Học tập trong thời Đại Dịch

(Bài viết của tiến sĩ Brandon Warmke và tiến sĩ Justin Tosi)

Vào ngày 22/10/1939 – một tháng sau khi Đức quốc đánh chiếm Ba Lan và Thế Chiến thứ II nổ ra – C.S. Lewis, một nhà tiểu thuyết và cũng là một nhà văn lừng danh người Anh đã trình bày một bài diễn văn tại thành phố Oxford với nhan đề “Học tập trong thời chiến”, với mục đích chính yếu là bảo vệ tầm quan trọng của việc theo đuổi học thuật trong thời kỳ khủng hoảng toàn cầu. Làm thế nào để có thể tiếp tục học tập trong lúc khó khăn và căng thẳng như thế. Đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều khó khăn cho cả học sinh lẫn các giáo viên, thông điệp của Lewis có một mối liên hệ đặc biệt với bối cảnh hiện tại của chúng ta.

Lewis bắt đầu với việc nhắn nhủ các sinh viên rằng:

“Trường đại học là một cộng đồng theo đuổi việc học tập. Là các sinh viên, các bạn sẽ được hy vọng để trở thành: “các triết gia, các nhà khoa học, các học giả, các nhà phê bình hoặc các sử gia.” Thoạt nhìn, đây có vẻ là một việc làm lố bịch trong [thời đại dịch]…Tại sao và làm sao chúng ta lại có thể tiếp tục cảm thấy hứng thú với những việc này một cách điềm nhiên như vậy, trong khi cuộc sống của bao người [hàng triệu người trên khắp thế giới] đang trong cảnh hoang mang lo sợ? Đó chẳng phải là thái độ kiểu ‘cháy nhà hàng xóm’ hay sao?”

Lúc này, nhiều người trong giới tri thức (học sinh cũng như giáo viên) đã được yêu cầu làm việc tại nhà để làm chậm sự lây lan của dịch Covid-19. Vì đối với đại đa số chúng ta, điều tốt nhất chúng ta có thể làm, đơn giản là ở nhà và cố gắng làm công việc của mình. Trong bối cảnh đó, thật kỳ quặc khi ngồi xuống và thực hiện các nghiên cứu của riêng mình, cho dù đó là việc nghiên cứu một tác phẩm Shakespeare hay viết một bài luận về Ý Chí Tự Do. Điều này có vẻ lạc lõng và dường như là không thích hợp.

Lewis nói tiếp:

“Tôi nghĩ điều quan trọng là chúng ta phải cố gắng nhìn tai họa hiện tại trong một viễn cảnh thật của nó. [Đại dịch] không tạo ra một bối cảnh hoàn toàn mới; nó chỉ đơn giản là làm cho cuộc sống của con người trở nên tồi tệ hơn mà thôi, để chúng ta không còn có thể phớt lờ những sự tồi tệ thường nhật vốn đã tồn tại trước đó thêm nữa. Đời sống của con người vốn luôn đứng trước bờ vực thẳm…Nếu chúng ta đã trì hoãn việc tìm kiếm tri thứccái đẹp cho đến khi chúng ta được an toàn, thì cuộc tìm kiếm ấy đã chẳng bao giờ được khởi sự.

Chúng ta đã lầm khi chúng ta so sánh [đại dịch] với “cuộc sống bình thường”. Cuộc sống chưa bao giờ là bình thường cả. Ngay cả khi có những khoảng thời gian mà chúng ta nghĩ rằng đó là lúc thanh bình nhất, giống như thế kỷ 19 vậy, ai ngờ khi xem xét kỹ lưỡng hơn, ta lại nhận ra rằng thời đại ấy đầy dẫy những khủng hoảng, lo sợ, khó khăn và cấp bách. Những lý do chính đáng để dừng tất cả các hoạt động văn hóa thuần túy chưa bao giờ thiếu cả, nhưng chỉ cho đến khi có một vài nguy cơ khiến nó buộc phải dừng lại hoặc có các lời kêu than về sự bất công nảy sinh. Nhưng đã từ rất lâu, nhân loại đã chọn cách phớt lờ những lý do chính đáng này.

Những con côn trùng đã chọn một con đường khác: trước tiên, chúng tìm lợi ích vật chất và sự an toàn nơi các tổ ong, tất nhiên, sau đó chúng đã được toại nguyện. [Con người] thì khác. Họ phát kiến ra các định lý toán học trong những thành phố bị vây hãm, tiến hành các cuộc tranh luận siêu hình học trong các tử ngục, pha trò trên các giàn hỏa thiêu, thảo luận về những bài thơ mới nhất khi tiến tới những bức tường ở Quebec và chải tóc trước trận địa Thermopylae. Đây không phải sự phô trương nhưng là bản chất của chúng ta.”

Ở đây, Lewis nói rằng thảm họa không tạo ra một bối cảnh hoàn toàn mới. Điều đó không có nghĩa là không có bất kỳ sự khác biệt nào hay là chúng ta cứ tiếp tục công việc của mình y như lúc chưa có khủng hoảng. (Tất nhiên, sự khác biệt là: làm ơn hãy ở nhà!) Lewis có ý nói rằng nếu công việc của chúng ta thực sự quan trọng và thiết yếu ngay cả khi cuộc khủng hoảng chưa xảy ra, thì nó vẫn nên được tiếp tục khi sự khủng hoảng đang hoành hành. Không phải lúc nào chúng ta cũng ý thức được sự mong manh của phận người. Lúc này, trong trận đại dịch, sự ý thức ấy có thể trở nên rõ nét hơn trong tâm trí chúng ta, nhưng sự mong manh của chúng ta vẫn luôn ở đó. Tuy nhiên, Lewis nói rằng đó chính là bản chất của chúng ta, bản chất theo đuổi Chân, Thiện, Mĩ ngay cả khi phải đối mặt với sự nguy hiểm hay những điều không chắc chắn. Bản chất của chúng ta không chỉ theo đuổi những điều như thế, nhưng những cuộc kiếm tìm ấy còn thực sự có giá trị đối với chúng ta.

Trong thực tế, Lewis tiếp tục nói rằng việc học của chúng ta là một nghĩa vụ:

“Với một số người, học tập là một nghĩa vụ. Đừng để trạng thái hoảng loạn và cảm xúc của bạn khiến bạn nghĩ về tình trạng khó khăn mà bạn đang trải qua trở nên nghiêm trọng hơn mức độ thực sự của nó.”

Một lần nữa, nếu hoàn cảnh hiện thời của chúng ta không khác biệt về bản chất, nhưng chỉ khác biệt về mức độ, so với những gì mà chúng ta gọi là “cuộc sống bình thường,” thì việc theo đuổi việc học thuật của chúng ta nên được coi như là có giá trị. Điều này thích hợp với các học sinh, sinh viên đang tham gia vào các diễn đàn trực tuyến cũng như các giáo viên đang học cách sử dụng công nghệ hội đàm qua truyền hình (video-conferencing technology).

Lewis kết luận với lời khuyên làm thế nào để một người có thể tiếp tục theo đuổi việc học tập bất chấp những khó khăn, thách đố:

“Kẻ thù đầu tiên chính là sự dao động – khuynh hướng luôn suy nghĩ và cảm nhận về [dịch bệnh] trong khi chúng ta đã định suy nghĩ về công việc của mình. Tấm khiên bảo vệ tốt nhất đó là việc nhận ra rằng [dịch bệnh] không thực sự nổi lên như một kẻ thù mới nhưng chỉ là một tác nhân làm mạnh lên một kẻ thù vốn đã có từ trước mà thôi. Công việc của chúng ta luôn có rất nhiều kẻ thù…Chỉ có những người khao khát tri thức đến độ họ tìm kiếm nó ngay cả trong những điều kiện không thuận lợi, đó mới là những người thành công. Điều kiện thuận lợi sẽ chẳng bao giờ đến. Tất nhiên, có những thời điểm mà áp lực của những dao động quá lớn đến độ chỉ có những ‘người siêu tự chủ’ mới có thể chống lại nó được. Họ bước vào cả [trận đại dịch] lẫn sự hoà bình. Chúng ta phải cố gắng bao nhiêu có thể.”

Lewis chỉ ra rằng học tập là có giá trị và giá trị ấy vẫn có một vị trí quan trọng trong các thời kỳ khủng hoảng. Hoàn cảnh hiện thời của chúng ta sẽ không cho phép chúng ta phớt lờ điều kiện nhân sinh, nhưng dù có thích nó hay không thì chúng ta cũng vẫn ở trong điều kiện ấy. Một cuộc khủng hoảng toàn cầu chỉ mở đường cho những thử thách mới, đặc biệt những gì mà Lewis gọi là “sự dao động” – đó là một cơn cám dỗ xúi giục chúng ta chỉ còn nghĩ về cơn khủng hoảng mà bỏ quên công việc của mình. Với một số người, cuộc khủng hoảng ấy trở nên trầm trọng hơn bởi cơn lốc tin tức và bởi Twitter, Facebook… Tất nhiên, chúng ta luôn có thể gặp phải những xao lãng trong chuyện học tập của mình, và việc nhận ra rằng sự xao lãng trong hoàn cảnh hiện thời chỉ là một kẻ thù cũ dưới một mặt nạ mới mà thôi, việc nhận ra chân tướng của vấn đề như vậy có thể giúp chúng ta vượt qua được nó.

Lewis khích lệ chúng ta hãy làm những gì mà chúng ta coi là có giá trị trong hoàn cảnh khủng hoảng hiện thời: đọc một tiểu thuyết thú vị, ôn thi, viết một bài nghiên cứu, cuối cùng là hoàn thành những điều ấy. Một đại dịch có thể gây ra nhiều thiệt hại nhưng đừng để nó cản trở việc học tập của bạn!

Văn Tài, S.J. (lược dịch)

Nguồn: https://www.psychologytoday.com/intl/blog/moral-talk/202003/learning-in-the-time-the-pandemic; Photo: Shutterstock.com

Kiểm tra tương tự

Trong Chúa, chúng ta là những người bạn đích thực

Trong tâm tình chờ đón Đại lễ Mừng Chúa Giáng Sinh, Học Viện Thánh Giuse …

Tìm lại ý nghĩa đích thực của Mùa Vọng

  Đôi khi, chúng ta nỗ lực hoàn thành danh sách những việc phải làm …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *