Dâng hiến sáng tạo (17)

III. NHỮNG MẦM MỐNG ẤU TRĨ

Một vài thái độ nơi người bình thường

Phải biết rằng cả những con người bình thường thỉnh thoảng cũng có một vài thái độ lệch lạc này. Nhưng nếu người ta cố ý cho phép chúng thành cố định hay có quá nhiều động năng lẩn tránh, thì chúng có thể làm phương hại đến hiệu năng cá nhân và gây nên một sự xáo trộn bệnh hoạn bằng cách làm sai lệch nhận thức về thực tại.

Cần phải ý thức rõ ràng là tình trạng ốc đảo và lẩn tránh đều là những động năng điều ứng*, chống lại sự thất bại. Thái độ mà chúng che giấu, được giản lược vào nguyên tắc: “tốt hơn là không động đậy và được yên thân”. Thường thì người “thu mình, lẩn trốn” không dám nói gì, vì sợ sai lầm. Họ lắm lời khuyên bảo nhưng không dám ra tay hành động, vì muốn chờ xem hơn là phải phiêu lưu. Một dấu hiệu nghiêm trọng hơn về cơn bệnh của họ là sự thiếu hứng thú và không cầu tiến, vốn được bộc lộ trong thái độ thiếu nhiệt tình khi làm việc hay khi giải trí.

1/. Mộng tưởng ban ngày (The Habitual Daydream)

 Hình thức co cụm, thoái hồi* (withdrawal/ retrait) thông thường nhất là thói quen mộng tưởng hay mơ mộng giữa ban ngày. Ai lại không có kinh nghiệm về điều đó? Tuy nhiên người “ốc đảo” thu mình vào đó như một cách thức lẩn trốn đều đặn. Khi họ gặp thất bại trong đời sống thực tế, thì họ ẩn náu trong các sự thỏa mãn và thành công tưởng tượng. Càng thất vọng thì người ta càng phó mặc cho tưởng tượng hành động.

Một trong những mục đích của tưởng tượng là đề cao cái tôi. Bất kể đến thực tại, người mơ mộng tưởng mình là một vị đại thánh, một vĩ nhân. Họ tự tạo cho mình một thế giới ảo ảnh, nơi đó họ coi mình như một nhân vật quan trọng. Sinh hoạt nội tại này làm giảm bớt sự áy náy và đau khổ, do các tình cảm tự ti và bất an đem đến. Tuy nhiên khi họ bắt buộc phải trở về với thực tại, thì các tình cảm ấy càng tăng thêm cường độ.

Đối với một người bình thường, thì không thể duy trì các ảo ảnh đối nghịch với thực tại cuộc đời. Khi sự điều chỉnh đối với thực tại được đúng mức, thì ảo ảnh cũng biến tan. Trong trường hợp ngược lại, chúng có thể gia tăng cường độ và bị méo lệch đến độ chúng xác định tác phong bên ngoài một cách hiện thực như kinh nghiệm ngoại tại hay môi trường xác định tác phong của một người. Hành vi của một vài người bị tâm bệnh thường tìm thấy nguyên nhân và được giải thích bởi những khuôn mẫu giả tưởng của họ.

Nếu phân tích kỹ lưỡng các ảo ảnh, đặc biệt là các loại mơ mộng, người ta có thể hiểu loại động năng điều ứng* này nhiều hơn. Nó thường hay xuất hiện vào thời kỳ đầu, vào các giai đoạn chuyển tiếp và các giai đoạn căng thẳng của đời sống tu trì. Các động năng đào thoát nơi các tu sĩ lớn tuổi có thể bắt nguồn từ những thói quen đã thành hình trong quá khứ, cả khi chúng vẫn còn ngủ yên trong một thời gian rất dài. Thói quen mơ mộng không bắt đầu vào thời trưởng thành, song có thể tái xuất hiện vào những giai đoạn chuyển tiếp và những thời kỳ khủng hoảng.

Đời sống tu trì đòi hỏi một sự tập trung trên các tiến trình tâm linh lớn hơn là đối với các bậc sống khác. Như chúng ta đã thấy ở trên, các lý tưởng và quy luật đời tu được thiết lập nhờ các tiến trình tâm lý. Tất cả tòa nhà đời sống thiêng liêng được xây dựng trên kinh nguyện và suy niệm, hai công việc tự yếu tính, có bản chất tâm linh. Để suy niệm, nhất là trong giai đoạn đầu, trí tưởng tượng rất cần thiết để ghi nhớ lại đời sống của Chúa Giêsu, để hình dung khung cảnh các biến cố được Kinh Thánh kể lại, để sắp xếp môi trường theo các chủ đề. Tiến trình tư duy giúp chúng ta suy niệm – hãy nhớ kỹ điều này – cũng chính là những tiến trình có thể tạo nên các ảo ảnh lẩn trốn. Tuy nhiên cũng có những đặc điểm rõ rệt giúp phân biệt các ảo ảnh khi mơ mộng với những hình ảnh hữu ích cho việc cầu nguyện.

(1) Mơ mộng hay ảo ảnh vô thức là cách phô diễn của những ước muốn được tán thưởng và thán phục, nhưng thường không được thỏa mãn, vì chúng vượt quá các khả năng và sức mạnh của ý chí nơi người mộng tưởng.

(2) Mơ mộng luôn đem đến vui thích; người mơ mộng không dừng lại nơi các vấn đề hay sự vật gây khó chịu.

(3) Tất cả những người mơ mộng đều vị kỷ. Họ là trung tâm của sự chú ý, cả khi có người khác xuất hiện trong trí tưởng tượng của họ.

(4) Người mơ mộng không thích kể lại mộng tưởng của mình, nhất là vì họ không muốn chấp nhận ai khác vào trong thế giới tưởng tượng của họ.

Tất cả những đặc điểm trên đều là những chướng ngại cho việc suy niệm tốt đẹp: đó là những khuyết điểm làm phương hại đến nỗ lực chú ý vào các mầu nhiệm Chúa Cứu Thế cũng như các việc đạo đức khác. Đối với những người “thu mình vào ốc đảo”, giờ suy niệm và cầu nguyện có thể là lúc mơ mộng tập trung, nặng nề đến độ trở thành những nguyên nhân trầm trọng cho sự xáo trộn nhân cách. Nếu một người trẻ đi vào đời sống tu trì với khuynh hướng lẩn trốn mạnh mẽ thì có thể dễ dàng phát triển một sự xáo trộn tâm lý trầm trọng sau một thời gian. Vì không biết được sự khác biệt giữa cầu nguyện đích thực và những sự phiêu lưu của tưởng tượng, họ liều lĩnh đánh mất một số thời gian rất lớn dành cho việc cầu nguyện hay tệ hơn nữa, họ có nguy cơ sử dụng thời gian đó để phát triển những tập quán tâm lý bệnh hoạn làm phá vỡ sự duy nhất của nhân cách.

2/. Mộng tưởng và suy niệm

Những đặc tính của mơ mộng và của suy niệm rất khác biệt nhau. Luôn tìm kiếm tán thưởng và khen tặng, người mơ mộng chỉ xoay quanh những việc thiện giả tưởng, những nhân đức anh hùng và những kỳ công đủ loại họ cho là của mình. Họ tưởng tượng như mình rất bác ái, can đảm, mau mắn giúp đỡ người khác và anh hùng trong các cơn nguy biến v.v… Họ hết sức chú tâm đến cái “tôi” (self) của mình thay vì quên mình, họ chỉ biết tự mãn về mình, tìm kiếm việc phát triển chính mình (self-fulfillment) thay vì tìm kiếm làm đẹp lòng Chúa.

Dù thực hành bất cứ việc cầu nguyện nào, người mới bắt đầu cũng phải chiến đấu để loại bỏ cái “tôi” ra khỏi tưởng tượng để duy trì sự hiện diện của Chúa Kitô nơi đó. Sau này, vào những ngày đau khổ mệt nhọc, người ta sẽ còn thấy khó khăn hơn để chú tâm vào Chúa Kitô thay vì chú trọng đến các sự khổ cực buồn phiền của mình. Chớ gì các tu sĩ trẻ biết phân biệt những điều này để không những tránh các sự chia trí trong giờ cầu nguyện mà nhất là tránh những trở ngại tâm lý cho việc tăng trưởng thiêng liêng. Việc suy niệm không nên quy hướng về các thành quả nhân đức của ta nhưng về nhân đức mà ta thấy được nơi Chúa Kitô và các thánh.

Mơ mộng đối với người co cụm, thoái hồi, luôn đem lại thích thú. Đối tượng của nó luôn luôn là một sự thỏa mãn cá nhân. Việc suy niệm và cầu nguyện đích thực có mục đích tìm kiếm Chúa, dầu có được an ủi hay không. Người mơ mộng không thích dừng lại ở điều khó chịu. Nhưng về phương diện tự nhiên, thật là khó chịu khi phải nghĩ về tội lỗi, về việc thống hối, đền tội, hãm mình, từ bỏ và sự thương khó của Chúa Kitô. (Đa số các chủ đề suy niệm, về phương diện tự nhiên rất cực nhọc nhưng rất hữu ích về phương diện thiêng liêng). Người mơ mộng chỉ nghĩ đến điều mình thích, nên sẽ loại những chủ đề ấy ra khỏi việc suy niệm của mình. Cũng vì lý do đó, người mơ mộng chỉ chú ý đến niềm vui của người khác khi chính họ có liên hệ vào đó. Những người mộng tưởng dầu có nghĩ đến người khác, cuối cùng cũng chỉ đặt chính họ làm trung tâm.

Trong việc nguyện gẫm đích thực, Chúa Kitô luôn là trung tâm: chủ đề là sự thánh thiện của Người, lời nói và việc làm của Người. Những tu sĩ trẻ cũng như bất cứ ai chú trọng đến việc cầu nguyện thường muốn bàn bạc với cha linh hướng về cách cầu nguyện của mình. Một sự cực nhọc bất thường khi nói về đời sống nội tâm của mình bộc lộ tính cách ảo tưởng và vị kỷ của những người mơ mộng.

Từ sự mô tả đó, người ta hiểu được: một con người có xu hướng thoái hồi nghiêm trọng sẽ khó thích nghi vào đời sống tu trì biết bao. Cầu nguyện và suy niệm đối với họ chỉ là một thời gian thuận tiện cho việc mơ mộng. Việc suy niệm sẽ là cơ hội dấn sâu vào thói quen mộng tưởng dông dài. Người nào cứ tiếp tục con đường tu trì như vậy, thiếu khả năng phân biệt giữa mộng và thực, là tự chuốc lấy một sự xáo trộn tâm não trầm trọng. Cũng nên nhắc lại là các xu hướng “thu mình” không phải dễ nhận ra, vì người mơ mộng thường có vẻ dễ bảo, đạo đức và rất chừng mực trong đời sống hàng ngày.

Kiểm tra tương tự

Giới thiệu sách mới: VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI TU – MỘT ĐÓNG GÓP CỦA LINH ĐẠO I-NHÃ

Sự vâng phục là một trong ba lời khấn mà các tu sĩ phải tuân …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *