Cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Afghanistan trở nên tồi tệ hơn

 

 

Một em bé Afghanistan khóc trước ngôi nhà bị phá hủy bởi trận động đất của mình ở huyện Zenda Jan, tỉnh Herat. Một trận động đất mạnh khác đã làm rung chuyển miền tây Afghanistan vào ngày 11/10. Trận động đất trước đó đã giết chết hơn 2.000 người và san bằng toàn bộ ngôi làng ở tỉnh Herat, một trong những trận động đất có sức tàn phá lớn nhất trong lịch sử gần đây của đất nước. (Ảnh AP/Ebrahim Noroozi)

 

Vào ngày 15 tháng 10 vừa qua, một trận động đất 6,3 độ richter nữa lại tấn công tỉnh Herat. Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, tâm chấn của trận động đất này cách thành phố Herat khoảng 19 dặm và sâu 4 dặm dưới mặt đất. Đây là trận động đất thứ tư mà USGS đo được với cường độ như vậy ở cùng khu vực chỉ trong hơn một tuần. Để ứng phó với trận động đất xảy ra vào ngày 7 và 11 tháng 10, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ đang cung cấp 12 triệu USD viện trợ nhân đạo khẩn cấp.

 

Cuộc chiến ở Ukraine cùng các cuộc khủng hoảng và thảm họa toàn cầu khác đã lôi kéo toàn bộ sự quan tâm của thế giới khỏi thảm họa nhân đạo đang diễn ra hàng ngày ở Afghanistan. Trận động đất kinh hoàng mới đây đã càng làm tăng thêm những khó khăn mà người Afghanistan đang phải đối diện. Tuy nhiên, truyền thông và các tổ chức nhân đạo toàn cầu đã hướng sự chú ý vào cuộc tấn công vũ trang nổ ra gần đây do Hamas khởi xướng ở miền nam Israel thay vì cuộc khủng hoảng ở Afghanistan.

 

Sandesh Gonsalves, người đứng đầu tổ chức Phục Vụ Người Tị Nạn của Dòng Tên (JRS) tại Afghanistan, cho biết người Afghanistan đang phải vật lộn sau trận động đất “lớn” xảy ra vào ngày 7 tháng 10. Chỉ riêng ở quận Zendeh Jan, “15 ngôi làng đã bị san bằng hoàn toàn và hơn 15 ngôi làng khác không thể ở được do những ngôi nhà ở đó được làm từ bùn đất và dễ bị phá hủy.” Theo các nguồn tin của Liên Hiệp Quốc, 120 ngôi làng khác đã bị hư hại hoặc bị phá hủy sau một trận động đất khác xảy ra vào ngày 11 tháng 10.

 

Một trận động đất mạnh 6,3 độ richter làm rung chuyển tỉnh Herat ở miền tây Afghanistan. Trận động đất này kéo theo nhiều dư chấn sau đó và trận động đất thứ hai có cùng cường độ vào ngày 11 tháng 10. Liên hợp quốc và chính quyền Afghanistan báo cáo có hơn 2.400 người thiệt mạng. Số người chết và bị thương dự kiến sẽ tăng thêm nữa.

Các quan chức LHQ báo cáo rằng 90% số người chết và bị thương là phụ nữ và trẻ em. Ông Jaime Nadal, đại diện Afghanistan của Quỹ Dân Số Liên Hợp Quốc, nói rằng số người chết sẽ không chỉ là phụ nữ và trẻ em nếu như trận động đất xảy ra vào ban đêm.

 

Nadal thuật lại với Liên Hiệp Báo Chí Hoa Kỳ rằng “Vào thời điểm đó trong ngày, nam giới đã ra ngoài đồng, một số khác thì di cư đến Iran để làm việc. Nữ giới ở nhà làm việc nội trợ và chăm sóc trẻ em. Họ bị kẹt lại dưới đống đổ nát.” Theo Liên Hợp Quốc, khắp vùng Herat, nhiều gia đình đang phải ngủ ngoài đường và hàng trăm người được cho là đã mất tích.

 

Ông Gonsalves cho biết, các nhóm viện trợ quốc tế đang gấp rút ứng phó với thảm họa mới nhất này, nhưng nguồn cung cấp cứu trợ đang khan hiếm và hiện tại không có khả năng để phục hồi và xây dựng lại. Ông lo ngại rằng thế giới không quan tâm đến cuộc khủng hoảng nhân đạo tàn khốc ở Afghanistan. Giờ đây, những trận động đất và dư chấn càng ngày càng chồng chất lên nỗi đau khổ của người dân nơi đây.

 

Năng lực ứng phó của Chính phủ thì hạn chế và hầu hết người dân Afghanistan biết rằng họ sẽ phải dựa vào sự hỗ trợ của các cơ quan cứu trợ và nhân đạo quốc tế. Ông nói: “Những nhu yếu phẩm cứu trợ hiện nay chắc chắn không đủ để đáp ứng nhu cầu của những người bị ảnh hưởng bởi trận động đất”.

 

Theo các nguồn tin của Liên Hiệp Quốc, với hơn 29 triệu người Afghanistan cần được hỗ trợ, hệ thống cứu trợ nhân đạo ở Afghanistan đã bị quá tải và thiếu khả năng viện trợ. Khẩu phần lương thực của đất nước từ Chương Trình Lương thực Thế giới gần đây cũng đã giảm đáng kể do việc cắt giảm kinh phí khiến hàng triệu gia đình không có đủ thức ăn.

 

Các nhà tài trợ quốc tế đã miễn cưỡng cung cấp viện trợ trực tiếp cho Afghanistan kể từ khi chính phủ Taliban phục hồi trở lại. Theo một phân tích gần đây từ Viện Hòa bình Hoa Kỳ, cộng đồng quốc tế đang phải vật lộn “để tìm ra sự cân bằng giữa việc cung cấp viện trợ thiết yếu, và việc gây áp lực cho chế độ ở Kabul phải điều hòa các chính sách cứng rắn của mình. Trong khi người Afghanistan cần sự trợ giúp khẩn cấp, nước này vẫn phải tiếp tục đối phó với các chu kỳ khủng hoảng cho đến khi những thách thức kinh tế trầm trọng của họ được giải quyết.

 

Việc Mỹ rút quân trong những ngày cuối tháng 8/2021 là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc thử nghiệm tốn kém trước đó, kéo dài hàng thập kỷ, trong việc xây dựng quốc gia. Kể từ khi rút quân, Mỹ đã cảnh giác về việc hỗ trợ chính phủ do Taliban lãnh đạo.

 

JRS vẫn cam kết thực hiện sứ mệnh của mình để cùng đi với những người tị nạn ở các tỉnh Herat và Kabul. Ông Gonsalves nói: “Ông kêu gọi người Mỹ nhớ rằng Hoa Kỳ vẫn có một vai trò trong việc giải quyết các thảm họa kéo dài của nghèo đói ở Afghanistan”. Ông cũng chỉ ra rằng người dân Afghanistan đã phải chịu đựng điều ấy trong nhiều thập kỷ vì các cuộc xung đột, cả trước và sau sự can thiệp của Hoa Kỳ tại Afghanistan.

 

Ông Gonsalves nói: “hầu hết người Afghanistan rất biết ơn sự giúp đỡ, nhưng những người khác, sau khi trải qua việc bị rút viện trợ nước ngoài đột ngột, đặc biệt là sau khi quân đội Mỹ từ bỏ Afghanistan vào tháng 8 năm 2021, họ cảm thấy bị phản bội và bị bỏ lại một mình sống trong một môi trường khó khăn.”

 

Ông Gonsalves, người gốc Maharashtra, Ấn Độ, đã trở lại Afghanistan vào tháng 4 năm 2022 để bắt đầu công việc tái lập sự hiện diện của Cơ quan Tị nạn Dòng Tên sau khi Taliban phục hồi. JRS tiếp tục làm việc với những người di tản do chiến tranh ở trong nước, nhưng nhiều người trong số họ vẫn không thể trở về ngôi làng đã bị tàn phá sau nhiều năm chiến tranh ở các tỉnh thành xa các thành phố Kabul và Herat.

 

Ông giải thích rằng dù người Afghanistan rất vui vì “bom không còn rơi” ở các vùng nông thôn, nhưng họ vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại các cộng đồng bị bỏ hoang trong đống đổ nát. Nhiều người đã sống nhiều năm trong các trại xung quanh Herat và Kabul dành cho những người tị nạn trong nước. Mặc dù hoàn cảnh của họ rất khốn khó, họ đã phần nào ổn định cuộc sống trong các trại tị nạn này, và cho đến nay họ không muốn bắt đầu lại từ đầu tại những vùng đất quê hương của mình.

 

Ông Gonsalves cũng cho biết: với các hạn chế và quy định mới, JRS đã thiết lập lại các chương trình đã cung cấp trong các trại, theo mô hình phát triển cộng đồng dựa vào việc tuyển dụng tình nguyện viên từ trong cộng đồng IDP, để giúp duy trì các chương trình phát triển xã hội và giáo dục, đào tạo việc làm và phát triển kỹ năng mà JRS tài trợ. Những người tham gia IDP cũng có thể tin tưởng vào JRS về những hỗ trợ dinh dưỡng và một số hỗ trợ khác. Ông Gonsalves tin rằng các tu sĩ Dòng Tên có thể tiếp tục các chương trình của mình khi Taliban khôi phục lại trật tự, mặc dù những thử thách phía trước  vẫn còn rất nhiều.

 

“Hoa Kỳ vẫn có vai trò trong việc giải quyết những tai họa dai dẳng về nghèo đói ở Afghanistan”.

 

Mặc dù đã có một số dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang quay trở lại, ít nhất là trước những khó khăn do trận động đất gây ra, nhiều người dân Afghanistan vẫn phụ thuộc rất nhiều vào viện trợ nhân đạo. Khi mùa đông đang đến gần và sự chú ý của toàn cầu đổ dồn vào những nơi khác, ông Gonsalves vô cùng lo lắng về cuộc khủng hoảng do nạn đói sắp xảy đến. Ông nói rằng “Tình hình của người dân thật khốn khổ và bây giờ, khi mùa đông bắt đầu, tình hình thực sự sẽ trở nên rất tồi tệ hơn rất nhiều.”

 

Ông Gonsalves còn cho biết thêm: “Một điều vô cùng quan trọng là cộng đồng Mỹ tiếp tục hỗ trợ người dân Afghanistan. Có rất nhiều cuộc khủng hoảng trên khắp thế giới, nhưng Afghanistan vẫn là nơi mà các nhà tài trợ cần hỗ trợ cho cả cộng đồng và người dân nơi đây.”

 

“Người dân Afghanistan thường cảm thấy rằng họ là một dân tộc bị lãng quên.”

Họ sẽ cần một dấu hiệu cho thấy sự hỗ trợ để vượt qua những tháng thử thách sắp tới. Những người trẻ tuổi mà ông cùng làm việc nói với ông rằng họ vẫn biết ơn việc “JRS đã ở bên chúng tôi, và luôn hỗ trợ chúng tôi. Họ cảm thấy mình là một phần của tổ chức và JRS không giống như các tổ chức khác vốn chỉ đến và đi, cho thứ gì đó, rồi vội vàng lãng quên.” (Americamagazine 13/10/23)

Trần Hương – CTV JesCom

Kiểm tra tương tự

Đừng để ngày sống qua đi mà thiếu nụ cười có Chúa trên môi

Trong một bài giảng, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Kitô hữu là người mang …

Thay Đổi Nhãn Quan Về Kinh Doanh – Một gợi hứng từ Thông Điệp Laudato Si’

  Quan điểm phổ biến cho rằng doanh nghiệp chủ yếu được thúc đẩy bởi …