Đức Tin Cho Phép Thăng Tiến Khoa Học Hướng Đến Sự Thiện Và Chân Lý về Con Người – Giáo Huấn về Năm Đức Tin của ĐTC Benedict XVI, kỳ 6)

“Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Ðấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ.”

PHẦN 1 

PHẦN 2

 

Trong buổi Tiếp Kiến Chung sáng thứ Tư 21/11/2012, ĐTC Benedict XVI tiếp tục loạt bài Huấn Giáo về Năm Đức Tin kỳ VII, với chủ đề “Cái Lý Của Đức Tin Công Giáo”. Để giúp hiểu một chủ đề nặng tính hộ giáo, ĐTC đã xoay quanh một vài câu hỏi cơ bản liên quan đến “cái lý” của niềm tin vào Thiên Chúa: phải chăng khi tin vào Chúa chúng ta chẳng cần viện đến cái lý? Mối tương quan giữa cái lý triết học, khoa học với đức tin Công Giáo giúp được gì cho đời sống con người? Đâu là cái lý đích thực của niềm tin Công Giáo? Dưới đây là toàn bộ bài diễn từ của ĐTC trong buổi Tiếp Kiến Chung

Anh chị thân mến!

Chúng ta đang tiến bước trong Năm Đức Tin, mang trong tim mình niềm hy-vọng để tái khám phá biết bao niềm vui nơi lòng tin và để tìm lại niềm hăng say để thông truyền cho hết thảy mọi người chân lý đức tin. Chân lý này không phải là một sứ điệp đơn thuần về Thiên Chúa, một thứ thông điệp chỉ liên quan đến ngài. Nhưng đúng hơn, chân lý ấy biểu lộ một biến cố gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người – cuộc gặp gỡ mang tính cứu độ và giải thoát – làm thỏa đáp những khát vọng thẩm sâu của con người: khát vọng hòa bình, khát vọng tình huynh đệ, và nối khát vọng yêu thương. Đức tin dẫn tới việc khám phá ra rằng cuộc gặp gỡ Thiên Chúa sẽ làm tăng cường, cải thiện và thăng hoa những gì là chân thực, những gì là thiện hảo và đẹp đẻ vốn có nơi con người. Cuộc gặp vì thế đang diễn ra giữa một đàng là Thiên Chúa đang tự mở mình ra, và làm cho con người có thể biết đến Ngài, đàng khác con người đang tiến đến để tìm biết Thiên Chúa, nhận ra Ngài, khám phá ra chính Ngài là nguồn cội và là vận mệnh đích thực của con người. Chính Thiên Chúa là sự cao cả và là phẩm giá của cuộc sống con người.

Đức tin cho phép con người biết đích thực về Thiên Chúa, Đấng có liên hệ với tất cả mọi người: cái biết ấy là một “túi khôn”, sự hiểu biết trao ban hương vị cho cuộc sống, hương vị mới mẻ về hiện hữu, một kiểu cư ngụ hoan lạc trong thế giới. Đức tin tự biểu lộ nơi việc trao ban chính mình cho người khác, trong chính tình huynh đệ. Tình huynh đệ làm nảy sinh liên đới, khả năng yêu thương, vì thế nó vượt thắng được đơn côi gây nên chán chường. Cái biết về Thiên Chúa nhờ đức tin, vì vậy không chỉ là cái biết thuộc trí thức, mà còn là sống. Biết về Thiên Chúa Yêu Thương cũng là biết sống tạ ơn đối với chính tình yêu của Ngài. Theo đó, tình yêu Thiên Chúa sẽ làm cho thấy, sẽ mở mắt và cho phép con người nhận biết mọi thực tại, vượt qua khỏi những quan điểm hạn hẹp của chủ nghĩa duy cá nhân, duy chủ quan, là những thứ thường làm lương tri mất phướng hướng. Cái biết về Thiên Chúa vì thế là một kinh nghiệm đức tin và đồng thời ngụ ý một hành trình trí thức và luân lý, nghĩa là chúng ta được Thần Khí Ki-tô đụng chạm sâu xa bên trong, chúng ta vượt qua những chân trời những cái-mình, và rộng mở ra với những giá trị chân thực của hiện hữu.

Hôm nay tôi sẽ nhắm đến những cái lý của đức tin vào Thiên Chúa. Truyền thống Ki-tô giáo ngay từ đầu đã phi bác chủ nghĩa duy tin, tức là thứ chủ nghĩa dùng ý chí để tin đối kháng với cái lý trí. Đã từng có mệnh đề phát biểu rằng “tôi tin một điều vì nó vô lý” (Credo quia absurdum), và mệnh đề này không hề là một công thức để diễn tả đức tin Công Giáo. Thiên Chúa, kỳ thực không phải là vô lý, nhưng chính là một mầu nhiệm. Đến lượt nó, mầu nhiệm đâu phải là phi lý, mà đúng hơn là quá sức trào tràn về ý nghĩa, trào tràn về chân lý. Khi, nhìn vào mầu nhiệm, lý trí thấy mờ tối, thì không phải vì nơi mầu nhiệm chẳng có ánh sáng, mà là có quá nhiều. Y như hiện tượng đôi mắt chúng ta hướng thẳng vào mặt trời, để nhìn ngắm nó, chúng chỉ thấy toàn bóng đen, nhưng ai dám nói là mặt trời không có ánh sáng? Đức tin cho phép con người nhìn thẳng vào “mặt trời” Thiên Chúa, bởi vì ấy là sự chào đón của mặc khải trong lịch sử và do đó nói rằng, nó nhận được đích thị tất cả mọi ánh sáng của mầu nhiệm Thiên Chúa, chấp nhận điều vô cùng kỳ diệu: Thiên Chúa tự xích lại gần con người, và tự trao cho con người cái biết về Ngài, làm cho tri thức ấy hợp với lý trí giới hạn của thụ tạo (cfr Conc. Ec. Vat. II, Cost. dogm. Dei Verbum, 13). Cùng lúc ấy, ân sủng của Thiên Chúa hằng soi sáng lý trí con người, làm cho nó mở ra với những chân trời vô lường vô hạn. Vì vậy, đức tin luôn tạo ra một cú kích thích kiếm tìm luôn luôn, không bao giờ khép lại, và chẳng bao giờ ngừng khắc khoải trong cuộc khám phá không mệt mỏi về chân lý và về thực tại. 

Thật sai lầm cho cái thành kiến của một số nhà tư tưởng hiện đại cho rằng các tín điều đức tin khóa chặn lý trí con người. Nhưng sự thực thì hoàn toàn ngược lại như các bậc thầy vĩ đại của truyền thống công giáo đã trưng ra. Thánh Augustino trước khí hoán cải đã kiếm tìm chân lý với nhiều nỗi khắc khoải, ngang qua tất cả những triết lý sẵn có, ngài vẫn thấy chúng vẫn chưa thỏa mãn. Việc siêng năng tầm cứu có tính lý trí đối với ngài là một khoa sư phạm đầy ý nghĩa cho cuộc gặp gỡ với chân lý Chúa Ki-tô. Phát biểu “hiểu để tin và hãy tin để hiểu” (Discorso 43, 9: PL 38, 258), phải chăng là thánh nhân đang nói về kinh nghiệm riêng của mình về cuộc sống. Tri thức và đức tin, đặt trước mặc khải Thiên Chúa đâu phải là những thứ xa lạ nhau hoặc đối nghịch nhau, mà đúng hơn chúng là những điều kiện để lĩnh hội ý nghĩa mặc khải, để tri nhận sứ điệp đích thực, phối hợp cùng nhau để tiếp gần ngưỡng cửa mầu nhiệm.

Thánh Augustino, cùng với nhiều tác giả Ki-tô hữu khác là những chứng nhân của một đức tin được tập tành với lý trí, có thể suy được và mời gọi để suy. Trên hành trình này, thánh Alsemo đã nói trong Proslogion rằng đức tin công giáo là fides quaerens intellectum, nghĩa là đức tin tìm kiếm sự hiểu biết, nơi đó việc tìm kiếm của trí tuệ là hành vi nội tại cho việc tin. Trên cả là thánh Tô-ma Aquinô – được coi là mãnh mẻ của truyền thống chắc chắn về những lý do của đức tin – chạm trán với những cái lý của triết học, ngài đã trưng ra cho suy tưởng con người biết bao những lý do mới mẽ phong phú sống động rút ra từ sự tháp nhập của các nguyên lý và của các chân lý đức tin ki-tô giáo.

Do vậy, đức tin Công Giáo là hữu lý và được đặt nền tảng trên lý trí của con người. Công đồng Vaticanô I, trong Hiến Chế Tín Lý Dei Filius đã xác nhận rằng nhờ đức tin con người có thể biết một cách chắc chắn sự hiện hữu của Thiên Chúa ngang qua con đường sáng tạo. Trong khi đó, chỉ với đức tin con người có cơ hội để hiểu biết những chân lý của Thiên Chúa “một cách dễ dàng, chắc chắn tuyệt đối và không sai lỗi” khi có ánh sáng ân sủng của Thiên Chúa chiếu toả. Vì thế, sự hiểu biết của đức tin không đi ngược với lý trí. Chân phước Gioan Phaolo II, trong Thông Điệp Đức Tin và Lý Trí, đã tổng kết như sau: “Lý trí của con người không bị tiêu diệt cũng không bị hạ nhục khi công nhận nội dung của đức tin; nội dung này luôn luôn được chấp nhận bằng một sự lựa chọn tự do và có ý thức” (số 43). Trong nỗi khao khát truy tìm chân lý không cưỡng lại được, mối tương quan hoà hợp giữa đức tin và lý trí là con đường đúng đắn dẫn con người đến với Thiên Chúa và tới sự hoàn thiện của bản ngã.

Ta dễ dàng nhận ra giáo thuyết này trong các bản văn Tin Mừng. Viết cho các Tín Hữu Cô-rin-tô, thánh Phaolô nhấn mạnh: “Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Ðấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ.” (1Cr 1, 22-23).

Thực vậy, Thiên Chúa đã cứu độ thế giới không phải với hành động của sức mạnh, nhưng ngang qua sự hạ mình của Người Con Duy Nhất: theo những tiêu chuẩn của nhân loại, Thiên Chúa đã thực hiện một cách thức lạ lùng vượt qua những đòi hỏi khôn ngoan của người Hy-lạp. Tuy nhiên, Thập Giá của Đức ki-tô có một lý lẽ riêng của nó, chính thánh Phaolo đã gọi: ho lògos tou staurou, “lời rao giảng về thập giá ” (1 Cr 1,18). Ở đây thuật ngữ Logos vừa mang ý nghĩa Lời nhưng cũng là Lý Trí, và sở dĩ Logos ám chỉ lời chỉ vì nó diễn tả ra điều mà lý trí trình bày. Bởi vậy, thánh Phaolo không nhìn thập giá như là một điều gì đó phi lý nhưng là một sự kiện cứu độ mà cái lý của nó chỉ có thể nhận ra dưới ánh sáng của đức tin. Vào chính thời điểm này, thánh nhân hoàn toàn tin tưởng vào lý trí con người, và ngài cảm thấy rất ngạc nhiên vì cho dẫu nhìn thấy bao nhiêu việc lạ lùng mà Thiên Chúa đã thực hiện thì vẫn còn đó biết bao nhiêu kẻ cứng lòng nhất định không tin vào Ngài. Trong thư gửi các tín hữu Rô-ma, ngài viết: “Quả vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người” (Rm 1,20). Thánh Phê-rô cũng cổ võ các Ki-tô hữu đang bị phân tán, hãy biết ca ngợi “Ðức Kitô là Ðấng Thánh, hãy tôn Người làm Chúa ngự trị trong lòng anh em. Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1 Pr 3,15). Trong bầu khí bách hại và có một nhu cầu mạnh mẽ để làm chứng cho đức tin, các tín hữu được mời gọi để minh chứng cho động cơ nền tảng của mình khi họ gắn bó với Lời của Tin Mừng.

Mối liên hệ đầy hứa hẹn giữa sự hiểu biết và đức tin cũng đặt nền tảng cho mối liên hệ giữa khoa học và đức tin. Những nghiên cứu khoa học luôn dẫn tới sự hiểu biết về chân lý luôn mới về con người và về vũ trụ. Sự thiện hảo đích thực của con người, có thể tiếp cận bằng đức tin, mở ra một chân trời mới trong đó chúng ta có thể di chuyển trong hành trình khám phá của mình. Do đó, cần khuyến khích những khám phá khoa học. Chẳng hạn như những nghiên cứu khoa học nhắm đến việc phục vụ sự sống và diệt trừ bệnh tật. Những nghiên cứu này cũng quan trọng vì nó giúp chúng ta khám phá ra những bí mật của vũ trụ và hành tinh của chúng ta, nhờ đó, con người, với tư cách là chủ vũ trụ sẽ không huỷ hoại nó một cách ngu ngốc, nhưng giữ gìn nó và làm cho nó phát triển bền vững. Đức tin không xung đột với khoa học, đúng hơn là hợp tác với khoa học và đưa ra cho khoa học một tiêu chuẩn để thăng tiến ích chung, đồng thời yêu cầu nó từ bỏ những tham vọng của riêng mình, vốn chống lại kế hoạch vĩnh cửu của Thiên Chúa, những tham vọng có thể tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực chống lại chính con người. Một cách tương tự, cũng thật hợp lý để tin rằng, nếu như khoa học là một đồng minh quý giá của đức tin giúp hiểu về kế hoạch của Thiên Chúa được thực thi trong vũ trụ này, thì đến lượt nó, đức tin cho phép sự thăng tiến của khoa  học luôn hướng đến sự thiện và chân lý của con người, ngang qua việc trung tín với kế hoạch này.

Đó là lý do tại sao con người cần mở ra với đức tin và sự hiểu biết về Thiên Chúa và kế hoạch cứu độ của Ngài nơi Đức Giêsu ki-tô. Trong Tin Mừng, Đức Giê-su đã công bố một nhân loại mới, “một ngữ pháp” đích thực của con người và của tất cả thực tại. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đã xác nhận: “Sự thật của Thiên Chúa được biểu lộ qua việc Người khôn ngoan điều khiển toàn bộ trật tự sáng tạo và vận hành vũ trụ. Một mình Thiên Chúa đã sáng tạo trời đất (x. Tv 115, 15); duy chỉ mình Người mới ban cho chúng ta sự hiểu biết đích thực về mọi vật được tạo dựng trong tương quan với Người” (số 216).

Chúng ta tin tưởng rằng sự dấn thân của chúng ta vào công cuộc Tân Phúc Âm hoá sẽ giúp nhiều người nam và nữ trong thời đại chúng ta tìm lại được vị trí trung tâm của Tin Mừng trong đời sống của họ. Chúng ta hãy cầu nguyện để mọi người tìm thấy nơi Đức Ki-tô ý nghĩa của đời sống và nền tảng của tự do đích thực nơi họ: thực vậy, không có Thiên Chúa, con người đánh mất chính mình. Lời chứng của biết bao nhiêu người đi trước chúng ta và đã dâng hiến cuộc đời của họ cho Tin Mừng mãi mãi xác nhận chân lý này. Thật xứng đáng để ở lại với Đức Ki-tô, vì chỉ mình Ngài là Đấng có thể làm cho chúng ta thoả mãn khao khát chân lý và sự thiện hảo vốn đã được đặt để trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người chúng ta, trong chính giờ phút này, trong chặng đường đã qua, và trong ngày hồng phúc vĩnh cửu vô tận. Xin cám ơn anh chị em.

Từ RadioVaticana, ngày 21/11/2012

Augustin Nguyễn Thái Hiệp, S.J

Augustin Nguyễn Minh Triệu, S.J.

 chuyển ngữ và giới thiệu.

Kiểm tra tương tự

Niềm hy vọng cũng dành cho bạn!

  Thứ Ba ngày 24/12/2024, sau khi mở Cửa Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã …

Trong Chúa, chúng ta là những người bạn đích thực

Trong tâm tình chờ đón Đại lễ Mừng Chúa Giáng Sinh, Học Viện Thánh Giuse …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *