Con người, một huyền nhiệm tồn tại trong Huyền Nhiệm Lớn Hơn

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

Nhớ lại thời còn học triết học ở Muenchen, Đức Quốc, có một giáo sư triết học đã treo trên cửa phòng tấm bích chương với hàng chữ: ”Không có gì là không thể đối với con người”. Tư tưởng này có sức lôi cuốn và đeo bám với những ưu tư và thắc mắc: ”Có thật không? Con người có khả năng làm được và giải quyết được mọi chuyện?”.
Ở một góc đường tại một thành phố của Úc Châu, người bộ hành nào đi ngang qua cũng đều dễ dàng đọc được một tấm bích chương được treo ở bên ngoài một nhà thờ với hàng chữ: ”Với ân sủng của Thiên Chúa, không có gì là không thể đối với con người”.

Hai bích chương ở hai góc trời đã bổ túc cho nhau thật hoàn hảo. Một triết gia với suy tư như vượt trên mọi giới hạn đã đụng tới giới hạn của phận người, khi phận người phải đón nhận những cơn bệnh thập tử nhất sinh, khi con người rơi vào khủng hoảng và bất hạnh mà không có đường ra.

Để lấp đầy cái thiếu xót của suy tư triết lý đó, tinh thần Đức Tin đã đưa vào một xác tín nền tảng như là một bổ túc cần thiết: Với ân sủng của Thiên Chúa, con người có thể vượt qua được những giới hạn mỏng dòn của bệnh hoạn, của khổ đau, để vươn lên và thoát ra khỏi những gì tưởng chừng như đang nhấn chìm con người vào trong đêm đen với đích đến là đau khổ và cái chết thê lương.

”Không có gì là không thể đối với con người”.
”Với ân sủng của Thiên Chúa, không có gì là không thể đối với con người”.
Với hai suy tư trên, chúng ta cùng bước vào bước đường tìm hiểu về con người, một huyền nhiệm, trong tâm tình hướng về với Thiên Chúa, Đấng giàu lòng xót thương, Đấng là đường, là sự thật và là sự sống, Đấng là Huyền Nhiệm lớn hơn.

Con người hỡi, con người là ai?

Tại một nhà thờ ở Đức Quốc, trong thánh lễ mà chúng tôi được đồng tế, có một khunh cảnh của một cuộc quyên góp từ thiện. Hai em gái đứng trước cộng đoàn và làm một cuộc đối thoại. Em thứ nhất đã diễn tả những hình ảnh bất hạnh và đói khổ của các em bé ở Châu Phi, em thứ hai lắng nghe với một thái độ và lời lẽ phê bình về việc giúp từ thiện. Nhưng cuối cùng em thứ hai được thuyết phục, để rồi cùng với bạn mình em ”gật đầu” với tâm tình: thật cần thiết để mở lòng ra chia sẻ và giúp đỡ những phận nghèo sống trong vùng đất hẻo lánh nghèo nàn ở Châu Phi. Sự đồng ý của em đã nối kết với một hình ảnh thật đẹp qua tấm gương soi: Trong cuộc đối thoại, sau khi đã đưa ra những hình ảnh bất hạnh của các em bé ở Châu Phi, hai em lấy một tấm gương soi ra và em thứ hai cầm gương lên, em soi mình vào tấm gương và lúc đó em đã thốt lên: ”Ôi, thật tuyệt vời! Tôi đã nhìn thấy chính tôi”.

”Con người hỡi, con người là ai?” Một câu hỏi và một vấn nạn của muôn người ở mọi góc trời. Em gái sống trong tự do, trong một xã hội văn minh và sung sướng ở Đức Quốc và em bé nghèo khổ bất hạnh sống ở một góc trời nóng nực đói khổ bên Châu Phi gặp nhau ở tại câu hỏi và vấn nạn trên: ”Con người hỡi, con người là ai?”
Câu hỏi về thân phận con người, về căn tính của con người và ý nghĩa đời người luôn làm cho mọi phận người ở trong mọi thời đại phải dằn vặt và suy tư. Cả thế giới văn minh, thế giới chịu ảnh hưởng rất lớn của truyền thông (Medien) hôm nay cũng cố gắng để đưa ra biết bao nhiêu câu trả lời cho vấn nạn trên.

Con người là người có khả năng suy tư, con người là người có khả năng sáng tạo và làm việc, con người là người mang trong mình một khả năng dồi dào và phong phú. Nhưng kế bên đó, con người lại luôn phải chịu ”lép vế” trước những áp lực của kinh tế, của xã hội, của tâm lý và hôm nay là của cả truyền thông.
Nhìn vào dòng đời, có thể thấy hai nhóm người với hai quan điểm khác nhau về con người. Nhóm người đầu tiên, như ông giáo sư là triết gia được nhắc ở trên, mơ tưởng về hình bóng con người thời đại với những kỹ thuật hiện đại có thể làm chủ vũ trũ, mặt trăng, các vì sao trên trời và với truyền thông hiện đại qua internet, mạng xã hội… có thể làm chủ mọi thứ trên trái đất nhỏ bé này, để rồi con người sẽ thực sự đạt tới một đời sống sung túc và bình an. Nhưng đối lại với nhóm người này, có những người khác đọc kỹ lưỡng ”cuốn sách lịch sử nhân loại từ xưa cho đến hôm nay” và họ ”gạch dưới” những biến cố và sự kiện đau thương mà chính con người đã gây ra cho chính mình. Đó là nô lệ và bóc lột, là chiến tranh và nghèo đói, là khủng bố và bất nhân ngay trong thế giới hiện đại hôm nay. Nhóm người thứ hai này đã đặt ra trước mắt giới hạn lớn lao của con người trong đời sống thực tế và từ đó họ lên đường để đi tìm lại chính con người với hình ảnh nguyên mẫu và căn tính đích thực của con người.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu và các nhà chuyên môn cũng tốn biết bao nhiêu công sức và thời gian để đi tìm chân lý về con người, để đi tìm câu trả lời cho vấn nạn về con người, nhưng tất cả đều không đồng thuận với một câu trả lời nào cả. Bao nhiêu lý thuyết, bao nhiêu luận đề đưa ra nhưng đều tiếp tục ”trôi” trên các dòng tư tưởng và không có bến đậu thực sự. Hơn nữa, người ta có cảm tưởng rằng, triết học hiện đại hôm nay hình như đang ”đầu hàng” với hành trình đi tìm kiếm sự thật về con người. Họ như đang ”bay trong đám mây mờ về con người”. Một đàng con người hiện đại tham vọng cố gắng vươn tới mặt trăng và các vì sao, nhưng đàng khác họ lại thất bại trong chính đời sống gia đình của mình với căng thẳng, với đổ vỡ và chia ly.

”Con người được sinh ra để đi tìm hạnh phúc”. Đó là chân lý bất di bất dịch của mọi người trong mọi thời đại, nhưng con người hình như chưa thống nhất với nhau, hạnh phúc đích thực họ cần tìm là gì? Hạnh phúc đích thực là tìm được ”đất sống” trên mặt trăng hay hạnh phúc đích thật là có được một mái ấm nhỏ bé đơn sơ trong gia đình? Một đàng, chúng ta nhìn thấy con người đang say sưa trong vinh quang của quyền lực và danh vọng, đàng khác chúng ta cũng nhìn thấy con người đang chìm mình trong bất hạnh và khổ đau. Đó là hình ảnh rất mâu thuẫn nhưng rất thật của phận người.
Shakespeares Hamlet đã nhìn thấy sự mâu thuẫn trong chính con người: ”Con người, ôi một công trình tạo dựng tuyệt vời! Thật cao sang với trí tuệ! Vượt trên mọi biên giới với khả năng sáng tạo! Thật là giá trị và xứng đáng biết bao nhiêu! Hành động thì lớn lao như các thiên thần! Hiểu biết thì thâm sâu như chính Thượng Đế! Một biểu tượng của thế giới! Là mẫu mực cho mọi loài sống động! Nhưng thực ra, hỡi con người, tôi thực sự là gì với bản chất là tro bụi?” (II. Aufzug, 2.Szene., August Wilhelm Schlegel, Reclam Verlag. Leipzig 1969).

Con người tồn tại trong vinh quang và trong bất hạnh. Con người tồn tại trong sự sống và với cái chết. Phải chăng vinh quang của con người cũng chính là sự tự cao kiêu hãnh của con người và sự bất hạnh của con người chính là một ”chất kích thích”, để con người vươn lên cao hơn nữa. Pascal cũng đã nhìn thấy sự mâu thuẫn ẩn dấu trong chính thân phận của con người. Ông diễn tả suy tư này trong tác phẩm Pensées – Gedanken nổi tiếng: ”Con người mang hình ảnh nguyên mẫu nào? Một hình ảnh mà chưa bao giờ có trên mặt đất này? Một bóng ma vĩ đại? Một bóng hình hỗn tạp (chaos)? Một kho tàng ẩn dấu biết bao mẫu thuẫn và biết bao điều tuyệt diệu? Một quan tòa có quyền trên tất cả mọi loài hay là hình bóng của giun sán yếu đuối trên trái đất? Một người bảo vệ sự thật hay một dòng chảy ngầm với biết bao ảo tưởng sai lầm và không chắc chắn? Một vinh quang lớn lao hay một phần từ nhỏ bé của vũ trũ này? Ai có thể tìm ra lối thoát cho các mâu thuẫn đầy bối rối này của con người? ” (Gedanken, Kap. Widersprueche, 131/ 434, Ulrich Kunzmann (Uebersetzer), Reclam Verlag, Stuttgart 1987).

Nhân loại khao khát và đi tìm cho mình câu trả lời về chính mình, về sự tồn tại của mình trên trái đất này. Nếu không có câu trả lời thỏa đáng, thì mọi hy vọng của con người về một đích đến chung và mọi hy vọng về một cuộc sống chung tốt lành sẽ bị phá đổ. Các suy tư triết học và các ý thức hệ cố gắng tìm tòi câu trả lời, nhưng vẫn bị kẹt ở một góc trời nào đó với những mâu thuẫn rất thực tế, chất chứa trong chính thân phận của con người.

Điều này cũng đã được con người của các nền văn minh cổ đại ý thức và xác tín. Người văn minh thời cổ đại đã nhận ra sự giới hạn mỏng dòn của kiếp người và họ cũng nhận ra rằng, con người tự mình không thể đi tìm được những lối ra cho những vấn đề của con người, cũng như tự mình con người không thể tạo nên niềm hy vọng đích thực. Nhiều lần họ cũng đã trải nghiệm những thất bại của con người trong những kế hoạch và dự định, dù cho họ có chuẩn bị thật kỹ lưỡng và tỉ mỉ cho các kế hoạch và dự định đó. Những thất bại và tan rã của các cường quốc thời cổ đại là dẫn chứng sống động, rồi những lần mùa gặt tưởng sẽ dồi dào lắm, nhưng mùa gặt lại rơi vào thất bại hoàn toàn và con người mất trắng tay, khi con người đã nhìn thấy đồng lúa nở vàng tươi ở trước mắt. Trong sự vô định của vũ trụ con người tự đánh mất chính mình trong một hoàn cảnh chẳng mang chút ý nghĩa gì. Thi sĩ Hy-lạp Homer với chút nỗi buồn và với lời thật sắc bén đã thốt lên như sau:

”Như những chiếc lá trong cánh rừng,
con người đang tồn tại.
Hãy nhìn kìa,
người này thì qua đi như gió thổi,
người kia thì đang vươn về thời điểm của mùa Xuân.
Phận người là vậy,
lúc thì được sinh ra, lúc thì phải mất đi”.
(Ilias, VI, 146-149; Hans Rupé – Uebersetzer, Artenmis Verlag, Muenchen 1989).

Như những chiếc lá trong cánh rừng, con người tồn tại. Khi thì bị gió thổi mất đi trong vô định, khi thì xuất hiện như cành lá mùa xuân. Con người được sinh vào đời và con người được đưa ra khỏi cuộc đời. Nhưng nếu con người như là chiếc lá bị gió thổi và rơi vào vô định và mất đi vĩnh viễn, thì con người không còn có hy vọng nào, để có thể tìm được câu trả lời cho những câu hỏi luôn dằn vặt con người. Thay vì cứ loay hoay với thực tế bất định và chóng qua, người văn minh cổ đại đã hướng nhìn đến Thượng Đế. ”Thượng Đế là ai?” Đó là câu hỏi nền tảng trong hành trình đi tìm ý nghĩa của đời người. Hầu như tất cả những người văn minh thời cổ đại đã đồng thuận với nhau rằng: Trái ngược với sự bất toàn và chóng qua của phận người, Thượng Đến thì bất tử và tồn tại mãi muôn đời.
Trong ý nghĩa này, con người bắt đầu đi vào hành trình đi tìm mình, một huyền nhiệm, trong chính Thượng Đế là Huyền Nhiệm lớn hơn.

Tồn tại và hiện diện trong Huyền Nhiệm lớn hơn.

Con người được sinh ra và sống trong Huyền Nhiệm lớn hơn.
Trong bầu khí của mùa Thu đượm buồn với những lá vàng chuẩn bị rời khỏi cành cây, tôi gặp những phận người đang trằn trọc với biết bao khổ đau. Bệnh tật đeo đẳng thân mình, khổ đau và thách thức của đời sống gia đình vẫn không chịu buông tha, chuyện thất nghiệp làm cho lòng người xốn xang chẳng thể yên lành. Kiếp sống nhân sinh sao mà đượm nhiều nét buồn như vậy? Thật vậy, nếu cứ loanh quảnh luẩn quẩn với những chiếc lá thu vàng đang chuẩn bị rơi, thì cuộc sống vô vọng có thể sẽ “rơi theo”.

Mở mắt nhìn ra chân trời khác, chân trời đó là những tàng cây mùa Thu và cánh rừng được “tô” thật đẹp với biết bao màu sắc vàng, đỏ, xanh, nâu…của bao lá cây bao phủ quanh tôi. Sực tỉnh, tôi nhận ra rằng, đời người không chỉ đóng khung trong những khổ đau, buồn tủi và nghiệt ngã của những khoảnh khắc, những sự kiện và cả những biến cố đang ở bên. Ra khỏi mình, ra khỏi những nỗi khổ đang đeo đẳng, mở mắt nhìn chân trời luôn mở ra trước mắt cuộc sống, tôi nhận ra được con người là chính tôi được sinh ra và sống trong Huyền Nhiệm Lớn Hơn.
Huyền Nhiệm đó vượt trên chiếc lá thu càng ngày càng đơn độc đang cố đeo bám trên cành cây trước mắt. Huyền Nhiệm Lơn Hơn nhắc nhớ cho tôi rằng, thời gian không ngừng biến chuyển, cuộc sống không bao giờ chỉ ngừng lại và “chết tức tưởi” trong cái hố khổ đau, bất hạnh kia đâu. Huyền Nhiệm Lớn Hơn nói với tôi rằng, cuộc sống của tôi thật đẹp và đầy ý nghĩa, dù cho nỗi buồn của mùa thu vẫn đang ở bên, dù cho bóng đêm của đông đang tới và sẽ phủ đầy.
Được sinh ra trong đời này là một huyền nhiệm rồi. Tồn tại và sống hướng về Huyền Nhiệm Lớn Hơn sẽ làm cho cuộc đời phong phú và ý nghĩa biết bao. Chân trời mở rộng trước mắt, con đường mùa thu mời gọi đời người bước vào mùa đông đang đến. Mùa đông đến cũng là giây phút, người cùng người nao nức để đón chờ chính Huyền Nhiệm Lớn Hơn đang trên đường đến.
Đó là mùa Vọng của đời người! Thời gian thật tuyệt để con người ý thức hơn về chính phận mình nhỏ bé lại được phép chờ đợi Huyền Nhiệm Lớn Hơn đang đến. Nhưng đến cho ai và vì sao lại đến?
“Vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ.
Vì ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng” (Xp 3,17-18).

Ôi, làm sao hiểu nổi và mường tượng được khung cảnh tuyệt vời kia. Vì mỗi người trong chúng ta quá quan trọng đối với Thiên Chúa, Huyền Nhiệm Lớn Hơn, mà Người đến với chúng ta. Bạn là ai và tôi là ai? Bạn và tôi đang ở trong cảnh bình an thịnh vượng hay chìm đắm trong nỗi khổ của cuộc đời, Thiên Chúa đều hướng mắt đoái nhìn. Người đang trên đường đến! Vì bạn quá quan trọng đối với Thiên Chúa, nên người sẽ vui mừng hoan hỷ! Vì bạn quá tuyệt vời đối với Thiên Chúa, nên Người sẽ nhảy múa tưng bừng!

Thật vậy, bạn là viên ngọc quý trong đôi mắt của Thiên Chúa. Vì thế, Người say mê đắm chìm nơi bạn. Hiểu được chân lý tuyệt vời này, nên một phận người cũng là một thánh nhân đã thốt lên: “Vì sao Thiên Chúa đã đựng nên con người với phẩm giá cao trọng như vậy? Với tình thương vô biên, Người đã nhìn ngắm thụ tạo nơi chính mình và say mê nó. Vì thương yêu, Người đã tạo ra no. Vì thương yêu, Người cho nó khả năng hưởng phúc vĩnh cửu” (Thánh Catharina thành Siena).

”Con người hỡi, con người là ai?” Câu hỏi này sẽ là vấn nạn làm “đau đầu” con người mãi mãi, nếu con người không hiểu được lời thật đẹp trên của thánh nhân. Huyền Nhiệm Lớn Hơn là Thiên Chúa đã tạo nên huyền nhiệm nhỏ hơn là chính chúng ta. Cuộc tạo dựng đã diễn ra trong tình yêu vô biên, tình yêu vượt trên mọi ranh giới, tình yêu trao tặng cho con người sức sống, và mời gọi con người ý thức luôn hướng về Nguồn Cội và Đích Đến của sự sống là chính Thiên Chúa tình yêu.

Đúng vậy, huyền nhiệm của đời người chỉ có thể tìm được ý nghĩa và giá trị, khi tồn tại trong Thiên Chúa, Huyền Nhiệm lớn hơn; khi sống thân mật với Đấng là nguồn cội và là cùng đích của cuộc sống. Con người chỉ có thể tìm thấy được sự thật về chính mình, khi con người được chính Ánh Sáng của Thiên Chúa soi tỏ; khi con người ý thức bước đi trên chính Ngài, Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.

Như thế, chúng ta ý thức rằng, hành trình đi tìm câu trả lời cho câu hỏi ”Con người hỡi, con người là ai?”, hành trình đi tìm ý nghĩa của đời người luôn phải dựa vào Thiên Chúa, Đấng là Huyền Nhiệm Lớn Hơn.

Con người được sinh ra và sống trong Huyền Nhiệm Lớn Hơn, cũng như chết đi trong Huyền Nhiệm Lớn Hơn.

Tự mình, con người là một huyền nhiệm. Đứng bên giường bệnh của một người anh em mang căn bệnh ung thư và bác sĩ đã xác định không còn có thể cứu chữa, chúng tôi cầu nguyện với anh và cho anh. Cả đời anh đong đầy những nỗi đau buồn được hòa trộn với những niềm hạnh phúc nhỏ nhoi. Là người con cái của Chúa, nhưng đời bất hạnh với khổ đau cùng với lầm lỡ của bản thân cộng với một vài lời thiếu vắng hương thơm lòng thương xót của người khác, đã làm cho anh tự cảm thấy mình không xứng đáng để đến với Chúa. Nhà thờ ở đó, nhưng đã từ lâu anh đâu dám bước vào. Âm thầm ôm ấp những lời kinh đơn sơ của cha mẹ ngày xưa dạy dỗ, anh chạy đến với Chúa trong cuộc đời nhiều khổ đau. Giờ phút cuối cuộc đời, anh biết mình sẽ như chiếc lá bị gió thổi rơi xuống thân cây. Nhưng làm sao chiếc là này có thể tìm thấy niềm hy vọng và ý nghĩa cho đời mình trong giây phút huyền nhiệm sắp tới?

Những lời kinh vang lên tại giường bệnh và lòng anh mở ra từ từ. ”Xin Chúa thương xót chúng con. Xin Chiên Thiên Chúa thương xót chúng con”. Lời cầu nguyện hướng đến Đấng là Huyền Nhiệm lớn hơn. Lời cầu nguyện cho anh, một phận người, một huyền nhiệm trên đời. Lời cầu nguyện đã đụng chạm đến lòng thương xót vô bờ của Đấng là Huyền Nhiệm lớn hơn. Tín thác vào lòng thương xót của Chúa, chúng tôi tin tưởng rằng, Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ cho anh, một sự sống huyền nhiệm mà Chúa đã đưa vào cuộc đời. Niềm tin của chúng tôi vào Thiên Chúa đã sinh hoa kết trái ngay tại giây phút bên giường bệnh của anh. Xung quanh anh là những người thân đồng hành. Một người anh trong gia đình đã mở lời động viên và khuyên bảo anh. Không biết khi nào Chúa sẽ gọi anh về với Chúa, nhưng giờ đây anh hãy mở lòng cho sự hoà giải. Những căng thẳng, những nặng nề với người này người khác, anh hãy buông bỏ, hãy tha thứ cho mọi người, hãy bỏ qua mọi chuyện không hay, để tâm được an và sẵn sàng bước theo tiếng gọi của Đấng là Khởi Đầu và là Cùng Đích. Đi theo những lời tâm tình và khuyên bảo thật đẹp của người anh, là những bước chân đến gần nhau, những bắt tay của hoà giải và tha thứ, những ánh mắt nhìn của cảm thông và tràn đầy lòng thương xót.

Đứng lặng nghắm nghìn Đấng huyền nhiệm lớn hơn là Thiên Chúa đang hiện diện trong cuộc sống của con người, đang hoạt động qua chính những cử chỉ hoà giải thật đẹp để đưa lại bình an cho nhau, mà lòng thật vui mừng khôn xiết.
Vâng, có những điều mà con người không thể làm được, thì Thiên Chúa sẽ ra tay, vì không có gì là không thể đối với Thiên Chúa.

Nói khác đi, ”với ân sủng của Thiên Chúa, không có gì là không thể đối với con người”.
Trước khi lời kinh kết thúc, trước khi bí tích xức dầu cho anh được hoàn thành, thì Đấng là Huyền Nhiệm lớn hơn, Đấng đã thốt lên trên Thánh Giá: ”Mọi sự đã hoàn tất”, làm cho đời anh được ”hoàn tất” với tình yêu vô biên, với lòng thương xót sâu thẳm và với sự tha thứ vô điều kiện.

Giây phút kết thúc giờ cầu nguyện với từ ”Amen”, từ ngữ của niềm tin tưởng tuyệt đối vào lòng thương xót của Đấng là Huyền Nhiệm lớn hơn, chúng tôi nhận ra trên môi miệng và khuôn mặt anh một nụ cười thật tươi và tràn đầy sự bình an sâu thẳm. Nụ cười của một sự sống huyền nhiệm đã tìm được câu trả lời cho ý nghĩa của đời mình trong Đấng là Huyền Nhiệm lớn hơn.

Từ giã anh ra về mà lòng trào dâng một nỗi niềm tri ân cảm tạ và niềm vui khôn siết.
Hai ngày sau, được nghe tin anh đã từ giã cõi đời với một tâm hồn thanh thản và bình an, lòng bùi ngùi với nỗi niềm an bình và tri ân Thiên Chúa dâng cao.

Đến cử hành đám tang cho anh trong nhà thờ, nơi mà anh khi còn sống đã không dám bước vào, lòng cảm nhận một bầu khí với hương thơm của lòng thương xót tỏa lan. Hương thơm này như là hương thơm của người phụ nữ đã đập bình nước hoa và đổ đầy lên chân Chúa, sau khi đã lau ướt bàn chân của Ngài vì bị những giọt nướt mắt thống hối tưới ướt.
Có chút bùi ngù, có chút buồn đau của sự mất mát, nhưng lớn hơn mất mát và buồn đau là bình an, là tin tưởng và lòng thương xót. Một chiếc lá thu trong cánh rừng đã được gió thổi, lìa bỏ thân cây và rơi xuống. Thật tuyệt vời, chiếc lá thu này đã rơi vào bàn tay tràn đầy lòng thương xót của Đấng là Huyền Nhiệm lớn hơn.

Cuộc đời của người anh em đã diễn tả được một phận người luôn phải giằng co với những mâu thuẫn trong sâu thẳm đời mình. Con người bị đẩy đưa từ lầm lỡ đến ăn năn, từ bất hạnh đến an bình.
Kết cục của đời người sẽ thế nào tùy thuộc vào đời người đó – một huyền nhiệm – có tồn tại trong Huyền nhiệm lớn hơn là chính Thiên Chúa giàu lòng thương xót hay không?

Phận anh trộm lành ở bên phải Thánh Giá Chúa, phận người cong hoang đàng biết lên đường trở về với Cha, phận người phụ nữ tội lỗi biết chạy đến để được khóc bên chân Đấng giàu lòng thương xót và phận người anh em vừa qua đời trong bình an có một kết thúc chung: được vòng tay của Huyền Nhiệm Lớn Hơn ôm ấp trong lòng xót thương.

Huyền Nhiệm Lớn Hơn luôn ở đó và lại đến để ở đó trong mỗi dịp Giáng Sinh về. Giáng Sinh là gì? Có phải là lễ hội tặng quà? Lễ hội ăn mừng thả dàn thả cửa với bia rượu và bao món ăn làm cho người ta tăng cân vào tháng 12, để rồi tháng giêng ăn kiêng để giảm béo?

Giáng Sinh là lễ hội mừng vui cuộc hội ngộ của Huyền Nhiệm Lớn Hơn với huyền nhiệm nhỏ hơn là mỗi người trong chúng ta. Trong cuộc hội ngộ này, mọi buồn đau, bất hạnh và bóng đêm đời người vẫn còn, nhưng vượt trên bóng đêm, bất hạnh và đau buồn đó, là sức sống của Ánh Sáng mà Huyền Nhiệm Lớn Lao đang chiếu toả vào trong những phận người ngồi trong bóng tối.

Vì thế, ngay trên những dấu chân nặng nề của đời người, Đấng là Huyền Nhiệm Lớn Hơn đang nhẹ nhàng bước đi.
Ngay trong khổ đau và bất hạnh của cuộc sống, Đấng là Huyền Nhiệm Lớn Hơn đang thật tế nhị bước vào, chạm đến mỗi phận người cách cẩn thận. Cẩn thận đến nỗi, Người không để cho bất cứ nỗi đau nào tràn ra, mà Người không đón nhận và biến đổi trở nên những Ánh Sáng long lanh soi sáng và sưởi ấm lòng người.
Ôi thật đẹp biết bao Huyền Nhiệm Lớn Hơn!
Ôi thật đẹp biết bao, những huyền nhiệm nhỏ bé biết ý thức “vọng”, “đón” và sống trong Huyền Nhiệm Lớn Hơn.
Huyền Nhiệm Lớn Hơn là hoàng tử bình an của mỗi tâm hồn nhỏ bé trên trần đời.

Thay lời kết.

Kiếp người thật phong phú và nhiều khác biệt. Nhưng dù tội lỗi và lầm lỡ hay thánh thiện và khiêm nhu, cũng như dù đến tận giờ chót mới quay về hay đã khởi đầu từ thuở ấu thơ, nếu phận người biết ý thức sống trong Đấng là nguồn cội và là cùng đích, trong Đấng là Nguồn mạch của lòng thương xót, trong Đấng là Huyền Nhiệm Lớn Hơn, thì con người sẽ tìm được câu trả lời tràn đầy hy vọng cho kiếp người của mình.

Con người là ai ư? Con người là một huyền nhiệm được tồn tại trong Huyền Nhiệm lớn hơn. Huyền Nhiệm lớn hơn, Đấng giàu lòng thương xót, luôn luôn để mắt đến từng phận người.

Khi con người như là chiếc lá thu trong cánh rừng đến ngày bị gió thổi lìa khỏi cành cây và rơi xuống, thì bàn tay của Đấng là Huyền Nhiệm Lớn Hơn sẽ giơ ra, để chiếc lá đó không rơi vào cõi vô định, mà chiếc lá đó được rơi vào bàn tay của Đấng giàu lòng thương xót.

Lạy Đấng là Huyền Nhiệm lớn hơn,
Lạy Đấng là Nguồn cội và là cùng đích của cuộc sống,
Lạy Đấng là Thiên Chúa của con ở trên trời và là Cha giàu lòng thương xót,
trong niềm tin tưởng và cậy trông xin Chúa đoái nhìn và đón nhận
lời kêu cầu nhỏ bé của một huyền nhiệm mà Chúa đã đưa vào cuộc đời:

xin cho phận người của con – một huyền nhiệm, luôn luôn ý thức và được sống trong Huyền nhiệm lớn hơn là chính Chúa.
xin cho phận người của con – một huyền nhiệm, mỗi ngày thức giấc thốt lên được lời: ”Lạy Chúa là Chúa con thờ, ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa”.
xin cho phận người của con – một huyền nhiệm, mỗi giây phút trong hành trình cuộc sống đều nhẩm đi nhắc lại lời cầu nguyện: ”Hồn con, xác con, thời gian của con, công việc của con, hiện tại và tương lai của đời con xin Chúa giữ gìn! Chúa ơi. Ở gần bên Chúa, anh bình thảnh thơi”.

xin cho phận người của con – một huyền nhiệm, vào mỗi lúc màn đêm buông xuống đều thốt lên lời mà chính Người Con Duy Nhất của Chúa đã thốt lên, khi bị treo trên thập giá: ”Trong tay Ngài, Lạy Chúa con xin phó thác hồn con”.
Xin cho phận người của con luôn ý thức “vọng” chính Huyền Nhiệm Lớn Hơn, Đấng đang đến để gieo vãi bình an, Đấng đang đến để gieo mầm tin yêu, Đấng đang đến để nhảy nhót mừng vui, vì chính mỗi người chúng con đây.
Ôi, Chúa tuyệt vời quá, Chúa ơi! Ôi, sao chúng con lại quá quan trọng đối với Người?

Thu và Đông cùng Vọng 2018.

Kiểm tra tương tự

“Lạy Đấng Emmanuel, xin hãy đến!”: Nỗi khắc khoải và niềm hy vọng trong Mùa Vọng

Người phương Tây thế kỷ 21 – từ Taylor Swift đến Billie Eilish – đã …

365 Ngày Hy Vọng với lời khôn ngoan của Giáo Phụ

Chương Trình Sống Năm Thánh 2025   365 NGÀY HY VỌNG VỚI LỜI KHÔN NGOAN …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *