Kiến tạo công bình trở thành một thực tại trong thế kỷ XXI

KIẾN TẠO CÔNG BÌNH TRỞ THÀNH MỘT THỰC TẠI TRONG THẾ KỶ XXI 

Raúl González Fabre, S.J

  

Thực thi công bình một cách nghiêm túc

 Trong  bốn mươi năm qua, thân thể tông đồ của Dòng Tên đã nối kết giữa việc bảo vệ đức tin và việc thăng tiến công bình một cách nghiêm túc. Thân thể tông đồ này bao gồm các Giêsu hữu và nhiều người khác, những người cùng chia sẻ nguồn hứng khởi linh đạo Inhã, và đảm đương trách nhiệm trực tiếp cho những công việc và hoạt động của Dòng, hoặc đóng góp vào các công việc và hoạt động này bằng nhiều cách khác nhau. Thuật ngữ thân thể tông đồ ám chỉ đến một số lượng lớn các nhóm đa dạng – có thể thực hiện những nhận xét tổng quát về các nhóm này – đang nỗ lực để nối kết giữa đức tin và công bình, như đã được nhấn mạnh bởi Tổng hội 32: Vì lẽ rằng Tin Mừng hóa là loan báo về một đức tin được thực tế thành hành động yêu thương tha nhân, và thăng tiến công bình là điều không thể thiếu trong loan báo Tin Mừng. Điều đang gặp nguy cơ ở đây là kết quả những nỗ lực tông đồ của tất cả chúng ta (Sắc lệnh 4, 28-29).

 Rõ ràng trong vô số những công việc xã hội của chúng ta, các tạp chí của Dòng đã nói lên những điểm nhấn quan trọng về tư tưởng thần học của chúng ta, những lập trường kinh tế – xã hội, và cả những xung đột chúng ta can dự vào, thỉnh thoảng dẫn đến những hậu quả tai hại. Và nhận thức về sứ mạng này đã được Dòng thực hiện hết sức nghiêm túc. Hơn nữa, điều này có thể là một trong những khía cạnh cơ bản và lâu dài trong hầu hết các công việc của Dòng, kể cả những công việc thoạt nhìn có vẻ như kém “xã hội”. Người đọc có thể tự tìm cho mình một ví dụ thích hợp nhất. Thật hiếm khi chúng ta thấy một trường trung học, đại học, giáo xứ hay một vị linh hướng Dòng Tên nào mà, trong một cách thức, lại không ý thức về hoàn cảnh khốn khó của những người nghèo và những người bị gạt ra bên lề xã hội. Các cơ sở này và những vị linh hướng không ngừng khuyến khích việc phân tích những nguyên nhân dẫn đến hoàn cảnh nghèo khó của người nghèo, người bị gạt ra bên lề, tìm cơ hội để cộng tác và làm việc trực tiếp với họ, đồng thời tạo ra những động lực để dấn thân sâu hơn vào những cam kết xã hội – kinh tế.

Đây là cách thế trước hết qua đó chúng ta nghiêm túc giải quyết các vấn đề công bình, và điều này có thể được mô tả là mang tính chủ quan. Sau một thời gian cố gắng và thực hiện nhiều cuộc thảo luận, kể cả những tranh luận nội bộ, chúng ta đã thiết lập vững chắc một cam kết cho công bình, xét như là một đòi hỏi của Tin Mừng. Nói một cách khác, điều này cho thấy chúng ta là ai, và diễn tả kinh nghiệm đức tin của chúng ta. Khía cạnh chủ quan này đã được nói ra và được viết ra nơi nhiều môi trường của các Giêsu hữu trong vài thập kỷ qua

Tuy nhiên, các cuộc tranh luận nội bộ về khía cạnh khách quan của những cam kết của chúng ta diễn ra ít hơn. Điều này đặt ra câu hỏi: “Việc đem lại công bình cho người nghèo bao gồm những điều gì, và làm thế nào để việc này có thể trở thành hiện thực một cách hiệu quả? Trong khi khía cạnh chủ quan chất vấn những cam kết nơi nội tâm chúng ta, thì khía cạnh khách quan  lại hỏi về những kỹ năng mà qua đó, chúng ta mang lại những kết quả thực tế. Vì đây chính là vấn đề của lòng yêu mến, nên mục đích của thăng tiến công bình không nằm trong mỗi người chúng ta, nhưng phải được tìm thấy nơi tha nhân, nơi những nạn nhân của tình trạng bất công. Chỉ diễn tả một sự dấn thân đắc lực thôi thì chưa đủ; bởi lẽ tha nhân cần phải được phục vụ hiệu quả và được nhận lấy sự công bình. Ý hướng ngay lành thôi thì chưa đảm bảo điều gì cả.

Các vấn đề về công bình khách quan luôn được bàn thảo trong tông đồ xã hội, và trong các công việc của những phạm vi tông đồ khác, những phạm vi mà hoạt động của chúng cũng đấu tranh cho những thành quả xã hội – chính trị. Tuy nhiên, như chúng ta đã ít nhiều viết về điều này: chúng ta đã có rất ít cơ hội để trao đổi thông tin và phát triển các ý tưởng của chính chúng ta một cách có hệ thống. Và chúng ta đã ít đạt đến sự đồng thuận về những mục tiêu và phương pháp trong thăng tiến công bình hơn là về những mục tiêu và phương pháp trong những gì liên quan đến những chuyển động thiêng liêng và các biểu tượng tôn giáo.

Điều này sẽ không đến mức quan trọng lớn lao như thế nếu vấn đề công bình, trước hết, có thể được giải quyết ở cấp quốc gia. Cấp độ đưa ra quyết định này, trong mức độ hơn kém, nằm trong tầm tay của các tỉnh Dòng, bên trong các cuộc đối thoại nhận định giữa các Giêsu hữu, tu sĩ và giáo dân, nơi mà mọi người có thể hiểu nhau hơn. Nếu công bình vừa nêu phụ thuộc những sự kiện và những quyết định được thực hiện bên trong mỗi quốc gia, thì Dòng có thể sẽ mãn nguyện trong việc duy trì một cộng đồng toàn cầu ngang qua khía cạnh chủ quan trong cam kết của chúng ta, và chấp nhận những nét đặc trưng rất khác nhau mang tính quốc gia của khía cạnh khách quan trong cam kết này.

Tuy nhiên, thực tế ngăn cản chúng ta không được thỏa mãn với lược đồ này, bởi vì một phần của công bình hay bất công, liên quan đến chúng ta, không ngừng được, hoặc sẽ được xác định rõ ở mức độ toàn cầu. Những xã hội quốc gia chỉ có thể giải quyết những khía cạnh không ảnh hưởng đáng kể đến vị thế của họ trên thị trường này; khi nền kinh tế lâm nguy, các quốc gia sẽ hòa vào thị trường thế giới.

Vì thế, nếu chúng ta muốn đạt được những thành tựu khách quan của công bình một cách nghiêm túc, chúng ta phải xây dựng một tư cách toàn cầu, cùng với hành động có tính xã hội, biện hộ, và quốc gia. Trong lãnh vực khách quan của việc đạt được công bình, chúng ta phải tìm kiếm một nhóm các ý tưởng và niềm tin về cùng một phạm vi như chúng ta đã từng đạt được trong lãnh vực chủ quan của những cam kết nội bộ về công bình. Chỉ trong cách thức này, dấn thân của chúng ta mới có thể đương đầu với thách đố của thời khắc lịch sử này.

 Thời khắc lịch sử của chúng ta

Suốt nửa cuối thế kỷ 20, ở một vài nơi trên thế giới (Tây Âu, Canada, Australia, và tất nhiên cả Hoa Kỳ), dường như người ta đã tìm ra công thức của sự phát triển cân bằng hợp lý mang tính chính trị, xã hội và kinh tế. Công thức này bao gồm: (a) nền kinh tế tư bản chủ nghĩa chủ yếu hoạt động tại các thị trường quốc gia; (b) một nhà nước phúc lợi điều chỉnh các thị trường này và phân phối khoảng 40% tổng sản phẩm quốc gia thông qua việc cung cấp các dịch vụ công cộng phổ quát; và (c) một nền dân chủ đại diện với một sự phân cấp nhất định và phân chia quyền lực, để cai trị nhà nước phúc lợi, và thông qua đó, chi phối các thị trường quốc gia.

Lược đồ này không hề hoàn hảo. Cùng với những thứ khác, lược đồ này bị cáo buộc là đã tạo điều kiện thuận lợi cho tình trạng bóc lột của chủ nghĩa đế quốc lên những dân tộc thuộc Thế giới Thứ ba nhằm duy trì mức sống cao ở những quốc gia phát triển (càng chính xác hơn đối với Hoa Kỳ hoặc Pháp hơn là với Đan Mạch hay Luxembourg), và lược đồ này cũng bị cáo buộc là đã phớt lờ về tình trạng thiếu bền vững về mức độ tiêu thụ liên quan đến sinh thái mà những quốc gia giàu có đang với tay đến. Mặc cho những cáo buộc này, nhiều quốc gia đã nỗ lực để đẩy mạnh sự phát triển bằng con đường chủ nghĩa tư bản dân chủ với một nhà nước phúc lợi; và một vài quốc gia đã thành công.

Lược đồ này dựa trên khả năng của quốc gia nào quản lý thị trường hiệu quả. Các trở ngại cho việc luân chuyển hàng hóa và vốn tư bản đảm bảo phạm vi bên ngoài của mỗi nền kinh tế duy trì giới hạn có tính tương đối, và cho phép sự phát triển của thị trường hàng hóa trong nước dưới sự kiểm soát của các chính phủ quốc gia. Với điều này, việc kiểm soát các thị trường về mặt chính trị trở nên có thể thực hiện được, và ở nơi mà điều này đạt được với những chính sách thể chế lành mạnh và thích đáng, nơi đó sản sinh ra những kết quả kinh tế – xã hội tốt đẹp (tốt hơn bất kỳ chế độ nào mà con người từng biết đến).

Tuy nhiên, chúng ta không còn sống trong thời khắc lịch sử này nữa. Trong khoảng thời gian 30 năm qua, tư bản đã phá vỡ các cấu trúc được xây dựng suốt thế kỷ 20 để điều chỉnh nó. Những quan hệ thị trường đã trở nên được toàn cầu hóa, và trong cấp độ rộng lớn, những quan hệ này đã thoát khỏi sự điều khiển có tính chính trị quốc gia. Các sáng kiến của tư bản không còn chịu sự chi phối của một quốc gia nữa, nhưng được trải rộng ra ở nhiều quốc gia, vì giờ đây các quốc gia đang cạnh tranh để tìm kiếm sự đầu tư. Sự thăng bằng tạm thời đạt được ở một vài nơi trên thế giới vào nửa sau thế kỷ 20 đã dần nghiêng về một bên từ những năm 1980.

Đây không phải là điều đáng ngạc nhiên. Cơ hội đầu tư tư nhân tốt nhất – điều không phụ thuộc vào sự bóc lột của một phe nhóm chiếm ưu thế, việc sử dụng bất hợp pháp thông tin không cân xứng, việc thuê ngoài về giá cả không đúng mức, hay việc đút lót cho các chính trị gia hoặc những công chức nhà nước – được tìm thấy trong những mối quan hệ mà tất cả các bên tự ý tham gia, và hưởng lợi từ các mối quan hệ này. Đây chính là những tình huống cả hai cùng thắng (win-win); với một ít may mắn, những tình huống trong đó tất cả các bên can dự vào đều thắng, và không ai bại cả.

Thiết lập một thị trường thì dễ dàng hơn nhiều so với việc tạo ra những mối quan hệ pháp lý, đặc biệt giữa các nhà nước. Những quan hệ thị trường có thể được tạo ra và được mở rộng với nhiều sự linh hoạt hơn, do đó, nhanh chóng hơn. Việc mua bán chỉ yêu cầu sự thừa nhận về tài nguyên của người khác được chia sẻ và một ngôn ngữ tối thiểu để qua đó hiểu về những thuật ngữ về giao thương. Thậm chí một người có thể thương lượng với nhau mà không có cùng một ngôn ngữ, nhưng thay vào đó là sử dụng các dấu hiệu ngôn ngữ. Những giao dịch thị trường chỉ thiết lập những quan hệ thoáng qua mà đích nhắm đó là trao đổi những đối tượng, không cần biết nhiều đến các phe nhóm khác, không giải bày về mình xa hơn những thời điểm giao thương, và cũng không dấn mình vào bất cứ điều gì xa hơn một thỏa thuận bồi thường đã ký kết.

Ngược lại, những quan hệ pháp lý đòi hỏi một hiểu biết nhiều hơn như thế về phe nhóm kia, thông tri nhiều hơn và có sự ổn định hơn trong các mối quan hệ. Việc trở nên chủ thể của cùng một luật lệ ngụ ý việc chấp nhận những quy tắc và những thủ tục phức tạp, là điều mà tất cả các bên phải có cùng một lối hiểu chung. Những quy tắc này không chỉ có hiệu lực trong hiện tại mà còn cả trong tương lai không xác định. Do đó, những quy tắc này yêu cầu khả năng nói cùng một thứ ngôn ngữ, ít nhất trong tương quan với những hoạt động theo lẽ tự nhiên, hiểu biết về người khác đủ để đánh giá mức độ tin cậy dài lâu của họ, nhận ra họ như là những anh em đồng bào, và ràng buộc mình tuân theo cùng một luật lệ như họ. Những quan hệ pháp lý chiếm nhiều thời gian để thiết lập hơn là những  quan hệ thị trường, và do đó, phổ biến chậm hơn.

Những phát triển về kỹ thuật đã làm cho phát triển về kinh tế có khả năng nhanh chóng như thế nào thì những quan hệ pháp lý cũng đang làm cho toàn cầu hóa nhanh như vậy. Người ta không còn nhìn xa hơn nguồn gốc những sản phẩm đang sẵn sàng bày bán ở bất cứ quầy hàng nào trên khắp thế giới nữa, cho dù quầy hàng đó ở nước giàu hay ở nước nghèo đi chăng nữa. Được cuốn hút bởi những cơ hội phúc lợi gia tăng đến từ phân công lao động quốc tế và chuyên môn hóa trong những lãnh vực về lợi thế so sánh, các quốc gia đã tháo dỡ một lượng lớn các rào cản khiến cho thị trường trùng khớp với các nhà nước quốc gia. Điều này tạo thuận lợi cho dòng vốn tư bản, hàng hóa xuyên quốc gia và các biểu tượng tiêu dùng. Những quan hệ thương mại, khá dễ dàng thiết lập như đã giải thích ở trên, đã trở nên toàn cầu, đem lại một sự tiêu thụ mới và những cơ hội phát triển. Đồng thời, chúng sản sinh ra những năng động lực rất khó kiểm soát, mang đến những rủi ro toàn cầu nghiêm trọng. Các mối quan hệ chính trị, kém linh hoạt hơn nhưng phức tạp hơn, đã không phát triển theo cách thế tương tự.

Do đó, thời khắc lịch sử của chúng ta là một giai đoạn chuyển tiếp. Một lần nữa, tư bản đã thoát khỏi sự kiểm soát của những thể chế chính trị, là những thể chế đã có thể điều chỉnh tư bản trong một cách thức nhằm thúc đẩy phát triển xã hội. Thách thức chủ yếu của giai đoạn này ở chỗ xây dựng những thể chế chính trị toàn cầu để những thể chế này điều chỉnh các quan hệ kinh tế đã được toàn cầu hóa.

Đây không phải là lần đầu tiên, ít nhất là ở phương Tây, chúng ta thấy mình đang đối diện với một thách thức tương tự. Trong suốt những giai đoạn khác của lịch sử, như trong suốt thời kỳ chủ nghĩa tư bản thương mại vào thế kỷ 14 hay với cuộc Cách mạng Công nghiệp vào thế kỷ 18, tư bản đã dẫn đầu trong các thể chế chính trị, tạo ra những năng động lực đem lại sự thịnh vượng, nhưng đồng thời những năng động này cũng sản sinh ra bất ổn và xung đột xã hội nghiêm trọng. Trong mỗi trường hợp, các xã hội chịu sức ép phải lập ra những cấp độ thể chế chính trị cao hơn (liên tục trong những trường hợp này: các nhà nước quốc gia và các nhà nước phúc lợi) để giảm thiểu những tác động bất lợi của các dòng vốn không kiểm soát được, trong khi vẫn bảo tồn những lợi thế của việc mở rộng về hiệu quả, sáng kiến, và sự hợp tác xã hội có tính tích lũy. Ở mỗi ví dụ từ châu Âu, như đã được đề cập ở trên, giai đoạn chuyển tiếp giữa việc nổi lên của chủ nghĩa tư bản và sự kết hợp của những thể chế chính trị với khả năng điều tiết của nó có thời gian xấp xỉ 200 năm.

Mặc cho những tác động mạnh mẽ này xuất hiện vượt xa sự kiểm soát và sự kiến thiết ra những thể chế, những tác động này vẫn cần thiết cho việc sử dụng các thể chế nhằm mang lại một khả năng nào đó, do đó, không có lý do gì để thất vọng cả. Có thể phải mất một hoặc hai thế kỷ làm việc kiên trì mới mong hoàn thành việc xây dựng các cấu trúc thể chế toàn cầu, để qua đó điều chỉnh những hoạt động tư bản xuyên quốc gia trên thị trường toàn cầu.

Vậy điều gì đang đe dọa đến tính năng động của nền kinh tế toàn cầu – và tính năng động của những phạm vi có liên quan với nhau về môi trường hay về dân số học – là nền kinh tế không còn chịu sự chi phối của các hoạt động chính trị của các nhà nước quốc gia nhưng yêu cầu những thể chế chính trị toàn cầu? Các quan điểm được những người hoạt động trong các vấn đề này trình bày chỉ có tính liên kết một cách tương đôi; do vậy, đã đến lúc chúng ta cần đưa ra những ý kiến của những người thông thạo.

 Những vấn đề chưa được giải quyết

Vào năm 2001, Jean-Francois Rischard, một nhà kinh tế học người Luxemburg, và sau đó đã trở thành phó chủ tịch của Ngân hàng Thế giới (Word Bank), đã xuất bản một cuốn sách với tựa đề “Giờ Chính Ngọ: Hai mươi vấn đề toàn cầu hóa, hai mươi năm để giải quyết” (New Yorks: Basic Books) (High Noon: Twenty global problems, twenty years to solve them). Với kinh nghiệm sau gần 10 năm, danh sách về những vấn đề toàn cầu của ông đã giúp đặt ra các cuộc thảo luận. Đó là:

 A. Chia sẻ hành tinh của chúng ta: Những vấn đề liên quan đến lợi ích toàn cầu

 1. Tình trạng trái đất nóng lên

2. Sự tổn thất đa dạng sinh học và hệ sinh thái

3. Việc cạn kiệt nguồn thủy sản

4. Nạn phá rừng

5. Việc thiếu nước sạch

6. Sự an toàn hàng hải và tình trạng ô nhiễm

 B. Chia sẻ nhân loại của chúng ta: Những vấn đề yêu cầu một sự cam kết toàn cầu

 7. Tham gia ngày càng đông trong việc chống nghèo đói

8. Gìn giữ hòa bình, ngăn ngừa xung đột, đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố

9. Giáo dục cho tất cả mọi người

10. Bệnh truyền nhiễm toàn cầu

11. Hố ngăn cách kỹ thuật số

12. Chống và giảm nhẹ thiên tai

 C. Chia sẻ quy chuẩn chung của chúng ta: Những vấn đề cần một sự tiếp cận mang tính điều chỉnh

 13. Đổi mới thuế cho thế kỷ XXI

14. Những quy tắc công nghệ sinh học

15. Kiến thiết tài chính toàn cầu

16. Ma túy

17. Thương mại, đầu tư và điều lệ cạnh tranh

18. Quyền sở hữu trí tuệ

19. Quy tắc thương mại điện tử

20. Lao động quốc tế và các quy định về di trú

 Tùy vào viễn cảnh của mỗi người mà một hay nhiều vấn đề khác có thể được thêm vào hoặc trừ ra khỏi mỗi một đề mục ở trên. Lấy ví dụ, tôi sẽ thêm vào các quyền dân sự và chính trị, điều đã trở nên một vấn đề toàn cầu có khả năng gây ra những bất ổn và tình trạng di trú xuyên quốc gia. Tuy nhiên, Rischard đã tiến đến gần sát mục tiêu của ông ta trong việc cung cấp cho chúng ta một danh sách các vấn đề còn bỏ ngỏ đối với nhân loại, điều mà, không một chút nghi ngờ, đã hình thành nên một xã hội kinh tế và sinh học đơn lẻ, nếu không thì cũng là một xã hội chính trị.

Mỗi một vấn đề này tác động đến ba đặc tính mơ ước của tất cả mọi hệ thống xã hội, bao gồm cả xã hội kinh tế toàn cầu: tính ổn định, tính hiệu quả và tính công bằng. Ba đặc tính này rất quan trọng đối với tính chất bền vững cho sự hiện diện của con người trên mặt đất; có quá nhiều đe dọa bên trong những vấn đề này.

Đây là những vấn đề không thể tách rời của khía cạnh kinh tế. Một mặt, nhiều vấn đề trong số này yêu cầu một sự đầu tư thỏa đáng về tiềm năng trước khi chúng được tập trung vào. Nếu chúng được thực sự coi như là những vấn đề ở cấp độ toàn cầu, chúng ta sẽ cần đến một sự tái phân phối toàn cầu về các nguồn lực có thể so sánh được với những vấn đề đã xảy ra bên trong các nhà nước quốc gia. Mặt khác, giải pháp cho một số những vấn đề này sẽ có kết quả tức thời đối với sự cạnh tranh giữa các quốc gia. Quyết định về một bộ quy tắc sẽ tạo ra kẻ thắng người thua trong một thời gian ngắn, và những quốc gia thấy mình như những người thua cuộc có thể sẽ phản đối bản thỏa ước. Hơn nữa, đa số các vấn đề được Rischard nhấn mạnh liên quan đến các nguồn lực tự nhiên hay những hàng hóa thông dụng, là những điều tác động đến con người về mặt tổng thể. Việc phân chia chi phí và lợi tức từ sự quan tâm dành cho việc quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên này và từ việc sản xuất ra những hàng hóa thông dụng dẫn đến một thách thức khác, một thách đố mà cho đến bây giờ đang còn gây khó khăn cho các quốc gia trong việc đạt đến một thỏa ước chung nhất.

Tóm lại, vấn đề lớn nhất được Rischard xác định chỉ có thể được giải quyết bằng việc xây dựng một năng lực cho hành động toàn cầu tập thể, xây dựng một khả năng về việc nêu lên những khái niệm đã có về chủ quyền quốc gia trong việc ủng hộ những thể chế toàn cầu mới, như đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI yêu cầu (Caritas in Veritate, 67). Nếu chúng ta không thành công trong nhiệm vụ có tính lịch sử này, và các nhà nước quốc gia khép kín chính mình lại để bảo vệ lợi ích trước mắt của họ trong khi một mình nỗ lực giải quyết những vấn đề của mình, thì lúc ấy thảm họa sẽ chờ đón chúng ta, và những xung đột nghiêm trọng về những vấn đề chính yếu toàn cầu sẽ dẫn đến khủng hoảng. Chúng ta chỉ cần nghĩ về khủng hoảng tài chính hiện tại. Khi thiếu vắng các cấu trúc tài chính toàn cầu (ở điểm 15 của Rischard), chúng ta đã không thể tránh được khủng hoảng hiện tại, và chúng ta cũng đã không thể nào kiểm soát khủng hoảng trong suốt bốn năm trở lại đây.

Thời khắc lịch sử của chúng ta đưa ra cho chúng ta một chuỗi những thách đố trong việc hành động vì một nền kinh tế toàn cầu hóa, một nền kinh tế chỉ có thể xây dựng được ngang qua việc xây dựng một chính thể thể chế toàn cầu hóa mới. Đây là việc quan trọng chính yếu của chúng ta. Những thể chế toàn cầu mới này, những thể chế mà nhân loại phải làm việc cật lực để xây dựng trong hàng thập kỷ hay hàng thế kỷ về sau, sẽ yêu cầu một thỏa ước cơ bản dựa trên những khái niệm nền tảng về công bằng phải được đạt tới. Và bất cứ nhóm xã hội nào, giống như của chúng ta, ao ước để giúp cho việc xây dựng những thể chế toàn cầu mới này, phải đề xuất những ý tưởng chặt chẽ và có tính khả thi về một sự công bằng toàn cầu. Hôm nay liệu chúng ta có khả năng làm một việc như thế chăng?

Những Giêsu hữu

Như đã được trình bày sơ qua ở phần trước, chúng ta đã nghiêm túc tự cam kết để thăng tiến công bình như là một phần của ơn gọi loan báo Tin Mừng của chúng ta. Thật là một thành quả có ý nghĩa đối với một thân thể tông đồ rộng lớn và phổ biến như vậy, khi chúng ta có hàng ngàn những sáng kiến nhỏ đã phát triển theo cách riêng và độc dạng, nhằm có thể vươn đến mức độ hòa hợp về mặt linh đạo này. Thành quả này vĩ đại hơn bao giờ hết bởi vì nó bao gồm sự hợp nhất của chiều kích xã hội mạnh mẽ vào trong tất cả những công việc tông đồ của Dòng: giáo dục, mục vụ, trí thức, và tất nhiên cả trong việc huấn luyện cho những Giêsu hữu và những giáo dân cộng sự.

Hoạt động xã hội này của Dòng, trải rộng ra khỏi phạm vi của tông đồ xã hội, có thể được đặc trưng hóa qua việc diễn nghĩa ba khẩu hiệu của Tổ chức Dòng Tên Trợ giúp Người tị nạn (JRS: The Jesuit Refugee Service): đồng hành, phục vụ, và thay đổi.

Đồng hành chỉ về việc một người bước đầu hiện diện cá nhân vào trong thế giới của người nghèo, ở một mức độ hơn kém, để chia sẻ cuộc sống của họ, thậm chí gồm cả việc “rút thăm” với họ, theo như cách diễn tả của Ignacio Ellacuría.

Phục vụ hệ ở việc mang cả những năng lực cá nhân cũng như tập thể của chính chúng ta vào trong việc thăng tiến đời sống cho hành trình sống động của người nghèo. Trên tất cả mọi sự, việc phục vụ của chúng ta dành cho những lãnh vực mục vụ, giáo dục, huấn luyện cộng đồng, tuy đôi lúc bao hàm cả việc trợ giúp kinh tế, những công việc quản trị và tổ chức, trung gian hòa bình…

Hành động cho sự thay đổi (được JRS hiểu như là việc biện hộ (advocacy) trong bối cảnh hoạt động cụ thể của tổ chức này) được nhắm để thay đổi cách thức mà các bên thứ ba có quyền lực hơn đối xử với người nghèo, khi những đối xử này có tính bất công. Đây là khía cạnh có tính chính trị nhất trong hoạt động xã hội của chúng ta, khi nó cố gắng thay đổi các cấu trúc xã hội đã tạo ra và làm lây lan tình trạng bất công; đấu tranh chống lại những ý đồ hợp pháp hóa những cấu trúc này; tìm kiếm những lựa chọn khác nhằm thay thế những thể chế đặt nền cho những cơ cấu này; sửa đổi những mối quan hệ quyền lực về chính trị và xã hội mà những cơ cấu bất công này dựa vào để xây lên và duy trì; giúp đỡ những nạn nhân của bất công còn chưa bị gục ngã tổ chức đời sống của họ; và nâng cao nhận thức của những người đang sống trong xã hội, giới thiệu cho họ những phương thế dấn thân vào trong việc bảo vệ công bình.

Dù có hay không đi chăng nữa, điều này cũng tương tự như khi chúng ta ám chỉ đến việc “vận động hành lang” (lobbying), tùy vào cách hiểu từ ngữ của mỗi người. Như đã được các tổ chức phi chính phủ (NGO) thường sử dụng, “vận động hành lang” giữ kín hơn là tỏ ra cho mọi người thấy sự phong phú của các hình thức và chiều kích của việc tranh đấu xã hội cho công bình, sự tranh đấu mà thân thể tông đồ Dòng Tên được mời gọi dấn thân vào, kể từ thời điểm ra Thông điệp Rerum Novarum (Thông điệp Tân Sự). Xuất phát từ cái nhìn có tính thuyết phục này, “vận động hành lang” đã không thành công trong việc nắm bắt được sự đau đớn của cuộc tranh đấu này: nỗi đau đớn của chúng ta không phải là nỗi đau của những người chết vì vận động hành lang, nhưng là vì công bình. “Vận động hành lang” cũng khơi lên một sự kỹ trị nào đó: những người có chuyên môn đảm nhận những hoạt động và công việc dựa vào sở thích của họ, trong khi đó, những người nghèo sắp xếp đời sống của họ như những nhân vật chính trong hành trình đi tìm tự do.

Càng quan trọng hơn cho lập luận của chúng ta, khi hiểu “vận động hành lang” như một thuật ngữ có thể trở thành một lối tắt chính trị; nó đề ra những vấn đề hơn là những cơ cấu, các phe nhóm có liên quan hơn là xã hội xét như một tổng thể, sự ảnh hưởng trên những quyết định hơn là trên việc tái cấu trúc triệt để khuôn khổ trong đó những quyết định được đưa ra. Như chúng ta đã nói, chúng ta nhận thấy rằng chính các khuôn khổ này đang lần lượt đi vào những khủng hoảng kế tiếp nhau, như đã được chứng minh về sự bất lực của nó trong việc đối mặt với những vấn đề lớn của nền kinh tế toàn cầu, và trong việc phát triển những khái niệm về công bình nhằm có thể giải quyết những thách đố này.

Điều đó không có nghĩa là từ “vận động hành lang”, như cách hiểu thông thường của các tổ chức phi chính phủ, thiếu ý nghĩa hay đang gây ra sự nguy hại nào. Không! Hành động vận động hành lang dựa vào chuyên môn theo bộ phận hay theo khu vực bên trong khuôn khổ quyết định được thiết lập có vị trí của nó trong công việc thay đổi xã hội hướng về sự công bình nhiều hơn. Tuy nhiên, nó chỉ hình thành nên một phần của công việc này, chứ không phải tất cả. Vận động hành lang cũng không hình thành nên bộ phận nào rõ nét, có tính lịch sử nhất: vì nó đáp ứng tốt hơn cho những cơ hội ngắn hạn khác nhau – những kỳ hạn của các kế hoạch đưa ra để gây quỹ – hơn là cho những nhu cầu cơ bản của sự chuyển tiếp có tính lịch sử mà chính chúng ta đang tìm kiếm. Như vậy, hiểu cho đúng thì nếu chúng ta muốn dùng thuật ngữ “vận động hành lang” như từ đồng nghĩa cho thời điểm dành cho sự thay đổi, chúng ta sẽ phải xem xét lại từ này một cách cẩn thận.

Như đã được trình bày sơ qua ở trên, điều cần thiết mang tính lịch sử nhất của chúng ta nằm ở việc xây dựng nên một chính thể được thể chế hóa có tính toàn cầu nhằm có thể ngăn chặn tư bản toàn cầu hóa, điều chỉnh các thị trường đã mở rộng khắp thế giới và làm giảm đi sức mạnh thái quá của chúng vì lợi ích của mọi người. Chính thể thể chế hóa toàn cầu này cần phải được củng cố ngang qua sự vươn xa và qua những khái niệm chặt chẽ về công bình bên trong một cấu trúc pháp lý.

Trong hơn thế kỷ qua, Tông đồ Xã hội của Dòng đã và đang đảm đương lấy những lãnh vực cụ thể hỗ trợ cho công bình. Suốt hầu hết giai đoạn này, quy mô của vấn đề mang tính quốc gia, khi các công cụ và các học thuyết chính trị về công bình được phác thảo ra đều nhắm đến vấn đề này. Tại nhiều nơi, chúng ta đã đạt được tầm ảnh hưởng quan trọng lên các nhà hoạch định quốc gia trong các phạm vi liên quan đến chính trị và quản trị đất nước, và những nhà hoạt động xã hội quần chúng.

Trong những thập kỷ gần đây, những giải pháp hiệu quả cho các vấn đề công bình đã dần vuột ra khỏi tầm với của các nhà nước quốc gia riêng rẽ. Các khái niệm về công bình dựa trên quốc gia, trên những công cụ chính trị các nhà nước quốc gia – hay trên những tổ chức được lập ra nhằm gây ảnh hưởng lên những khái niệm này – không còn có khả năng tập trung vào những vấn đề này nữa. Không chỉ vì chúng thiếu năng lực, tuy thường không hoàn toàn hiệu quả mấy, nhưng bởi vì chúng dựa trên khái niệm về chủ quyền quốc gia, cản trở chủ yếu cho việc thiết lập tất yếu một khuôn khổ thể chế mới. Trong một nền kinh tế toàn cầu đơn nhất, những kết quả nhất định, đáng ao ước ở cấp độ quốc gia, có thể tạo ra bất công, gây tổn hại cho những quốc gia bên ngoài quốc gia đó, và lợi ích quốc gia có thể làm tê liệt hành động tập thể toàn cầu tất yếu.

Việc phân bố thân thể tông đồ của Dòng vào trong các tỉnh thuộc phạm vi quốc gia hay tiểu quốc gia chắc chắn là lý do cho việc chúng ta đã trở nên trì trệ trong việc phát triển những ý tưởng về công bình và về các cơ cấu có tổ chức, là những ý tưởng sẽ mang đến cho chúng ta những cơ hội để đưa ra những đóng góp quan trọng cho giai đoạn hình thành thế giới này. Không phải ngẫu nhiên mà tổ chức của Dòng có JRS, một tổ chức mà thẩm quyền của nó không phụ thuộc vào các tỉnh, có khả năng tốt nhất để thực hiện một bước nhảy vào trong hoạt động chính trị toàn cầu trong lãnh vực hoạt động chuyên biệt của nó. Tuy nhiên, các hoạt động của JRS bị giới hạn trong việc biện hộ theo phạm vi liên quan đến những lợi ích của các nhóm riêng biệt. Lấy ví dụ, JRS không bao quát hết mọi lãnh vực mà các lãnh vực đó nên được lưu tâm nhằm thiết lập một khuôn khổ thể chế toàn cầu mới liên quan đến việc di trú của người nghèo.

Những ai làm việc trong thân thể tông đồ của Dòng trong việc biện hộ theo bộ phận và/hoặc theo phạm vi đang được dẫn dắt bởi công việc của chính họ, thỉnh thoảng với sự lúng túng, nhằm giải quyết những vấn đề toàn cầu, những vấn đề không thể được chú ý bằng việc cộng gộp những lợi ích của các nhóm đang bảo vệ các quyền của họ. Họ phải đối mặt với một xã hội kinh tế toàn cầu, phức tạp hơn nhiều so với các hoàn cảnh quốc gia mà họ đã từng giải quyết. Sự lúng túng này, cũng giống như làm thế nào để tổ chức một xã hội toàn cầu mới, có thể là một cảm giác được tất cả chúng ta chia sẻ, hình thành nên một khởi điểm thuận lợi để từ đó nhắm đến những nhiệm vụ cơ bản phía trước đang chờ đợi chúng ta.

 Kết luận: ba nhiệm vụ cơ bản chúng ta chưa đảm nhận đủ một cách nghiêm túc

 1. Chúng ta phải thừa nhận rằng có một sự gia tăng nhanh chóng những vấn đề công bình và khả năng đương đầu của con người mà đang không được lưu tâm ở cấp độ quốc gia.

 Nếu chúng ta muốn duy trì mức độ năng lực chúng ta chúng ta đã phát triển hơn 100 năm trở lại đây trong việc thăng tiến công bình ở cấp độ quốc gia, chúng ta phải tổ chức chính mình theo một quy mô toàn cầu đối với cuộc đấu tranh vì công bình này. Điều này đòi hỏi một sự thay đổi về não trạng, một sự sẵn sàng để đầu tư một cách nghiêm túc vào những sáng kiến xuyên quốc gia, để tìm ra một hình mẫu được chia sẻ về sự phân định, tổ chức và hành động ở cấp độ quốc tế, và vạch ra một hình thức kết hợp tập trung tất cả những tiến trình này, điều chỉ có thể là ở trung ương Dòng (General Curia), bởi vì chỉ có Bề Trên Cả mới có sứ mệnh cụ thể đối với hoạt động mang tính toàn cầu.

 2. Chúng ta phải thừa nhận rằng những hoạt động biện hộ có tính phạm vi, bộ phận, đặc trưng, v.v. mà chúng ta phát triển ở cấp độ quốc gia, và ở mức độ hơn kém, ở mức độ toàn cầu đã hình thành các bước tiến có giá trị. Tuy nhiên, bên trong chúng chưa đủ năng lực để đáp ứng phạm vi thách đố con người đang phải đối mặt: xây dựng một khuôn khổ thể chế chính trị có khả năng điều chỉnh các thị trường nhằm phục vụ ích chung.

 Đi từ cấp độ quốc gia đến cấp độ toàn cầu không có nghĩa là chỉ mở rộng hay hợp nhất công việc chính trị – xã hội hiện tại của chúng ta, nó cũng có nghĩa là mở rộng hoài bão của chúng ta hướng về việc gây ảnh hưởng hiệu quả lên trên tiến trình đang hình thành nên khuôn khổ chính thể mới này. Khả thể cho việc thăng tiến công bình ở cấp độ bộ phận và phạm vi trong những thế kỷ sắp tới sẽ phụ thuộc chủ yếu vào kết quả của các tiến trình này.

 3. Liên quan tới điều được đề cập ở trên, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng cộng đoàn chúng ta, cộng đoàn có động cơ thiêng liêng (mang tính chủ quan) trong việc ủng hộ thăng tiến công bình mà chúng ta đã đạt được trong thân thể tông đồ phổ quát của Dòng, không thể tự động được chuyển thành một cộng đoàn có khả năng hành động mang tính toàn cầu.

 Trong thực tế, chúng ta thiếu khả năng này. Việc thiếu khả năng này sẽ càng gia tăng khi chúng ta tách mình ra khỏi những hoạt động biện hộ có tính phạm vi hiện tại, và hướng sự quan tâm của chúng ta về tiến trình hình thành khuôn khổ thể chế toàn cầu mới, là điều sẽ quyết định chính sách nào có thể sẽ thực hiện trong tương lai. Động cơ thiêng liêng được chia sẻ của chúng ta xây dựng nên cơ sở cho những giá trị lớn lao, nhưng dù sao nó cũng chỉ là cơ sở. Để làm cho tiến trình này thành hiện thực nhằm đáp lại những thách đố của công bình trong thời đại chúng ta và thực sự thăng tiến tự do cho người nghèo, chúng ta cần xây dựng những khái niệm được chia sẻ về công bình mang tính toàn cầu lên trên những nền tảng thiêng liêng này. Dựa vào những khái niệm này, chúng ta cần kiến thiết những hình thức tổ chức được đề nghị bởi một loạt các nhóm, từ những phong trào xã hội cho đến những đoàn hội, nơi mà những cuộc bàn thảo hình thành nên khuôn khổ thể chế thế giới mới diễn ra.

Dòng Tên có thể và phải cảm thấy sự tầm thường khi đối mặt với sự phức tạp của thế giới, của sức mạnh những thế lực chính trị và kinh tế đang hoạt động bên trong nó, của sự phong phú về thiêng liêng và luân lý của những truyền thống và những nhóm khác nhau…Tuy nhiên, chúng ta không được từ bỏ khát vọng nền tảng là mang lại một nền công bình thực sự về Nước của Thiên Chúa cho người nghèo trên mặt đất, vì sự cứu rỗi cho tất cả. Trong cái nhìn của chúng ta, điều này đòi hỏi chúng ta phải đảm đương lấy ba nhiệm vụ cơ bản này, trước tiên trong phạm vi ý tưởng và thảo luận, sau đó trong phạm vi tổ chức và hành động.

(Philipphê Trần Thanh Minh, S.J chuyển ngữ từ “Raúl González Fabre, S.J – Making justice a reality in the 21st century” trong Promotio Iustitiae no 108, 2012/1)

 

 

Kiểm tra tương tự

Bức tượng cổ: giai thoại và tên gọi

Trong nhà thờ Neumünster ở thành phố Würzburg thuộc miền Bavaria, Nam Đức, có một …

Suy tư TM Chúa nhật Lễ Lá: Tôn thờ một Thiên Chúa chịu đau khổ

Nhiều bạn ngoài Công giáo cảm thấy sốc khi bước vào một nhà thờ, cũng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *