Cơn gió chiều mùa Thu Sài Gòn nhảy nhót trên những ngọn cây cao vun vút ngoài sân. Rồi chợt thấy tôi, nó lại cà tưng cà tưng từng bước theo tôi vào căn phòng của bệnh nhân suy thận. Vừa mở cửa, gió liền luồn qua khe tràn đầy cả căn phòng, đuổi hết những hơi cồn sát trùng ra ngoài… Tôi bước vào.
Trong phòng chỉ có hai người đang ở trong hai trạng thái hoàn toàn trái ngược. Chú Dương thì đang bình thản lần chuỗi Mân Côi kính Đức Mẹ; còn cô Tuyết thì đang nằm co ro, khóc thút thít. Cả hai cô chú đều bị suy thận nặng. Mỗi tuần, chú Dương và cô Tuyết phải chạy thận hai, có khi đến ba lần. Tôi tò mò tiến về phía giường của cô Tuyết.
– “Cô ơi! Sao cô khóc vậy?” Tôi hỏi một cách ngây thơ như đứa con nít lần đầu tiên nhìn thấy một đứa bạn bị bố phạt cho vài roi.
– Cô trả lời tôi bằng những đợt khóc nức không thành lời. Lúc này, chú Dương bỏ chuỗi tràng hạt đang cầm trên tay xuống góc chiếu phía đầu giường rồi nói: “Ở đây toàn người bệnh nặng; khóc thì có gì lạ đâu anh. Mà anh là ai, ở đâu tới đây?”
– Tôi mỉm cười rồi đáp, “dạ, con tới thăm cô chú nè! Con ở gần đây thôi! Cuối tuần con vô thăm các cô chú chút xíu ạ!”
– Dường như bắt được sự tò mò của tôi, chú Dương nói: “Cô Tuyết mới tới, chưa chấp nhận nổi thực tế. Cũng tội nghiệp!”
Nghe chú Dương nói đến hai chữ “tội nghiệp”, cô Tuyết quay phắt lại, ném vào mặt hai chú cháu tôi một ánh mắt bực bội mà tôi nghĩ, suốt đời này tôi chẳng có thể nào quên được. Ánh mắt ấy như con dao cắm phập vào sâu trong trái tim tôi khiến lòng tôi rỉ máu. Tôi chắc rằng cô đang nghĩ hai chữ “tội nghiệp” kia cũng chẳng khác gì so với hai chữ “thương hại”.
– Tôi vờ như chưa nhìn thấy ánh mắt của cô. Tôi quay sang hỏi chú Dương: “Chú bị bệnh này lâu chưa? Giờ chú thấy người thế nào ạ?”
– “Tôi bị bệnh này lâu rồi. Giờ nó nặng hơn. Nhưng mà tôi là người Công Giáo, nếu tôi chết thì tôi về với Chúa. Tôi tin Chúa chẳng nỡ bỏ rơi tôi.” Chú nói với vẻ mặt đầy xác tín.
– Cô Tuyết bất chợt gào lên, tiếng nói của cô xen lẫn tiếng nấc: “Còn tui… thì sao đây? …Tui …chưa …muốn… chết!”
Tôi nắm lấy một tay cô như thể tôi đang cố truyền một nội công gì đó, giống hệt trong các bộ phim võ thuật Kim Dung thường hay mô tả. Tôi chỉ thốt ra một chữ: “Dạ!”
Có vẻ như phương thế này có tác dụng. Cô Tuyết thôi không khóc nữa. Lúc này cơn gió khẽ khàng lau khô dần hai dòng nước mắt đang lăn tròn trên gò má của cô như thể nó không muốn cô biết đến sự có mặt của nó vậy.
– Cô Tuyết bắt đầu kể: “Tui không có đi chùa, cũng chẳng có đi nhà thờ. Nhà tui chỉ có thờ ông bà thui. Mà tui thiệt tình cũng chẳng biết chết rồi sao nữa. Tui thấy sợ lắm! Tui chưa muốn chết!”
…
Trước hoàn cảnh của cô Tuyết và chú Dương, tôi cảm nhận sự bất lực của con người khi đối diện với sự đe dọa của thần chết. Tôi không biết nói gì, chỉ ngồi lặng im ở đó với cô chú thật lâu… Những làn gió nhẹ nhàng thổi vào từng ngóc ngách của căn phòng. Tôi thấy sống mũi mình cay cay và mắt tôi bắt đầu rưng rưng những giọt lệ; nhưng tôi biết đó không phải là tại cơn gió…
Về đến nhà, tôi tiếp tục miên man nghĩ tới hai cô chú; hai mảnh đời, hai thái độ đón nhận cuộc sống. Tôi cảm tạ Chúa vì ơn sự sống, ơn được làm người, được làm con Chúa. Tôi cảm nhận rằng khi cuộc sống đẩy một người xuống đáy vực thẳm, chỉ có đức tin mới có thể giúp người ấy vươn lên. Tôi cầu nguyện cho hai cô chú. Tôi tin Chúa sẽ không quên lòng tín thác của chú Dương; và tôi cũng tin Chúa sẽ có cách nâng đỡ cô Tuyết trong những ngày này…/.
Vũ Chí Thành, SJ