Dòng Tên là dòng gì và có những đặc nét gì?

Cho đến nay, dòng Tên là một trong số những dòng nam có số lượng tu sĩ lớn nhất trong Giáo Hội. Các cộng đoàn dòng Tên phân bố ở rất nhiều vùng miền trên thế giới, và đảm nhận hầu hết các sứ mạng mà Giáo Hội trao phó, không trừ một mảng nào: từ truyền giáo đến giảng dạy, nghiên cứu, chăm sóc bệnh nhân, di dân, tị nạn, hoạt động mục vụ, xã hội… Bởi thế, khi sống trong Dòng, mỗi tu sĩ dòng Tên có cảm giác như đi đâu cũng là nhà mình, làm việc gì cũng làm việc của gia đình mình. Tới bất cứ một cộng đoàn dòng Tên nào, họ cũng sẽ được chào đón như một thành viên. Xa lạ nhưng gần gũi, khác nhau nhưng cùng một chí hướng, ban đầu có thể có chút bỡ ngỡ, nhưng sau đó tình huynh đệ thân ái được thắt chặt ngay tức thì. Những anh em chưa từng gặp gỡ nhau đó sẽ tận tình giúp đỡ, chỉ bảo bạn như người thân thiết. Đúng như thánh Phanxio Xavie nói: Dòng Tên là dòng yêu thương và hoà hợp các tâm hồn (MXav I, 476).

 

Mỗi hội dòng đều có một linh đạo riêng. Dòng Tên sống theo linh đạo của Thánh Inhaxio, một linh đạo “chiêm niệm trong hoạt động” (MNad V, 162), hay “tìm thấy Chúa trong mọi sự” (HP 288), mỗi tu sĩ dòng Tên phải luôn hướng về Chúa như đích điểm đời mình (ĐTTC 1). Vì thế, tâm trí của người dòng Tên không bao giờ được phép hướng về nơi khác, nhưng chỉ mong biết ý Chúa để thực thi ý ấy mà thôi. Linh đạo Inhaxio được đặt nền trên Linh Thao, một phương thức tập luyện thiêng liêng, để “biết và yêu mến Chúa mỗi ngày một hơn ngõ hầu có thể yêu Chúa hơn và theo Chúa sát gót hơn” (LT 104). Nhờ kinh nghiệm linh thao, các tu sĩ dòng Tên ý thức mình là “một tội nhân đích thực, nhưng được Chúa thương, tha thứ, và mời gọi mình trở nên người bạn đường của Chúa” (TH 32), chung chia sứ mạng với Chúa, để “nhờ theo Chúa trong đau khổ mà được ở với Chúa trong vinh quang” (LT 95). Quanh đi quẩn lại, rốt cuộc cũng chỉ là “theo Chúa”, “ở với Chúa”. Gia sản quý nhất của tu sĩ dòng Tên là cây thập giá của Chúa, họ sẵn sàng dâng Chúa trọn vẹn tự do, trí nhớ, trí hiểu, trọn cả ý muốn, tất cả những gì họ có và cả con người họ, để chỉ mong nhận lại một điều gì nhất là “tình yêu và ân sủng của Chúa” (LT 234). Chỉ cần như thế là đủ rồi!

 

Noi gương Đức Giêsu, dù là Thiên Chúa làm người nhưng vẫn phải trải qua một thời gian dài chuẩn bị trước khi chính thức hoạt động công khai, người tu sĩ dòng Tên cũng phải được huấn luyện trong một tiến trình lâu dài như vậy. Nơi nào có số lượng ơn gọi đông, họ phải qua một giai đoạn gọi là ứng sinh (giai đoạn tìm hiểu). Nơi môi trường này, ở Việt Nam, họ sẽ sống với nhau trong một cộng đoàn nhỏ, tự tổ chức hoạt động hàng ngày, hàng tuần. Họ sẽ có Ban Giám Đốc đồng hành để giúp họ từ từ hiểu biết về Dòng và tiến tới trong các phương diện căn bản của đời tu. Sau khi thấy họ đã có bước chuẩn bị tốt, Bề Trên sẽ nhận họ vào nhà Tập. Khoảng thời gian hai năm này được dành riêng để họ sống trong sự thinh lặng tâm hồn. Cha Giáo Tập sẽ giúp họ biết Chúa, biết Dòng và biết mình rõ hơn. Sự tách biệt trong nhà Tập là để họ có thể thủ đắc được một sự bình tâm, đủ để nhìn rõ hơn ơn gọi của mình. Các thực nghiệm mà họ phải làm trong thời gian này cũng nhằm mục đích đó. Đặc biệt, họ sẽ làm linh thao một tháng để chìm sâu hơn trong tương quan với Chúa, cũng như để xây đắp một nền tảng thiêng liêng vững chắc cho hành trình đời tu trong dòng Tên của mình.

 

Thánh Inhaxio luôn đòi hỏi con cái ngài phải có một sự trao hiến tận căn, chứ không “nửa vời”. Vì thế, ngay sau thời gian nhà Tập, các tập sinh sẽ tuyên ba lời khấn khó nghèo, khiết tịnh, vâng phục, và đây là lời khấn trọn, chứ không phải khấn tạm. Điều đó có nghĩa là lời khấn sẽ theo họ bao lâu Dòng còn muốn họ ở lại trong Dòng để phục vụ Dòng và phục vụ Giáo Hội. Hàng năm, họ lặp lại lời khấn nhưng chỉ mang hình thức thiêng liêng, một kiểu “làm mới” lại những gì đã cam kết trước Chúa. Dù không lặp lại, lời khấn đó vẫn còn nguyên giá trị. Cũng là một đặc nét của Dòng: khi khấn, tu sĩ dòng Tên khấn trước Thánh Thể, với sự chứng giám của “Mẹ Maria và triều thần Thiên Quốc”, chứ không phải khấn với bề trên. Tuy nhiên, dù đã khấn trọn, nhưng họ vẫn chưa thuộc về Dòng một cách chính thức. Trong lời khấn, họ tuyên hứa “sẽ gia nhập để sống trót đời trong Dòng này.” Như thế, lời khấn đầu này không phải là điểm đến nhưng chỉ là khởi đầu cho một cuộc hành trình dài, vui với buồn xen lẫn, đôi khi có cả mồ hôi và nước mắt chảy dài trên từng đoạn chông gai.

 

Sau nhà Tập, tu sĩ dòng Tên giả định  được hiểu là đã có một vốn liếng thiêng liêng đủ. Điều đó không có nghĩa là họ không cần đầu tư cho thiêng liêng nữa. Trái lại, họ cần có một thái độ tự chủ và ý thức trong việc huấn luyện bản thân. Bên cạnh một tu sĩ dòng Tên luôn có một vị linh hướng, bề trên và các anh em khác, giúp họ mỗi ngày hoàn thiện mình hơn. Với nền móng thiêng liêng đã có, họ bắt đầu đầu tư cho vấn đề tri thức. Đây cũng là một hành trình không thiếu gian nan. Họ được yêu cầu phải có một thái độ học nghiêm túc, có chí cầu tiến, luôn mở ra với những điều mới mẻ. Tu sĩ dòng Tên không nhất thiết phải là người có trí thông minh tuyệt đỉnh, hay có một bộ óc siêu phàm. Điều Dòng đòi hỏi nơi họ là một tinh thần “magis”, luôn vươn lên, luôn “hơn nữa”, luôn học, học kiến thức và học cả cách học. Để được như thế, họ phải có một thái độ khiêm tốn, phải biết cúi mình, khoét rỗng mình để kín múc được càng nhiều càng tốt những điều bổ ích làm hành trang cho sứ mạng của mình trong tương lai.

 

Giữa khoảng thời gian học triết học và thần học là giai đoạn thực tập tông đồ. Người tu sĩ trẻ được mời gọi “nếm trãi” cánh đồng sứ mạng của Dòng. Họ sẽ làm việc như một người tông đồ thực thụ, chứ không phải “làm chơi chơi”. Có khi họ được sai đến ở một miền đất xa xôi, phải tập đối diện với những hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn và tự mình tìm cách xoay sở với nó. Cuộc đời và những chông gai sẽ dạy họ những điều mà trường lớp không thể dạy. Chính những điều đó sẽ giúp tôi luyện họ, làm cho họ cứng cáp hơn, trở thành một người thợ lành nghề của Chúa hơn.

 

Con đường học tập của tu sĩ dòng Tên vẫn còn tiếp tục ngay cả khi họ đã được thụ phong linh mục hay thậm chí đối với những anh em được mời gọi sống bậc tu huynh trong Dòng. Tất cả đều được đầu tư để học một chuyên môn nào đó, tuỳ khả năng, sức khoẻ, nhu cầu của Dòng, do Bề Trên quyết định sau khi hai bên đã trao đổi với nhau trong cầu nguyện và đối thoại. Sau khi đã hoàn tất việc học tập, họ sẽ phải làm thêm một năm nhà Tập nữa, mà thánh Inhaxio gọi là trường đào tạo con tim. Một thời gian dài bồi bổ trí óc, nay đến lúc phải trở lại với con tim, để tìm lại sự quân bình trong con người. Sau khi hoàn thành năm Tập này, họ sẽ tuyên khấn lời khấn cuối, và chính lúc này, họ mới chính thức trở thành thành viên của dòng Tên, trở thành một tu sĩ Dòng Tên thực thụ mà họ đã hứa khi tuyên khấn lần đầu. Đây sẽ là bước ngoặc trong cuộc đời họ. Họ được xem như là “chết với đời”, đã “đóng đinh chính mình vào cây thập giá”. Họ chính thức được sai vào vườn nho của Chúa để đồng lao cộng khổ với Ngài.

 

Có thể nói, linh đạo của dòng Tên là một linh đạo hướng đến sứ mạng. Tất cả mọi cái đều hướng về sứ mạng. Đời sống cộng đoàn là để hướng đến sứ mạng, nhưng chính nó cũng là một sứ mạng. Đức Giêsu và vương quốc của Ngài là điều mà người tu sĩ dòng Tên luôn thao thức. Họ phải học hành nhiều, phải huấn luyện mình kỹ càng, phải trải qua một giai đoạn huấn luyện dài, cốt là để có được một sự tự do nội tâm, không bị ràng buộc điều gì cả, hoàn toàn dấn thân cho sứ mạng mà Chúa đã yêu thương, trao phó vào tay kẻ bé mọn như mình. Điều cuối cùng có lẽ sẽ làm bạn thích thú, là tên thật sự của dòng Tên là dòng Chúa Giêsu (the Society of Jesús, la Compañía de Jesús), nghĩa là nhóm bạn của Chúa Giêsu, và các tu sĩ dòng Tên, vì thế, được gọi bằng một cái tên rất dễ thương, rất hãnh diện mà cũng rất thách đố: Giêsu hữu! Đâu là nguồn gốc và ý nghĩa của cái tên này? Chúng tôi sẽ giải đáp một cách tường tận trong một bài viết khác.

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Kiểm tra tương tự

“Chúng tôi là anh em trong Chúa”

  “You are mine” là bài hát dẫn chúng tôi vào bầu khí linh thao …

Mễ Du: Tòa Thánh sẽ cần phải phê duyệt những cái được cho là thông điệp trong tương lai

I.Media – xuất bản ngày 19/09/24   Trong cuộc họp báo, Bộ trưởng Bộ Giáo …