TÌM VÀ CỨU
NHỮNG GÌ HƯ MẤT
Các bạn thân mến
Vào đời là cơ hội để tôi hiểu hơn về cuộc đời, về con người. Cuộc đời và con người dường như đều phức tạp như nhau, đều được đan dệt bởi cả cái đẹp lẫn cái xấu. Viết cho chuyên mục HÃY HỌC CÙNG GIÊSU của chúng ta, có người chia sẻ: kinh nghiệm dạy tôi rằng nơi con người có nhiều điều không đẹp như tôi nghĩ. Tôi thường phải chứng kiến nhiều sai lầm quá đáng, nhiều cách hành xử hầu như chẳng còn chút tình người. Những hình ảnh không đẹp ấy thường dễ khiến tôi có xu hướng sống và nhìn nhận vấn đề theo chiều hướng bi quan và tiêu cực. Tôi dễ trở nên kẻ lên án người khác, kết án cuộc đời…
Thưa các bạn, có lẽ Giêsu hiểu được những kinh nghiệm khắc nghiệt như thế về cuộc đời. Bởi Giêsu đã được sinh ra và lớn lên trong một môi trường xã hội cũng phức tạp không kém. Xã hội thời Giêsu đầy những người đạo đức giả hình giả bộ, những người mê mải trong tội lỗi, những người hám lợi đi làm tay sai cho ngoại bang để bán đứng quê hương mình… Thế nhưng điều lạ là giữa những nhập nhằng và đổ vỡ như thế, Giêsu đã không chọn cho mình vị thế của một người chứng kiến hay xét đoán. Giêsu cũng không lên án hay kết tội. Giêsu đến để tìm và cứu vớt những gì đã mất (Lc 19, 10).
Để có thể tìm và cứu những gì đã mất, tôi cần phải có một cái nhìn lạc quan để dám tin vào những giá trị đẹp nơi cuộc đời, nơi lòng người. Thực ra, làm người ai cũng được ban cho nhiều nét đẹp riêng. Có những nét đẹp bị phủ bọc bởi cái vỏ bề ngoài sần sùi xấu xí. Để có thể nhìn ra giá trị thực ẩn đằng sau cái lớp vỏ ấy, người ta cần phải có một cặp mắt tinh tường, một tâm tính kiên nhẫn và một con tim yêu chuộng cái đẹp. Để có thể nhìn ra giá trị tốt của một con người đã nhiều lần sai lầm lỗi phạm, người ta cần có một con tim bao dung. Tất cả những điều tốt đẹp ấy, chúng ta hoàn toàn có thể học được nơi Giêsu.
Có thể chúng ta sẽ thắc mắc làm sao Giêsu có thể trân trọng và đánh giá cao phận người đến thế? Phải chăng kinh nghiệm của một người thợ mộc làng Nazareth đã dạy Giêsu điều đó ! Quả thế, công trình của một người thợ mộc bao giờ cũng bắt đầu với những khúc gỗ sần sùi thô nhám. Nhìn bề ngoài, người ta dễ tưởng rằng chúng vô dụng, chỉ còn vứt đi. Phải có cặp mắt tinh tường của người thợ, người ta mới nhận ra được giá trị thực của khúc gỗ. Chỉ sau vài đường bào, vài thao tác gọt dũa, mọi khúc gỗ đều có thể trở nên bóng láng và hữu dụng.
Chúng ta thường nghe: “Mỗi thánh nhân đều có một quá khứ, mỗi tội nhân đều có một tương lai”. Ấy vậy mà dường như vẫn dễ cho chúng ta chấp nhận cái quá khứ không đẹp của một thánh nhân, hơn là tin vào cái tương lai tươi sáng của người tội nhân. Như thế chẳng bất công lắm sao? Có những người đã lầm lỡ muốn quay đầu trở lại, họ luôn cần đến một vòng tay đón nhận. Có bao giờ vì xét đoán khắt khe mà tôi trở thành kẻ chặn đứng đường quay về của người ta? Có những người đang chong chiêng trên bờ vực thẳm, cần một chút an ủi động viên. Có bao giờ vì vô tâm tôi trở thành người đẩy họ xuống vực?
Trong cuộc sống đời thường, có lẽ tôi cũng hiểu được có những cái mất đáng thương hơn là đáng trách, có những lỡ lầm đáng tiếc hơn là đáng tội. Với những người lỡ lầm, cuộc đời đã lưu lại nơi tâm hồn họ quá nhiều vết thương rồi, tôi đâu cần phải góp phần làm cho những vết thương trong họ thêm nhức nhối! Chỉ sự cứu vớt mới có khả năng chữa lành. Chỉ sự đón nhận quảng đại mới mở ra cho người ta một con đường sống, một chân trời hy vọng.
Yêu thương con người và tin vào giáo trị của con, Giêsu đã dạy cho các môn đệ của mình: “Anh em hãy có lòng thương cảm như Cha của anh em là Đấng cảm thương. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được thứ tha”(Lc 6, 36-37).
Đấy chẳng phải là những lời dạy suông đâu thưa các bạn! Đúng hơn, đấy là những kinh nghiệm mà Giêsu đã sống. Giữa một xã hội rạch ròi phân chia giai cấp, tách bạch kẻ tốt người xấu kẻ thánh người tội, Giêsu đã không ngại bị mang tiếng, không ngại để cho mình dính dáng đến những người bị xã hội khinh khi ruồng rẫy. Dù đó là kẻ thu thuế, là người tội lỗi, là kẻ bệnh hoạn tật nguyền, là những người trộm cướp và cả những cô gái điếm… Giêsu đã không ngại đứng về phía họ, đã không ngại chỉ cho họ thấy rằng dù thế nào đi nữa họ vẫn là người, là con cái Chúa. Mỗi người đều có một giá trị bất khả thay thế. Để làm môn đệ của Giêsu dường như tôi phải tập cho mình bao dung hơn, để có thể thương những người không dễ thương và không ghét những người mà tôi cho là đáng ghét.
Những lúc thấy mình quá khắc khe với người khác, những lúc niềm tin về con người trong tôi bị lung lay, hãy đến với Giêsu. Hãy học với Giêsu, để tin rằng những giá trị tốt đẹp nơi con người là điều có thực. Hãy học với Giêsu, để tin rằng bên trong một quả thối, luôn còn có một hạt giống tốt; từ hạt giống ấy, nếu biết cách, người ta luôn có thể thu được một vụ mùa dồi dào. Hãy học với Giêsu, để tin rằng bên trong một cuộc đời vỡ nát vì sai lầm lỗi phạm, nếu đủ kiên nhẫn, chúng ta luôn có thể đọc ra được giá trị của những điều tốt còn sót lại. Hãy học với Giêsu, để tin vào khả năng hoán cải và hướng thiện nơi mỗi con người.
Lạy Chúa,
cuộc đời cho chúng con nhiều thách thức.
Nhưng dường như thách thức lớn nhất
là giữa những đổ vỡ và tan nát của nhiều sai lầm lỗi phạm,
chúng con vẫn còn giữ được niềm tin
vào những giá trị đẹp của cuộc đời, của con người.
Chúa đã yêu thương con người hết mực,
nên đã đến để cứu vớt những mảnh đời cơ nhỡ,
những cảnh sống lầm than vất vưởng.
Xin dạy chúng con cũng noi gương Chúa
biết cứu vớt chứ đừng đạp đổ,
biết hy vọng chứ đừng buông trôi,
biết quảng đại thứ tha chứ đừng khắt khe lên án.
Xin dạy chúng con trở nên những khí cụ bình an của Chúa
để Chúa có thể tiếp tục đi tìm
và cứu vớt những gì đang trên đà hư mất
giữa xã hội ngày nay. Amen.
Bài hát kết thúc : LỜI KINH CUỘC ĐỜI
Sáng tác : Lê Quang Ánh
Thể hiện : Khắc Dũng
Radio Vatican
Chuyên mục : Hãy Học Cùng Giêsu
Phụ trách : Lưu Minh Gian
Liên lạc: [email protected]