Dâng hiến sáng tạo (38)

VI. HƯỚNG DẪN TÂM LINH

Lúc nào phải chỉ bảo?

Lúc nào phải đưa ra những lời chỉ bảo và lúc nào phải tránh. Rất khó mà biết. Bao lâu có thể, nên giữ thinh lặng, vì một lý do đơn giản: đưa ra những chỉ dẫn là một cách quyết định thay cho kẻ khác. Tốt hơn là đưa người thụ hướng tới việc tự quyết định. Tuy nhiên nếu một tu sĩ muốn được biết ý kiến của một tu sĩ khác vốn có khả năng trả lời, thì vị này không có quyền từ chối. Một vài hoàn cảnh được coi như thuận lợi hơn hoàn cảnh khác. Tương quan tốt đẹp phải được thiết lập một cách vững chắc. Thái độ khôn ngoan là không đưa ra ý kiến của mình nếu không biết rõ chủ thể và cũng vì lý do đó, cần phải xem xét hoàn cảnh cách cẩn thận, tìm hiểu nhân cách của người thụ hướng, các vấn đề và khó khăn của họ, trước khi khuyên bảo hay quyết định thay cho họ.

Nơi đây, chúng ta cũng ghi nhận ảnh hưởng của việc chuyển đổi, như phương thế làm dịu bớt các căng thẳng để được thuyên giảm. Điều này đặc biệt quan trọng khi vị linh hướng có hoàn cảnh để làm điều đó hay đưa ra ý kiến đó. Nhiều khi một tu sĩ bị xâu xé vì lo âu, căng thẳng còn phải khổ cực hơn vì hoàn cảnh của những người chung quanh. Một sự thay đổi trong công việc là giải pháp duy nhất có thể cầm hãm một sự xáo trộn cảm xúc sâu xa. Dầu vậy hậu quả của việc chuyển đổi chỉ là làm nhẹ bớt cường độ của căng thẳng. Và chỉ trong một thời gian! Nguyên việc thay đổi hoàn cảnh không, chưa đủ tạo nên một kết quả lâu bền.

Nếu không được “hướng dẫn” cách nào đó, thì con người khốn khổ kia sẽ gặp những khủng hoảng khác trong những hoàn cảnh tương tự. Nhiều khi trong các cộng đoàn, người ta tưởng rằng cách tốt đẹp nhất để giải quyết một vấn đề là chuyển đổi: đổi môi trường, đổi nhà, đổi công việc. Nhưng tất cả những sự chuyển đổi từ việc này sang việc kia, từ nhà này sang nhà nọ, có thể làm phát triển một tình trạng sôi sục đa dạng. Quá nhiều sự thay đổi trong quá nhiều lãnh vực làm cho người ta mất chân đứng và cái cảm tưởng mất chân đứng sẽ nhanh chóng biến thành một thứ băn khoăn mơ hồ. Mất gốc và giao động, người tu sĩ vì thế sẽ trở nên căng thẳng, xao xuyến, ham thích giải trí; người ấy cảm thấy khó cầm trí, suy niệm, học hành. Họ bắt đầu quen thói đi la cà, thích nhàn rỗi, ngồi lê đôi mách, ham săn tin tức sốt dẻo, thích nghe ngóng những chuyện bên ngoài. Họ làm hỏng cả cuộc đời, sức lực, tài năng của mình, vì không có khả năng chú ý lâu giờ vào một công việc.

Siêu thoát và bất ổn định

Nhiều khi trong đời sống tu trì, người ta lẫn lộn tinh thần thoát tục với điều vốn chỉ là một hình thức bất ổn định (instability). Có những tu sĩ, vì trong cuộc sống đã trải qua nhiều khó khăn mà họ chỉ có thể giải quyết nhờ một vài thuyên chuyển hay thay đổi trong lối sống, nên thay vì tìm thấy nơi đó bài học của siêu thoát, thì trái lại chỉ mong chờ thay đổi để làm dịu bớt căng thẳng. Siêu thoát là sức mạnh, là kiên cường, là khả năng tăng trưởng về mặt thiêng liêng và đạt đến sự trưởng thành tâm lý, dầu các hoàn cảnh có thuận tiện hay không. Quá nhiều sự thay đổi trong công việc, nơi chốn có thể làm cho một tu sĩ mất cơ may lãnh nhận ý thức trách nhiệm. Về phương diện thiêng liêng và tâm lý, nhiều khi để cho tu sĩ tiếp tục kiên trì mặc dù gặp phải trở ngại thì lợi cho họ hơn; để cho họ có thời giờ mà dò xét căn nguyên ẩn kín của các khó khăn gặp phải, bằng cách cho họ sáng kiến tìm thấy phương thế thích hợp để giải quyết vấn đề và thành công nơi mà trước kia họ gặp thất bại.

Kinh nghiệm này giúp họ thêm tự tín và trưởng thành. Thêm bớt một vài sửa đổi nhỏ mọn cho hoàn cảnh của họ nhiều khi chỉ làm họ mất đi trách nhiệm phải cố gắng. Những thay đổi hời hợt này chỉ cho phép họ lặp lại các thói quen và lề lối hành động cũ trong một hoàn cảnh mới. Nếu các vấn đề thích ứng của họ quá phức tạp, thì điều họ cần là được hướng dẫn chớ không phải thay đổi.

Cần phải có thời gian cho vấn đề xúc cảm: bàn bạc một lần ít khi đủ để giải quyết. Lắm khi mỗi lần thăm vếng, đòi hỏi hơn một tiếng đồng hồ. Đối với một vài tu sĩ, còn phải nhiều nữa để có thể giải tỏa tâm tình và trình bày các sự âu lo của họ; nhưng tốt hơn cho họ và cho vị linh hướng là giới hạn vào một giờ như mức tối đa. Người ta không thu lượm được gì hơn khi ở mãi trong các vấn đề của mình. Về điểm này không có quy tắc tuyệt đối: sự khôn ngoan và óc phán đoán sẽ là những hướng dẫn viên tốt nhất. Nhưng cách chung, một giờ thì đủ rồi. Quá thời gian này người hướng dẫn có thể hẹn lại lần khác.

Kết thúc buổi gặp gỡ

Để kết thúc, người hướng dẫn phải đề phòng, đừng ra vẻ hấp tấp, vội vã, đường đột, bằng cách nghĩ đến công việc mình đang làm dở dang. Điều này đủ để làm hỏng mất mọi thành quả đã thu lượm được. Nếu không thể giải quyết vấn đề trong một giờ, thì tốt hơn là để lại lần sau, chớ đừng muốn giải quyết tất cả trong một lần. Người hướng dẫn phải dành trọn thời giờ cho công việc chỉ định. Lý tưởng là sẽ có những giờ dành riêng cho công việc hằng ngày, và đặc biệt đối với các bề trên, có những lúc chỉ dành cho việc xin phép hay những sự thăm viếng chính thức và những lúc khác dành riêng cho những vấn đề cá vị hơn và riêng tư hơn.

Người tu sĩ mệt nhọc, bối rối trước khi ra khỏi phòng vị hướng dẫn phải có một tâm tình hy vọng và một cảm tưởng hài lòng. Một lời nói đúng chỗ và đúng lúc về một công việc đáng khen, cho phép người hướng dẫn tập trung câu chuyện trên một khía cạnh tích cực. Trước khi chấm dứt, người ta có thể hướng câu chuyện về những vấn đề khác làm kẻ thụ hướng cảm thấy được khích lệ. Cần phải biết nói thế nào để họ cảm thấy lạc quan hơn, tin tưởng vào chính mình để thành tựu trong công việc bổn phận và cảm nghiệm hạnh phúc trong đời sống tu trì.

Một sự hiểu biết nhiều hơn về chính mình phải giúp mỗi người tự điều khiển cuộc đời cách tốt đẹp hơn, chớ không phải làm họ chán nản hơn. Kết quả này có thể đạt đến, bằng cách cho kẻ thụ hướng thấy rằng chúng ta lưu tâm đến họ, cư xử thân tình với họ hơn là đụng chạm tới những thứ tự vệ của họ cách lạnh lùng bằng những lý luận, chứng cứ. Việc linh hướng luôn có mục đích là làm ích cho kẻ khác, mang đến cho họ sự tự do để xây dựng chính mình, để hy vọng, để triển nở; không bao giờ để phá đổ, triệt hạ, hay hủy hoại những ảo ảnh và lệch lạc mà không thay thế điều gì tốt đẹp hơn.

Trước khi tiễn đưa người thụ hướng, hướng dẫn viên có thể nhắc đến những việc thắng lợi của họ như: sức khỏe dồi dào, trí khôn sắc sảo, tài nghệ và những đức tính khác, để xua đuổi những vấn đề và lo âu ra khỏi trí óc họ. Điều gì có thể khích lệ họ cách kín đáo và đưa tinh thần họ lên thì sẽ đóng góp vào việc làm giảm bớt căng thẳng của họ.

Kết thúc một công việc cách tốt đẹp đòi hỏi nhiều khéo léo, khả ái và thư thả. Người hướng dẫn có thể hoàn tất câu chuyện như chúng ta vừa đề cập bằng cách này: “tôi hài lòng vì đã gặp bạn; sự thành thật và thiện chí của bạn làm tôi vui thích”; hay “tôi muốn biết bạn sẽ ra sao và có tiến bộ không?” hay “tôi hy vọng sẽ có dịp gặp lại nhau vào tuần sau, nếu có thể được?” Sự khả ái chân thành này để kết thúc, đồng thời sẽ là một lời mời “tái ngộ” nếu cần.

Điều gì xảy ra trong khi bàn bạc thì ít quan trọng, dầu người thụ hướng có khóc lóc, chống cự, phản kháng nhưng điểm cốt yếu là họ ra về cách nhẹ nhàng. Họ phải cảm thấy được vững mạnh, thoải mái và hài lòng hơn. Người hướng dẫn nên biết điều này để bao lâu có thể được, loại bỏ những gì có thể để lại một cảm tưởng khó chịu trước khi chấm dứt. Sự thành tựu của các lần hướng dẫn phần lớn tùy thuộc cảm tưởng của người thụ hướng ra đi. Trong mức độ nào họ sẽ đạt đến trưởng thành, họ có thể thấy rõ hơn chăng, họ sẽ suy nghĩ một cách hữu ích về điều đã được trình bày trong lần gặp gỡ chăng, họ có trở lại không? Tất cả mọi thứ này đều tuỳ thuộc cảm tưởng cuối cùng.

Những đòi hỏi của việc linh hướng thì thật lớn lao. Cần phải có thời gian, kiên nhẫn, bỏ mình, trong khi đời sống cộng đồng đã chồng chất quá nhiều gánh nặng rồi! Dầu vậy người ta không thể giải quyết các lo âu căng thẳng mà không có một sự kiên nhẫn lâu dài; không có cực nhọc và bỏ mình. Không có đường tắt cho những xung đột nhân linh, không có xảo kế tài tình. Nếu chúng ta muốn tận tình giúp đỡ kẻ khác, thì không nên quên rằng các thái độ và nguyên động được thành hình cách tiệm tiến, dần dà cùng với thời gian. Người ta có chỉ dạy, và giải thích cho chúng ta các nguyên tắc và lý tưởng cũng nhọc công vô ích, vì luôn phải có thời gian để thấm nhuần và hấp thụ các điều ấy.

Bề trên thường là người ở địa vị thích hợp nhất để làm nhiệm vụ linh hướng nhưng đó là một dịch vụ mà các tu sĩ chia sẻ cùng một cuộc sống có thể giúp đỡ lẫn nhau, một cách hết sức đơn sơ, miễn là các nguyên tắc cốt yếu đươc hiểu biết và thực hành cách chính xác. Những tu sĩ sống cùng với nhau có thể biết những khiếm khuyết của nhau nhiều hơn những kẻ ở ngoài, nhưng họ chỉ có thể thay đổi điều ấy một chút nào đó bằng việc thực hành linh hướng cách chân thành và khéo léo. Một lần nữa, chúng tôi không hiểu chữ “hướng dẫn” ở đây theo nghĩa tâm lý trị liệu, vốn là một ngành chuyên môn của y học dành cho các chuyên viên, nhưng một cách đơn giản, theo nghĩa của những tương quan liên vị, vốn cho phép chúng ta trợ giúp nhau để đạt tới trưởng thành.

Sự khiêm tốn của người hướng dẫn

Còn hơn cả những kỹ thuật khéo léo, người tu sĩ muốn giúp đỡ anh chị em mình tiên vàn cần phải chấp nhận chính mình như thực tại của mình, không cao vọng, không giả vờ, và với tất cả mọi giới hạn của mình. Chính hình thức khiêm tốn này làm cho người ấy có thể thực sự tiếp xúc với kẻ khác, hiểu được quan điểm của kẻ khác, đi vào thế giới quan của kẻ khác, hiểu kẻ khác như chính thực tại của họ chớ không như mình muốn, và bằng cách này, giúp họ trở nên trưởng thành, trở nên chính họ, theo mức độ tối đa của khả năng họ.

Do ơn gọi tự nhiên là phải tự định đoạt về mình và từ xu hướng bẩm sinh, phải thực hiện chính mình, con người chứa đựng trong chính mình khả năng căn bản, không những phải thay đổi, chuyển hướng mà còn thể hiện chính mình cách đầy đủ nhất. Do khả năng bẩm sinh này, nhiều khi nguyên nhân đệ nhất của những vấn đề cảm xúc hay những xung đột bản thân của chúng ta cũng trao phó cho chúng ta chìa khóa của những giải pháp cuối cùng. Một tu sĩ khó tính, ngoan cố, không chịu sửa đổi có thể hiểu rằng sức lực đề kháng mà họ nuôi dưỡng để chống đối sự thiện, cũng sẽ là sức mạnh của họ và là sự cứu độ của họ vào lúc họ bị cám dỗ bỏ cuộc vì ngã lòng. Khi thời gian tâm lý đã đến và nếu hoàn cảnh được thuận tiện, thì nguồn gốc của một vài xung đột tâm lý đặc biệt cũng có thể chỉ ra phương dược để chữa trị chúng.

Thông thường, người nào mắc phải một sự xáo trộn xúc cảm, thì cũng nhận biết tính cách bất thích ứng của tình trạng mình; nếu họ nhờ đến một người khác, thì chắc chắn là vì họ muốn làm sáng tỏ các phản ứng của mình để tìm một lối thoát cho những uẩn khúc của các tâm tình hỗn độn. Hơn ai hết, họ có thể hiểu phải đi về hướng nào, nhưng phải có thời giờ, hoàn cảnh và một người hướng dẫn thông cảm, biết để cho họ sống theo thực tại của họ để hướng về những đẳng loại mới của việc chỉnh đốn, nội tại. Và như vậy chính những nét mà người ta phải vất vả nhiều để chiếm hữu, tự dưng nổi bật lên, qua những thử thách đầu tiên. Đó là sự mâu thuẫn của xung đột nhân linh. Một khi năng lực nội tại xây dựng chính mình được tung ra, người ta bắt đầu thành một con người mới, bắt đầu hiện hữu, thâu nhận những sức lực mới, mơ ước đạt tới những cấp độ mới của sự diễn tả chính mình, của tự quyết và trưởng thành thiêng liêng, ích lợi cho kẻ khác cũng như cho chính mình.

Khi một tu sĩ được chấp nhận vì chính họ, được tiếp đón như một ngôi vị, được hiểu biết trong phẩm cách làm người, được tôn trọng theo thực tại của họ, thì lúc đó họ mới bắt đầu chọn một định hướng tích cực hơn về phía tự do, tự thoát khỏi các tự vệ bên trong và các thứ huênh hoang bên ngoài, đi từ sự thù địch dồn ép đến sự thiện cảm hiệp thông, từ thù hận và phản kháng đến cởi mở và triển nở hài hòa.

Việc linh hướng hữu ích là phương thế mà một tu sĩ giúp người anh chị em mình qua những thể thức trên đây, giúp họ tiến tới, tăng triển, và viên thành về phương diện thiêng liêng cũng như tâm lý.

Kiểm tra tương tự

Giới thiệu sách mới: VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI TU – MỘT ĐÓNG GÓP CỦA LINH ĐẠO I-NHÃ

Sự vâng phục là một trong ba lời khấn mà các tu sĩ phải tuân …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *