Nếu ta chuyển sự chú ý từ người cho Linh thao qua người nhận, ta sẽ ngạc nhiên khi thấy I-nhã không giải thích gì về sự kiện người bước vào hành trình Linh Thao tự đặt mình cách khá tự nhiên vào tư thế người nhận. Với I-nhã, điều đương nhiên là người nhận cần “cura personalis”, vì không ai có thể tự mình xoay sở. Tắt một lời, để lớn lên và tăng trưởng, chúng ta cần được giúp đỡ, và không muốn được giúp là tự đẩy mình đến chỗ trì trệ và suy thoái. Tuy nhiên, khi nhận ra rằng trên đường đến với Chúa, mình không thể thiếu “cura personalis” của bạn đồng hành thì không có nghĩa là mình buông xuôi, không làm gì cả. Trái lại, việc hướng tới người khác với sự quảng đại lớn lao (LT 5) và sự tự do hoàn toàn để được giúp đỡ, lạ lùng thay, lại là một cách tự giúp mình. Nghịch lý thay, việc xin người khác giúp đỡ lại đưa tôi tới chỗ tự đảm trách lấy điều mà chính tôi muốn. Lối diễn tả này được lặp đi lặp lại hơn mười hai lần trong cuốn Linh Thao. Nó được củng cố bởi một loạt những động từ phản thân, chỉ về một hành động vốn tác động trở lại trên chính chủ thể của động từ, chẳng hạn “xếp đặt chính mình”, “chỉnh đốn chính mình” (LT 18, 24), hay bản chất của việc “phản tỉnh trên chính mình” (LT 114). Rõ ràng, người nhận “cura personalis” là người có khả năng ước muốn và chọn lựa trong tự do và với lòng quảng đại. Như chính cụm từ này cho thấy, “cura personalis” là chăm lo cho từng cá nhân. Toàn bộ năng động của Linh thao đưa tới chỗ làm cho người nhận Linh thao biết đảm nhận lấy trách nhiệm, tức là có khả năng đáp lại điều Thiên Chúa muốn và ước ao cho họ. Trách nhiệm cá nhân này hoàn toàn không nhốt họ trong một tháp ngà. Sự nhấn mạnh đến “chính tôi” trong Linh thao càng không nhằm cổ võ và ủng hộ chủ nghĩa cá nhân thái quá. Trái lại, khi được hướng dẫn qua các bài thao luyện của tuần thứ nhất, ta nhận ra trách nhiệm của mình đối với những gì trong và quanh ta vốn bị phá hủy bởi tội lỗi mà ta có dự phần vào đó cách ý thức hay không ý thức. Chúng ta cũng cần phải có cùng một trách nhiệm cá nhân ấy khi Thiên Chúa, qua các bài thao luyện của tuần hai, muốn sử dụng ta để xây dựng một nhân loại mới, nhân bản hơn và thánh thiêng hơn. Do đó, “cura personalis” hướng người nhận Linh thao tới chỗ trở nên một lời đáp trả tự do và trên hết là cá vị trước Đấng kêu gọi mỗi người và kêu gọi mỗi người theo tên của họ, tới việc phục vụ lớn hơn, vì vinh quang lớn hơn cho Thiên Chúa. Vậy, một cách cụ thể, trong công việc của người cho Linh Thao, “cura personalis” hệ tại ở điều gì? Như luôn được thấy, I-nhã rất nhạy cảm trước sự khác biệt giữa các cá nhân – tuổi tác, văn hóa, sự trưởng thành về thiêng liêng, bậc sống (LT 18-20) – và thậm chí không loại trừ việc không cho họ làm Linh thao, ít là tạm thời. Từ điểm này, I-nhã gợi ý nhiều khả thể hữu ích khác bằng cách thích ứng Linh thao, thậm chí đến từng chi tiết, cho hợp với nhu cầu của người muốn làm Linh thao. Sự thích ứng với nhu cầu của từng người giả định rằng người cho Linh thao được thông tri cách trung thực về những cảm xúc và suy nghĩ đang thúc đẩy người nhận Linh thao (LT 17). Hơn nữa, người cho phải can thiệp nếu người nhận hoàn toàn không được thúc đẩy bởi an ủi hay sầu khổ nào (LT 6). Làm sao để trợ giúp trong trường hợp tâm hồn họ phẳng lặng khiến con thuyền [đời họ] không thể tiến lên hay chuyển động – việc xử trí trường hợp này đôi khi còn khó khăn hơn trường hợp ngược gió do ảnh hưởng của thần dữ, hay thậm chí cả trường hợp quá thuận buồm xuôi gió khi thần lành dường như là người cầm lái và định hướng. Trong tất cả những hoàn cảnh có nhiều luồng gió trái ngược này– nói theo ngôn ngữ của khoa khí tượng học – “cura personalis” là điều không thể thiếu. Khi ấy, theo I-nhã, người cho Linh thao phải can thiệp bằng cách đặt những câu hỏi. Trong cuộc trò chuyện hỏi han này, người cho không được tỏ ra khó chịu hay khắt khe (LT 7), nhưng phải khích lệ, soi sáng mọi điều mà thần lành hay thần dữ có thể khơi dậy trong lòng người nhận. Một sự trợ giúp lớn lao hệ tại ở việc lột mặt nạ những mưu mô của tên vốn là kẻ nói dối ngay từ lúc khởi nguyên (Ga 8, 44), là kẻ vẫn còn tiếp tục dụ dỗ và lừa dối chúng ta, thường bằng cách đội lốt “thiên thần ánh sáng” (LT 332). Theo như các chú dẫn thì “cura personalis” khi đó là “nhắc bảo” (LT 12), là “khuyên can” (LT 14), là “cẩn thận tìm hiểu và khuyến cáo” (LT 14).
Kiểm tra tương tự
Kiên cường trong đức tin: Quan điểm thần học và mục vụ
Trong cuộc sống hiện đại, đặc biệt với giới trẻ thế hệ gen “Z”, khái …
Ý nghĩa và nguồn gốc Kinh Sáng Danh
Là người Công giáo, ai cũng thuộc Kinh Sáng Danh. Có lẽ sau Kinh Lạy …