Hãy sống vì nhau

Sau ngày Thánh Thần hiện xuống, các tông đồ trở nên vô cùng mạnh mẽ trong đức tin và dạn dĩ đứng trước cả ngàn người rao giảng về sự phục sinh của Thầy Giêsu chí thánh. Lời rao giảng hùng hồn của các ông cùng những dấu lạ kèm theo khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Họ đã xin được chịu phép rửa, theo lời khuyên nhủ của các ông. Từ nhóm nhỏ 12, số lượng người tin vào Đức Giêsu gia tăng, hình thành nên một cộng đoàn những người tin. Họ quy tụ lại với nhau, nghe giảng dạy, rồi sau đó chia sẻ cho nhau những miếng bánh ít ỏi mà họ có. Giáo Hội thời sơ khai tuy mỏng manh về con số nhưng mạnh mẽ về tình yêu và sự sẻ chia. Họ sống một đời sống vì nhau. Những ai có của cải thì hiến tặng chúng cho các tông đồ, để các tông đồ có thể giúp đỡ những người khác. Chẳng ai giữ gì làm của riêng, nhưng san sẻ cho tất cả. Một cuộc sống tuy nghèo nhưng ấm áp. Có Lời Chúa và Thánh Thể quy tụ họ lại với nhau. Không ai bị bỏ rơi. Những người già, người trẻ, các bệnh nhân đều được đón nhận với tình yêu thương hiệp nhất. Giáo Hội khi ấy mang hình ảnh tựa như Thiên Đàng.

Con người sống vì nhau, đấy là ước mong của Giêsu từ bao nhiêu năm trước. Có một sự phân mảnh rất lớn trong xã hội thời Ngài. Chỉ những người đàn ông lành lặn, khỏe mạnh mới được xem là con người. Ai có học thức, tiền của thì tìm được một vị thế cao hơn. Người nghèo, bệnh nhân, trẻ em, người già, phụ nữ… hay tất cả những ai yếu thế đều bị gạt ra bên lề cuộc sống. Người giàu vẫn cứ giàu và ở trong thế giới của người giàu. Người nghèo thì muôn đời làm bạn với cái nghèo, không bao giờ được giải thoát. Chính những nghi kị và phân biệt đã đẩy con người đến chỗ xa cách nhau hơn. Khi chữa lành cho người bệnh phong, Ngài không chỉ giúp họ được khỏi cảnh tật bệnh nhưng còn đưa họ hòa nhập vào trong xã hội con người. Ngài đụng chạm đến phụ nữ, trẻ em, và những người tội lỗi là để cho họ thấy họ vẫn có phẩm giá con người và có một chỗ đứng quan trọng trong trái tim của Chúa. Nhiều lần Đức Giêsu đã dạy mọi người phải biết sẻ chia, cho người đói ăn, cho kẻ khát uống, chia áo cho người không có. Ngài còn mạnh mẽ khẳng định rằng đón tiếp những người nghèo hèn này là đón tiếp chính Chúa, rằng ai cho một em bé ly nước lã thì cũng không mất phần thưởng trên trời.

Song song với việc rao giảng Tin Mừng cứu độ của Đức Giêsu là hàng loạt những nỗ lực đưa con người lại với nhau. Giêsu muốn phá vỡ khoảng cách mà tội lỗi đã gây ra cho con người. Hình ảnh mà Giêsu mong muốn về Giáo Hội mà Ngài gầy dựng nên trên nền tảng Phêrô, chắc chắn là hình ảnh thấm đượm tình người, yêu thương và hiệp nhất.

Các bạn trẻ thân mến,

Ai trong chúng ta cũng mong ước thế giới, đất nước và xã hội nơi mình đang sống được tốt đẹp hơn. Chúng ta vui khi đến những nơi nào mà phẩm giá của chúng ta được tôn trọng. Cảnh thái bình, nơi không còn chiến tranh, không có loạn lạc, không có chết chóc, không có tiếng đạn tiếng bom luôn là niềm mơ ước của hết thảy mọi người. Bước vào môi trường nào mà ta thấy có tiếng cười rộn rã vang lên, ta đều cảm thấy bình an hơn, thoải mái hơn. Ước mơ là thế, nhưng có mấy khi ước mơ ấy hiện hữu bên ngoài. Cả trong Giáo Hội mà chúng ta đang sống cũng vậy. Cứ ngỡ rằng đó là Thiên Đường, nơi hồng ân Thiên Chúa thông chuyển xuống cho chúng ta. Nhưng vẫn còn đó những ganh đua tranh giành quyền lực, những lọc lừa, nói xấu, muốn gây ảnh hưởng lên nhau, hưởng thụ và bù trừ. Dường như, sức mạnh của tội lỗi quá lớn và sức lan tỏa của nó đã len lỏi vào trong những ngóc ngách tưởng chừng là thánh thiện nhất.

Chúng ta hãy một lần nữa chiêm ngắm lại bối cảnh Giáo Hội ngày xưa và mơ ước cũng như những nỗ lực của Giêsu. Ta hãy tự hỏi mình xem, bấy lâu nay ta đã đóng góp được điều gì cho Giáo Hội và xã hội. Đừng chờ đến khi ta thụ hưởng rồi với trao ban. Chính chúng ta phải là người đóng vai trò tiên phong trong công cuộc biến đổi môi trường nơi mình đang sống.

Vẫn còn đấy chung quanh chúng ta biết bao người già đang cô đơn nơi viện dưỡng lão, ngày ngày chỉ biết vọng tầm nhìn về một hướng xa vô định nào đấy, mong ngóng người thân đến thăm để chuyện trò, an ủi. Vẫn còn đấy bao trẻ em ngây thơ thiếu tình thương nơi trại cô nhi. Các em chỉ cần một ai đó nói cho các em biết rằng các em không lạc lõng giữa đời, rằng các em vẫn được yêu thương và đón nhận như bao trẻ em khác. Ta vui hơn với những đam mê của ta, những quán café hay quán bar xập xình điệu nhạc. Ta có thể vung tiền vào những trò trụy lạc, nhưng không màng đưa mắt nhìn đến người đang túng thiếu. Thế giới sao có thể hiệp nhất được khi con người sống mà không hề biết nghĩ đến nhau. Thế giới sao có thể trở nên tươi đẹp được khi không ai dám hy sinh, bỏ sức ra trồng những cây xanh của tình người, của bác ái.

Thế giới của chúng ta, Giáo Hội của chúng ta, đất nước của chúng ta, môi trường làm việc và sinh sống của chúng ta có trở nên Thiên Đàng hay không, điều đó tùy thuộc rất nhiều vào chúng ta. Một con én không làm nên mùa xuân, nhưng nếu con én nào cũng nghĩ như thế, thì sẽ chẳng bao giờ có mùa xuân. Một tác giả khuyến danh nào đấy đã từng nói như thế.

Pr. Lê Hoàng Nam, S.J.

Kiểm tra tương tự

Năm mới, tâm hồn mới: Cảm hứng từ Giáo lý Hội thánh Công giáo

Ký ức là một phần không thể thiếu đối với bản sắc con người. Sách …

Giáo hội và Thuyết Tiến hóa: Câu chuyện về cuốn sách bị lên án

  Trong loạt bài về Giáo hội và Khoa học, chúng ta sẽ xem xét …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *