Cười với Dòng Tên (số 4)

Chương 4

TỰ DO TRONG VÂNG PHỤC

Một Giê-su hữu tham dự buổi toạ đàm về lời khấn vâng phục trong đời tu. Người ta hỏi vị tu sĩ này:

  • Dòng Tên của cha rất coi trọng lời khấn vâng phục. Bí quyết nào giúp các cha giữ được lời khấn này?
  • Chuyện cũng đơn giản thôi. Trước hết bề trên sẽ hỏi một tu sĩ: Anh muốn làm công việc gì, rồi sau đó cử người này làm việc đó. Vậy là hạnh phúc đôi đàng, đức vâng phục được bảo đảm.

Nhưng một tham dự viên thắc mắc thêm:

  • Thưa cha, trên nguyên tắc, chuyện này ổn. Vấn đề là không thể không có các tu sĩ không biết mình muốn gì? Trong trường hợp này, Dòng của cha xử lý thế nào?
  • “Dễ thôi”, cha Dòng Tên trả lời. “Chúng tôi đặt họ làm bề trên!”

 

Lời khấn vâng phục có một tầm quan trọng và ý nghĩa lớn trong linh đạo Dòng Tên. Vâng phục càng lớn thì tự do càng nhiều: đây là một ý tưởng nghiêm túc, không phải chuyện “tuyết rơi mùa hè” đâu. Trước hết, lời khấn vâng phục đưa bạn về nguồn của ơn gọi cá nhân: chính Chúa ngỏ lời với bạn trong ơn gọi ấy. Khi sống trong Dòng, cha bề trên, dù là bề trên “nhỏ” như bề trên nhà, hay bề trên cao cấp như cha giám tỉnh (vị đứng đầu Dòng trong một tỉnh Dòng, thường bao gồm một hay nhiều quốc gia) có một vai trò quan trọng giúp người tu sĩ cảm nhận và sống lời khấn này. Dòng Tên có một thực hành rất đặc thù, “từ trong nghề” gọi là ratio conscientiae, hay “bày tỏ lương tâm”. Chuyện là vầy: mỗi năm một lần, cha giám tỉnh đi thăm các cộng đoàn địa phương để gặp từng tu sĩ. Chính xác hơn là để nghe những người này, tức các “bề dưới” … trải lòng. Bày tỏ lương tâm có nghĩa là người đó hoàn toàn tin tưởng chia sẻ với bề trên, nói lên những trải nghiệm sâu xa trong cuộc sống, ý nghĩ, niềm vui, nỗi buồn và cả những nỗi sợ của mình. Hình thức này không là một thủ tục “bất di bất dịch” từ truyền thống, buộc phải theo, cho bằng đó là quyền để được lắng nghe. Làm như vậy, bạn có thể khám phá chiều sâu nhân cách của bạn, khi ngồi với một người anh em cùng Dòng, đang chăm chú lắng nghe mà không tạo cho bạn cảm giác bị đánh giá hay phê phán.

Không phải ngẫu nhiên mà cũng chính bề trên giám tỉnh là người chịu trách nhiệm giao công việc cho từng tu sĩ trong tỉnh Dòng của ngài. Sau khi nghe bày tỏ lương tâm, trong mức độ có thể, bề trên sẽ giao công việc, hay còn gọi là “sứ vụ”, phù hợp với ước muốn cá nhân đã được gửi gắm, đồng thời cân nhắc “sở trường và sở đoản”, những gì người đó làm được hay không kham nổi. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, tiêu chuẩn này có thể không được đáp ứng. Bởi có một số công việc dù muốn hay không thì cũng phải bổ nhiệm người. Sống vâng lời trở thành một chuyện … không dễ, nhưng đồng thời sẽ giúp người trong cuộc trở nên tự do. Kinh nghiệm cho thấy, năng động của đức vâng phục đặt ta vào một hoàn cảnh công việc mà trước đây ta nghĩ: bình thường, nếu ta làm việc này chắc chỉ có “tối kiến” chứ không có “sáng kiến”. Điều này tiếng “nhà đạo” gọi là “ơn hiện sủng”, tiếng “nhà đời” gọi là … “cái khó ló cái khôn”.

Theo Thánh I-nhã, nếu có một đức tính mà tu sĩ Dòng Tên phải nổi bật, thì đó là vâng phục hay vâng lời. Nhưng chắc chắn không là một sự vâng lời mù quáng. Vì thế, tu sĩ bề dưới có quyền trình bày. Trong trường hợp tâm hồn và lương tâm bề dưới không “đồng điệu” với bề trên, thì bề dưới có quyền và thậm chí có bổn phận phải trình bày với bề trên lý do tại sao. Nếu chuyện chưa ổn, bề dưới có thể nhắc lại với bề trên, một, hai … cho đến ba lần! Nhưng tiếng nói cuối cùng vẫn là của bề trên.

Trong cộng đoàn Dòng Tên, cha bề trên đóng vị trí trung tâm. Nhưng đồng thời làm bề trên trước hết và trên hết là khiêm tốn phục vụ anh em. Thậm chí một bề trên cộng đoàn có thể được yêu cầu dẹp qua một bên các công việc mục vụ bên ngoài của ngài, để toàn tâm toàn ý trợ giúp các anh em thuộc cộng đoàn mình, để họ triển nở trọn vẹn trong ơn gọi hoặc trong sứ vụ riêng. Trên nguyên tắc, nhiệm kỳ của một bề trên là sáu năm. Sau đó, cha sẽ nhận một công việc mới như bất cứ một tu sĩ Dòng Tên nào.

Nhưng trước khi kết thúc, tôi phải nói thêm điều này. Quả thật Thánh I-nhã có một cái nhìn “vượt chuẩn” thông thường trong lời khấn vâng phục và ngài luôn kỳ vọng anh em sống điều đó. Nhưng cũng chính vì điều này mà ngài sử dụng quyền đòi hỏi sự vâng phục của bề dưới hết sức dè dặt và rất uyển chuyển. Đây là lời kể của cha Goncalvès da Câmara mà chúng ta đã làm quen:

Cha I-nhã của chúng ta có thói quen là không nại đến lời khấn vâng phục khi xử lý những gì vốn có thể đạt được một cách nhẹ nhàng. Thậm chí ngài quan niệm hoàn toàn ngược lại: nếu ngài biết một cha hay một thầy muốn dấn thân làm một việc gì đó vì họ tự ý chọn, chứ không phải việc này do bề trên gợi ý, thì ngài coi đó là một điều đáng quý hơn. Hoặc một bề dưới nhận thi hành một công việc vì nhận ra dấu chỉ ưu tiên của công việc này từ bề trên, thì điều này sẽ có giá trị hơn là để bề trên phải ra lệnh; và sau cùng, cũng theo lối lập luận như vậy, sẽ là điều quý hơn nếu bề trên giao việc mà không phải nhân danh đức vâng phục.

Tác giả: Nikolaas Sintobin, S.J.
Chuyển ngữ: Marta An Nguyễn
Hiệu đính: Bùi Quang Minh, S.J.

Kiểm tra tương tự

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

[Giới thiệu sách] Hạnh Các Thánh Dòng Tên

Các Thánh và các Chân Phước trong Dòng Tên chính là những người đã đạt …

Một bình luận

  1. Cá nhân con nghĩ nhà dòng nên tạo thêm thư mục bài viết vào trang chủ. Khi con đọc cười với dòng tên số 4 và muốn đọc lại chương 1 và chương kiếm lại hơi khó và cũng tương tự với vài mục. Bài hay bị trôi khi muốn kiếm lại đọc rất khó khăn. Cá nhân con thấy vậy.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *