Vấn đề chữ Quốc ngữ và một nhân vật nổi bật liên quan tới vấn đề này là Đắc Lộ, được bàn luận rất nhiều trên các báo chí trong thập niên cuối cùng của thế kỷ 20. Qua mấy dẫn chứng trên đây, chúng ta có thể tóm lại mấy điểm chính:
– Chữ Quốc ngữ dễ học hơn Hán – Nôm;
– Sử dụng chữ Quốc ngữ là rất tốt, là một tất yếu, là xu thế lịch sử;
– Quốc ngữ là điều kỳ diệu nhất, nổi bật nhất trong các nhóm ngôn ngữ Á châu;
– Mặt bất lợi là Quốc ngữ cắt đứt với văn hóa phươngĐông, văn hoá Việt Nam;
– Khôi phục chữ Hán trong nhà trường phổ thông là cần thiết.
Thực tế, chữ Quốc ngữ lên ngôi chính thức từ gần 60 năm nay với sắc lệnh ngày 8-9-1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vẫn ảnh hưởng sâu rộng khắp nước, bao trùm toàn xã hội Việt Nam và còn lan rộng dần ra nước ngoài nhất là từ năm 1975 trở đi bởi 2.767.164 Việt kiều (tính đến tháng 5- 2004) đang sinh sống ở 89 nước và vùng lãnh thổ[30].
Chúng ta hãnh diện vì nước ta đã đi đúng con đường phải đi là sử dụng chữ Quốc ngữ. Cứ nhìn vào những hiệu quả lớn lao trước mắt thì rõ. Tuy nhiên, đúng là có một phần nhỏ bất lợi khi bỏ Hán – Nôm, dùng Quốc ngữ. Nhưng làm cách nào đây, là điều phải suy nghĩ nhiều. Ông Vũ Dũng cũng cho rằng đó là việc không đơn giản, khi ông viết: “Việt Nam bỏ Hán tự và dùng “quốc ngữ” la-tinh hóa là một tất yếu. Nhưng việc từ bỏ Hán tự hoàn toàn – chỉ tính trong tiếng Việt hiện đại, nó đã chiếm không dưới 80% từ vựng – phải chăng là một sự hời hợt, sai lầm? Khắc phục điều này thế nào là một việc không đơn giản, nhưng cần nhìn nhận vấn đề”[31].
Vậy, phải bù lại bằng cách, như nhiều người nghĩ, dạy thêm chữ Hán trong trường Phổ thông, dù trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã có ban Hán – Nôm.
Nhưng nếu buộc mọi học sinh trường Phổ thông phải học thêm Hán tự, thì liệu được mấy em hứng khởi? Nên chăng lập ra một ban Hán ở ba năm cuối cùng Trung học Phổ thông, để học sinh tự chọn; ai không thích Hán tự, thì vẫn còn mấy ban khác để theo. Học sinh ban Hán tự này có thể học Hán tự 5,6 tiết / tuần, nhưng phải bớt đi một số tiết các môn học khác, không nên bắt các em học nhiều quá, sẽ chẳng có lợi mà còn có hại[32].
Sự thường rất ít học sinh chọn ban Hán, lý do thì nhiều và cũng dễ hiểu, chúng tôi xin miễn bàn đến. Vậy phải chăng là nên mở ban Hán trong một số ít trường Phổ thông cấp III tại các thành phố lớn. Những học sinh ban này ra trường, sẽ lên ban Hán-Nôm thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, chuyên về Hán-Nôm, để sau này họ có thể nghiên cứu, giảng dạy, phiên dịch sách Hán-Nôm sang Quốc ngữ, hoặc Quốc ngữ sang Hán (là thêm cách truyền bá văn hoá Việt ra nước ngoài) và làm việc trong các Thư viện lớn, nhất là Thư viện Hán-Nôm.
Làm được như vậy là chúng ta vẫn không rút chân ra khỏi khối Hán tự, lại hội nhập cách tích cực và sáng tạo vào cái thế giới mẫu tự abc.
Từ đầu thế kỷ 20 đến năm 1945, nhiều người Việt không biết chữ (từ Quốc ngữ đến Nôm, Hán, Pháp), nhất là từ khi bãi bỏ thi Hương ở Bắc Kỳ năm 1915 và thi Hương thi Hội ở Trung Kỳ năm 1918.
Dân ta không phải là dân mù chữ, không phải là loại người lười biếng, mà lại còn siêng hộc xưa cũng như nay. Giáo sĩ Đắc Lộ truyền giáo ở Đàng Ngoài từ 1627-1630, đã phải ca tụng tính hiếu học của người Việt: “Vì họ rất quý trọng Hán tự, nên bất kỳ người sang hèn nào cũng cho con cái từ nhỏ tuổi đi học cái bí mật của chữ họ mà mỗi tự là một âm; cho nên trong Vương quốc này, người nào cũng biết được một ít chữ và không ai hoàn toàn mù chữ”[33]. Giáo sĩ Joseph Tissanier ở Thăng Long từ 1658-1663, khi viết về học hành thi cử ở Đàng Ngoài thì ông cho rằng, hiện nay trong nước có 63.500 Sindo (Sinh đồ: Tú tài); hơn nữa còn có 4.000 Honcom (Hương cống: Cử nhân) thi Tansi (thi Tiến sĩ, tức là thi Hội ở Kinh đô) cứ sáu năm mở khoá thi một lần. Ai đỗ đạt thì làm quan, được nhiều vinh dự, chức tước, lương bổng. Nên Tissanier nhận định ràng “những thứ đó tác động người ta lạ lùng trong việc học chữ Hán, mà chỉ nhìn qua thôi cũng làm cho giới ưu tú Âu châu phải sợ”[34]. Ngay vào cuối thế kỷ 19 người Việt vẫn ham học. Giáo sĩ Louis-Eugène Louvet (cố Ngôn), M.E.P. (sinh 1838, đến truyền giáo tại Sài Gòn 1873, qua đời tại Sài Gòn 2-8- 1900) đã viết 33 trang về ngôn ngữ, học hành, thi cử của Việt Nam, trong đó ông ghi nhận rằng: việc học vấn ở xứ này cũng lan rộng như các dân tộc tiên tiến nhất của châu Âu; tất cả mọi người đều muốn học, chỉ trừ những trẻ em phải đi chăn trâu để sống; hầu như làng nào cũng có trường học do một ông Tú tài giảng dạy; người Việt chăm chỉ học hành để làm quan, vì đây là con đường duy nhất cho việc tiến thân[35].
Vậy, tại sao trong khoảng tiền bán thế kỷ 20 có tình trạng nhiều người “một chữ bẻ làm đôi không biết”? Theo chúng tôi hiểu là do những nguyên nhân chính sau đây:
– Trong mọi tổ chức, từ chính trị, hành chính, kinh tế đến giáo dục hầu hết phải dùng tiếng Pháp, kể cả việc giao thông như tên đường phố;
– Chính thức bãi bỏ thi Hương, thi Hội;
– Giới nho sĩ chẳng còn được trọng dụng, cả đến “ông Nghè, ông Cống cũng nằm co”!
– Các nho sĩ ngơ ngác trước sự đảo lộn kinh hoàng của xã hội mình, và những cơ chế đã có hàng nghìn năm, tưởng vững như bàn thạch, thế mà bị lật nhào quá nhanh chóng;
– Giới trẻ như đứng trước ngã ba đường, không biết phải đi về đâu?
Cho nên, trừ một số ít người thức thời, còn bao nhiêu bị cuốn vào cái vòng luẩn quẩn: bỏ Hán tự thì tiếc, “nhất Tàu nhì ta” mà! học Quốc ngữ “cái chữ cong queo của các ông cố đạo” (lời cụ Đồ Chiểu) đã bị rẻ rúng trong gia đình nho thâm, cho rằng có biết cũng chẳng để làm gì[36]; học chữ Pháp thì coi như là học chữ của quân thù, cái thứ “bạch quỷ”[37]ệ
Cũng may một số nhà trí thức có tầm nhìn xa thấy rộng, thực tế và cụ thể, đã lăn xả vào việc cổ động học Quốc ngữ. Nhất là từ Cách mạng tháng tám thành công, thì ai ai cũng phải công nhận Quốc ngữ dễ học và là phương tiện hữu hiệu chuyền tải mọi thứ kiến thức từ văn chương, nghệ thuật đến khoa học cho mọi tầng lớp nhân dân, dù vẫn chưa phải là hoàn hảo.
Để ghi công nhóm người đã sáng tạo ra chữ Quốc ngữ từ 375 năm về trước (tính từ 1620), năm 1995 Chính quyền đã cho đặt lại tên đường Alexandre de Rhodes ở tp Hồ Chí Minh tại vị trí như trước đó 10 năm; trong khuôn viên Thư viện Quốc gia Hà Nội cũng khôi phục lại công lao, danh dự cho Đắc Lộ đại diện nhóm đầu tiên sáng tạo Quốc ngữ, dù không thể xây lại cái bi đình Đắc Lộ bên cạnh đền Bà Kiệu đã được khánh thành hồi 17 giờ ngày 29-5-1941 do Kiến trúc sư Joseph Lagisquet hoạ kiểu[38]. Khi ông Yên Yên hỏi ông Kim Lân câu cuối cùng trong cuộc phỏng vấn “nếu còn một điều ông muốn tâm sự thì đó là điều gì, thưa nhà văn?”, thì nhà văn nổi tiếng với các truyện ngắn thuộc loại xuất sắc nhất nền văn học Việt Nam đương đại, “ngẫm nghĩ” rồi trả lời: “Tôi rất biết ơn Alexandre de Rhodes. Hội Nhà văn Việt Nam cần phải dựng tượng ông ấy. Cái chữ nó ghê lắm. Không có ông ấy thì tôi, bà Anh Thơ, ông Nguyên Hồng…. không thể thành nhà văn !”[39].
Những người sáng tạo chữ Quốic ngữ đầu tiên và những người góp công sửa đổi chút ít vào cuối thế kỷ 18 đầu 19, đều là người nước ngoài, nhưng chắc chắn phải có sự trợ lực của người Việt, nếu không trực tiếp thì cũng là gián tiếp, như chúng tôi đã nhắc đến tên một vài nhân vật. Những người nước ngoài ấy nếu bây giờ sống lại, thì sẽ phải vô cùng bỡ ngỡ trước cái hiệu quả nó mang lại cho cả một dân tộc, điều mà có lẽ chẳng bao giờ các ông dám mơ tưỏng. Các ông đã sống trong đất nước Con Rồng Cháu Tiên, tập ăn tập nói tập sống như người Việt, cũng “nuôi” tóc dài quá vai, cũng mặc áo thụng, đi thuyền và ở nhà sàn như nhiều người Việt thời ấy ở xứ “Yến sào trầm hương” Đàng Trong! Nhưng ông Pina lại bị chết đuối ở vùng biển Hội An lúc vừa 40 tuổi, ông Amaral cũng bị chết đuối nốt trong vịnh Bắc bộ khi được 54 tuổi, còn ông Đắc Lộ tha thiết gắn bó với người Việt có “tiếng nói nghe như chim hót”[40], khi phải rời bỏ Đàng Trong năm 1645 mà lòng đau như cắt, đã thốt lên “thân xác tôi rời bỏ Đàng Trong nhưng chắc chắn không phải bằng tâm hồn và đối với Đàng Ngoài
cũng thế[41]
Chữ Quốc ngữ ban đầu đúng là do sáng kiến của một nhóm người trong Giáo hội đưa ra; nhưng đến nay văn chương Quốc ngữ mỗi ngày mỗi trong sáng hơn, phong phú hơn, đậm đà hơn, ảnh hưởng sâu rộng hơn trong xã hội, thì chắc chắn là đã do công lao của bao nhà trí thức người Việt chúng ta, là những nhà văn, nhà giáo, nhà thơ, nhà báo, ngôn ngữ, từ điển …. cùng các nhóm như Hội Khai Trí Tiến Đức, Hội Truyền bá Quốc ngữ, các Hội Nhà văn khắp Trung Nam Bắc …
Nói được chăng là nhóm người đầu tiên mới sáng tạo ra cái “thân xác” chữ Quốc ngữ, dù là quan trọng nhất, nhưng người Việt chúng ta mới là kẻ “thổi hồn” cho thứ chữ này; vì đọc lên, chúng ta mới là người dễ cảm nghiệm được cái ý vị, cái tinh tế của tiếng Việt, đã nghe thấy từ lúc còn nằm trong nôi với giọng ru êm ả của mẹ mình. Vậy, có phải là cường điệu quá không khi nói: dù có một số người Âu châu thông thạo chữ Quốc ngữ, như Đắc Lộ là người trong nhóm đầu tiên sáng tạo ra nó, rồi đến Bá Đa Lộc, Taberd, Génibrel, Ravier, Chéon, Nordemann, Maspero, Cadière, Bulteau, Cordier, Gouin V.V…. chưa chắc các ông đã “cảm thức” nhiều được tiếng Việt, dù có “tri thức” sâu xa, cặn kẽ hơn biết bao nhiêu người Việt. Bởi vì biết thì khác, mà cảm nghiệm được cũng lại là chuyện khác.
Phải nói là Giáo hội Công giáo, vẫn sống trong lòng dân tộc đó thôi, vẫn đồng hành với dân tộc dù trải qua bao chặng đường khó khăn. Giáo hội hiện diện ở đây hay ở đâu đó, không phải là để bành trướng uy quyền, thế lực, ảnh hưởng, nhưng trước tiên là để âm thầm phuc vu con người trong những gì có thể làm được, là sống Phúc Âm giữa lòng Dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào[42]. Chữ Quốc ngữ là một trong những công việc phục vụ của Giáo hội ở đất nước này.
Tp. HCM, tháng 10-2004
Kiểm tra tương tự
Stanislao Kostka – Mừng sinh nhật anh!
Tôi mạo muội viết những dòng này vào dịp lễ mừng kính thánh Stanislao Kostka, …
Thông báo: Thánh lễ Tạ ơn mừng 50 năm Hồng Ân
Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, TỈNH DÒNG TÊN VIỆT NAM HÂN HOAN …