Đức Maria Nữ Vương

Thật là ý nghĩa khi tôn vinh Đức Maria với tước hiệu cao cả nhất – Nữ Vương, Giáo Hội mời gọi chúng ta lắng nghe lại biến cố Truyền Tin, biến cố khởi đầu:

  • Tầm mức của tước hiệu Nữ Vương thật rộng lớn và phổ quát, cả trên Thiên Đàng lẫn ở trần thế. Nhưng, biến cố Truyền Tin lại là một biến cố rất riêng tư và âm thầm. Riêng tư và âm thầm, nhưng đó chính là một kinh nghiệm thiêng liêng làm thay đổi cuộc đời của Đức Maria.
  • Và kinh nghiệm thiêng liêng này là một cuộc đối thoại, đối thoại giữa Đức Maria và sứ thần Gabriel; điều này làm chúng ta cảm thấy gần gũi hơn nữa với Đức Maria, vì Mẹ không lắng nghe Lời Chúa cách trực tiếp nhưng qua một vị trung gian. Chúng ta cũng thế, ngang qua nhiều trung gian, và nhất là trung gian Sách Thánh.
  • Điều làm cho chúng ta cảm thấy gần gũi với Đức Mẹ hơn nữa, đó là trong khi đối thoại với sứ thần, Mẹ cũng bối rối, cũng tự hỏi, cũng đưa ra thắc mắc trước khi nói lời ưng thuận. Chúng ta cũng hãy sống hành trình thiêng liêng thật sống động và rất nhân tính này của Mẹ.

 

Đức Maria còn được gọi là E-và mới; vì thế, để hiểu hết tầm mức và chiều sâu của lời xin vâng mà Đức Mẹ thưa với Thiên Chúa, chúng ta có thể so sánh với lời “xin thôi” của bà E-và. Trong sách Sáng Thế chương 3, lời của con rắn hoàn toàn ngược lại với Lời Chúa: Thiên Chúa nói ăn trái cấm thì chắc chắc sẽ chết, còn con rắn nói: “Không! Ông bà sẽ không chết.” Sứ điệp của con rắn dành cho E-và, và qua E-và cho cả loài người chúng ta thật rõ ràng: Thiên Chúa lừa dối ông bà: ăn vào thì trở nên giống thần linh biết hết mọi sự, thế mà Chúa bảo ăn vào thì chết; phải chăng Thiên Chúa tạo dựng con người là để thử thách con người, để đày đọa con người và cuối cùng là để cho chết, bằng chứng hiển nhiên là Thiên Chúa dựng nên con người phải chết, phải trở về cát bụi, ngoài ra còn thử thách con người bằng lệnh cấm, bằng các giới răn và lề luật.

 

Vậy là làm sao? Thiên Chúa là thế nào? Đó chính là cảm thức của người Do Thái trong sa mạc (Ds 21, 5), đó cũng chính là cảm thức của loài người chúng ta: Kế hoạch yêu thương trong sáng tạo, lòng thương xót trong chương trình cứu đó, ơn gọi làm người, ơn gọi tu trì, nhưng khi gặp khó khăn, chúng ta lại hiểu ra đó là dự án thứ thách, đầy đọa, là án phạt hoặc thậm chí là để cho chết!

 

Đứng trước một lời đề nghị quá lớn lao, vượt quá khả năng, Mẹ quả đã bối rối, đặt câu hỏi nhưng cuối cùng Mẹ đã tin thác hoàn toàn vào Lời Chúa:

 

Vâng, tôi đây là nữ tì của Chúa,
xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.

(Lc 1, 38)

 

Lời “Xin Vâng!” được thốt ra trong một thời điểm của cuộc sống, nhưng sẽ được Mẹ sống đến cùng và ngang qua rất nhiều khó khăn thử thách. Tuy các Tin Mừng không nói gì nhiều về cuộc đời của Mẹ sau biến cố Truyền Tin, nhưng sự kiện Mẹ có mặt và đứng vững dưới chân Thập Giá, điều này đủ để chúng ta nhận ra rằng lời Xin Vâng của Mẹ đã phải trải qua biết bao thăng trầm, nhưng Mẹ đã sống đến cùng trong sự tín thác tuyệt đối nơi tình yêu và kế hoạch của Thiên Chúa.

Hình ảnh đúng nhất và đẹp nhất diễn tả Đức Ki-tô Vua, đó là lúc Ngài chịu đóng đinh trên Thập Giá. Thì cũng vậy, hình ảnh đẹp nhất và đúng nhất diễn tả Đức Maria Nữ Vương, Nữ Vương của lòng chúng ta, của ơn gọi chúng ta, đó là hình ảnh Đức Mẹ đứng dưới chân Thập Giá.

 

Chúng ta cũng được mời gọi đặt lời Xin Vâng của chúng ta được diễn tả qua ba lời khấn, trong cùng một hành trình như hành trình của Đức Mẹ: từ thuở đời đời, ngang qua ơn làm người và ơn gọi thánh hiến, đến điểm tận cùng của ơn huệ sự sống và mãi về sau.

 

   Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc, S.J.

Kiểm tra tương tự

Chúa ơi, bây giờ con phải làm gì ?

  “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc3,10-18)   Trong đoạn Tin Mừng …

Món Quà Giáng Sinh – Suy tư Tin Mừng CN 4 Mùa Vọng năm C

  Giáng sinh là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong năm đối với phần …