Giáo hội tuần qua 22-28.11.2021

Kính mời quý đọc giả cùng theo dõi những tin tức đáng chú ý của Giáo Hội toàn cầu và Giáo Hội Việt Nam trong tuần vừa qua:

  1. Công nghị Tổng Giáo Phận Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 110 năm Công đồng Kẻ Sở
  2. Đức Thánh Cha thành lập Ủy ban mới về vấn đề hôn nhân ở Ý
  3. Các Giám mục Mỹ Latinh trước tình trạng nghèo đói của châu lục sau đại dịch
  4. Chân phước Tito Brandsma – người bị giết trong trại tập trung của Đức quốc xã sắp được phong thánh
  5. Cây thông Giáng Sinh đến Quảng trường thánh Phêrô
  6. Hiệp thông cầu nguyện cho các nạn nhân trong thảm kịch tại Wisconsin
  7. Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp Tổng Thống Pháp tại Vatican

1. Công nghị Tổng Giáo Phận (TGP) Hà Nội nhân kỷ niệm 110 năm Công đồng Kẻ Sở


Đức TGM Giuse đọc diễn văn công bố triệu tập Công nghị Giáo phận

Nhân kỷ niệm 110 năm Công đồng Kẻ Sở vào năm 2022, gia đình TGP Hà Nội sẽ quyết định cử hành một Công nghị chung để cộng đoàn dân Chúa trong TGP cùng nhìn lại quá khứ mà dâng lời tạ ơn Thiên Chúa về hồng ân Đức tin, tri ân các Bậc Tiền nhân, đồng thời khiêm tốn nhìn nhận đời sống chứng nhân trong bối cảnh xã hội hiện tại và cùng nhau hướng về tương lai để đưa ra những định hướng mục vụ cụ thể cho mọi thành phần trong TGP. Đây chính là dịp thuận tiện để mọi thành phần dân Chúa nói lên tiếng nói của mình để cùng nhau xây dựng Giáo hội và đời sống Đức tin mỗi ngày thêm vững mạnh. Ý tưởng này đã nhận được sự cổ võ nhiệt tình và sẵn sàng tham gia của các bậc hữu trách và cộng đoàn dân Chúa sau khi được tham khảo ý kiến.

Đức TGM Giuse cũng nhấn mạnh: “Công nghị TGP được tổ chức như một lời hiệu triệu gửi đến mọi thành phần dân Chúa. Đây là dịp để chúng ta hiểu hơn về Giáo Hội. Theo tinh thần của Công đồng Vaticano II, Giáo hội không còn phân biệt bên trên là giáo hội giáo huấn và bên dưới là giáo hội lắng nghe. Không còn phân biệt có những người cai trị và những người bị trị. Nhưng tất cả chúng ta nhờ Bí tích Rửa tội, chúng ta đều trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa trong, qua và nhờ Đức Giêsu.”

(Xem thêm tại: https://www.tonggiaophanhanoi.org/thanh-le-cong-bo-trieu-tap-cong-nghi-tong-giao-phan-ha-noi/)

2. Đức Thánh Cha thành lập ủy ban mới để đánh giá và kiểm định lại các trường hợp hôn nhân bị vô hiệu hóa tại Ý

Sáu năm trước vào tháng 9 năm 2015, Đức Thánh Cha Phanxi cô đã ban hành tự sắc Mitis Iudex Dominus Iesus(Thiên Chúa chúng ta là Thẩm phán nhân lành) với mong muốn giảm thiểu những tiến trình phức tạp trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến các trường hợp hôn nhân bị vô hiệu hóa. Để tiếp tục cổ võ cho việc này, Đức Thánh Cha đã thành lập Ủy ban Tòa Thánh đặc biệt tại Tòa án tối cao Roma chuyên xét xử các vụ việc liên quan đến vấn đề hôn nhân vô hiệu hóa này nhằm giúp đỡ các giáo hội địa phương thuộc địa phận nước Ý.

Đức Thánh Cha Phanxicô tại cuộc họp thượng hội đồng Giám mục Ý (Vatican Media)

Việc đặt ủy ban mới giải quyết các vấn đề liên quan đến hôn nhân là một việc vô cùng hữu ích trong bối cảnh hiện nay. Đây được coi là hoa trái từ những nỗ lực cải cách Giáo hội và cũng là những bước tiến mới trong việc thực thi Công nghị về vấn đề gia đình của Giáo hội.

(Xem thêm tại: https://www.catholicnewsagency.com/news/249717/pope-francis-creates-commission-to-assess-reform-of-marriage-nullity-process-in-italy)

3. Các giám mục Mỹ Latinh trước tình trạng nghèo đói của châu lục hậu Covid

Đại hội đồng Giáo hội vùng Mỹ châu Latinh và Caribê diễn ra trong bối cảnh hậu Covid với tình trạng nghèo đói đang ngày càng gia tăng của lục địa Nam Mỹ này. Vì thế, trong đại hội đồng lần này, Hội đồng Giám mục Mỹ Latinh ưu tiên giải quyết vấn đề đói nghèo và hậu quả của đại dịch. Một trong những tài liệu chuẩn bị của Đại hội đồng đã mô tả đại dịch là “dấu hiệu của một sự thay đổi mang tính thời đại”, khiến mọi người xem xét “một sự chuyển đổi lớn trong nền văn hóa của chúng ta theo một lối sống bền vững về mặt sinh thái, xã hội, kinh tế, chính trị và văn hóa.”

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến Mỹ Latinh một cách nặng nề. Là nơi sinh sống của 8% dân số toàn cầu, khu vực này chiếm 1/3 tổng số ca tử vong do đại dịch gây ra. Bên cạnh đó, nó còn kéo theo những hệ quả về nghèo đói, bất bình đẳng và làm trầm thêm những vấn đề tồn đọng lâu năm khác. Các trường học ở Mỹ Latinh đóng cửa lâu hơn ở bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới, với những người nghèo nhất không thể học từ xa qua kết nối internet sơ sài.

(Xem thêm tại: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2021-11/cac-giam-muc-my-latinh-doi-dien-voi-tinh-trang-ngheo-doi.html)

4. Linh mục bị giết trong trại tập trung của Đức quốc xã sắp được phong thánh

Chân phước Tito Brandsma

Ngày 25/11/2021 Đức Thánh Cha đã cho phép Bộ Phong thánh công bố sắc lệnh nhìn nhận phép lạ nhờ lời chuyển cầu của chân phước Tito Brandsma, linh mục bị sát hại vì “sự thù ghét đức tin” trong trại tập trung Dachau của Đức Quốc xã vào năm 1942.

Chân phước linh mục Tito Brandsma thuộc dòng Cát Minh, sinh năm 1881. Cha là một nhà thần học, nhà báo và tác giả người Hà Lan. Cha đã mạnh mẽ phản đối và lên tiếng chống lại các đạo luật chống Do Thái mà Đức Quốc xã đã ban hành ở Đức trước Thế chiến thứ hai. Cha Tito bị bắt khi Đức xâm lược Hà Lan. Họ nói rằng cha sẽ được sống một cuộc sống yên bình trong một tu viện nếu cha tuyên bố rằng các tờ báo Công giáo nên đăng bài tuyên truyền của Đức Quốc xã. Cha Tito từ chối và đã chết vì khổ sai và đói khát trong trại tập trung Dachau vào ngày 26/7/1942. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tuyên phong chân phước cho cha vào năm 1985; ngài nói rằng cha “đáp lại sự căm thù bằng tình yêu thương”.

(Xem thêm tại: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2021-11/tito-brandsma-linh-muc-bi-giet-trong-trai-tap-trung-dachau.html)

5. Cây thông Giáng Sinh đến Quảng trường Thánh Phêrô

Cây thông với chiều cao 28 mét đã được đặt tại Quảng trường Thánh Phêrô hôm 23/11 vừa qua. Đây là cây thông Giáng Sinh thứ 40 được đến từ vùng Trentino, phía Bắc Italia, nơi phù hợp với các chính sách của Vatican về tính bền vững và tôn trọng môi trường. Truyền thống đặt cây thông Giáng Sinh ở Quảng trường Thánh Phêrô bắt đầu từ năm 1982 bởi Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Cây linh sam đỏ năm nay đến từ khu vực Paganella của dãy núi Dolomite, biên giới giữa Italia và Áo.

Sau khi được đặt hoàn chỉnh tại quảng trường, cây được trưng bày cho khách hành hương và khách du lịch tại trung tâm Quảng trường, ngay bên cạnh hang đá Giáng Sinh, cho đến ngày 9/1/2022. Hang đá Giáng Sinh năm nay phỏng theo văn hóa bản địa được chính quyền Peru trao tặng cho Vatican.

(Xem thêm tại: https://www.tonggiaophanhanoi.org/tin-the-gioi-ngay-24-11-2021-cay-thong-giang-sinh-den-quang-truong-thanh-phero/)

6. Hiệp thông cầu nguyện cho các nạn nhân trong thảm kịch tại Wisconsin

Cảnh sát phong tỏa điều tra khu Waukesha, Wisconsin (AP Photo/Jeffrey Phelps)

ĐTC Phanxicô cầu nguyện, bày tỏ sự gần gũi với những nạn nhân và gia đình của họ trong vụ việc thương tâm khi một chiếc xe lao vào dòng người diễu hành Giáng Sinh ở Waukesha, Wisconsin, Mỹ hôm 21/11.Trong một tuyên bố ngay sau thảm kịch, Đức Tổng Giám mục Jerome Listecki của Tổng giáo phận đã bày tỏ tinh thần đoàn kết với những người đã bị ảnh hưởng bởi hành động vô nghĩa này và mời gọi mọi tín hữu cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình của họ.

(Xem thêm tại: https://www.americamagazine.org/politics-society/2021/11/22/wisconsin-prayers-parade-victims-241893)

7. Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp Tổng thống Pháp tại Vatican

ĐTC Phanxicô và Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron

Trong cuộc tiếp kiến riêng kéo dài 1 giờ vào sáng thứ Sáu, ngày 26/11, Đức Thánh Cha (ĐTC) Phanxicô và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cơ hội để trao đổi về các vấn đề quốc tế, bao gồm biến đổi khí hậu dựa trên kết quả của Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 tại Glasgow mới đây. Bên cạnh đó, cuộc trao đổi còn đề cập đến triển vọng vị trí Chủ tịch sắp tới của Pháp trong Liên minh châu Âu, cũng như cam kết của Pháp tại Li Băng, Trung Đông và châu Phi. Sau cuộc hội đàm, Tổng thống Pháp đã trao tặng ĐTC Phanxicô hai cuốn tiểu sử hiếm về Thánh Inhaxio thành Loyola. Món quà của ĐTC là một bức tranh trên gốm hình Vương cung thánh đường Thánh Phêrô cũng như một số tài liệu liên quan triều đại giáo hoàng.

(Xem thêm tại: https://www.vaticannews.va/en/pope/news/2021-11/pope-emmanuel-macron-audience-vatican-bilateral-relations.html)

 

Tổng hợp và lược dịch Nhật Tài SJ

Kiểm tra tương tự

Khóa học: “Tông huấn Đức Kitô Hằng Sống”

  Bạn thân mến!   Trong Tông Huấn “Đức Kitô Hằng Sống” Đức Thánh Cha …

Cuộc đời Thánh Anê dạy chúng ta biết coi trọng con trẻ

  Là người lớn, chúng ta luôn có những điều cần phải học hỏi từ …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *