Đức Tin hay Niềm Tin

faith-healingCó lẽ chỉ có đạo Công Giáo mới dùng chữ Đức Tin, nghe ra có vẻ rất đơn giản, cả về đối tượng tin cũng như về khái niệm của sự tin. Nhung thực sự nó lại là vấn đề không giản đơn chút nào. Ngay giữa lý thuyết và thực tế hay thực hành của đức tin, nó có một sự cách biệt và xa lạ rất lớn, giống như tình yêu trên lý thuyết và trên thực tế vậy. Điều này dẫn đến một sự ngộ nhận khá tai hại, nó ảnh hưởng đến cả đời sống đạo của con người, thậm chí đi đến sự lệch lạc tệ hại trong tâm linh, trở thành những bệnh hoạn về tâm thần, như chuyện đồng bóng, mê tín dị đoan, chuyện đặc sủng, mạc khải, thị khải, thị kiến, thánh thần soi sáng v.v…

Vậy mấu chốt vấn đề ở đâu?

Điều này thực sự cũng không phải là vấn đề khó hiểu, chung quy chỉ vì con người có thói quen hay dùng những cảm giác, cảm xúc, tình cảm, niềm tin và lý lẽ tự nhiên để đánh đồng và khẳng định cho một nhân đức (đối thần) hoàn toàn siêu nhiên, rồi áp dụng trong đời sống đạo của mình, nên sự việc bắt đầu lủng củng từ sự nhận thức tiên khởi này. Giữa đức tin và niềm tin có sự khác biệt khá rành mạch, dựa trên phạm trù của hai lãnh vực tự nhiên và siêu nhiên.

NIỀM TIN

Nói đến niềm tin thì chẳng có ai là xa lạ, vì nó có có nơi mọi người, trong mọi khía cạnh, mọi lãnh vực của cuộc sống con người. Niềm tin vào cuộc đời, vào con người với nhau, vào tổ chức, vào tương lai, nhất là niềm tin trong tâm linh, trong tín ngưỡng, tôn giáo. Bởi vậy câu nói: “niềm tin trong Kytô giáo” cũng mang ý nghĩa đó trên phương diện khách quan theo nghĩa của “hội nhập văn hóa”, nhưng đối với kytô hữu thì nó là một nhân đức đối thần thuộc về siêu nhiên khác với niềm tin thông thường thuộc lãnh vực tự nhiên.

Ai cũng dễ hiểu rằng niềm tin là sự tin tưởng, hy vọng vào một chủ thuyết, một vấn đề tâm linh hay sự kiện, một lẽ sống, một đối tượng, trong hiện tại cũng như trong tương lai, để mong đạt được một mục đích cao đẹp nào đó. Bởi vậy ai không có niềm tin thì không còn sức sống và không còn muốn sống nữa. Niềm tin là một động cơ để sống và làm việc, để có lý do tồn tại và là điều kiện cốt yếu để có được hạnh phúc, ngay cả trong lúc con người gặp đau khổ nhất.

Niềm tin này nó được hình thành ngay từ trong căn tính của con người, nghĩa là được phú bẩm qua di truyền, qua giáo dục, qua văn hóa, qua môi trường sống, và thăng trầm qua những biến cố của đời sống. Con người có được đời sống tinh thần phong phú chính là nhờ vào những niềm tin chân chính đã được phú bẩm, cũng như do văn hóa và giáo dục mang lại, chứ không phải ở những yếu tố bên ngoài. Như vậy người ta cũng có thể căn cứ vào những niềm tin chân chính để làm thước đo ý nghĩa và giá trị của đời sống con người cũng như hạnh phúc của họ.

Vì vậy niềm tin là một lẽ hết sức tự nhiên, hoặc gọi là đức tính hoàn toàn tự nhiên của con người, có khác nhau là do những yếu tố thuộc về văn hóa và giáo dục mà thôi. Vì là lẽ tự nhiên, nên niềm tin được tồn tại và phát triển tùy thuộc vào mỗi cá nhân, mổi gia đình và xã hội, hoặc qua tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo. Cũng vì lẽ tự nhiên, nên niềm tin lệ thuộc vào sự nhận thức, vào tình cảm, vào cảm xúc, vào trí tưởng tượng, vào những quan năng hoạt động của thần kinh. Trong tín ngưỡng hay tôn giáo, niềm tin và tình cảm lên cao sẽ thành lòng mộ đạo hay sùng đạo. Tất cả diễn tiến trong tinh thần thuộc về lãnh vực tự nhiên, nó liên quan tới vấn đề tâm lý con người là chính yếu. “Trẻ vui nhà, già vui chùa”, hay “Bụt chùa nhà không thiêng không thờ, đi thờ Thích Ca ngoài đường”, chính là như vậy.

Để có được những niềm tin chân chính và cao đẹp, điều kiện cần và đủ là con người phải thông qua giáo dục dựa trên nhân bản. Bởi vậy những niềm tin lệch lạc không dựa trên cơ sở nhân bản, mà chỉ dựa trên trí tưởng tượng, trên những cảm xúc nhất thời, có nghĩa là niềm tin không có cơ sở, không được hướng dẫn, nên nó rất khiếm khuyết, thậm chí đi đến sai lầm, trở thành những bệnh tâm thần nguy hiểm. Một xã hội vũng bền và phát triển phần lớn là có được những niềm tin chân chính, tin vào con người với nhau, vào tổ chức, vào tín ngưỡng và tôn giáo chính đáng trong xã hội đó.

ĐỨC TIN

Ngươi Công giáo chẳng ai xa lạ với thuật ngữ Đức tin. Ai cũng được nghe, được bàn đến, hầu như nó bị sáo mòn và sơ cứng lúc nào không biết. Dù sao, không còn cách gì hơn là mỗi người muốn sống đạo vẫn phải tiếp xúc với từ ngữ này trong mọi tình cảnh của đời sống tâm linh, nhưng trong thực hành, con người gặp những vấn nạn không phải dễ dàng vượt qua. Cũng thực tế cho thấy, con người dễ dàng nhầm tưởng rằng minh đã hiểu, đã am tường về đức tin, nhưng khi đụng cham đến lại thấy nó mơ mơ hồ hồ như màn sương mù bao phủ cả bầu trời trước mắt.

Đạo Công giáo cũng được gọi là đạo của đức tin, nghĩa là chủ yếu phải tin vào một chuỗi những điều mà lý trí con người không thể hiểu thấu, được gọi là những mầu nhiệm trong đạo. Tin mà không hiểu, không hiểu mà lại tin. Đó là một quá trình, một vòng xoáy khiến tâm trí con người không dễ dàng dung nạp. Từ mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi đến mầu nhiệm Ngôi Hai Nhập Thể và Cứu Chuộc, tiếp đến là một chuỗi những mầu nhiệm về Thiên Chúa, về Đức Mẹ, về Giáo hội, về bí tích, về ân sủng và tâm linh v.v… Với ba nhân đức đối thần, con người phải chạm trán với một nhân đức cơ bản tiên khởi là đức tin. Tin là khởi đầu, đồng thời mới có và sẽ có mọi sự. Trong Tin Mừng, mỗi lần Đức Giêsu chữa bệnh, Người đều nói: “Lòng tin của con đã chữa con”.

 Mọi vấn nạn cần được đào xới để tìm ra manh mối những trở ngại đang vướng mắc trong đời sống đức tin của con người. Sự vướng mắc này là do chính con người khi thực hành việc tâm linh đã đặt cơ sở của đức tin sai chỗ, mặc dù vẫn hướng về đối tượng là Thiên Chúa. Điều này phát xuất do ý niệm về Thiên Chúa, gán những thuộc tính của con người cho một Thiên Chúa, dùng những cảm xúc, cảm giác, tình cảm, tâm tư, ước muốn của con người cho việc thờ phượng, việc cầu nguyện, việc thực hành tâm linh và việc sống đạo trong đời thường. Nhất là con người thường dùng những yếu tố thuộc về cảm giác và cảm xúc diễn ra trong tâm lý con người để hiểu, để đo lường, để đánh giá, dùng làm “kim chỉ nam” cho việc thực hành đức tin. Trong khi đức tin chân chính lại khác hẳn, như Giáo hội đã định nghĩa đó là một nhân đức “hoàn toàn siêu nhiên”, chứ không hoàn toàn tự nhiên như con người thường cảm nhận như vậy. Mấu chốt cần phải gỡ bỏ chính là ở chỗ này chứ không đâu khác.

Đức tin thuộc về siêu nhiên, nghĩa là lấy siêu nhiên làm gốc, làm cơ sở để căn cứ, chứ không phải dựa trên giác quan, mặc dù đức tin vẫn không loại trừ cảm xúc và cảm giác. Nhân đức siêu nhiên này được Thiên Chúa ban cho con người không điều kiện nếu con người khao khát, chứ không lệ thuộc vào tâm lý (giác quan) của con người, nó khác rõ ràng với niềm tin, là cái hoàn toàn lệ thuộc vào điều kiện tự nhiên và diễn ra nơi tinh thần và tâm lý con người. Nhân đức siêu nhiên này được diễn ra trong lý trí, trong ý chí, trong ý hướng, trong những cảm thức siêu hình (siêu thức) và trong sự tự do của con người – cảm giác là tự nhiên nhưng cũng là một sự nô lệ – mà chỉ có ai thực hành tâm linh qua đời sống đạo mới có thể trải nghiệm được phần nào, mới nhận ra sức sống của nó. Còn cảm giác, cảm xúc thì thay đổi, lúc có lúc không, nó lệ thuộc vào tâm lý nên thật chông chênh và bấp bênh, dễ hứng thú nhưng lại mau thất vọng, không mang lại ân sủng nào, vì đó không phải là đức tin. Có những người được ơn này ơn nọ, chưa hẳn là do họ có đức tin tinh tuyền, mà là do tình yêu của Thiên Chúa ban phát để cứu vớt họ thoát khỏi sự thất vọng, nguy hiểm đến linh hồn mà thôi.

Yêu người trong đức tin (chứ không theo cảm xúc), cậy trông và cầu khẩn trong đức tin, hành động trong đức tin, nhìn sự vật sự việc trong đức tin, phản ứng trước mọi biến cố trong đức tin…, tất cả được diễn tiến khác với tự nhiên trong tâm lý con người, nghĩa là nó được nhìn nhận, phản ứng và hành động theo thần khí của Thiên Chúa, chứ không phải như tính khí của con người. Có thể ai cũng biết điều này, nhưng thật mâu thuẫn, con người lại chỉ biết, chỉ thích, chỉ muốn căn cứ trên cảm giác, cảm xúc và tình cảm tự nhiên để đánh giá và thực hành đức tin mà thôi. Vì vậy những trào lưu hoặc phong trào trong đạo thường là bị xã hội hóa hay tục hóa, nên đức tin và sự thánh thiêng nó không còn nguyên vẹn nữa. Vướng mắc này làm cho con người đi trật đường mà không biết, nhưng nó đâu phải là khó gỡ bỏ, nếu con người thực sự có thiện chí đi tìm kiếm chân lý.

Con người Việt Nam thiên về cảm tính nên thích đắm mình vào những cảm giác trong khi thực hành tâm linh, nên ham chuộng hình thức, ngay cả trong những kinh nguyện cũng phải tạo sự khêu gợi giác quan, tạo sự xúc động thì mới gọi là có Thánh Thần (sự an ủi) hiện diện, như thế mới có giá trị đạo đức. Nếu rà soát lại, có thể thấy vấn đề này đi quá trớn chăng?  Không phải giáo lý mà là bài hát chầu được dịch từ La ngữ có câu: “ Ta hãy lấy đức tin bù lại, nếu giác quan không cảm thấy gì”. Câu này rất dễ làm người ta nhầm tưởng ở chữ  “nếu” và chữ “bù” (là sự phụ thuộc), vì khi phân tích ngữ nghĩa câu này, sẽ thấy giác quan được chọn làm cơ bản và nòng cốt cho đức tin, bởi vì chỉ cần có đức tin (bù đắp) khi không thấy cảm giác xuất hiện thôi (dịch theo cảm tính chăng). Có cần nên xác định: “Ta hãy lấy đức tin thay cho giác quan, chứ đừng căn cứ trên giác quan của chúng ta”. Nhưng đây là vấn đề của dịch thuật chứ không phải của giáo lý. Như ta biết Thánh Thể hoàn toàn thuộc về siêu nhiên, hoàn hoàn thuộc về đức tin, chứ không một chút mảy may nào của giác quan xen vào, cũng như sự biến thể của bánh và rượu thì hoàn toàn là vô cảm. Cảm tính thì thích được chiều chuộng, tìm đến sự an ủi và vuốt ve, nên thật tai hại cho vấn đề hiểu và thực hành đức tin, vì cảm giác luôn cho những tổ chức, những bài kinh, bài giảng nào có cảm xúc và sự vuốt ve thì mới là hay ho, là giỏi, là đạo đức.

KẾT LUẬN

Những bệnh hoạn về tâm thần, như chuyện đồng bóng, mê tín dị đoan, chuyện đặc sủng, mạc khải, thị kiến, thánh thần soi sáng v.v… Đó là căn bệnh của đạo đức, nó được khởi phát do cảm tính đạo đức quá mạnh, tiềm tàng những khao khát cái “vĩ đại” cho cá nhân trong tâm hồn, được trí tưởng tượng phong phú bày ra, được cảm giác và cảm xúc dẫn dắt, tạo nên những ảo ảnh và tiếng nói xuất hiện nơi họ. Nên người này tin tưởng và quả quyết như sống chết với điều mà họ thấy, họ nghe được. Đây là đỉnh cao của sự hồ đồ về đời sống tâm linh và sự nhận thức trong đức tin. Có lẽ trong mỗi Kytô hữu chúng ta đều có ít nhiều sự hồ đồ này chăng? Những chuyện nghiêm túc và đúng đắn về vấn đề này thì có Giáo hội điều tra, nghiên cứu và phán định. Nó được diễn tiến nơi một tâm hồn rất lành mạnh, rất quân bình, có đức tin chân chính, chịu được mọi thử thách và thời gian, chứ không theo một cảm giác nào cả.

Giáo hội kêu mời mọi tín hữu hãy quay trở về chính nguồn của đức tin là Đức Kitô, kêu gọi học hỏi giáo lý và văn kiện Công đồng về đức tin, để tái khám phá, để chỉnh đốn, uốn nắn lại những sai lạc, bù đắp sự thiếu hiểu biết về đức tin, cũng như để củng cố tòa nhà đức tin được xây dựng trên nền đá tảng Phêrô.

Nhưng dù học hỏi, dù có thuộc lòng giáo lý hay những giáo trình về đức tin, mà con người vẫn thích, vẫn nuông chiều theo cảm giác, theo cảm tính của mình thì cuối cùng cũng đâu vào đó, nghĩa là vẫn trì trệ trong đức tin, nếu không muốn nói rằng mỗi ngày mỗi xa lạc đức tin hơn. Theo nhiều tài liệu, từ hậu bán thế kỷ 20 cho tới nay, làn sóng mất đức tin và bỏ đạo lan rộng khắp nơi, nhất là ở Phương Tây. Từ thập niên 90, Đức Gioan Phaolô II kêu gọi tái rao giảng Tin Mừng cho Tây phương nói riêng, thế giới nói chung.

Thiết nghĩ, cần có sự cầu nguyện như các thánh tông đồ xưa: “Xin thầy ban ơn nhân đức tin cho chúng con”. Đồng thời sống theo đức tin tinh tuyền như Giáo hội dạy, cũng đồng thời trăn trở suy tư, thực hành tâm linh để trải nghiệm nhân đức siêu nhiên này, cộng với sự rũ bỏ, thoát khỏi những ảo tưởng trong những ý niệm lệ thuộc vào giác quan (cảm xúc, cảm giác) của con người, vì giác quan thường đánh lừa con người, chứ không thể tồn tại như một nhân đức, càng không như một chân lý.

Năm Thánh Lòng Thương Xót mang lại gì cho Giáo hội, cho mỗi Kytô hữu, là câu hỏi còn ở phía trước. Mọi người được hưởng ân phúc từ hoa trái của đức tin và Lòng Thương Xót Chúa hay phải chịu hậu quả cho tương lai?  Lời cảnh báo của Chúa Giêsu như đang vang dội, có làm cho mỗi người suy gẫm hay không: “Nhưng khi con Người ngự đến, liệu Người còn thấy Đức Tin trên mặt đất nữa không” (Lc. 18.8).

                                                                                                     Hàn Cư Sĩ

(Bài viết được tác giả gửi đến Dongten.net)

                                                                         

 

Kiểm tra tương tự

TỘI và TÔI

  Lặng thầm cầu nguyện trên môi Sấp mình thờ lạy bồi hồi tâm can …

Chúa Giêsu trong vòng dư luận

Đức Giêsu trong vòng dư luận. Ảnh: Pinterest.com Suy niệm Tin Mừng tuần vừa qua …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *