Trước hết, I-nhã đã nhấn mạnh tính chất cá vị của “cura personalis”. Thật vậy, ngay cả trong việc chọn từ ngữ, I-nhã cũng đã khước từ tất cả những thuật ngữ chuyên môn, mang tính thể chế. Đây không phải là từ ngữ của một vị linh hướng đứng trước một người mới tập tành đường nhân đức, cũng chẳng phải từ ngữ của một người giúp tĩnh tâm đứng trước một người tĩnh tâm. “Cura personalis” được diễn tả ra nơi hành vi “cho” và “nhận” của con người, một hành vi của việc trao tặng và kế đó là tiếp nhận. Một tương quan hai chiều được thiết lập giữa người cho và người nhận các bài Linh thao. Trao cho thao viên sách Linh Thao hay bản tóm các bài Linh Thao thì chưa phải là cho Linh Thao. I-nhã chỉ trao sách Linh Thao cho những người đã làm Linh thao, người mà giờ đây muốn có sự trợ giúp của bản văn để họ có thể cho Linh Thao. Toàn bộ truyền thống I-nhã nhấn mạnh rằng “cho Linh Thao” không phải là vấn đề thông truyền một mớ kiến thức hay giáo thuyết, cũng không phải là việc áp đặt một phương pháp hay những ý tưởng riêng của mình, nhưng là trao cho thao viên những mầu nhiệm về cuộc đời và con người Đức Ki-tô để chính người ấy có thể tự mình đón nhận lấy những mầu nhiệm ấy vào trong lịch sử riêng của đời họ. Do đó, người cho Linh Thao buộc phải xóa mình, không biến mình thành rào cản, không thêm thắt điều này điều kia; còn người làm Linh Thao được khích lệ để hành động và đáp trả cách cá vị trước quà tặng mình nhận được, không bằng lòng với việc dừng lại ở bề mặt nơi những ấn tượng và cảm xúc nhưng biết cảm nếm bề trong món quà nhận được, và thưởng thức nó trong chiều sâu của chính mình (LT 2).
Chính ở điểm này mà một chú dẫn ít được tuân thủ nhất suốt bao thế kỷ xuất hiện. “Cura personalis” sẽ không còn là nó một khi người cho Linh thao ngăn cản người nhận Linh thao tự mình quyết định và hành động, vì khi ấy “cura” đã biến thành một thứ chỉ dẫn mang tính áp đặt, hay thành một mớ những ý tưởng và sáng kiến riêng của người hướng dẫn. Ngay cả khi người cho Linh thao thật sự giỏi giang, đã được đào tạo kỹ càng cho tác vụ này, hay ngay cả khi người ấy là người có kinh nghiệm sâu rộng với tài năng không thể phủ nhận, I-nhã vẫn muốn người ấy phải chừng mực, ngắn gọn, và trên hết trung thành với I-nhã cũng như tôn trọng người nhận Linh thao (LT 2). Một cách đặc biệt, ngày nay, nhiều người hướng dẫn Linh Thao được huấn luyện kỹ về nghệ thuật tư vấn và linh hoạt nhóm, về khoa chú giải Thánh Kinh và linh đạo, nên trên nguyên tắc họ có thể làm cho “cura personalis” được nên phong phú hơn nhờ những thành quả của các khoa học nhân văn đó. Thế nhưng, ngay từ đầu cuốn Linh Thao, I-nhã đã dám đòi hỏi người cho Linh thao phải từ bỏ sự phong phú về kiến thức và mọi hấp dẫn của tài hoạt náo thiêng liêng, để nhờ đó người nhận có thể tự mình suy ngẫm, làm việc như là tác giả của điều mà người đó ước ao và khao khát. Tất cả năng lực của người linh hướng phải nhằm làm sao để người thụ hướng trở thành tác giả, theo đúng từ nguyên của hạn từ Latin “autoritas”. Ngược lại, mọi thái độ có tính kiểm soát hay thuyết phục đều đưa tới nguy cơ lớn lao là làm cho cả “cura” và “personalis” ra vô nghĩa.