Cura Personalis

Theo thánh I-nhã, để có “cura personalis” trước hết phải có một bầu khí tin tưởng lẫn nhau – một sự tin tưởng vốn luôn khó đạt được nhưng lại rất dễ mất đi. Vào thời điểm cải cách và chống cải cách [tin lành], chính I-nhã đã phải cho Linh thao trong một bầu khí đầy ngờ vực, trong một mối tương quan mà cuộc đối thoại dễ có nguy cơ bị đổ vỡ. I-nhã cũng đã có kinh nghiệm rằng thường ta có thể tự lừa dối chính mình, chẳng hạn khi ngài tin rằng Chúa muốn ngài ở lại vùng Cận Đông để tiếp tục sứ mạng của mình. Nhưng giữa những bấp bênh, ngờ vực như thế, I-nhã vẫn can đảm áp dụng “cura personalis” một cách đầy tin tưởng. Ngày nay cũng thế, chúng ta phải dám liều chấp nhận nguy cơ bị hiểu lầm và bị mất sự tín nhiệm vì người ta nghĩ rằng ta là cánh tả hay cánh hữu, và dán cho cái nhãn bảo thủ hay cấp tiến. Khi đó, như thánh I-nhã hướng dẫn trong LT.22,  ta cần cố gắng hiểu và giải thích tốt về tất cả những điều được nói ra, để người đang nói có thể nói ra bao nhiêu có thể thay vì kết án họ ngay lập tức. Điều tiên nhận tốt đẹp này phải chiếm ưu thế trong mọi sự, nhằm duy trì cuộc đối thoại đến tận cùng, vì lòng yêu mến tha nhân.

Một khi nguyên tắc này, một nguyên tắc đầy tin tưởng và nhân hậu, được I-nhã nêu ra cho “cura personalis“, ngài lại khéo léo vạch ra một số giới hạn trong các Chú Dẫn. Giới hạn đầu tiên là phải thực hiện “cura personalis” trong khuôn khổ chính xác của mối quan hệ song phương – giữa người cho và người nhận – tức là hai người trao đổi với nhau và tiếp tục cuộc đối thoại chỉ trong thời gian làm Linh thao mà thôi. Tuy nhiên, I-nhã cũng biết đến những tình huống hoàn toàn khác biệt khác và minh nhiên phân biệt “cura personalis” ngoài khuôn khổ của Linh thao với cái còn nằm trong khuôn khổ ấy. Ngoài khuôn khổ Linh thao, người đồng hành thiêng liêng có thể và nên khuyên người khác chọn đời linh mục hay đời thánh hiến (LT 15). Còn khi làm Linh thao, thao viên phải trở nên thực sự tự do, nhờ đó Thiên Chúa có thể sử dụng họ, và do đó người cho Linh thao không nên khích lệ thao viên tới chỗ mà chính Thiên Chúa không kêu gọi. Vì cùng lý do đó, cũng có giới hạn đối với nhu cầu muốn biết về người đang cần có “cura personalis“. Người cho Linh thao cần phải đặt nhiều câu hỏi và biết chi tiết để có thể thực sự giúp người nhận (LT 6). Nhưng I-nhã muốn rằng khi thu thập những thông tin này, người đồng hành phải để mình được hướng dẫn bởi lòng kính trọng sâu xa đối với người mình tháp tùng, và không nên ước ao hỏi hay biết về những suy nghĩ riêng tư lẫn những tội lỗi của đương sự (LT 17).

Tuy nhiên, người cho Linh thao sẽ không thể đảm bảo việc “cura personalis” nếu không được thao viên cho biết về những thôi thúc và xao động mà thần lành hay thần dữ khơi dậy trong lòng họ. Đúng là “cura personalis” trong phạm vi Linh thao cấu thành một trường hợp đặc thù, một tình huống ưu việt, nhưng theo tập quán của những Giêsu hữu đầu tiên, thì nguyên tắc ấy và những giới hạn phát xuất từ đó vẫn được duy trì, để làm sao cống hiến “cura personalis” cho nhau trong tương quan liên vị, tùy theo cách thức mà mỗi người ước muốn và cởi mở chính mình. Sách Linh thao không đề cập đến điều này, nhưng các Giêsu hữu đầu tiên đã tránh giảng cho những đám đông thính giả, từ bỏ lối nói của những nhà giảng thuyết để phục vụ cho việc đối thoại riêng tư. Lý tưởng vẫn là việc có sự trao đổi qua lại, trò chuyện giữa hai người. Chính qua trò chuyện mà I-nhã đã chinh phục được các bạn đường cho mình, và bằng trò chuyện mà I-nhã chuẩn bị cho người ta làm Linh thao; những cuộc trò chuyện này dù đã được định hướng cách rõ ràng nhưng vẫn giữ được đặc tính tự do của cuộc đối thoại. Ngày nay, dù những đóng góp của hoạt động nhóm, của việc giảng giải cho một nhóm đông người đã được nhìn nhận, vẫn cần một sự về nguồn trong cách cho Linh thao, tức là chuyển từ các cuộc tĩnh tâm có tính thuyết giảng qua các bài Linh thao được hướng dẫn cách cá nhân, cho dù “cura personalis” này có những hạn chế về số người tham dự. Đây là lý do tại sao chính I-nhã không trình bày kinh nghiệm Linh thao như một khối cố định để giữ hay bỏ, nhưng tùy theo sự ước ao và khả năng thực sự của mỗi người mà ngài tiên lượng cho Linh thao “nặng” hay “nhẹ” (LT 18-20),[2] để rồi tùy theo sự cởi mở của mỗi người mà họ được giúp hơn trên con đường đưa tới Chúa. Khi đẩy mạnh tối đa “cura personalis“, I-nhã mở lối cho cái được gọi là “sự dân chủ hóa” kinh nghiệm Ki-tô giáo,[3] vừa bằng Linh thao được làm trong cuộc sống hằng ngày, vừa bằng việc mở rộng sứ vụ đồng hành thiêng liêng cho nhiều giới khác nhau, nhờ sự trợ giúp của những người được chuẩn bị kỹ càng cho đủ loại “cura personalis” nầy, và sẵn sàng cống hiến con người và thời gian của mình cho các việc ấy.

Kiểm tra tương tự

Kiên cường trong đức tin: Quan điểm thần học và mục vụ

Trong cuộc sống hiện đại, đặc biệt với giới trẻ thế hệ gen “Z”, khái …

Ý nghĩa và nguồn gốc Kinh Sáng Danh

Là người Công giáo, ai cũng thuộc Kinh Sáng Danh. Có lẽ sau Kinh Lạy …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *