Lc 10,25-37
Anh chị em thân mến,
Tin Mừng Chúa Nhật này tập trung vào giới răn kép “Yêu Thiên Chúa hết lòng và yêu người thân cận như chính mình để được sự sống đời đời làm gia nghiệp” (Lc 10,25-27). Tuy nhiên khác với Matthêu và Marcô, Đức Giêsu theo Luca khai triển giới răn trên bằng hai câu chuyện: câu chuyện người Samari về việc yêu mến người thân cận (Lc 10,30-37) – và câu chuyện Marta và Maria về việc yêu mến Thiên Chúa (Lc 10,38-42) để cho thấy chỉ có Đức Giêsu là mẫu mực để con người sống tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Vì chính Ngài tự mặc khải mình là Thiên Chúa đích thực.
Câu chuyện thứ nhất được đặt trong khung cảnh một người vô danh bị rơi vào tay kẻ cướp khi đi từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, chúng lột sạch, đánh nhừ tử rồi bỏ đi để mặc người đó nửa sống nửa chết (Lc 10,30). Người này hiện thực chính thân phận tội nhân của chúng ta đang bị tội lỗi thao túng và đau khổ hành hạ – Thầy tư tế và thầy Lêvi, tiêu biểu cho giới đạo đức của Cựu Ước vốn thi hành viêc yêu người ở bình diện lề luật và nhân bản đã trông thấy nạn nhân nhưng đều tránh sang bên kia đường mà đi (Lc 10,31-32) – Chỉ có người Samari đi tới đã động lòng thương, ông tiến lại gần, lấy dầu và rượu xức vết thương, băng bó rồi đặt người đó trên lưng lừa của mình và đưa về quán trọ mà chăm sóc (Lc 10,33-35). Người Samari vốn thuộc dân ngoại nhưng lại hiện thực cách hành xử có tính cứu độ của chính Đức Giêsu: công việc cứu chữa của Ngài được mô tả qua hành động xức dầu và rượu, băng bó vết thương; công việc giải thoát phải trả giá bằng cái chết của Ngài được nói đến qua sự kiện đặt người đó trên lưng lừa của mình xét như là vị thẩm phán thần linh; và lời mời đáp đền và cộng tác với ơn cứu sống dành cho người được chữa lành được mô tả qua hành vi người samari đem anh ta về quán trọ mà chăm sóc.
Không dừng lại ở đó, Đức Giêsu còn trao chúng ta cho nhau để chúng ta săn sóc lẫn nhau: sự việc người Samari lấy ra hai quan tiền trao cho chủ quán và nói: nhờ bác săn sóc cho người này và tốn kém bao nhiêu khi trở về tôi sẽ hoàn lại bác chứng minh chân lý này (x. Lc 10,35). Như thế công trình cứu độ có tính liên đới và tính liên đới này cũng không tìm đâu khác làm mẫu mực ngoài chính Đức Giêsu mà thôi.
Như thế câu chuyện về người Samari trở nên một dụ ngôn và từ đó ta rút ra ba bài học như sau:
– thứ nhất, chỉ có tình yêu thần linh mà Đức Giêsu sống và mặc khải mới cho người ta sự sống đời đời làm gia nghiệp. Bởi lẽ tình yêu này có tính chữa lành và liên đới cho mọi người, đòi trả giá bằng sự hiến tế của Thiên Chúa nơi/theo gương Đức Giêsu và mời gọi sự cộng tác của người được chữa lành với ơn Chúa.
– thứ hai, tình yêu này cho con người sống phẩm giá thần linh có tính phổ quát, vì biên giới của nó tự bản chất là vô biên giới. Lúc đó vấn đề người thông luật đặt ra cho Đức Giêsu ở bình diện nhân bản: “Ai là người thân cận của tôi” ở khởi đầu câu chuyện đã trở thành “Ai tỏ ra là người thân cận của kẻ đã bị rơi vào tay kẻ cướp” ở chiều kích siêu nhiên khi kết thúc. Bởi lẽ tâm điểm của tình yêu này không dừng lại ở chủ thể mà vươn đến tha nhân bất kể họ là ai, thuộc hạng người nào, cả đến kẻ thù (Mt 5,44).
– thứ ba, tình yêu này dễ bị loài người khinh bỉ, cụ thể giới đạo hạnh Do Thái coi thường người Samari. Thế nhưng thánh Luca đã khéo léo giới thiệu chủ đề “thay thế” vào câu chuyện: dân ngoại sẽ thay thế người Do Thái nếu họ không mở ra và sống tình yêu Đức Giêsu đã sống và mặc khải.
Vậy Tin Mừng tra vấn phẩm giá thần linh nơi chúng ta với tư cách là những kẻ tin theo Đức Giêsu và cũng chất vấn cách hiện thực phẩm giá ấy trong tương quan với tha nhân dưới ánh sáng của chủ đề “thay thế”.
Giuse Lê Quang Chủng, SJ