ đó các công thức được phát biểu. Tương tự như khi chúng ta hát bài tán tụng Magnificat, chúng ta được mời gọi có cùng một kinh nghiệm của Đức Maria, người “Nữ Tì hèn mọn”, về Thiên Chúa và về ân huệ lớn lao và nhưng không của Người.

Vì thế, khi Đức Giêsu đặt câu hỏi thứ hai, cũng cho tất cả các môn đệ, nhưng chỉ có một mình Phê-rô trả lời : “Thầy là Đức Ki-tô của Thiên Chúa”. Trong khi, với câu hỏi thứ nhất, các môn đệ đã đồng thanh trả lời. Như thế, với câu hỏi này, ai cũng cảm thấy mình phải trả lời một cách đích thân ; mỗi người được mời gọi đến một lúc nào đó, không nói theo người khác (cho dù là rất đúng, rất hay), không nói theo công thức có sẵn (cho dù đó là giáo lý, tín lý, là truyền thống), nhưng đích thân công bố Đức Giê-su là ai đối với mình; và khi công bố bằng lời Đức Giê-su là ai đối với mình, mỗi người chúng ta được mời gọi cư ngụ trong câu trả lời của mình, dấn thân trong điều mình nói, đến độ mình và điều mình nói là một ; bởi vì câu hỏi của Đức Giê-su không liên quan đến kiến thức chúng ta có về Ngài, nhưng liên quan đến tương quan thuộc về : « Thầy là ai đối với con, đối với con tim con, đối với cuộc đời, đối với ơn gọi của con ? », « Khi trả lời Thầy là ai, con có đi theo Thầy không, có sẵn sàng thuộc về Thầy suốt đời không ?

Mỗi người chúng ta được mời gọi tự hỏi : Sau bằng đó năm đi theo Chúa trong một ơn gọi, ơn gọi gia đình hay ơn gọi dâng hiến, tôi đã nghe Chúa đặt ra câu hỏi này cho mình chưa ? Và tôi đã trả lời thực sự và dứt khoát cho Chúa chưa? Hay tôi mới chỉ nghe và trả lời giống như mọi người mà thôi, chứ chưa đích thân nghe được tiếng Chúa và đích thân trả lời cho Chúa như một người lớn ? Và nếu như tôi nghe được tiếng Chúa hỏi hôm nay, ở đây và lúc này, tôi trả lời làm sao cho Chúa ? Hay tôi chưa sẵn sàng, và muốn khất lại sau này? Dĩ nhiên, mỗi người chúng ta có thể trả lời như Phêrô: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống”. Nhưng đâu là cách thức Người bày tỏ căn tính thần linh của Người ? Và tôi có đón nhận Người vào trong cuộc đời và nhất là trong những lựa chọn lớn nhỏ của chúng ta không ?

 2. Đức Giê-su dạy các môn đệ về con đường Thương Khó và Phục Sinh (c. 31-33)

Như chúng ta đã nói, sau câu hỏi thâm sâu và riêng tư : « anh em nói Thầy là ai ? », Đức Giê-su bắt đầu dẫn các môn đệ đi sâu hơn vào trong tương quan « thuộc về nhau » với Ngài. Thật vậy, Đức Giêsu bắt đầu dạy các môn đệ: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại”. Đức Giêsu dạy, chứ không chỉ báo trước ; điều này có nghĩa là những gì sẽ xẩy ra cho Ngài không chỉ thuộc bình diện số phận phải đón nhận, nhưng còn là một lựa chọn, một kế hoạch, một mặc khải tuyệt đỉnh của Thiên Chúa. Thật vậy, cuộc Thương Khó và Thập Giá Đức Ki-tô :

  • Mặc khải sữ dữ đang hoành hành nơi con người và cách Thiên Chúa chiến thắng sự dữ.
  • Mặc khải lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người tội lỗi và ban ơn chữa lành.
  • Mặc khải sự thương cảm của Thiên Chúa đối với thân phận con người.
  • Mặc khải thân phận con người không phải là hình phạt và cũng không phải là con đường dẫn đến sự chết, nhưng là đến sự sống, ngang qua sự chết.

Như thế, lời tuyên xưng Đức Giêsu Nazareth là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống phải đi đôi với lựa chọn đi theo Ngài, đi con đường của Ngài. Sau này, Phêrô và các môn đệ đã hiểu ra con đường Thương Khó và đã đi đến cùng con đường Thương Khó của mình. Chúng ta cũng vậy, chúng ta được mời gọi hiểu ra con đường Thương Khó của Đức Giêsu và đảm nhận con đường Thương Khó của mình, con đường Thương Khó của thế hệ mình. Con đường Thương Khó của chúng ta là : nhờ Đức Ki-tô, với Đức Ki-tô và trong Đức Ki-tô, chúng ta đảm nhận đến cùng thân phận làm người của mình, ơn gọi của mình, với tâm tình tín thác vô kiện của người con thảo, được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa Cha.

Thánh Phêrô đã không hiểu bài học của Đức Giêsu, vì thế không thể chấp nhận điều Đức Giê-su giảng dạy về con đường Ngài phải đi: ông kéo riêng Ngài ra và bắt đầu trách Thầy của mình. Như ông Phêrô, chúng ta cũng từng đi theo Chúa, nhưng với dự án hay ước muốn riêng của mình, và lại còn muốn Chúa chấp nhận điều mình muốn. Nhưng đó không phải là đường lối của Thiên Chúa, nhưng của loài người, do Satan xúi dục. Xin cho chúng ta gắn bó thân thiết với Lời Chúa, với Ngôi vị của Chúa, để nhạy bén và cương quyết loại bỏ những tư tưởng và hướng đi không thuộc về Thiên Chúa.

 3. “Ai muốn đi theo tôi” (c. 34-38).

Chúng ta thường hiểu, lời này chỉ dành cho những người đi tu. Nhưng Tin Mừng nói cho chúng ta rằng lời mời gọi này của Đức Giêsu dành cho các môn đệ và cả đám đông nữa. Hơn nữa, ơn gọi Kitô hữu là ơn gọi đi theo Đức Giêsu; vì thế lời này của Đức Giêsu ngỏ với mọi người Kitô hữu chúng ta, sống đời tu, sống đời sống gia đình hay sống đời độc thân. Hơn nữa, và đây là lí do quyết định mang lại cho lời và cho ngôi vị của Đức Giêsu giá trị qui chiếu tuyệt đối: tuy đây là lời mời gọi ngỏ với tự do của mỗi người: “Ai muốn đi theo tôi…”, nghĩa là ai không muốn thì thôi, nhưng lời mời này lại liên quan tất yếu đến sự sống, liên quan đến chuyện sống còn, nghĩa là cứu sự sống hay mất sự sống, liên quan đến con đường dẫn đến sự sống, và như thế liên quan đến lòng khao khát sự sống có nơi mỗi người chúng ta:

Ai muốn cứu sự sống của mình thì sẽ mất;nhưng ai chịu mất sự sống của mình vì tôi và vì Tin Mừng, sẽ cứu được.

Sự sống của chúng ta, dù có cố giữ lấy hay cho đi, thì rốt cục cũng sẽ chấm dứt. Đức Giêsu mời gọi chúng ta lựa chọn con đường cho đi: “hãy từ bỏ chính mình, hãy vác thập giá của mình, hãy chịu mất sự sống của mình vì Ngài và vì Tin Mừng của Ngài”. Cho đi sự sống để nhận lại sự sống, điều này vừa nghịch lí vừa khó sống; ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về những khó khăn này. Tuy nhiên, đó lại là qui luật muôn đời của chính sự sống và ai trong chúng ta cũng biết và thậm chí có kinh nghiệm về qui luật này của sự sống.

  • Đó hạt lúa mì, phải chịu chôn vùi và nát tan, để sinh ra nhiều hạt khác. Và đó cũng là con đường của tấm bánh.
  • Đó là sự cho đi chính bản thân mình của cha mẹ, để sự sống được lưu truyền nơi những người con. Điều đặc biệt đúng theo nghĩa đen nơi những người mẹ; nhất là khi có những người mẹ, hy sinh sự sống của mình để sinh con.
  • Đó là sự hy sinh cuộc đời của các tu sĩ nam nữ, các linh mục để chính Thiên Chúa làm phát sinh ra hoa trái sự sống gấp trăm.

Để cho sự sống được tiếp tục, được sinh sôi, để phục vụ cho sự sống, phải chia sẻ, trao ban, cho đi và hi sinh chính sự sống của mình. Đó chính là qui luật muôn đời của sự sống. Đức Giê-su Kitô, Con Thiên Chúa cũng không đi con đường lạ lùng nào khác ngoài con đường muôn đời của sự sống, nghĩa là con đường của hạt lúa mì: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều…, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại”; và Ngài vẫn trao ban sự sống của mình cho chúng ta hằng ngày trong Thánh Lễ, dù chúng ta có như thế nào.

Như thế, lời của Đức Giêsu không còn chỉ là một lời thách đố tận cùng, nhưng còn là lời của Tin Mừng tận cùng; vì Ngài hứa với chúng ta rằng con đường của hạt lúa mì, qui luật muôn đời của sự sống, chính là con đường đạt tới sự sống, con đường nhận lại sự sống từ chính Nguồn Sự Sống là Thiên Chúa hằng sống. Đó hiển nhiên là lời hứa cho mai sau, nhưng sức mạnh và niềm vui của Sự Sống mới mai sau, đã được chúng ta cảm nghiệm một cách vừa cụ thể vừa sâu xa ngay hôm nay, ngay trong hành vi cho đi vì lòng mến Đức Kitô, vì niềm say mê Tin Mừng của Ngài.

 

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Kiểm tra tương tự

Món Quà Giáng Sinh – Suy tư Tin Mừng CN 4 Mùa Vọng năm C

  Giáng sinh là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong năm đối với phần …

Manna: Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi (21.12 Trước Giáng Sinh – Lc 1,39-45)

Lời Chúa: (Lc 1, 39-45)  39 Hồi ấy, bà Maria lên đường vội vã, đến …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *