Duyên phận ca khúc “Tôi tìm về tôi” trong phim Huệ Đêm

1

Ngay sau hai buổi chiếu ra mắt phim Huệ Đêm do Truyền Thông Dòng Tên sản xuất tại rạp Lotte Thăng Long – Hà Nội và Lotte Gò Vấp – Sài Gòn, nhiều bạn bè hỏi tôi về ca khúc chính mở đầu phim; có người hỏi xin bản nhạc để cover, có lẽ vì khi xem phim họ chưa được nghe trọn ca khúc. Xin trả lời ngay: Đó là ca khúc “Tôi Tìm Về Tôi” được nhạc sĩ Holy Thắng (đạo diễn, kiêm biên kịch Huệ Đêm) viết riêng cho phim, với tiếng hát của ca sĩ Hiền Thục. Nhân dịp Holy Thắng vừa gửi tặng tôi bản nhạc có kèm hợp âm, và với phép của anh, tôi xin chia sẻ lên đây, cũng như viết đôi dòng cảm nhận về ca khúc. Mọi người có thể tìm nghe album OST (Original Soundtrack) các bài nhạc phim Huệ Đêm tại: http://mp3.zing.vn/album/Hue-Dem-OST-Hien-Thuc/ZOU7Z0O0.html

Nhạc phim có thể được coi như một phần linh hồn của Huệ Đêm. Một ca khúc nhạc phim phải vừa thỏa tiêu chí nghệ thuật, vừa đáp ứng được “thời sự tính”, tức ăn nhập với nội dung phim và khơi gợi được cảm xúc nơi đại đa số khán thính giả. Điều thú vị và hấp dẫn của ca khúc “Tôi Tìm Về Tôi” nằm ở chỗ giao thoa giữa nhiều yếu tố: giọng hát, giai điệu, nhịp điệu, ca từ, hòa âm, bối cảnh sáng tác và tâm tình tôn giáo.

Holy Thắng quả không lầm khi mời ca sĩ Hiền Thục thu âm ca khúc. “Tôi Tìm Về Tôi” vừa kể một câu chuyện, vừa thể hiện tâm trạng và những giằng co nội tâm của nhân vật, thế nên cần đến một ca sĩ từng trải, nếu không muốn nói là đã có kinh nghiệm vấp ngã và cả sự lạc quan mới có thể truyền đạt tốt nhất. Chất giọng da diết khi trong khi khàn, những chỗ lấy hơi, nén hơi, ngân rung, luyến âm, nhả chữ tinh tế, những đoạn ngắt âm hay vươn tiếng đúng lúc của Hiền Thục đã góp phần làm rõ ý nghĩa, thêm tâm tình và sức sống cho câu hát, biểu hiện được sự xúc động đột ngột cũng như sự dồn dập của những cao trào nhạc và lời.

Hẳn nhiều người, nhất là các bạn trẻ, rất thích những ca khúc như Câu Chuyện Tình Tôi, Yêu Dấu Theo Gió Bay, Nhật Ký Của Mẹ do Hiền Thục trình bày. Gần đây Hiền Thục dấn thân nhiều hơn trong lãnh vực ca nhạc Công Giáo. Bản thân tôi rất thích nghe các bản thánh ca do Hiền Thục hát như: Để Con Nên Hình Bóng Người, Lặng, Bờ Vai Giêsu. Là một ca sĩ Công Giáo, Hiền Thục dường như muốn dùng tiếng hát mình đưa dẫn khán thính giả Công Giáo đến gặp gỡ một Thiên Chúa Xót Thương mà chính cô từng kinh nghiệm. Được biết, mặc dù rất bận rộn với những dự án âm nhạc cuối năm, đặc biệt trong thời gian Truyền Thông Dòng Tên ngỏ ý mời thu âm ca khúc, ca sĩ Hiền Thục đã vui vẻ nhận lời mà không đòi hỏi một điều kiện nào.

Cái khéo của Holy Thắng trong khi viết giai điệu “Tôi Tìm Về Tôi” là cách vận dụng tâm lý quãng nhạc. Khi cần diễn tả “đường thì dài lắm”, “tìm hoài chẳng thấy”, tác giả dùng quãng 6 – một quãng nhạc khá rộng và mềm mại dễ lay động cảm xúc. Khi cần diễn tả bước gắng gượng đứng dậy sau cú vấp ngã để đi tiếp, tác giả dùng quãng 5, một quãng khá chắc chắn và cứng cáp: “đường phố khuya rồi, người đã thưa rồi”, “lệ đã khô rồi, còn khẩn ngơ tìm”, “lại khẽ cất lên, một tiếng kinh đêm”, “lặng bước đi về, còn ngẩng lên trời” … Khi cần diễn tả sự ngập ngừng, níu kéo, ủy mị và tế nhị, tác giả dùng những quãng 2 thứ (nửa cung): “bàn tay đã buông lơi không đan lấy nhau”, “lời kinh ấm êm như đang xoa nỗi đau”…

Tiết tấu được sử dụng theo kiểu lơi nhịp, vận dụng đảo phách, nghịch phách và những liên ba đen (“từng con ngõ tối”, “bàn tay ấm áp”, “chỉ là sương gió”, “trong từng hơi thở”, “đâu là ánh sáng”, “tôi tìm về tôi”…) như muốn nhấn mạnh từng lời tự tình với thính giả nhưng không áp đặt. Sự lặp lại liên tục của tiết tấu, cũng như giai điệu, nhất là ở đoạn cao trào, như muốn diễn tả những bước chân đêm dồn dập, hối hả trên con phố vắng cũng như trong nội tâm nhân vật.

Ca từ chân thật như đang kể chuyện, đang trải lòng; thật nhưng không thô vì có chất thơ. Chữ “Phố” mở đầu bài hát đã khiến khán giả nhập tâm ngay vào bối cảnh đầu phim. Thủ pháp điệp ngữ và đảo ngữ được vận dụng đôi chỗ nhưng khá đắt giá: “đường phố liêu xiêu, liêu xiêu từng con ngõ tối”, “một thoáng mong manh, mong manh bàn tay ấm áp”. Tôi không bất ngờ, vì từ nhỏ, Holy Thắng đã có khiếu viết văn, làm thơ. Thắng thường tự nhận mình “chữ không đẹp nên không làm nhà văn, ngoại hình không xịn nên không làm diễn viên, hát không hay nên không làm ca sĩ, nên thôi làm đạo diễn, làm nhạc sĩ sáng tác cho người khác diễn thay vậy.”

Hòa âm đã góp phần tạo nên sự thành công cho ca khúc. Thú thật, lần đầu nghe Holy Thắng hát thử không nhạc đệm qua điện thoại (khi vừa viết xong), tôi chưa kịp ấn tượng mấy, vì lúc đó tôi cũng chưa được xem phim Huệ Đêm. Âm thể chính cho ca khúc là Gm (Sol thứ), vốn là một âm thể tạo cảm giác buồn nhưng có chiều sâu. Nốt nhạc mở đầu lại là trung âm (nốt Si, âm bậc III) chứ không phải chủ âm (âm bậc I) hay át âm (âm bậc V), tạo cảm giác chơi vơi khó đoán biến; giới thiệu cái vẻ liêu xiêu và mong manh của phố, của Huệ… Ô nhịp đầu tiên chỉ đơn giản là một cuộc trải dấu hợp âm Gm (Si-Sol-Re-Re-Sol); tác giả như muốn trải lòng mình, không suy tính chiêu trò kỹ thuật, không một chút nghi ngại hay tự vệ, mời gọi khán thính giả hòa vào câu chuyện của Huệ Đêm một cách tự nhiên. Những vòng hòa thanh quen thuộc I – IV – V (Gm – Cm – D7), hay đổ quãng hai (Gm – F – Eb – D7) được vận dụng để dễ “rót” giai điệu vào lòng người nghe. Tuy nhiên, Holy Thắng đã dùng thêm hợp âm nghịch bậc II [Am7(b5)] ở những chỗ cần đến sắc thái chênh vênh, thiếu thốn, mờ ảo, yếu ớt: “chỉ là”, “liêu xiêu”, “mong manh”. Ở đoạn cao trào, âm nền (bass) của các hợp âm liên tục đi xuống liền bậc (G-F#-F-Eb-D) như thể muốn diễn tả những bước vấp ngã dần xuống tới cuối đường hầm, đồng thời cũng diễn tả sự vơi dần những cơn đau ngay sau khi tìm được ánh sáng. Giải kết giữa phần cao trào là bán kết (kết nửa vời ở hợp âm bậc V) để đặt ra câu hỏi “Đâu là ánh sáng?”, giải kết cuối bài là toàn kết (từ bậc V về bậc I) như một câu trả lời: “về tôi”. Vâng, tìm về gặp ánh sáng nơi đáy thẳm cõi lòng mình. Một lưu ý thú vị: ở đây là Dm7 về Gm chứ không phải D7 về Gm như trong thang âm thứ hòa điệu. Dm7 là hợp âm bậc V của thang âm Gm tự nhiên, hay dùng giải kết trong dân ca, phải chăng tác giả muốn mượn hợp âm này để trở về với cái gì là tinh khôi nhất của mình?

 “Tôi Tìm Về Tôi” không chỉ là câu chuyện của Huệ. Đó còn là những trăn trở, là một phần tâm trạng của chính tác giả. Tôi đã xin phép cậu ấy cho chia sẻ đôi điều: “Em là đứa hay cười, nhưng gương mặt bình thường thì khá buồn. Nỗi ám ảnh của sự cô đơn, của con người tội lỗi dường như khiến em trở nên mệt mỏi, nhất là mỗi đêm đi làm về trễ, khi trên phố chỉ còn lại những ngọn đèn đường, và lác đác vài ba công nhân đang dọn vệ sinh, con hẻm dẫn vào nhà nhỏ và ngoằn ngoèo… Lúc viết bài hát này là lúc em và người yêu chính thức nói lời chia tay… Cái tâm trạng héo hắt và cô đơn của Huệ lúc đó em hiểu được, vì đồng bệnh tương lân. Em nhờ Huệ kể cho mọi người nghe nỗi lòng cô để chính mình vơi bớt… Làn ranh giữa đúng và sai, giữa tội lỗi và điều bình thường là gì? Em chợt cảm thương cho thân phận của những người bán phấn buôn hương, sau cuộc truy hoan, khách quẳng lại cho mớ tiền rồi đi mất, chỉ còn ‘cô điếm’ ở lại xót xa thân phận, ai người hiểu và cảm thương, ai tin rằng ‘cô điếm’ cũng cần một tình yêu thực sự? Bất giác tâm hồn hóa thành Huệ bật khóc trong đêm cô tịch, nhìn quanh chỉ còn mình và đêm…” – Holy Thắng tâm sự.

 

Bài hát khép lại bằng một tâm tình tôn giáo: “Lại khẽ cất lên… một tiếng kinh đêm… Lời kinh ấm êm… như đang xoa nỗi đau. Lặng bước đi về… còn ngẩng lên trời… Ngày mai nắng lên… Tôi tìm về tôi…”  Tôi đoán hoài chẳng ra “tiếng kinh đêm” ấy là lời kinh nào (có lẽ là kinh cầu Thánh Giuse mà nhân vật Lâm hay đọc trong phim chăng?), liền nhắn tin cho Thắng để hỏi ngay. “Lúc ấy tầm 5h sáng anh à, em tin là mình đã nhìn thấy Huệ trong tâm tưởng, cô ta chỉnh trang lại quần áo, ngước lên trời khe khẽ hát một câu thánh ca, đó là bài Dâng Mẹ: ‘Lạy Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Đồng Trinh. Đoàn con chung tiếng hát, chung tấm lòng, dâng đời sống…’ Trời bừng sáng, Huệ đi về, mỉm cười, le lói trong tim niềm hy vọng ngày mai rồi sẽ khác” – Holy Thắng trả lời.  

Ngày mai nắng lên, tôi tìm về tôi.”  Holy Thắng muốn mời gọi mỗi người tìm về cái nguyên đơn nhất của con người, về kí ức của một tuổi thơ trong vắt, về cái tâm thánh thiện, về cái chốn mà mình có thể là chính mình, để thứ tha, an ủi và động viên chính mình. Ngày mai nắng lên, khi cơn mây đen u tối của cuộc đời bị xua tan bởi ánh sáng rạng rỡ của Mặt Trời Chân Lý, tôi tin Holy và Huệ sẽ tìm được điều mà cả hai đã bỏ cả đời đi kiếm: Tình Yêu (viết hoa).

Có lần Holy Thắng nửa đùa nửa thật với tôi: “Anh đừng gọi em là nhạc sĩ, hãy gọi em là người sáng tác, vì em chỉ được đào tạo chuyên môn trong lãnh vực sân khấu điện ảnh. Một nốt nhạc bẻ đôi cũng không đến từ em, mọi nguồn hứng có được là từ Chúa anh à, công em là ghi lại.” Tôi cũng nửa thật nửa đùa: “Hóa ra nickname của em đúng là Holy chứ không phải là Hồ Ly như trước giờ anh vẫn nghĩ.” Hy vọng trong tương lai Truyền Thông Dòng Tên sẽ tiếp tục cho ra mắt những bộ phim hay với phần âm nhạc thật trẻ trung, nghệ thuật và tâm tình.

Anh Huy, SJ

toi-tim-ve-toi-fix-1

toi-tim-ve-toi-fix-2

Kiểm tra tương tự

Nói chuyện với trẻ em về các thánh tử đạo

Ngày lễ Các Thánh: Cách nói chuyện với trẻ em về các thánh tử đạo …

Bài học từ cha tôi!

  Quan sát một ông cụ 82 tuổi sửa máy hút bụi gợi mở một …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *