Dâng hiến sáng tạo (7)

TỰ NHIÊN VÀ ÂN SỦNG

Lệch lạc tâm lý và trách nhiệm luân lý

Những sự xáo trộn tâm lý thường xuất phát từ các nguyên nhân vô thức và không phải mỗi người luôn luôn có thể tự mình sửa đổi. Sự thiếu thích ứng* mà chúng ta bàn đến, với hậu quả là tình trạng chậm tiến thiêng liêng, không nhất thiết phải bị quy trách, bị coi là có lỗi. Người tu sĩ bị trục trặc vì chứng bệnh thiếu thích ứng tâm lý, có thể ít chịu trách nhiệm – hoặc không gì cả – về các hậu quả phức tạp của nó. Một vài xu hướng hay tập quán tâm não bệnh hoạn bắt nguồn từ lúc ấu thơ; nhiều khi chúng bị xác định bởi các yếu tố vô thức. Dẫu chúng bắt nguồn từ đâu chăng nữa, thì thường người bị những chứng bệnh loại đó, từ đầu không thể thấy trước những hậu quả cuối cùng và các sự bất lợi tự nhiên của chúng đối với đời sống thiêng liêng. Các tập quán tâm não* có hại cho đời sống thiêng liêng không nhất thiết phải là những thể thức lệch lạc cố ý và ý thức; và vấn đề luân lý nhiều khi không được đặt ra. Ở đây chỉ có vấn đề cứu xét các yếu tố nhân cách, hoặc thuận tiện hoặc bất lợi cho sự tiến bộ thiêng liêng. Nói cách đơn giản, có nhiều khi nhân cách không được vẹn toàn nhưng lỗi không ở nơi chủ thể. Dầu vậy, những sự lệch lạc nơi nhân cách cũng làm phương hại đến đời sống thiêng liêng, bởi đó chúng cần được tu chỉnh.

Nhu cầu nhận biết

Các yếu tố nhân cách có thể thay đổi được, nghĩa là có thể tốt hơn cũng như có thể xấu hơn và chúng ảnh hưởng rất mạnh trên sự tự do của con người. Vì thế cần phải biết phân biệt những yếu tố nhân cách nào thuận lợi hay nguy hại đến sức khỏe tâm thần, để tự biết mình và hướng dẫn kẻ khác. Cũng cần học biết các điều kiện môi trường nào và các ảnh hưởng tâm lý nào có ích lợi cho đời sống thiêng liêng.

Việc hiểu biết các cơ chế tâm não* tiềm ẩn dưới sự trưởng thành đã cho phép chúng ta hiểu rõ những thành tố của một nhân cách lành mạnh và khám phá ra những giai đoạn khởi đầu của các tập quán và thái độ bệnh hoạn. Cần phải biết điều đó cho chính mình cũng như cho kẻ khác. Nếu nó được nhận diện từ lúc mới phát hiện, thì sự thiếu thích ứng* có thể được chữa trị. Cũng cần phải nhận ra những thái độ nào trong chính đời sống chúng ta khả dĩ làm phương hại đến sức khỏe tâm thần của người khác, nhất là khi chúng ta có nhiệm vụ huấn luyện và hướng dẫn họ trong đời sống thiêng liêng. Chúng ta cần phải học biết cách chữa trị hay giảm bớt các sự căng thẳng thần kinh và các tập quán tệ hại khác đã được thành hình.

Trong Tâm lý học của thánh Tôma chúng ta thấy một điểm nhấn thật cách mạng đối với những người đương thời. Đối với nhiều thức giả đương thời cũng như những kẻ đi trước ngài, linh hồn bị giam cầm nơi ngục tù thân xác. Dựa theo Aristotle, thánh Tôma chống lại quan niệm này. Ngài luôn luôn xác định là linh hồn không phải bị giam cầm nơi thân xác, nhưng sự hiệp nhất giữa linh hồn và thân xác là thiết yếu đối với con người. Sau khi chấp nhận chân lý này, nền tu đức Kitô giáo dần dần ý thức được ý nghĩa sâu xa của nó. Một nền tu đức muốn phát huy các phẩm tính của linh hồn mà lãng quên hay khinh thường ảnh hưởng hỗ tương giữa thể xác và linh hồn là một thứ tu đức què quặt.

Ân sủng xây dựng trên tự nhiên

Trước hết, chúng ta đề cập đến các phương tiện tự nhiên giúp phát triển đời sống thiêng liêng. Ân sủng được ban phát cho tất cả mọi người và chúng ta không thể không biết đến những điều kỳ diệu của nó. Chỉ có Chúa mới có thể ban ân sủng cho chúng ta. Những ân sủng vô vàn mà chúng ta cần đến trong đời sống tu trì được Chúa ban một cách nhưng không. Nhưng Thần học dạy chúng ta phải làm hết sức, ở mức độ tự nhiên, để có thể mở rộng tâm hồn và thụ nhận hơn đối với ân sủng. Thánh Tôma nói rằng: “Ân sủng được xây dựng trên tự nhiên”. Cách chung, đa số chúng ta phải bước theo tiến trình thiêng liêng thường tình và cần nhờ đến mọi sự trợ giúp tự nhiên mà ta có thể có trên con đường toàn thiện Kitô giáo. Sức khỏe thể lý và sức khỏe tâm thần thuộc về loại này.

Nếu chúng ta được chiêm ngưỡng Trái Tim Chúa Kitô như thánh nữ Margarita Maria, hay có một sự hiểu biết thần nhiệm về vĩnh cửu như thánh Têrêxa Avila, chúng ta có thể chịu đựng các sự thiếu thốn của thể xác và linh hồn mà không bị hề hấn gì. Những thị kiến thiên quốc mà các vị thánh thụ nhận, làm cho các ngài có thể thắng vượt các trở ngại vốn thực sự lớn lao đối với các phần tử trung bình. Chính vì thế mà một tác giả cho rằng: “đa số các thánh, mặc dầu có một vài sự thống khổ và giao động tạm thời, vẫn đạt đến một tình trạng quân bình và sức khỏe tâm thần cao hơn những người nổi tiếng về sự tự chủ của họ; và các ngài được điều đó, chính là nhờ vào sự thánh thiện của mình”[1]. Nhưng trong tình trạng thiếu vắng các ân sủng phi thường giúp siêu vượt trên tự nhiên, chúng ta cần nhờ đến các trợ lực và phương thế thông thường ở trong tầm tay mình. Dầu vậy cũng chẳng đủ. Cuối cùng chỉ có ân sủng mới hoàn thành tất cả. Vai trò của chúng ta là làm cho mình được tự do và chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng ân sủng. Sự trưởng thành thiêng liêng có đặc tính là quảng đại, vô vị lợi và đầy yêu thương. Sự trưởng thành loại đó luôn gắn liền với một tình trạng thích ứng tâm lý tốt đẹp. Bởi đó cần phải hiểu biết các thành tố của sự trưởng thành tâm lý và của sức khỏe tâm thần, cũng như các phương thế cần thiết để thâu đạt và duy trì tình trạng tốt đẹp này.

Những sự xáo trộn tâm thần

Thời đại chúng ta rất hãnh diện vì những khám phá mới mẻ trong nhiều địa hạt: không gian, y học hay tâm lý. Nhưng nghịch lý thay, trong khi các tiến bộ của khoa sinh vật học và y học giúp kéo dài đời sống con người, thì các sự xáo trộn tâm thần cũng gia tăng, làm cho đời sống vẫn bị đe dọa.

Ở các nước Âu Mỹ, các con số thống kê cho thấy những người cần phải chữa trị về tâm lý gia tăng một cách đáng sợ. Nơi nào trong các bệnh viện tâm thần cũng đầy người và thiếu nhân viên chăm sóc cho họ. Nhiều trường hợp khác không vào bệnh viện, chỉ vì việc chữa trị quá tốn kém hay không còn chỗ trong bệnh viện.

Xung đột tâm thần

Các cộng đoàn tu sĩ cũng chịu ảnh hưởng và áp lực của “kỷ nguyên không gian” của chúng ta và tu sĩ cũng phải đương đầu với những vấn đề giống như những người ở ngoài đời vậy. Có nhiều tu sĩ đau bệnh có nguồn gốc tâm thần, do sự xung đột nội tâm hơn là đau bệnh thể xác. Từ mấy mươi năm nay, tu sĩ cũng như người thế tục bắt đầu biết đến nhiều hiện tượng đáng ngại. Các hiện tượng này bao gồm nhiều khía cạnh và phản ứng thể lý nhưng căn nguyên của chúng không thể chữa trị bằng sinh tố hoặc kháng sinh.

Khi một tu sĩ bị dày vò bởi sự áy náy hay khi chán ghét công việc hoặc một đồng bạn, thì sinh tố không giúp ích gì. Thuốc an thần cũng không chữa lành sự xao xuyến hay sự đố kỵ của họ. Tuy nhiên đó là những vấn đề có thể làm xáo trộn hiện hữu chúng ta và dọn đường cho các tật bệnh thể xác. Nếu các tình trạng này kéo dài hoặc gia tăng, chúng ta có thể bị ốm đau thật sự trên thể xác.

Những sự xao xuyến và đố kỵ là những sự kiện có thật mà không ai phủ nhận sự hiện hữu hay sức phá hoại, nhưng nhiều tu sĩ không biết làm thế nào để tự giải thoát hay giúp người khác giải thoát khỏi ảnh hưởng của chúng. Chúng ta cũng không ý thức được làm sao tác phong của chúng ta ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của kẻ khác. Những thiên kiến và nhạy cảm quá độ của chúng ta có thể làm lung lạc quân bình tâm lý của những người ở xung quanh ta. Chúng ta có thể làm cho họ thêm xao xuyến bằng những sự thiếu nhã nhặn hay những sự chế giễu của chúng ta. Cả khi nói về một người thứ ba, sự thiếu nhã nhặn của ta cũng có thể ảnh hưởng đến một người ưu lự (hay nghĩ ngợi). Sự âu lo và đố kỵ tự bản chất là tâm thần, các tương quan xã hội cũng thế; mọi sự đều liên hệ với nhau.

Trên bình diện tích cực, những cách bày tỏ thiện cảm, những cuộc đàm đạo thanh nhã, tinh thần hài hước của chúng ta có thể hữu hiệu hơn là các loại thuốc bổ hay những sự chăm sóc của bác sĩ nhằm xoa dịu những nỗi xao xuyến. Chúng ta không bao giờ biết được chúng ta đã làm ích lợi đến mức nào với những câu chuyện hóm hỉnh và tinh thần vui tươi của chúng ta. Quí hóa thay cho một cộng đoàn, những người tu sĩ có khả năng, trong giây lát, đánh tan sự căng thẳng vào giờ giải trí, nhờ sự vui đùa và dễ thương của họ. Khi câu chuyện trở nên tẻ nhạt nặng nề, thì một vài người có đức tính tự nhiên là làm cho nó trở nên nhẹ nhàng vui vẻ. Đây chính là một hình thức tông đồ.

Nếu ta chịu suy nghĩ một chút, thì các nguyên tắc nền tảng cho sức khỏe tâm thần này, nhất là trong viễn tượng áp dụng vào đời sống cộng đồng, rất hữu ích cho cách thấu hiểu vấn đề thích ứng* trong đời sống tu trì.

[1] Jacques Douillet, What Is a Saint? (New York: Hawthorne Book Publishers, 1958)

Kiểm tra tương tự

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

[Giới thiệu sách] Hạnh Các Thánh Dòng Tên

Các Thánh và các Chân Phước trong Dòng Tên chính là những người đã đạt …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *