Ơn gọi của con là tình yêu

 

Câu nói nổi tiếng của chị Thánh Tê-rê-sa vốn đã trở nên quá quen thuộc với nhiều người, và cũng là với chính con. Chị đã khám phá ra ơn gọi ấy từ trong những đoạn 12, 13 của Thánh Phao-lô gửi Côrintô. Chị đã thốt lên trong niềm vui sướng: “Ôi Giê-su, Tình Yêu của con… ơn gọi của con, cuối cùng con đã tìm thấy, ơn gọi của con, chính là tình yêu…”

 

“Khi nguyện ngắm, những khát vọng của em làm cho em bị đau khổ giày vò. Em mở các thư của thánh Phao-lô để tìm kiếm một câu trả lời. Tình cờ mắt em bắt gặp chương 12 và 13 thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô… Khi đọc chương trước, em thấy rằng không phải ai cũng có thể làm tông đồ, ngôn sứ hay thầy dạy. Em cũng thấy rằng Hội Thánh gồm nhiều phần tử khác nhau, và mắt không thể vừa là mắt vừa là tay được… Câu trả lời trên thật rõ ràng nhưng không làm em thoả mãn và đem lại cho em sự bình an. Không sờn lòng, em tiếp tục đọc và câu sau đây làm em nhẹ nhõm : Anh em hãy tha thiết kiếm tìm những ơn cao trọng nhất. Nhưng đây tôi xin chỉ cho anh em con đường trổi vượt hơn cả. Và thánh Phao-lô tông đồ giải thích rằng mọi ơn hoàn hảo nhất chẳng là gì cả, nếu không có tình yêu…, và đức ái là con đường tuyệt hảo chắc chắn dẫn tới Thiên Chúa. Và cuối cùng, em đã được bình an thư thái. Khi suy nghĩ về thân thể mầu nhiệm của Hội Thánh, em chẳng thấy mình thuộc loại chi thể nào trong các loại thánh Phao-lô mô tả, hay đúng ra em muốn thấy mình có mặt trong mọi loại chi thể đó. Đức ái đã cho em chìa khoá để tìm ra ơn gọi của em. Em hiểu rằng nếu Hội Thánh có một thân thể gồm nhiều chi thể khác nhau, thì hẳn Hội Thánh không thể thiếu chi thể cần thiết nhất và cao quý nhất. Em hiểu rằng Hội Thánh có một Trái Tim và Trái Tim đó bừng cháy tình yêu. Em hiểu rằng chỉ có tình yêu mới làm cho các phần tử của Hội Thánh hoạt động và nếu tình yêu tắt ngúm thì các Tông Đồ sẽ chẳng loan báo Tin Mừng nữa, các vị tử đạo sẽ chẳng chịu đổ máu mình ra… Em hiểu rằng tình yêu bao trùm mọi ơn gọi, và tình yêu là tất cả, nó bao trùm mọi nơi và mọi thời… ; tắt một lời, tình yêu tồn tại mãi. Bấy giờ, vào lúc tình yêu dạt dào ngây ngất, em đã reo lên: Ôi Giê-su, Tình Yêu của con… ơn gọi của con, cuối cùng con đã tìm thấy, ơn gọi của con, chính là tình yêu… Vâng, con đã tìm thấy chỗ đứng của con trong Hội Thánh, và chỗ đứng này, ôi Thiên Chúa của con, chính Chúa đã ban cho con. Trong lòng Hội Thánh, Hiền Mẫu của con, con sẽ là tình yêu. Như thế, con sẽ là tất cả… và như thế, ước mơ của con sẽ được thực hiện…”

(Tự Thuật Của Thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su)

 

Từ trong đoạn Tin mừng Lc 21, 1-4, con chiêm ngắm người bà goá nghèo hẳn làm Chúa vui biết bao. Dù chỉ với hai đồng tiền kẽm, nhưng thực ra Bà đã dâng cúng tất cả những gì mình có từ trong sự túng thiếu của mình. Cũng từ đó, con khám phá ra ơn gọi của chính con trong giây phút hiện tại. Con cũng thốt lên như Chị thánh nhỏ của con trong niềm vui sướng khi nhận ra điều Chúa muốn cho cuộc đời mình ngay lúc này chính là sống trong giây phút hiện tại với tất cả tình yêu. Suốt quãng đường đã qua, con luôn bận tâm đâu mới là ơn gọi của con, nơi đâu Chúa muốn để con được hạnh phúc. Con cứ mòn mỏi chờ đợi tìm kiếm và lòng con không cảm thấy được niềm vui với những giới hạn của mình, những điều liên tiếp xảy ra ngoài ý muốn, dẫu cho những ước muốn là tốt lành. Chúa đã cho con đi trọn vẹn trong khóa linh thao và con cảm nhận được câu trả lời từ Chúa qua cách hiến dâng của bà goá nghèo. Có vẻ trong đoàn người dâng cúng, có nhiều người còn tỏ ra coi thường bà, bà ta thì có gì, hai đồng kẽm thì làm được gì? Nhưng trước mắt Chúa, bà là người dâng cũng nhiều hơn tất cả, vì bà đã dâng tất cả những gì bà có. Trước mắt Chúa thì giá trị một hành động, một việc làm hơn nhau không phải ở chính nó, mà là ở tình yêu được đặt trong đó. Và con nhận ra, bao lâu con mải đi tìm một điều gì đó dù cho ý hướng là rất cao cả, nhưng chính Chúa mới là điều thật sự con phải tìm kiếm. Chúa mới là gia nghiệp của đời con. Bao lâu con chưa nhận ra điều ấy, con chưa tìm kiếm chính Chúa, con chỉ đi tìm phương tiện thì con sẽ chẳng thể khám phá ra được niềm vui, chẳng thể đón nhận được những trái ý trong cuộc đời. Vậy Chúa ở đâu, Chúa vẫn ở đây, đầy rẫy quanh con, trong gia đình con, trong những người nghèo khổ, bệnh tật, thế mà con lại tìm kiếm một vị Thiên Chúa ở đâu xa xa. Chúa ở đây, Chúa là tất cả, là hiện tại của con. Dâng hiến tất cả những gì con có, là cuộc sống ngay trong giây phút hiện tại của con với tất cả tình yêu, dầu là hơi thở, là đôi tay vươn ra, đôi chân bước tới, là đôi tai biết nghe, đôi môi cất tiếng an ủi và một trái tim đầy ắp yêu thương. Cái tất cả của con trở nên thật giàu có từ trong đống đổ nát, nghèo túng của một con người vốn đầy ắp tự ti và giới hạn. Và như thế con nhận ra những gì xảy đến với con dù ngoài ý muốn đều có thể trở thành cơ hội, vì trong mọi sự, con đều có thể dâng tất cả, điều quan trọng là cách nhìn nhận của con. Nhưng… thập giá vẫn còn đó.

Con nhìn vào đoạn Tin mừng khép lại trình thuật của Thánh Gioan kể về lần thứ ba từ sau khi Chúa sống lại, Chúa hiện ra với bảy môn đệ đi đánh cá; và con tập trung cái nhìn vào hình ảnh của Phêrô năm nào. Giữa một mớ hỗn độn đang diễn ra trong tâm trí ông, Thầy đã Phục Sinh, đã từng hiện ra trước đó, nhưng cái ánh mắt của Thầy nơi dinh thượng tế vẫn hiển hiện trong ông, mặc cảm vẫn còn và có thể ông vẫn đang phải loay hoay với câu hỏi: tôi sẽ phải bắt đầu thế nào đây với cuộc sống trước mắt, ít ra là để tồn tại. Đêm nay, bảy anh em ông chẳng bắt được một con cá nào. Ông lại nhớ về cái ngày định mệnh, chỉ mới ba năm thôi, ông cũng với ba môn đệ khác đã bỏ mọi sự theo Chúa sau khi chứng kiến phép lạ Chúa ban đầy cá sau một đêm không bắt được gì. Mọi sự lại hiện ra thật rõ trong tâm trí ông. Một hành trình để bắt đầu lại vốn chưa bao giờ là dễ. Rồi bất ngờ Thầy xuất hiện, sau bao biến cố câu chuyện năm xưa giờ được lặp lại một lần nữa, Phêrô hạnh phúc vô cùng. Chúa kéo riêng ông ra một chút, hỏi nhỏ ông có yêu mến Thầy không. Lần đầu ông ngại ngùng đáp lại, lần thứ 2 có thể ông dè dặt, lần thứ 3 có thể ông nói với tất cả sự xúc động của mình. Vậy là đời ông đến đây chuyển sang một giai đoạn mới, một cuộc đời đáp trả lại tình yêu. Hỏi một người có yêu mình không là đã bao hàm tất cả tình yêu của mình trong đó, dẫu chẳng nói ra thành lời. Con vẫn cho rằng chỉ khi tình yêu đủ lớn, người ta sẽ đủ sức để bước qua mọi khó khăn. Con vẫn tin rằng ánh mắt Ngài chưa bao giờ rời khỏi con, tiếng của con vẫn ở sâu trong trái tim Ngài, dẫu con hèn hạ, bất xứng Ngài vẫn còn yêu con quá đỗi, con luôn có một chỗ thật sâu trong Ngài. Ngài vẫn hỏi con, còn con thì chưa đủ can đảm để đáp lại như Phêrô, con vẫn cần được Ngài đụng chạm để có thể thưa lên với Ngài mỗi ngày một lưu loát hơn. Quả thực con sợ hãi, con sợ mình không đủ tình yêu với Ngài, một tiếng yêu thực sự chưa bao giờ là dễ.

Vậy con được mời gọi để nhìn lên Simon, cách ông ấy đã vác thập giá đi cùng với Chúa lên Đồi Sọ thế nào, ông ấy đã gần Chúa ra sao và con tin đời ông sẽ được biến đổi nếu ông chạm được Ngài. Có thể trên hành trình ấy, ông đã phải đón nhận thập giá một cách vô lý, nên lúc đầu ông tỏ ra bất bình trong lòng, ông ghê tởm hạng người bên cạnh mình. Nhưng rồi ông nhận ra có lẽ mình nhầm khi ông để mắt mình mở ra để nhận thấy cách mà Chúa (trong một hình dạng tan nát, bầm dập không còn là người) đang ôm lấy thập giá của mình, cách Chúa lần bước đứng lên trước mỗi lần ngã quỵ dưới sức nặng của Thập giá để đi trọn đến đỉnh đồi Gôn-gô-tha. Quả thực, Thập giá là của chính con, mà Chúa chỉ cùng con mang lấy chứ không phải thập giá là của Ngài. Nếu hôm nay, con sợ lắm những thập giá, những khó khăn trong cuộc sống, trong bổn phận hiện tại, thì con được mới gọi đặt cho mắt tâm hồn con cái nhìn của Simon, một cái nhìn thật gần, để thấy Chúa luôn đi cùng con, Chúa ôm lấy hết những gánh nặng của con, Chúa bước cùng con cái bước của một người đồng hành song đôi để lên trọn đến đỉnh đồi hiến tế.

Đường theo Chúa dẫu nhiều khó khăn, nhưng con tin đó là con đường của tình yêu. Trên con đường ấy, xin giúp con có được cái nhìn của Chúa và thấy Chúa trong mọi sự. Lời mời gọi mà con cảm thấy xác tín nhất trong hiện tại là tiếp tục sống bổn phận của mình với tất cả tình yêu, đó là con đang đi tìm chính Chúa rồi. Đường ấy đòi con nhiều hy sinh, nhưng chính trong lòng quảng đại, sự sống mới được bắt đầu và trào tràn.

Teresa Nguyễn Thu Huyền

Linh Thao Giới Trẻ Tại Ninh Bình

Kiểm tra tương tự

Khoá học: “Giáo huấn giáo hội về mục vụ hôn nhân và gia đình”

Bạn thân mến! Từ công đồng Vatican II, Giáo Hội mở ra cuộc canh tân …

Ước ao được sống đời đời | Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật 28 Thường Niên – Năm B

Hạnh phúc là niềm khao khát tự nhiên và chính đáng của mỗi con người. …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *