Gia Đình và Ơn Gọi Của Con Người trong Đức Kitô (2)

HolyFamilybyGutierrez

Thánh Gia Nazaret và học cách yêu
Một chủ đề cũng được nói đến trong hầu hết các câu trả lời là tầm quan trọng của Thánh Gia Nazaret như là kiểu mẫu và mẫu gương cho gia đình Kitô giáo. Mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể trong một gia đình mặc khải cho chúng ta thấy gia đình là nơi đặc tuyển của việc mặc khải của Thiên Chúa dành cho nhân loại thế nào. Thực ra, gia đình được nhìn nhận là nơi người ta có thể hằng ngày gặp gỡ Đức Kitô cách bình thường. Người Kitô hữu nhìn đến Thánh Gia Nazaret như một kiểu mẫu trong các tương quan và trong tình yêu, như một điểm quy chiếu dành cho mỗi gia đình và như một niềm an ủi trong thời gian thử thách. Giáo Hội cũng phó dâng tất cả các gia đình cho Thánh Gia Nazaret trong những khoảnh khắc vui, buồn, hy vọng, cho sự chăm sóc của Đức Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse.

Nhiều câu trả lời nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tình yêu trong gia đình, nói về nó như “một dấu chỉ hữu hiệu cho sự hiện diện của tình yêu Thiên Chúa” và gọi chính gia đình là “đền thờ của sự sống và tình yêu.” Kinh nghiệm đầu tiên của tình yêu và các tương quan con người diễn ra trong gia đình. Mỗi đứa trẻ cần sống trong sự ấm áp và chăm sóc bảo dưỡng của bố mẹ yêu dấu nơi mái nhà an bình của mình. Chúng phải nghiệm thấy rằng Giêsu luôn ở với mình và không bao giờ cảm thấy mình lẻ loi. Vì những lỏng lẻo rõ ràng trong mối dây liên kết gia đình, đặc biệt là trong một số vùng trên thế giới, con cái nghiệm thấy sự cô đơn. Thậm chí khi con cái cần được sửa dạy, việc sửa dạy ấy cũng phải được thực hiện trong việc đảm bảo rằng chúng lớn lên trong bầu khí tình yêu của gia đình và cha mẹ phải nhận ra lời mời gọi của Chúa trong việc cộng tác cho sự phát triển của gia đình nhân loại.

Giá trị hình thành tình yêu trong gia đình cả cho con cái và mọi thành viên cũng được nhấn mạnh tới. Theo đó, gia đình là một “trường dạy yêu”, một “trường hiệp thông,” và một “phòng tập xây dựng các mối tương quan,” nghĩa là, nơi đặc tuyển để học cách xây dựng các tương quan có ý nghĩa, giúp người ta phát tiển khả năng cho đi chính mình. Một vài câu trả lời cũng đề nghị rằng có thể tồn tại một tương quan giữa việc hiểu biết về mầu nhiệm và ơn gọi của con người với việc thừa nhận cũng như đón nhận tài tăng và khả năng độc nhất của từng người trong gia đình. Theo nghĩa này, gia đình có thể được xem là “trường dạy nhân văn cơ bản” vốn được xem là không gì có thể thay thế.

Những khác biệt, sự hỗ tương và cách thức sống như một gia đình
Vai trò của các bậc cha mẹ xét như là các nhà giáo dục chính yếu về đức tin được xem là thiết yếu và có tính chất sống còn. Chứng tá trung tín của họ, đặc biệt là về nét đẹp cá nhân tính của họ và đôi khi, chỉ đơn giản về tầm quan trọng của những vai trò riêng biệt của họ như người cha và người mẹ cũng được nhấn mạnh đến. Cũng có khi, các câu trả lời nhấn mạnh đến tính tích cực nơi tự do của các cặp vợ chồng, sự bình đẳng và hỗ tương. Cũng có những câu trả lời khác, đặc biệt đến từ Châu Âu, nhấn mạnh đến tầm quan trọng như nhau của cả cha và mẹ trong việc nuôi dưỡng con cái mình và những trách nhiệm trong nhà.

Nói đến sự khác biệt một lần nữa, có một vài câu trả lời đề cập đến sự phong nhiêu của các tương quan liên thế hệ xảy ra trong gia đình, nơi có những sự kiện quan trọng diễn ra, chẳng hạn như lúc sinh và lúc chết, lúc suôn sẻ và lúc gặp rủi ro, lúc thành công và thất vọng… Qua những điều này và những chuyện khác xảy đến, gia đình trở thành nơi con cái lớn lên, qua những chặng đường khác nhau của cuộc sống chúng, để tôn trọng sự sống và hình thành cá tính của mình.

Các câu trả lời nói nhiều đến tầm quan trọng của việc chia sẻ và tuyên xưng cách minh nhiên của cha mẹ về đức tin của mình, bắt đầu với lối sống của họ như là một đôi uyên ương, trong tương quan giữa họ với nhau và với con cái họ; cũng như tầm quan trọng trong việc chia sẻ tri thức và ý thức của họ về Đức Kitô, Đấng – như nhiều câu trả lời liên tục nhấn mạnh – phải là tâm điểm của gia đình. Trong một xã hội đa nguyên, các bậc cha mẹ, theo cách này, có thể cung cấp cho con cái mình một định hướng cơ bản cho cuộc sống của chúng, giúp gìn giữ chúng ngay cả trong những năm tháng trưởng thành sau đó. Vì lý do này, các câu trả lời bày tỏ một nhu cầu của các gia đình phải tạo ra thời gian và cơ hội cho việc gia đình được ở bên nhau, và mở lòng ra cho nhau, trao đổi chân thành trong một cuộc đối thoại liên lỉ với nhau.

Tất cả những người trả lời đều nhấn mạnh đến tính thiết yếu của việc cầu nguyện trong gia đình xét như là Giáo Hội tại gia (cf. LG, 11), nơi mà một “văn hóa cầu nguyện gia đình” đích thực và đúng đắn được nuôi dưỡng. Thực ra, một sự hiểu biết chân thực về Đức Giêsu Kitô được thắt chặt nhờ việc cầu nguyện cá nhân và, cách riêng, cầu nguyện gia đình, theo những hình thức đặc thù của việc cầu nguyện và những thực hành nghi thế trong gia đình, vốn được xem là cách hiệu quả để dạy cho con cái đức tin. Việc đọc Kinh Thánh chung và những hình thức cầu nguyện khác, như thánh hóa trước và sau bữa ăn, gia đình cùng lần chuỗi, cũng được nhấn mạnh đến. Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề này, giáo hội tại gia – gia đình – không bao giờ được thay thế cho cộng đoàn giáo xứ cũng như đánh giá thấp tầm quan trọng của việc gia đình tham gia vào đời sống bí tích của giáo xứ, Thánh Lễ Chúa Nhật và các Bí Tích Khai Tâm Kitô giáo. Hầu hết các câu trả lời cũng nói về nhu cầu sống Bí Tích Hòa Giải và thực hành những việc đạo đức kính Đức Mẹ.

Gia đình và sự phát triển toàn diện
Các câu trả lời cũng nhấn mạnh đến đặc tính nền tảng của gia đình trong tiến trình phát triển toàn diện của một người. Gia đình đóng vai trò thiết yếu trong sự trưởng thành các tiến trình nhận thức và cảm thức, vốn là điều cốt yếu cho sự phát triển cá nhân. Ngoài việc là một môi trường sống còn cho việc huấn luyện cá nhân, gia đình cũng là nơi giúp ý thức rằng mình không chỉ là một người con của Chúa nhưng còn được mời mọi để sống yêu thương. Cũng có những nơi khác góp phần vào việc phát triển cá nhân, như sống trong cộng đồng, nơi làm việc, đời sống trong đất nước và trong Giáo Hội. Tuy nhiên, những yếu tố nền tảng có được nơi một gia đình cho phép đạt tới những cấp độ khác của việc sống trong xã hội và dựng xây xã hội.

Gia đình đối diện với nhiều khó khăn và thử thách thường ngày, như nhiều câu trả lời có nói đến. Trở thành một gia đình Kitô giáo không mặc nhiên được miễn trừ khỏi những khó khăn, thậm chí có khi còn gánh lấy những khó khăn nặng nề hơn. Nhưng qua những thử thách này, chính gia đình có thể được thêm sức, và với sự trợ giúp của chăm sóc mục vụ, gia đình được dẫn tới việc nhận ra ơn gọi nền tảng của mình trong kế hoạch của Thiên Chúa. Gia đình đã là một thực tại, được Đức Kitô “trao ban” và đảm bảo, và nói chung, là được “xây dựng” mỗi ngày bằng sự kiên nhẫn, hiểu nhau và bằng tình yêu.

Chỉ dẫn cho khao khát mới muốn kết hôn và làm nên một gia đình và những khủng hoảng liên quan
Nhiều câu trả lời chỉ ra một điều ý nghĩa là thậm chí ngay khi đối diện với những hoàn cảnh khó khăn, nhiều người, đặc biệt là những người trẻ, thấy được giá trị trong một tương quan kéo dài, bền vững và diễn tả một khao khát thực sự muốn kết hôn và làm nên một gia đình. Điều này có thể giúp cho một cặp đôi đã kết hôn nhận ra một tình yêu trung tín và không thể chia cắt và một tình yêu mang đến một môi trường bình an giúp đưa tới sự phát triển thiêng liêng và nhân bản. “Khao khát kết hôn và làm nên một gia đình” này là một dấu chỉ thực sự cho thời đại được xem như là một cơ hội cho hoạt động mục vụ.

Giáo Hội cần phải chăm sóc mục vụ cho các gia đình sống trong những hoàn cảnh khó khăn và căng thẳng, đảm bảo rằng gia đình được chú ý tới trong tính toàn thể của nó. Chất lượng của các mối tương quan trong gia đình phải là bận tâm hàng đầu của Giáo Hội. Nâng đỡ ban đầu xuất phát từ một giáo xứ, vốn là “gia đình của các gia đình”. Đó là trọng tâm cơ bản của một nền chăm sóc mục vụ được canh tân lại, đón nhận và hướng dẫn con người và được thúc đẩy bởi lòng thương cảm và dịu dàng. Trong vấn đề này, các tổ chức của giáo xứ có một vai trò quan trọng trong việc bảo tồn gia đình.

Một vài trường hợp khẩn thiết cách riêng, nơi mà các tương quan gia đình đang bị đe dọa bởi bạo lực gia đình, đòi hỏi phải có những hành động nâng đỡ giúp hàn gắn lại những vết thương và giải quyết được những nguyên nhân gây ra. Trong những gia đình xảy ra những lạm dụng, bạo lực và sự bỏ bê, thì cũng sẽ chẳng có sự lớn lên nào hay một nhận thức về giá trị kế thừa nào cho người ta cả.

Cuối cùng, các câu trả lời đề cập đến ý nghĩa của việc hợp tác gần gũi của các gia đình/tổ ấm và giáo xứ trong sứ mạng loan báo Tin Mừng, cũng như nhu cầu dấn thân tích cực của gia đình trong đời sống giáo xứ qua việc nâng đỡ và liên đới vì lợi ích cho các gia đình khác. Về phương diện này, một cộng đồng do nhiều gia đình hợp lại cũng đóng góp một sự giúp đỡ thật vô giá. Tư cách thành viên của các phong trào và tổ chức cũng là một nguồn nâng đỡ rất có ý nghĩa.

Việc huấn luyện liên tục
Các câu trả lời rất thường nhấn mạnh đến nhu cầu phải có một thừa tác vụ gia đình, cung cấp một sự huấn luyện có hệ thống và liên tục về giá trị của hôn nhân xét như là một ơn gọi và trên việc tái khám phá lại việc nuôi nấng con cái (tình phụ tử và mẫu tử) như một món quà. Hoạt động Giáo Hội vì lợi ích của các cặp không nên bị giới hạn chỉ trong việc chuẩn bị hôn nhân, vốn – như được đề cập – đòi hỏi một sự tái lượng giá. Hiển nhiên, một sự huấn luyện có bài bản và liên lục phải mang chiều kích kinh thánh, thần học và thiêng liêng cũng như nhân bản và hiện sinh nữa. Việc dạy giáo lý đòi hỏi phải có một sự trao đổi thực sự giữa các thế hệ, đưa bố mẹ tham gia cách tích cực vào tiến trình khai tâm Kitô giáo của con cái mình. Về mặt này, một vài câu trả lời đưa ra một sự lưu tâm cụ thể đến những ngày lễ trong phụng vụ, như lễ Giáng Sinh và đặc biệt là Lễ Thánh Gia Thất, như là những cơ hội vô giá để cho thấy tầm quan trọng của gia đình và suy xét về bối cảnh con người trong đó Đức Giêsu lớn lên và học cách nói, cách yêu, cách cầu nguyện và làm việc. Một vài câu trả lời đề xuất việc bảo tồn đặc tính của ngày Chúa Nhật như là Ngày của Chúa và khuyến khích các gia đình hãy gặp nhau trong ngày này, không chỉ là các cá nhân với nhau trong một gia đình nhưng còn là giữa các gia đình với nhau.

(Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới, The Pastoral Challenges of the Family in the Context of Evangelization (Instrumentum Laboris), Bản dịch Việt ngữ của Lê Hoàng Nam, SJ, số 36-49)

Cầu nguyện

Xin Thánh Gia Thất (Chúa Giêsu, Đức Mẹ, và Thánh Giuse) thương chúc lành và thánh hóa gia đình chúng con, giúp chúng con biết sống yêu thương nhau, quan tâm và giúp đỡ nhau trong đời sống. Nhờ đó, mỗi người trong gia đình chúng con biết lắng nghe và thực hành lời Chúa dạy, sống đạo và làm chứng cho Chúa trong môi trường sống của chúng con. Xin ban ơn giúp chúng con biết sửa mình mỗi ngày một hơn, để trở nên con ngoan của Chúa, nên người dễ thương, dễ mến cho chồng, vợ, cha mẹ và con cái, cũng như cho mọi người chúng con gặp gỡ. Amen.

Câu hỏi phản tỉnh

1. Gia đình bạn học được điều gì nơi gia đình Thánh Gia trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình?

2. Bạn thấy cần xin Thánh Gia ơn gì để gia đình bạn được êm ấm và hạnh phúc hơn?

3. Gia đình bạn nói chung và từng thành viên nói riêng cần sửa đổi điều gì để mọi người trong gia đình cảm thấy hạnh phúc và thương yêu nhau nhiều hơn?

 

Kiểm tra tương tự

Tông Đồ Cầu Nguyện, 31-12-2024

TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 31/12/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG ​Đón nhận Ánh sáng …

Mến Yêu Hằng Ngày, 31-12-2024

MẾN YÊU HẰNG NGÀY Thứ 4, 31-12-2024 (Ga 1,1-18)  Lúc khởi đầu đã có Ngôi …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *