Lịch sử đã chứng minh cho loài người thấy sự kiêu ngạo giết chết nhân loại như thế nào. Con tàu Titanic nổi tiếng vào đầu thập niên 20, được người ta xưng tụng là con tàu vĩ đại, đến cả Thượng Đế cũng không thể nhấn chìm được. Nhưng chỉ cần một tảng băng trôi và một cú va chạm, nó đã chìm sâu trong đáy biển, cùng với biết bao con người đang hành trình cùng với nó. Thành phố Pompei của Ý đã từng được xem là kinh đô phát triển với nhiều công trình kỹ thuật vượt bậc, một nơi đáng mơ ước của bao nhiêu người. Nhưng chỉ qua một đêm, nó đã bị một ngọn núi lửa chôn vùi. Cái còn lại chỉ là tàn tích của tro bụi, của những xác người còn lộ vẻ sợ hãi trên khuôn mặt cháy đen.
Giữa vũ trụ bao la rộng lớn này, con người chẳng là gì. Trước sức mạnh của tự nhiên, con người thấy mình nhỏ bé cùng cực. Ngôi nhà thờ vĩ đại và nổi tiếng Notre Dame de Paris đứng sừng sững bao nhiêu thế kỷ, vẫn không thể chống chọi lại ngọn lửa bừng bừng. Con người có gì mà vỗ ngực xưng tên, nhìn trời mà ngạo mạn. Mọi cái trong trời đất này đều sẽ qua đi. Người ta tìm đến những di tích cổ xưa cũng chỉ thấy nơi đó một dấu ấn phai nhạt, cố mường tượng lại cuộc sống nhiều năm trước đã bị thời gian cuốn trôi. Đâu rồi những oai hùng, vinh quang rực rỡ!
Chẳng ai trong chúng ta thích là người phải cúi xuống. Cúi xuống là hành vi đưa mình xuống thấp và đưa người kia lên cao. Ta không thích cúi, vì ta không thích có ai đó ở vị thế cao hơn mình. Bẩm sinh, con người nào cũng thích mình ở trên người ta, chứ chẳng bao giờ thích điều ngược lại.
Người cúi xuống có thể sẽ bị người khác khinh thường, mỉa mai. Họ có thể bị cho là tầm thường, nhu nhược, yếu đuối. Họ phải chịu mất đi danh dự, có khi còn bị dèm pha. Người nào bị ép phải cúi xuống sẽ cảm thấy rất khó chịu. Người nào buộc phải cúi xuống vì không còn chọn lựa nào khác thì chẳng có gì đáng để khen ngợi. Còn người nào vốn dĩ ở vị trí trên cao, không cần phải cúi xuống, nhưng đã chọn cho mình con đường thấp hèn này, người đó quả thật là một con người vĩ đại.
Họ không tìm cách khẳng định chỗ đứng của mình trong vũ trụ. Họ chẳng màng chi đến cái gọi là danh tiếng, vị thế, thứ bậc, vốn là những cái con người tự vẽ ra rồi lao mình vào cuộc chiến tranh giành. Họ không cần thể hiện, không cần biết ai nghĩ gì. Chỉ đơn giản, họ có một tầm nhìn rộng hơn, nền tảng hơn. Sự vĩ đại của họ được thể hiện nơi sự khiêm tốn, biết thu mình. Lòng họ đầy tràn nhân đức và một lối sống biết nghĩ cho người khác.
Trong những ngày qua, dân mạng xôn xao, cả thế giới cũng chấn động khi thấy hình ảnh Đức Thánh Cha Phanxicô – một ông cụ ngoài 80, sức khoẻ không được tốt, là lãnh đạo tối cao của một tôn giáo hơn 1 tỷ 2 tín đồ – đã quỳ xuống và hôn chân các nhà lãnh đạo đối lập Nam Suđan để xin các vị này chấm dứt chiến tranh, trả lại sự bình yên cho người dân ở vùng đất này.
Ngay khi tin tức về sự kiện này được truyển tải trên mạng, đã có rất nhiều ý kiến bàn tán xôn xao. Có người cho rằng Đức Giáo Hoàng chỉ giả vờ “làm màu” để được nổi tiếng. Ý kiến khác cho rằng ngài đã làm một việc ngu xuẩn, tự bôi nhọ chính mình. Cũng có người nói là ngài đang làm một điều vô nghĩa. Rồi cũng có không ít người Công Giáo bảo là ngài đã làm “hạ giá” tôn giáo của mình khi vốn là vị đứng đầu Giáo Hội lại tự xếp mình thấp kém hơn các nhà lãnh đạo kia…
Nhưng hành vi này của ngài, dù chưa thể nói gì đến hiệu quả như ngài mong chờ, nhưng đã phản ánh phần nào sự vĩ đại nơi con người của ngài và lòng yêu mến của ngài dành cho Thầy Giêsu, Đấng cũng đã cúi mình hơn 2000 năm trước, và mối bận tâm dành cho con người, loài được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và giống Thiên Chúa.
Bông lúa càng trĩu hạt thì càng cúi đầu. Một đời sống nhân đức làm cho người ta biết khom lưng, biết hạ thấp mình, biết làm cho mình nhỏ lại, biết nghĩ đến người khác. Một bông lúa cúi đầu là một bông lúa mang trong mình biết bao thành quả tốt đẹp. Đó là một bông lúa được nhà nông mong chờ. Nó trở thành một bông lúa hữu ích. Người càng biết cúi đầu thì càng lớn lao, vĩ đại, đáng cho người ta ngưỡng mộ vì đã chiến thắng được bản thân, đã không còn màng gì đến thói hơn thua của đời, đã thoát được cuộc đua tranh danh vọng của trần thế. Họ thật sự là vị chân nhân, một anh hùng.
Một lần người ta hỏi Socrates: “Khoảng cách từ đất đến trời dài bao nhiêu?”Ông trả lời rằng: “Một mét.” Người kia ngạc nhiên: “Chỉ một mét thôi à, vậy làm sao người ta có thể sống được?”Socrates trả lời: “Đúng vậy, chỉ một mét thôi, nên nếu người ta muốn sống được, người ta phải biết khom lưng cúi đầu!”.
Socrates đã cho để lại cho đời một triết lý sống vừa thâm sâu vừa thuận đạo trời đất. Người nào sống mà biết khiêm nhu, cúi xuống, người đó sẽ được hưởng phúc lộc bình an. Còn người nào tỏ ra ngạo mạn kiêu căng, người đó sớm muộn gì cũng tự diệt.
Chấp nhận cúi xuống không phải là hành vi của kẻ nhu nhược, nhưng là bản lĩnh của người có một chiều sâu nội tâm và một đời sống nhân đức tràn trề.
[Triết lý cao vượt này, chúng ta nhìn thấy rất rõ nơi hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng từ chốn cao vời, đã chấp nhận xuống thế làm người, mặc lấy thân phận của một người phục vụ. Chúa Giêsu không chỉ là người phục vụ trong đêm Tiệc Ly, nhưng đã luôn là một con người biết cúi mình xuống. Sự hiến thân của Ngài đạt tới đỉnh cao khi Ngài chấp nhận biến mình thành của ăn cho người thế. Ngài đích thực là một bông lúa nặng hạt, luôn cúi mình đã đành, còn sẵn sàng chịu nghiền nát để trở thành tấm bánh nuôi dưỡng người khác. Đây chính là lối sống của Thiên Chúa, là cung cách hành xử của Ngài; tất cả đều xuất phát từ một tình yêu vô bờ bến.
Phải, ai biết cúi mình, người đó mới cao quý, nhưng một sự cúi mình làm cho người ta nên cao quý phải xuất phát từ một tình yêu, “yêu đến cùng”, như Giêsu.]
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ