Dẫn nhập
Lịch sử kinh tế học hiện đại bắt đầu từ năm 1776 mở ra một tương lai phát triển rực rỡ cho các nền kinh tế. Một cuốn sách vĩ đại ghi dấu cho thời điểm này có tựa đề “Tìm hiểu bản chất và nguồn gốc của cải của các quốc gia”[1] (WN) mà tác giả của nó là tiến sĩ Ađam Smith (1723-1790), người dạy môn “triết học đạo đức” tại Đại học Glasgow. Từ đó, người ta nghi nhớ và xem A. Smith là ông tổ của ngành kinh tế học[2]. Quả thực tác phẩm kinh điển này đã ảnh hưởng định mệnh đến sự phát triển kinh tế toàn cầu. Bởi lẽ, ông trình bày một hệ thống kinh tế dựa trên nền tảng của tự do, cạnh tranh và công bằng để mở ra cơ hội cho mọi người làm giàu và sống thịnh vượng. Rõ ràng ba yếu tố nền tảng ấy được triết học luận bàn nhiều trong chiều dài lịch sử trước Smith. Vì thế, chúng đã chi phối và định hướng trong lý thuyết kinh tế của ông, đơn giản vì ông là một triết gia trước khi là nhà kinh tế.
Năm 1764 đúng ra Smith đến Pháp để làm gia sư. Tuy vậy, nơi đây ông đã gặp Voltaire (1694-1778), Turgot[3] (1727-1781), François Quesnay (1696-1774, phái trọng nông) và các nhà tư tưởng vĩ đại khác của Pháp mà ít nhiều đã thay đổi sự nghiệp triết học của ông. Quả thế từ đây ông bắt đầu nghiên cứu và viết cuốn WN. Ông đã mất 12 năm để trả lời cho câu hỏi có tính định hướng cho thuyết kinh tế của mình rằng: “Tại sao quốc gia này thịnh vượng trong khi đó các nước khác lại không được như vậy?” (lời nói đầu của WN)[4]. Hơn nữa, dọc theo tác phẩm này, ông giải trình một sợi chỉ đỏ vốn có tính định hướng của triết học đó là tự do, cạnh tranh và công bình. Thực vậy “mọi người, khi không vi phạm luật pháp, được phép hoàn toàn tự do mưu cầu lợi ích của bản thân theo cách riêng của mình và được phép đem sự siêng năng và đồng vốn của mình cạnh tranh với bất kỳ người hoặc nhóm người nào khác” (WN, tr. 651). Do đó, với câu hỏi làm nền và ba “chân kiềng có tính triết học” như thế, WN đã để lại cho hậu thế những nguyên tác và cách thức vận hành kinh tế mà theo ông sẽ cho người ta đạt được sự giàu có và thịnh vượng.
1. Tự do là chìa khoá để làm giàu
Khi trả lời câu hỏi định hướng trên, Smith nhận thấy rằng mô hình kinh tế hiện tại hoàn toàn không cho người ta thịnh vượng. Bởi vì phái Trọng thương[5] đã tin rằng nền kinh tế thế giới là trì trệ và sự giàu có là không đổi; vì vậy một quốc gia muốn phát triển được chỉ có thể dựa trên phí tổn của nước khác. Hơn nữa, quan niệm kinh tế trước Smith cho rằng nước nào sở hữu nhiều vàng, bạc thì nước ấy mới giàu có. Dưới hệ thống này, sự giàu có dựa trên sự hy sinh của người khác hoặc bằng chế độ người bóc lột người. Như thế, “sự giàu có đạt được là do chiếm đoạt và bóc lột” (Jouvenel 1999, tr.10). Dĩ nhiên dưới cái nhìn triết học, Smith cũng như bạn của ông là David Hume[6] kịch liệt phản đối phái này. Thay vào đó, ông cổ võ cho một tinh thần tự do vốn được luận bàn nhiều trong triết học cần phải được áp dụng vào trong cơ cấu kinh tế; khi ấy mới cho người ta sự giàu có đích thực dành cho mọi người trong mọi quốc gia.
Để cụ thể hơn cho câu hỏi định hướng trên, Smith đặt thêm vấn đề là làm thế nào để sản xuất và thương mại được tối đa hoá và từ đó khuyến khích “vạn vật giàu có” cũng như “cải thiện năng lực sản xuất của người lao động”? Ông xác tín trả lời rõ ràng: “Hãy cho mọi người sự tự do về kinh tế! Tự do thương mại (the freedom of trade)!” Điều này trực tiếp lật đổ thuyết kinh tế của phái Trọng thương bởi vì theo ông: “Ngăn cấm mọi người … khi họ cố gắng làm tất cả những gì mà họ có thể để sản xuất, hay sử dụng vốn và sự siêng năng theo cách mà họ cho là có lợi nhất, là một sự can thiệp thô bạo vào quyền thiêng liêng nhất của con người” (WN, tr. 549). Cũng từ câu phát biểu này, ông đã thổi “luồng sinh khí tự do (triết lý)” để vận hành kinh tế; từ đó các nền kinh tế trỗi dậy và sinh trưởng một cách nhanh chóng và thịnh vượng.
Như Smith trình bày, tự do kinh tế không chỉ đem lại cuộc sống vật chất tốt đẹp mà đó còn là quyền cơ bản của con người. Thông qua cuốn WN, Smith đã ủng hộ nguyên tắc “tự do tự nhiên”; nghĩa là mọi người đều có quyền tự do được làm những gì mà mình muốn với ít sự can thiệp từ nhà nước. Như vậy, tự do giúp cho các cá nhân có quyền sản xuất và trao đổi hàng hoá, lao động và vốn nếu họ thấy thích hợp. Nhờ đó mà nguồn lao động, vốn, tiền và hàng hoá được linh hoạt và lưu thông cách dễ dàng. Chính vì thế mà sau ông (trường phái J. M. Keynes), kinh tế thế giới trở nên “phẳng” và tạo nên của cải khổng lồ. Mặt khác, theo ông trong tiến trình đó, mọi người được hướng dẫn và thôi thúc bởi một “bàn tay vô hình” [7] vốn thể hiện quy luật tự do sẵn có trong mỗi con người.
Hơn nữa, mọi người tự do giao thương thì đó không phải là trò chơi có tổng bằng không. Ngược lại, vòng quay đồng vốn hoặc tài sản càng nhiều thì lợi ích và của cải càng được tạo ra. Do đó, ông không đồng tình với chính sách tiết kiệm, vốn được ưa chuộng mỗi khi nền kinh tế suy thoái. Theo ông, cứ để nền kinh tế ấy tự do theo điều chỉnh của thị trường (sau này là quan hệ cung cầu) và tất nhiên “bàn tay vô hình” sẽ giúp cho nền kinh tế phục hồi.
Một nguyên tác có tính cách mạng của Smith là quyền được tự do đi lại để buôn bán. Trong tác phẩm của mình, ông đã chỉ trích mạnh mẽ chính sách của châu Âu thế kỷ 18 khi mà người lao động muốn đi lại phải có phép của chính phủ (WN, tr. 118-43). Ở điểm này người ta ca ngợi ông không chỉ là một nhà kinh tế cổ võ tự do kinh doanh mà ông còn mang đậm triết lý nhân sinh khi đề cao tự do của con người.
Như vậy, tự do là yếu tính của con người; nghĩa là bằng một hành vi ý chí, chúng ta có thể quyết định mình sẽ phản ứng cách nào trước các sự kiện (phái Khắc kỷ). Cũng vậy, để đạt đến sự thịnh vượng, Smith đòi hỏi nền kinh tế đó cần sự tự do này như nguồn năng lượng cung cấp cho nền kinh tế ấy sống và phát triển. Quả thế khi lật lại từng trang WN, ta bắt gặp rất nhiều phạm trù tự do vốn có tính triết học ấy, giờ được Smith đặt nó trong một khoa học đặc thù là kinh tế: tự do mậu dịch, tự do xuất nhập khẩu, tự do cạnh tranh, nhà nước tự do, v.v. Do đó, khi tự do kinh doanh theo mục đích và nhu cầu của từng người, nền kinh tế tự nó vận chuyển một cách vững mạnh và tạo ra nhiều của cải.
Chính vì thế ông nhận thấy tự do là chìa khoá tối ưu để mở cánh cửa cho các nước đạt được sự thịnh vượng. Dưới nhãn quan triết học, ông nhận ra sức mạnh của tự do để vận dụng nó trong triết (Lý thuyết Tình cảm Đạo đức)[8] mà cả trong kinh tế học (WN). Quả thực, “nhờ ý tưởng mới vĩ đại này mà nó có thể đem lại sự giàu có cho tất cả các thành viên của xã hội, cộng đồng và các cá nhân” (Jouvenel 1999, tr. 102).
Tới đây, ta có thể thấy sở dĩ một quốc gia không có được sự thịnh vượng vì họ không có tự do trong kinh tế. Hoặc đơn giản là nền kinh tế ấy không chấp nhận lý thuyết kinh tế của Smith, một “hệ thống về Tự do, Thịnh vượng và Đạo đức” (Athol Fitzgibbons, 1995). Tuy vậy, ông không dừng lại ở chìa khoá này mà còn đòi hỏi một yếu tố quan trọng khác trong kinh tế, đó là cạnh tranh.
2. Cạnh tranh tạo nên của cải
Dưới cái nhìn triết học về con người, Hobbes[9] cho rằng bản chất con người luôn tồn tại ba yếu tố: cạnh tranh (competition), nhút nhát (diffidence) và danh vọng (glory). Trong đó cạnh tranh sẽ cho con người nhiều lợi ích (gain). Hai thế kỷ sau, Smith nhận thấy điều này hoàn toàn thích hợp trong kinh tế để tạo nên nhiều của cải; sau khi ông truy tìm câu trả lời cho vấn đề: cạnh tranh có tốt cho nền kinh tế không? Quả thực một hệ quả tất định trong bất cứ nền kinh tế tự do nào đều tồn tại một môi trường cạnh tranh. Nói rộng hơn, cạnh tranh là hành vi luôn tồn tại trong con người, trong xã hội, đặc biệt trong những gì liên quan đến tư lợi (Utilitarianism) của người ta (Stigler 1976, tr. 1201). Quả vậy, theo Smith thì môi trường ấy giúp các cá nhân có quyền cạnh tranh trong sản xuất và trao đổi hàng hoá và dịch vụ. Hơn nữa, cạnh tranh sẽ đem đến một nền kinh tế thịnh vượng và có khả năng tự điều chỉnh. Ngoài ra, khi loại bỏ những rào cản kinh tế[10], quốc gia ấy sẽ thịnh vượng hơn thông qua giá cả rẻ hơn, đồng lương cao hơn, và sản phẩm tốt hơn (nền kinh tế thị trường). Điều này sẽ mang đến tăng trưởng và sự ổn định. Lẽ dĩ nhiên A. Smith gặp rất nhiều phản đối từ phái Trọng thương vốn chủ trương một nền kinh tế độc quyền kinh doanh (monopole). Hơn nữa ngay cả người bạn Hume cũng không đồng tình với Smith về thành tố cạnh tranh này trong kinh tế vì lý do tôn giáo.
Cũng giống với tự do kinh tế, cạnh tranh được Smith triển khai trải dài và áp dụng trên nhiều lĩnh vực trong tác phẩm của mình. Ông đề cập đến cạnh tranh về giá, sản xuất, xuất nhập khẩu, vốn, thuế, lợi ích, lao động… Nhờ đó, cùng với sự chi phối của bàn tay vô hình, cạnh tranh giúp người ta sáng tạo và linh hoạt (vì tư lợi) để phù hợp với quy luật của kinh tế. Khi đó, của cải sẽ gia tăng bởi mọi người đều mong muốn lợi ích nhiều nhất cho mình (“hạnh phúc tối đa cho số đông”).
Sở dĩ ông chủ trương nền kinh tế tự do cạnh tranh, một mặt ông nhận thấy những khuyết điểm của chế độ độc quyền (bất công trong kinh doanh); mặt khác ông phát hiện ra lợi ích tăng lên gấp bội nếu có cạnh tranh công bằng. Quả thực ông ưa thích một sự rẻ hơn về “giá cả tự nhiên, hoặc giá cả của tự do cạnh tranh” hơn là giá cả cao do sự độc quyền và “sự ưu tiên tuyệt đối” được cấp cho các tập đoàn và các công ty thương mại. Tóm lại, Smith đã kịch liệt phản đối “đạo đức xấu xa của độc quyền” (WN, tr. 428).
Như vậy, Smith không có ý loại bỏ sự ganh đua, cạnh tranh vốn luôn tồn tại trong con người; ngược lại ông chấp nhận và hướng nó vào một mục đích cạnh tranh lành mạnh dựa trên luật pháp công bằng. Khi ấy sẽ có một xã hội ổn định vì ông loại suy từ các nhóm tôn giáo vốn có một không khí cạnh tranh để giảm bớt sự hăng máu và cuồng tín, khuyến khích sự bao dung, hài hoà và tín ngưỡng có chừng mực (WN, tr. 744-45); mặt khác, trong các thành phần kinh tế cũng vậy, nếu phi cạnh tranh tất yếu dẫn đến sự lãng phí và không hiệu quả (Ingra và Israel 1990). Do đó, càng cạnh tranh công bằng, càng tạo nên của cải cho các quốc gia.
3. Công bằng điều tiết cho nền kinh tế vững mạnh
Các triết gia cho rằng khi chúng ta áp dụng chữ “đúng đắn” cho tất cả các hạng người khác nhau, các luật lệ thì điều đó có nghĩa là có một điều gì chung giữa chúng, một cái chung được gọi là công lý mà tất cả chúng đều có (Socrates, Platon). Quả vậy, “luật con người chỉ là luật bao lâu nó phù hợp với lý trí đúng đắn. Khi luật đi ngược lại lý trí, nó là luật bất công” (thánh Tôma Aquinô).
Theo đó, cả lãnh vực triết và kinh tế, Smith đều đề cập đến công bằng xét như những quy luật phải có để xã hội và kinh tế phát triển. Quả thực, trong các hoạt động của cá nhân phải công bằng và trung thực dựa trên các nguyên tắc của xã hội. Đó là quy luật mà dưới nhãn quan triết học, chúng cần thiết cho bất cứ tổ chức thể chế nào.
Cụ thể trong thời gian nghiên cứu triết học và kinh tế học, A. Smith đã giải trình nhiều về chủ đề này. Vấn đề công lý được ông chuyển từ triết đạo đức (Lý thuyết Tình cảm Đạo đức) để áp dụng trong kinh tế học (WN). Quả vậy, triết gia Smith cho rằng công bằng là một giá trị cao quý và là luật mà nơi đó nó chứa đựng những nguyên tác chung nhất[11]. Ngoài ra, Smith luận bàn về hai nguyên tắc của công bằng: công bằng phổ quát (universal justice) và luật tự nhiên (natural jurisprudence). Nếu không có luật công bằng thì xã hội có thể bị hủy hoại (TMS, tr.82-91). Cũng vậy, nếu không có luật hay những nguyên tác của xã hội và đạo đức, thì sự cạnh tranh trong kinh tế chỉ gây nên nghèo nàn và đẫm máu mà Smith liên hệ giữa bất công sẽ phá vỡ tự do (WN tr.138, tr.405). Do đó không lạ gì khi ông cho rằng công bằng phải là nền tảng và định hướng cho các nền kinh tế. Nói cách khác, một quốc gia tôn trọng luật sẽ giúp cho cơ cấu kinh tế ấy tăng trưởng bền vững và giàu có.
Sở dĩ Smith nại nhiều đến luật tự nhiên cũng như bản chất của luật là vì ông không hoàn toàn ủng hộ sự can thiệp của nhà nước vào vận hành kinh tế (rất ít). Ông cho rằng công bằng là phải để bàn tay vô hình-“một quả đấm sắt của cạnh tranh” (Roemer 1988, tr. 2-3) chi phối kinh tế; khi đó nhờ công bằng khách quan ấy mà tự động bộ máy kinh tế được điều tiết nhịp nhàng và tăng triển vững mạnh.
Hơn nữa trong lý thuyết kinh tế, Smith đã thực hiện một bước đột phá để tạo lập công bằng vốn thuộc quyền của mọi người, đó là quyền sở hữu. Như đã nói, của cải một quốc gia không chỉ là vàng, bạc mà đất đai, nhà cửa, hàng hoá, sức lao động…Do đó, Smith đã ủng hộ một hệ thống lập pháp bảo vệ quyền sở hữu những của cải này (WN, tr. 734-35). Vì vậy, chính phủ cần nhìn nhận rằng pháp luật phải luôn công bằng cho “người dân có quyền sở hữu để lợi tức công (public revenue) có khả thể gia tăng” (WN tr.188).
Kết luận
Như vậy, khi kết hợp hài hoà ba thành tố tự do, cạnh tranh và công bằng, Smith đã trả lời cho câu hỏi định hướng trên. Tất nhiên với một nhà triết học truy tìm bản chất của sự giàu có của các quốc gia, ông tin rằng ba thành tố ấy sẽ tạo nên “hệ thống tuần hoàn” giúp cho kinh tế học thành công rực rỡ. Hơn nữa, dựa trên nền tảng của triết, ông khai mở một hệ thống phù hợp với bản chất của con người (tư lợi và các quyền); từ đó nó giúp kinh tế vận hành để mọi quốc gia có thể làm giàu và thịnh vượng. Tuy vậy, kinh tế học của Smith không hoàn toàn trọn hảo. Một mặt, khi ông chưa giải quyết rốt ráo sự can thiệp của nhà nước; mặt khác nhiều kinh tế gia sau ông phản bác rằng tự do cạnh tranh kiểu Smith là chuyện bất khả (trong lĩnh vực năng lượng chẳng hạn). Hơn nữa, nhiều người vẫn hoài nghi về sức mạnh và tính khả tín của bàn tay vô hình! Dù sao triết lý của Smith đã dẫn dắt, định hướng thuyết kinh tế của ông đạt đến đỉnh cao mà ngày nay nhân loại thừa hưởng sự thịnh vượng của nó mang lại.
Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J
Triết sinh năm Dự bị – Học viện Thánh Giuse – Dòng Tên Việt Nam
Tài Liệu tham khảo
Adam Smith, An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations, New York: Modern Library, 1965.
Mark Skousen, The Big Three in Economics: Adam Smith, Karl Marx and John Maynard Keynes (chương 1: “Adam Smith Declares an Economic Revolution in 1776”) bản dịch của Nguyễn Hoàng Hà, New York: M.E.Sharpe, 2007.
Samuel Fleischacker, On Adam Smith’s Wealth of Nations (a philosophy companion), Princeton and Oxford, 2004.
[1] An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations, Của cải của các quốc gia là tiêu đề viết gọn. “Có thể là cuốn sách quan trọng nhất đã từng được viết ra”, không kể cuốn Kinh thánh (trích trong Rogge 1976, 9) và Samuelson đã đặt Smith ở vị trí “đỉnh cao nhất” trong các nhà kinh tế học.
[2] Samuelson, Economics 13th ed, New York: McGraw-Hill, 1989, tr. 1408
[3] Tác phẩm nghiên cứu sâu của ông: Suy ngẫm về sự hình thành và phân phối của cải (1766), đã ảnh hưởng nhiều đến thuyết kinh tế của A. Smith
[4] Adam Smith asked the question, why do some nations prosper and some nations do not?
[5] Phái Trọng thương: tài sản và quyền lực của quốc gia được đo bằng mức độ tích lũy “vàng và bạc”. A. Smith thêm vào đất đai, nhà cửa và những hàng hoá ở nhiều dạng khác nhau có thể tiêu thụ được.
[6] Nhà triết học vĩ đại David Hume (1711-1776) là bạn thân của Adam Smith. Một số tác phẩm của ông về thương mại và tiền tệ có ảnh hưởng lớn đến Smith.
[7] Qua tác phẩm ” Lý thuyết Tình cảm Đạo đức “, A. Smith đã có nhận xét quan trọng mà sau này ông lặp lại trong tác phẩm “WN”: “con người tự tìm kiếm mình thường bị dẫn dắt bởi “một bàn tay vô hình” … mà không ai biết, không do chủ đích, để làm thăng tiến các lợi ích của xã hội. Các cá nhân được xã hội hóa để trở nên các thành viên ràng buộc bởi giai cấp và theo khuynh hướng thị trường nhờ đó hệ thống kinh tế vận chuyển”. (Phạm Văn Tuấn 2009)
[8] Đây là tác phẩm triết học đầu tiên khi ông còn là giáo sư triết học. Nó được xuất bản năm 1759 với tựa ‘The Theory of Moral Sentiments.’-“MTS”
[9] Hobbes, Leviathan, Pelican classics, 1968, tr.185
[10] Smith đã lặp đi lặp lại sự ủng hộ của mình về dỡ bỏ hàng rào thuế quan, đặc lợi của nhà nước, và các điều luật lao động vì điều đó giúp cho các cá nhân có thể có các cơ hội để “cải tạo tốt hơn điều kiện cho chính họ và từ đó làm cho mọi người trở nên tốt hơn” (WN, tr.329)
[11] Samuel Fleischacker, On Adam Smith’s Wealth of Nations (a Philosophy Companion), Princeton and Oxford, 2004, tr.146