Vươn vai. Tôi đón không khí trong lành của ngày mới. Ồ! Hương vị thật khác. Một điều gì đó rất tươi mới. À, hương vị của niềm vui, của tình yêu sau những ngày phục vụ bệnh nhân nhiễm Sarx Covid 19 tại bệnh viện phụ sản Hùng Vương. Thầm lặng bên Giê-su, tâm trí tôi chưa ngừng nghĩ đến cuộc đấu tranh sinh tử của các bệnh nhân, sự dốc toàn bộ sức mình để cố gắng giành được sự sống cho bệnh nhân của đội ngũ y bác sĩ; lòng tận tâm và hy sinh của anh chị em đội ngũ nhân viên và các thiện nguyện viên đang phục vụ.
Cảm xúc vẫn còn đó khi nghĩ đến nỗi sợ hãi của những bệnh nhân đang hoang mang, bất an và nhiều âu sầu khi nghe tin người thân của mình mới qua đời đêm qua, mẹ đang thở oxy, con đang được nuôi trong lồng kính hay bị sốt ly bì; khi vợ và con ở bệnh viện này trong khi chồng lại ở nơi cách lý khác.
Hoặc khi nghĩ đến K1 bệnh viện Hùng Vương với những giường bệnh và những bộ đồ bảo hộ của các y bác sĩ khoa Sản nhi. Nơi ấy, các y bác sĩ đã phải đứng trước rất nhiều ranh giới và sự lựa chọn để giữ lấy sinh mạng cho không chỉ một người mà là hai mẹ con. Và những hộ lý, bác sĩ ở K1 ấy, giữa những tiếng chuông điện thoại liên hồi, giữa tiếng gọi của bệnh nhân… không có một phút ngơi nghỉ nào trong cuộc chiến giành giật giữa sự sống và cái chết. Khi tiếng còi hú báo động đỏ cấp cứu khẩn cấp. Nó báo hiệu lằn ranh sinh tử của bệnh nhân đang diễn ra gấp gáp. Tất cả đội ngũ y bác sĩ trực ca lúc đó đều phải chạy vào nơi bệnh nhân đang nguy kịch. Họ cùng cố gắng cứu chữa bệnh nhân một cách tốt nhất. “Nhưng có đôi lúc tôi không khỏi sốc khi thấy cảnh bệnh nhân không qua khỏi”.
Virus Covid 19 nhỏ lắm, chẳng ai thấy được nó bằng mắt thường nhưng nó đi tới đâu gieo sợ hãi và chia cắt đến đó. Nó vào nhà ai thì thành viên trong nhà bị rẽ và phân tán đến đó. Nó xuất hiện ở đâu, đám đông tan tác tới đó. Tôi cảm nhận rằng tên khác của Virus này được gọi hôm nay là “sợ hãi”. Có một bệnh nhân đã từng hỏi tôi: “Làm trong khu cách li này Sơ có sợ không? Phải can đảm và có lòng bác ái lắm thì mới dám dấn thân như vậy?” Hoặc một lời chia sẻ của một chị hộ sinh: “Sao em không ở nhà đi, vô đây làm gì, chị chết là đủ rồi. Em cũng muốn chết sao?”. Một lời chia sẻ mà tôi chưa hề nghĩ tới.
Thế nhưng, lời trăn trở của Chúa Giêsu lại một lần nữa vang lên trong lòng tôi, “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34). Thật tình mà nói, khi quyết định dấn thân vào bệnh viện phục vụ, chẳng phải vì danh tiếng cho bản thân, cho gia đình hay cho Hội Dòng nhưng trên hết là vì “Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi”(2 Cr 5;14). Tôi chỉ nghĩ đơn giản là muốn được sống cùng, được lắng nghe trực tiếp những trăn trở, lo lắng và cả những khó khăn của những ai đang bị đặt tên “bệnh nhân nhiễm virus Covid”.
Ngày 11.8, là ngày đầu tiên tôi vào bệnh viện phụ sản với tâm trạng khó tả, bởi đây là lần đầu tiên trong đời làm những công việc mà mình chưa từng đụng và thấy đến. Vào bệnh viện rồi tôi mới thấy các y tá, bác sĩ rất cực nhọc, nhất là chị điều dưỡng, hộ sinh, cô hộ lý. Thương biết bao khi các bác sĩ, nhân viên y tế của bệnh viện đang gồng mình từng ngày để chiến đấu giành lại sự sống cho bệnh nhân. Hoặc sản phụ chẳng may bị F0 mà không có người chăm sóc. Họ vừa phải nuôi đứa bé trong bụng, vừa chống chọi với bệnh nền mà vừa bị nhiễm Covid-19 nữa”. Cố gắng gạt bỏ nỗi lo âu, tôi học hỏi kỹ năng y khoa cơ bản từ các bác sĩ, các chị điều dưỡng và các chị hộ sinh, rồi cũng dần dần thành thạo.
Tôi đến và làm những công việc bình thường như hỗ trợ sản phụ bị nhiễm đi siêu âm, khám bệnh, đi gửi các mẫu đi xét nghiệm, đo huyết áp, đo nồng độ oxy trong máu cho bệnh nhân, thay ra giường, giúp bệnh nhân thay đồ, tắm gội…nhưng sự khác thường là trong công việc ấy vẫn luôn chất chứa sự yêu thương, cảm thông. Tôi không muốn hoàn thành công việc như một cỗ máy nhưng qua công việc ấy bệnh nhân cảm thấy gì và tôi học được gì? Những sản phụ ở đây, có những người buông xuôi, xin về nhà gặp mặt người thân lần cuối. Nhưng có những người bệnh nỗ lực không ngừng, cùng y bác sĩ vượt qua số phận, vì mình, vì con. Có cả những người chỉ mong được hít thở một cách bình thường.
Một lần đến bên giường một bệnh nhân nữ đang thở oxy. Chị nằm một chỗ không cử động được, bởi chị đã “ngủ mê, đã can đảm đấu tranh” giữa ranh giới của sự sống và cái chết hơn 2 tuần, đôi mắt chị lờ mờ với hai dòng lệ lăn tăn trên gò má. Tôi lặng thinh cầu nguyện và nói nhỏ vào tai chị: Chị ơi, cố gắng lên nhé! Em sẽ cầu nguyện cho chị. Sau đó 2 ngày, niềm vui và sức mạnh tinh thần thể hiện rõ trên khuôn mặt của chị. Chị đã ăn lại được, bắt đầu tập đi, tôi giúp chị tắm rửa và sức khỏe của chị cũng dần được hồi phục. Vậy là chiếc cầu yêu thương cũng được xây lên và tạo một sự gần gũi giữa người với người.
Các nhân viên bệnh viện nói với tôi: “Cám ơn quý Sơ đã đến đây. Từ ngày có sự hiện diện của quý Sơ, nhân viên chúng con được nâng đỡ và khích lệ rất nhiều. Những lời nói động viên và làm việc tận tâm của quý Sơ cho con sự cảm phục. Bệnh nhân thay đổi thái độ thấy rõ.” Qua những gì mà các nhân viên và tôi cùng làm, chúng tôi như khơi dậy trong bệnh nhân sức mạnh của hy vọng và khơi gợi trong ước muốn của họ tinh thần phục vụ lẫn nhau. Tình người dần được gần lại, nỗi sợ hãi dần được rút gắn bởi sự quan tâm giữa người với người trao tặng cho nhau. Một nhân viên và cũng là tình nguyện viên của bệnh viện chia sẻ: “Ban đầu con vào bệnh viện phục vụ mang theo nỗi sợ hãi, nhưng nhìn thấy sự dấn thân của nhân viên và của các Sơ thì nỗi sợ bắt đầu giảm. Khi con mặc chiếc áo bảo hộ để qua phục vụ bệnh nhân, nỗi sợ không còn mà thay vào đó là tình yêu thương và vui thích được phục vụ nhiều, nhiều hơn.”
Những ngày sống và phục vụ trong bệnh viện, tôi nghiệm ra rằng người “bị đến bệnh viện” không bị thiếu cái ăn, cái mặc nhưng là thiếu sự cảm thông. Họ không đói về thể xác nhưng đói về sự quan tâm và nâng đỡ. Các bác sĩ và nhân viên y tế nơi đây chữa trị bằng cái tâm, bằng tấm lòng và những lúc gay go nhất, những lúc nguy hiểm nhất cần phải giành giật sự sống cho bệnh nhân là lúc họ bộc lộ sự gần gũi nhất với người bệnh, không màng đến sự lây nhiễm. Nhiều bệnh nhân đã chia sẻ: nhìn ánh mắt rạng rỡ, những lời thăm hỏi nhẹ nhàng, những câu nói hài hước của các Sơ và các nhân viên y tế đã làm cho họ cảm thấy có tinh thần lạc quan hơn, nhất là đối với những người không có cùng niềm tin. Đến đây tôi lại nhớ câu nói của Mẹ Têrêsa: “Điều làm kẻ khác ngạc nhiên không phải khi thấy chúng ta làm việc, mà thấy chúng ta tỏ ra hạnh phúc và vui tươi trong làm việc”.
Tôi thầm tạ ơn Chúa, cảm ơn hội Dòng, cảm ơn ba mẹ và tất cả chị em thân thương đã cùng đồng hành với tôi trong suốt thời gian tôi phục vụ ở khu K1; đã cho tôi có cơ hội để phục vụ, để trải nghiệm những điều mà tôi không hề nghĩ tới. Cảm ơn các bác sĩ, y tá, diều dưỡng, các bệnh nhân, nhất là các chị hộ sinh đã hướng dẫn tôi, cho tôi có cơ hội được biết thêm về nghành y tế. Họ đã cho tôi hiểu thế nào là “tình yêu” khi sống cho và sống vì người khác. Họ cho tôi nhiều hơn là những gì mà tôi giành tặng cho họ.
Lúc này đây tôi nhận ra rằng, cuộc đời của tôi sẽ thật đẹp, thật ý nghĩa biết bao khi tôi sống tinh thần yêu thương, biết sống cho người khác hơn sống cho mình. Lúc đó, “tôi sống nhưng không phải là tôi mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20). Đồng thời, ngọn gió của Chúa Thánh Thần sẽ cuốn đi hương thơm của tình yêu đến những nơi mà tôi hiện diện. Chỉ như thế thôi, đời sống của tôi mới trở thành chứng nhân cho Chúa.
Và hơn thế nữa, đây cũng là thời gian để tôi lắng đọng lòng mình: dừng lại một chút để nhìn lại hành trình đã qua. Dừng lại để gửi đến nhau một lời hỏi thăm. Dừng lại để tinh tế, nhạy bén hơn trong công việc. Dừng lại để cúi xuống nâng đỡ và quan tâm đến tha nhân. Dừng lại một cách chân thành đến với nhau trong tình yêu Chúa. Dừng lại để hy sinh, chịu thiệt thòi, mất mát, thua cuộc… và chiến thắng cái tôi ích kỷ. Dừng lại để cười với đời, với người một nụ cười tươi.
Cao Oanh
(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)