Dâng hiến sáng tạo (4)

LỜI GIỚI THIỆU

IV. TÂM LÝ VÀ LINH ĐẠO

Khi giới thiệu một số tài liệu liên quan đến tâm lý với một số thuật ngữ rất mới lạ, chúng tôi thấy cần phải giải thích một số khái niệm và từ ngữ. Và trước tiên, còn phải trình bày cách sơ lược về các trường phái tâm lý. Việc làm này có thể gợi lên cảm tưởng là chúng tôi quá đề cao vai trò của tâm lý.

Chúng tôi không chủ trương tâm lý giải quyết tất cả mọi vấn đề. Chúng tôi cũng không đề cao một lập trường hay một lý thuyết. Các trường phái tâm lý rồi cũng sẽ qua đi. Có những lý thuyết lôi cuốn được sự chú ý của dư luận quần chúng trong một thời gian, nhưng cũng mau chóng mất đi ảnh hưởng trong đời sống xã hội. Một số lập trường, trước mắt xem ra rất hấp dẫn, nhưng về lâu về dài lại không đóng góp bao nhiêu vào việc xây dựng con người. Có khi còn là tác nhân gây ra những hậu quả tai hại. Lý thuyết tiến hoá của Darwin chẳng hạn, có lúc được tôn lên như tín điều tuyệt đối của nhiều tổ chức và thể chế. Lý thuyết của Freud cũng thế. Nhưng rồi với thời gian, người ta cũng vỡ mộng, vì nhận ra những khiếm khuyết nền tảng, những tì vết nghiêm trọng (cơ bản) nơi những chủ thuyết này.

Các lý thuyết tâm lý học nối tiếp nhau để giải thích hiện tượng con người, nhưng rõ ràng không phải mọi lý thuyết đều có thể vẽ đúng chân dung con người. Nhiều khi các trường phái tâm lý cho ta cảm tưởng giống như trong giai thoại bảy anh mù xem voi.

Rốt cuộc các lý thuyết qua đi, nhưng vấn đề con người vẫn tồn tại. Bởi lẽ không ai có thể biết về con người ngoại trừ Đấng đã tạo dựng con người. Điểm cốt yếu của chúng ta là xây dựng con người chớ không phải đề cao lý thuyết.

Điều chúng ta chờ đợi nơi tâm lý học là giúp khám phá cấu trúc nhân cách cũng như những qui luật hướng dẫn đời sống tâm linh. Chúng ta cũng có quyền đòi hỏi tâm lý học giúp chúng ta biết sự thật về con người cách chung và về con người của chúng ta cách riêng, để có thể sống trong sự tự do của Chúa Thánh Thần. Vì chỉ có sự thật mới làm cho chúng ta được tự do (x. Ga 8, 32). Chỉ có một nền tâm lý biết trình bày sự thật về con người toàn diện mới có thể giúp xây dựng một nền tảng linh đạo lành mạnh. Chính vì thế không phải trường phái tâm lý nào cũng đáp ứng sự mong chờ của chúng ta.

  1. Áp dụng tâm lý vào đời sống thiêng liêng

Trước tiên, Tâm lý phải được chữa lành trong chính viễn tượng của nó, đó là phác hoạ một chân dung đích thực về con người, tránh cái nhìn lệch lạc, méo mó về con người. Trong diễn trình lịch sử, nếu có giai đoạn phân tích tâm lý (psychanalysis), thì cũng phải có giai đoạn tổng hợp tâm lý (psychosynthesis), như Roberto Assagioli (1888 -1974)[1] chủ trương. Nếu việc khám phá cái vô thức là một cột mốc quan trọng, thì việc khám phá vị trí của tinh thần phải quan trọng hơn. Nếu có chiều sâu thì cũng có chiều cao. Nếu không có cái siêu việt (transcendent) và siêu bản thể (transpersonal), con người sẽ trở nên bệnh hoạn, bạo tàn và vô vọng.

Nhân bản đích thực không thể là một hệ thống đóng kín nhưng mở rộng. Chiều kích siêu việt trong tâm lý rất cần thiết để con người hít thở một bầu khí trong lành và tìm ra ý nghĩa cuộc đời, như bác sĩ V. Frankl đã đề xướng.

Nếu tâm lý đích thực nhân bản cần phải mở ra cho tất cả mọi chiều kích, nhất là viễn tượng tinh thần, thì người ta cũng không mong đợi tâm lý bàn đến vấn đề Thiên Chúa. Chính thần học và linh đạo đảm nhận vai trò chuyên biệt này. Nhiệm vụ của linh đạo là sử dụng các dữ kiện tâm lý lành mạnh để phục vụ đời sống thiêng liêng. Tức là không phải áp dụng cách mù quáng những khám phá mới của khoa học, mà còn biết gạn lọc và thích ứng. Sư kiện có một tập sư đã đưa “nguyên si” lý thuyết về các giai đoạn phát triển theo giải thích của Freud trong một quyển sách về huấn luyện đời tu[2] cho thấy sự cần thiết phải biết thẩm định các dữ kiện tâm lý để áp dụng vào đời sống Kitô, nhất là nơi những người có trách nhiệm đào luyện.

Dĩ nhiên, trong hoàn cảnh xã hội hiện nay, không ai có thể nói đến việc huấn luyện nhân bản mà không có một số kiến thức nền tảng về tâm lý. Nhưng thế nào là kiến thức về tâm lý? Thực ra, trên thị trường có nhiều sách tâm lý phổ thông, loại “tự học” và “tự luyện” với nhiều hứa hẹn thành công. Cũng có những khoá huấn luyện (tâm lý) “cấp tốc” để nên lãnh tụ sáng suốt, nên quản trị viên đắc lực. Nhưng chúng ta phải công nhận là những kiến thức “dọn sẵn” cũng như những thức ăn nhanh, về lâu về dài, không tốt cho sức khoẻ. Một môn học hữu ích luôn đòi hỏi thời gian và cố gắng.

Nếu việc đào luyện đòi hỏi người huấn luyện phải biết thận trọng trong việc sử dụng phương thế, thì cũng giả thiết phải có thời gian và kiên nhẫn. Đồng thời cũng cần ghi nhớ rằng một con người lý tưởng không phải luôn là một con người “thành công” theo tiêu chuẩn của người đời. Thành công trên thương trường và chính trường không luôn đồng nghĩa với thành nhân.

Một nền giáo dục lý tưởng theo truyền thống của cha ông chúng ta, luôn đặt ưu tiên cho việc học biết cách ứng xử với nhau trong xã hội: “Tiên học “lễ”, hậu học “văn”. Còn theo nhân bản thuyết của Tây Âu, như Montaigne đề nghị, thì giáo dục nhắm đến việc có một “cái đầu biết phê phán hơn là có một cái đầu đầy ắp chữ nghĩa”. Vậy, điều quan trọng là đào luyện một con người có cái đầu nhưng cũng có cái tâm. Nếu biết chú ý đến “tâm lý” thì càng phải chú trọng đến “tinh thần”. Cuối cùng là làm sao tránh được cái nhìn phiến diện, lệch lạc và biết chọn lập trường tâm lý nào khả dĩ giúp huấn luyện con người toàn diện.

Cha Cruchon, trong tác phẩm được giới thiệu trên đây, đã có công thu thập công trình nghiên cứu về tâm lý hiện đại trong một tổng hợp tương đối đầy đủ và đề nghị một viễn tượng nhân bản hài hoà, bao trùm thể lý, trí tuệ, tâm lý cũng như tinh thần. Cha phác hoạ một mô hình lý tưởng để phát triển con người, trong viễn tượng Kitô giáo. Nếu ai có khả năng thể nghiệm cách áp dụng tâm lý theo chiều hướng này thì thật hữu ích cho đời sống tinh thần của người Kitô cách chung và người tu hành cách riêng. Tuy nhiên, hai quyển sách của Cha, mặc dầu mang tựa đề: “Nhập môn” nhưng vẫn là một sách khó đọc vì tính chuyên môn của nó. Sách giới thiệu quá nhiều trường phái với những lý thuyết trừu tượng, trình bày quá nhiều vấn đề khác nhau và qua những từ ngữ khá mới mẻ, nên khó tiêu thụ đối với đại chúng, nhất là những ai chưa quen với những khái niệm tâm lý hiện đại.

Tài liệu của nữ tu Marian Dolores, mặc dầu sử dụng khá nhiều từ chuyên môn về tâm lý, nhưng trình bày cách đơn giản những dữ kiện tâm lý căn bản và còn có thể nói là sơ đẳng. Đối tượng chính yếu là việc tăng trưởng tâm linh và thiêng liêng, nhưng được đặt trong bối cảnh đời tu, nên cũng dễ thấy và dễ áp dụng hơn cho những ai sống đời thánh hiến. Chính vì thế mà chúng tôi đã trình dịch tài liệu này. Vấn đề cần lưu ý nơi đây không chỉ là trưởng thành tâm lý mà còn là trưởng thành thiêng liêng.

  1. Một cái nhìn toàn diện về con người

Một quan niệm động về nhân cách giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện và đầy đủ về con người. Nhân cách không chỉ là những đặc tính bên ngoài, lộ diện, thấy được, mà còn là những động năng tiềm ẩn và nhiều khi còn là vô thức. Tâm lý năng động có tham vọng giải thích cái lộ diện bằng cái tiềm ẩn và tìm hiểu cách có hệ thống những thành phần làm nên cấu trúc của nhân cách bằng cách chú ý nhiều hơn đến khía cạnh còn che giấu, ít được biết đến của nhân cách, như: các tâm tình, cảm xúc, các xung động và những điều được biết dưới khái niệm “vô thức”. Nó cũng giúp chúng ta ý thức được sự khác biệt giữa tự do tâm lý và tự do thể lý; giữa bệnh cơ năng và bệnh chức năng. Những điều mà người ta thường lẫn lộn, trong khi đáng lý cần phải phân biệt rõ ràng.

Theo quan niệm cổ truyền, lý trí là cơ năng cao nhất của con người. Bởi thế người ta có khuynh hướng cho rằng người thông minh ắt sẽ thành đạt và tìm cách để phát huy trí tuệ và đào sâu kiến thức. Trong thực tế không phải luôn xảy ra như vậy. Trong những năm gần đây, một số chuyên viên tâm lý chứng minh rằng: chỉ số cảm xúc (EQ) còn quan trọng hơn chỉ số thông minh hay chỉ số trí tuệ (IQ).

Cũng thế, người ta thường nhắc đến câu châm ngôn: “Muốn là được”, để đề cao vai trò của ý chí. Nhưng trên bình diện hiện sinh, thì mọi sự không diễn ra như chúng ta muốn. Thánh Phaolô đã chẳng phải thốt lên lời tuyệt vọng: “Điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi không muốn thì tôi lại cứ làm” (Rm 7,15) đó ư? Thánh Phaolô nói đến một “luật khác” chống lại luật của lý trí” (Rm 7,23).

Tâm lý năng động cho thấy tầm quan trọng của các tình cảm, xúc cảm và các thúc bách vô thức. Những yếu tố này có một ảnh hưởng quyết định trên sự triển nở cũng như hoạt động hữu hiệu của nhân cách. Các tâm tình, cảm xúc là những nguồn năng lực, hay nói theo tâm lý, là những “động lực” rất phong phú. Chúng có thể rất hữu ích nhưng cũng có thể rất nguy hại cho nhân cách, tùy theo cách ta biết sử dụng chúng hay không. Những cảm xúc, đam mê, xung động đủ loại có thể làm mờ tối ánh sáng trí tuệ và làm cho ý chí trở nên yếu nhược. Những chứng bệnh được gọi là “tâm thần” thường bắt nguồn từ các cảm xúc không lành mạnh. Những chứng bệnh “tâm thể lý” cũng thế.

Một đóng góp đáng kể của tâm lý năng động là lưu ý đến tầm quan trọng của những tình cảm và xúc cảm tích cực. Chẳng những phải biết vun trồng mà còn phải biết biểu lộ các tình cảm này đúng nơi đúng lúc. Đó là dấu chỉ của một nhân cách trưởng thành. Hay nói cách khác, trưởng thành về phương diện tâm lý được coi như đồng nghĩa với trưởng thành cảm xúc. Từ đó, ta nhận ra tầm quan trọng của việc huấn luyện cảm xúc trong chương trình đào luyện nhân bản. Điều này ít được biết đến và nếu có biết chăng nữa thì cũng rất khó thực hiện. Phải đầu tư vào đó nhiều thời giờ và kiên nhẫn. Dĩ nhiên người ta luôn phải trả một giá đắt cho mọi điều gì đáng giá. Và sự trưởng thành nhân bản chắc chắn là một điều quí giá.

Để phát huy một nhân cách viên mãn, chúng ta cần ý thức về sự hiện diện của những yếu tố không lành mạnh trong đời sống và tập trung nỗ lực để loại bỏ những yếu tố lệch lạc đó. Để tiến tới một nhân cách sáng tạo, chúng ta phải được giải thoát khỏi những điều kiện trói buộc sự tự do trong tinh thần cũng như thể xác. Cách chung, người ta biết được thế nào là thiếu tự do trên bình diện thể lý và xã hội, nhưng có ít người ý thức được tình trạng thiếu tự do trên bình diện tâm lý và tinh thần. Khoa tâm lý về nhân cách có tham vọng giúp con người hiểu được thế nào là sống tự do theo nghĩa rộng nhất, tức là triển nở mọi khả năng thể lý, tâm lý và tinh thần theo hướng tích cực.

  1. Thực tại ân sủng

Trong nhãn quan Kitô giáo, hướng tích cực này là: mở rộng cho Thiên Chúa, cho người khác và cho thế giới hiện thực. Một nhân cách viên mãn luôn biểu thị sự hài hòa giữa tinh thần và thể xác, vì có sự giao lưu tốt đẹp giữa các thành tố cấu tạo nhân cách. Điều này giả thiết toàn thể nhân cách được chiếu tỏa bởi nguồn sáng vô biên từ cao, vốn là tình yêu Thiên Chúa, mà thần học gọi là ân sủng.

Vào thời đại của các môn khoa học nhân văn, chúng ta có thể bị cám dỗ coi trọng khía cạnh nhân bản mà bỏ quên khía cạnh thiêng liêng. Khi môn tâm lý được ưa chuộng thì người ta cũng có xu hướng diễn giải mọi vấn đề bằng những ngôn từ tâm lý. Cuối cùng thì các thực tại tâm lý cũng có xu hướng lấn áp các thực tại thiêng liêng, dù là một cách vô tình.

Điều này có thể xảy ra như thế nào? Đó là khi người ta giản lược mọi vấn đề tu đức thành vấn đề tâm lý. Lúc đó, một đời sống quân bình về phương diện tâm lý sẽ được coi như một đời sống tu hành tốt đẹp. Cũng như trước kia, người ta cũng có xu hướng đồng hoá sự toàn thiện của đời tu với việc chu toàn lề luật hay việc tuân hành các đòi buộc luân lý.

Thực ra nếu xét trên bình diện khoa học, thì những thực tại thiêng liêng như: ân sủng, tội lỗi và tha thứ không có nghĩa gì đối với khoa tâm lý. Tâm lý không muốn đụng chạm đến thực tại huyền nhiệm của lòng tin. Trong tâm lý, không có vấn đề ân sủng. Cũng như không đặt vấn đề tội lỗi. Chỉ có hoạt động của xung động vô thức. Và vì không có tội nên cũng không có vấn đề cứu chuộc. Thay vào đó sẽ là vấn đề giải toả dồn nén và sống “thoải mái”. Nếu tâm lý – như trường phái C. Rogers chủ trương – đề cao những tình trạng như: “thể hiện chính mình, triển nở nhân cách, làm tràn đầy chính mình, trưởng thành nhân bản, v.v.”, thì làm sao một người có thể chấp nhận giáo huấn Tin Mừng về con đường hẹp, nhu cầu phải từ bỏ và khổ hạnh, tiết chế?

Chính vì những nguy cơ này mà sau khi trình bày về Tâm lý, cả là Tâm lý năng động theo viễn tượng Kitô, chúng tôi muốn tái khẳng định về giá trị tối thượng của ân sủng trong đời tu. Ân sủng không phá huỷ tự nhiên, nhưng hoàn thiện tự nhiên. Vì thế cần phải xây dựng một nền móng tự nhiên vững chắc. Việc xây dựng nền móng tự nhiên vững chắc chắc hẳn là một công việc lâu dài và khó nhọc. Nhưng chưa phải là giai đoạn cuối. Điều chúng ta chờ đợi nơi tâm lý là giúp con người hiểu biết về chính mình và đạt đến sự tự do nội tâm, vốn là điều kiện để ân sủng được triển nở. Nhưng chính ân sủng mới làm cho một người thành một thụ tạo mới trong Chúa Kitô.

Chúng ta không ngừng nương tựa vào ân sủng để tiến lên. Phải làm việc tối đa với nỗ lực của con người nhưng cũng không ngừng chờ mong ân sủng của Thiên Chúa. Và kinh nghiệm cũng dạy rằng dầu trong những hoàn cảnh mà khía cạnh nhân bản xem ra bị khiếm khuyết, thì ân sủng của Thiên Chúa vẫn có thể làm những điều kỳ diệu, như được chứng minh trong đời sống của một số vị thánh.

  1. Dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa

Thách đố của đời tu trong thiên niên kỷ mới là trở nên dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa.

Sự thành tựu của đời tu không được đo lường bằng những tiêu chuẩn của thế gian, nhưng bằng những giá trị của Nước Trời.

Chính trong viễn tượng Nước Trời mà đời thánh hiến cách chung và những lời khuyên Phúc Âm cách riêng, tìm thấy ý nghĩa. Một cách chính xác hơn, nơi nào các Mối Phúc của Tin Mừng được thấu hiểu và được thể hiện trong niềm vui thì nơi đó người ta mới nhận ra thực tại dấu chỉ của đời thánh hiến, như đã được bàn đến trong phần khởi đầu. Và nơi đây, trước khi kết, chúng ta trở lại với ý niệm “dấu chỉ” vốn là thách đố lớn nhất của đời thánh hiến trong thiên niên kỷ mới.

Mặc dầu có những khủng hoảng và bất toàn trong đời tu, nhưng ĐGH Gioan-Phaolô II không ngần ngại nói đến nhiệm vụ ngôn sứ gắn liền với việc thi hành các lời khuyên Phúc âm. Và trong hình thức đẹp nhất, đời thánh hiến là một sự chúc lành cho cuộc sống nhân linh và cho đời sống của chính Giáo Hội.

Mặc dầu tình trạng tục hoá xem như đã làm cho đời sống đức tin của một số đông ra lạnh nhạt và đã thấm nhập vào tận nội cung của đời thánh hiến, nhưng Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, với cái nhìn đầy ánh sáng Thánh Linh, đã không chút nghi ngờ về giá trị dấu chỉ ngôn sứ của đời thánh hiến. Ngài không bộc lộ bất cứ sự e dè lo sợ nào trước những khó khăn mà đời tu cũng như đời sống tín hữu gặp phải. Trái lại, luôn kiên vững trong đức tin, ngài khẳng định: bây giờ hơn bao giờ hết, đời thánh hiến không những là dấu chỉ cho thế giới mà còn là phương dược chữa lành các bệnh tật tâm linh cho con người và thế giới hôm nay, vì đời sống thánh hiến là một chứng từ hùng biện về sự hiện diện của Thiên Chúa hằng sống giữa loài người.

“Việc chọn lựa các lời khuyên Phúc âm, thay vì làm nghèo đi các giá trị nhân bản đích thực, được giới thiệu như một sự thay hình đổi dạng đối với những giá trị này [….]        

Các Lời Khuyên Phúc Âm không nên bị coi như sự phủ nhận các giá trị riêng gắn liền với phái tính, ước muốn chiếm hữu cách thích đáng và định đoạt đời sống cách độc lập. Các xu hướng này, trong mức độ mà chúng được xây dựng trên bản tính tự nhiên thì tự chúng là tốt. Tuy nhiên, loài thụ tạo nhân linh, bị yếu nhược vì nguyên tội, luôn có nguy cơ sử dụng chúng dưới chiêu thức vi phạm, lấn chiếm. Việc tuyên khấn khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục trở thành một lời cảnh cáo, để không ai quá coi thường các vết thương do nguyên tội gây ra và trong khi xác định giá trị của các sự thiện thụ tạo, việc tuyên khấn tương đối hoá chúng bằng cách cho thấy Thiên Chúa là sự thiện tuyệt đối. Như vậy, chính khi tìm cách thâu đạt sự thánh thiện cho chính mình, những ai đi theo các lời khuyên Phúc âm một cách nào đó, đề nghị một “liệu pháp thiêng liêng” cho nhân loại, bởi lẽ họ khước từ thần tượng hoá thụ tạo và một cách nào đó làm cho Thiên Chúa hằng sống trở nên hữu hình” (Tông Huấn Vita Consecrata, 87).

Khi suy niệm đoạn văn này, Thánh Bộ Đời Thánh hiến còn quảng diễn:

“Chính trong cuộc sống đơn sơ từng ngày mà đời sống thánh hiến dần dần chín muồi để trở thành lời loan báo về một lối sống khác với lối sống của thế giới và nền văn hoá thống trị. Căn cứ trên lối sống đó và nỗ lực tìm kiếm Đấng Tuyệt Đối, đời sống thánh hiến đề nghị một phương dược thiêng liêng nhằm chữa trị các điều ác hại cho thời đại. Như thế, đời sống thánh hiến là một phúc lành và lý do để hy vọng trong lòng Giáo hội, cho đời sống con người và cho chính đời sống Giáo hội” (Huấn Thị “Khởi hành lại”, 19.5.2002, số 6)

[1] Xem: Psychosynthesis: A Collection of Basic Writings by Roberto Assagioli (1965)

[2] Xem: L. Licheri, Đơn sơ một tiếng xin vâng, tt. 40-48.

Kiểm tra tương tự

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

[Giới thiệu sách] Hạnh Các Thánh Dòng Tên

Các Thánh và các Chân Phước trong Dòng Tên chính là những người đã đạt …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *