III. NHỮNG MẦM MỐNG ẤU TRĨ
3. Khuynh hướng thu mình hay lẩn tránh (withdrawal tendencies)
Khuynh hướng đào thoát hay động năng lẩn tránh xuất hiện dưới nhiều hình thái khác nhau và kết hợp với những đặc tính đủ loại của nhân cách. Cách chung, người sử dụng phương thức này thay thế các giải pháp đích thực bằng các giải pháp giả tạo và thay thế các niềm vui và thành công trong thực tại bằng những niềm vui và thành công tưởng tượng. Tu sĩ, vốn bị bó buộc phải tập trung trên việc phát triển một đời sống nội tâm vững mạnh, cần phải thận trọng để phân biệt – để khỏi lẫn lộn – giữa các cơ chế lẩn tránh nguy hại đến nhân cách và lòng yêu chuộng cô tịch, cần thiết cho một nền tu đức đích thực.
Người bị ám ảnh bởi các động năng lẩn tránh rất nhạy cảm, ngờ vực, cô độc và đóng kín, tự-quy (self-centered = quy về mình). Họ khó cộng tác với kẻ khác trong việc theo đuổi mục đích đại sự của tập thể. Trong cộng đoàn, họ sống kín đáo, có vẻ dễ bảo, bởi đó không ai để ý đến họ trong một thời gian dài. Trong mọi động năng điều ứng mà ta bàn cãi, có lẽ cách sống này là nguy hại nhất cho việc xây dựng nhân cách trưởng thành. Các xu hướng thu mình vào ốc đảo là cơ sở cho tình trạng phân đôi nhân cách hay “tâm thần phân liệt” (schizophrenia), một trong những hình thức loạn tâm thần thường xảy ra, nhất là ở lớp người trẻ. Nếu phân tích cẩn thận tiến trình này, người ta thấy được vào lúc đầu có một khuynh hướng đáng ngại về ấu trĩ tâm lý nghiêm trọng.
Các động năng lẩn tránh (escape dynamisms), được sử dụng để trốn thoát những thực tại khó chịu, rất tinh vi trong cách bộc lộ của chúng nơi tác phong. Ví dụ: một tu sĩ ghét nhiều người và gán ghép sư đố kỵ này cho sự vô lý của người khác thay vì nhìn nhận sự thiếu thích ứng nơi mình, thì người ấy bộc lộ một thái độ sâu xa hơn là một ác cảm thông thường. Đối với đương sự, vấn đề đã được giải quyết khi cho rằng sự căng thẳng của họ xuất phát từ các nguyên nhân ngoại tại. Bởi thế, họ không thể giải quyết vấn đề cách hiện thực.
Họ còn xác tín rằng mọi người đều liên tục làm khổ họ, lạm dụng họ đến mức độ tối đa và hoàn cảnh của họ quá khó, đến độ phải thường xuyên bị trầm cảm. Người tu sĩ có xu hướng này cảm thấy bị đè bẹp dưới gánh trách nhiệm và căng thẳng đến mức độ tuyệt vọng. Thế rồi họ lại đi tìm nguyên nhân ở bên ngoài thay vì tìm cách thích ứng bên trong. Nếu trách nhiệm của họ quá khó, họ có khuynh hướng quay về với chính mình hơn là tìm cách giải quyết vấn đề với bề trên hay người phụ trách cao hơn.
Một tu sĩ bị khống chế bởi khuynh hướng lẩn tránh thường đi lệch đường để khỏi gặp anh em: họ thích ở một mình liên tục hơn là ở chung với người khác. Vì họ phải khổ cực nhiều để hòa hợp với người khác, họ tìm cách trốn tránh giờ giải trí hay dịp lễ hội đăc biệt. Nếu bị bắt buộc ở trong nhóm, họ cũng tìm cách thu mình bằng cách tưởng nghĩ đến công việc riêng của mình và bỏ quên câu chuyện của người khác. Nếu có mở miệng nói điều gì, thì cũng chỉ để ca tụng thời hạnh phúc xa xưa khi còn trẻ, hay trước khi vào dòng. Họ bộc lộ cách tinh vi ước muốn vô thức trở lại thành trẻ con. Họ đả kích các công việc quản lý cộng đoàn thật kịch liệt nhưng không đề nghị một giải pháp cụ thể tốt đẹp nào. Họ chỉ biết nói và mơ tưởng về thành quả hơn là nói về những phương thế thực hiện chúng. Họ thù ghét đám người trẻ vì nghĩ rằng những người này sống thoải mái, dễ chịu hơn họ. Tư tưởng và lời nói của họ cho thấy những mặc cảm tự ti rất sâu đậm và khó lay chuyển.