Học triết: tại sao chứ?

“Tại sao tôi học triết?”  url Triết học có ích lợi gì đối với một tu sĩ trẻ trong hành trình đào luyện trí thức, sứ mạng và cả đời tu? Cần có câu trả lời, trong chừng mực nào đó, để người học khỏi lạc vào mê cung, khỏi phí công sức và thời gian chạy theo “bầy đàn”. Nhiều tài liệu đã trình bày về mục đích của triết học, ở đây tôi muốn tầm nguyên từ chính cái tên, vì chắc phải có lý do người ta mới gọi/viết môn học này thành ra như thế.

Trong ngôn ngữ Hy lạp, chữ φιλοσοφία (philosophia, triết học) được kết hợp từ φίλος (philos, người yêu mến, bạn hữu) và σοφία (sophia, sự khôn ngoan/ hiểu biết). Tôi học triết cũng là để mặc lấy cho mình “triết tính”, tức yêu mến sự khôn ngoan. Thế nhưng, lòng yêu mến hay nỗi thao thức tìm kiếm sự khôn ngoan không có giá trị tự tại; triết học phải mở ra hay hướng đến một điều gì đấy. “Biết gì” chưa đủ, phải biết “biết để làm gì”. Sự khôn ngoan phải đi từ khối óc (TRÍ) đến đôi tay (HÀNH). Đó là quan niệm theo phương Tây, mà hình như giữa đôi bờ TRÍ – HÀNH vẫn còn một dòng sông ngăn cách.

Còn trong Hán ngữ, chữ “triết” 哲 (gọi tắt cho “triết học”) bao gồm chữ “chiết” 折 (bộ thủ 手 [tay] và bộ cân 斤 [cái rìu]) và bộ khẩu 口 [miệng]. Theo đó, học/hành triết là “cầm rìu chặt chẻ” vấn đề để thấy tận bên trong; bên cạnh đó còn phải truyền thông ý tưởng cho người khác bằng ngôn ngữ[1]. Xem ra chữ 哲 hay “triết” của phương Đông có thể soi sáng và gia tăng ý nghĩa cho chữ φιλοσοφία của người Hy-lạp ở chiều sâu và chiều rộng. Vâng, biết thì phải biết sâu; biết thì có nghĩa vụ thông truyền. Sở dĩ muốn hiểu biết sâu hơn và truyền thông rộng hơn là vì có lòng yêu mến. Bởi lẽ, “vô tri bất mộ,” và “tình yêu cốt ở việc làm hơn là lời nói; cốt ở sự thông truyền giữa hai bên – người yêu trao tặng và thông truyền cho người mình yêu những gì mình có”[2]. Đó mới là yêu mến thực thụ, tức cho đi, chứ không chỉ ưa chuộng, mến mộ hay ham muốn kiếm tìm và chiếm hữu. Ở giữa khối óc (TRÍ) và đôi tay (HÀNH) là nhịp cầu con tim (TÂM) đang chờ đưa triết nhân sang sông.

Như vậy, tôi học triết là để tìm kiếm lẽ khôn ngoan, bằng thái độ khiêm tốn của một kẻ dò dẫm trong giai đoạn “tìm hiểu người yêu”, rồi để sự khôn ngoan đưa tôi vào thăm thẳm bề sâu của việc học, công việc và toàn thể đời sống. Vào đó, tôi chìm đắm trong chiêm ngắm. Chiêm ngắm để được tình yêu[3]. Săm soi rồi, yêu mến rồi, tôi có trách nhiệm làm sáng tỏ tình yêu ấy trước mặt người đời và ngay giữa lòng đời, có khi bằng lời lẽ, có khi bằng hành động. Học triết mà không dẫn đến tình yêu đi kèm hành động thì khác nào đôi bạn trẻ miễn cưỡng lấy nhau, làm vui lòng cha mẹ rồi thôi.

Hy vọng đừng ai chỉ sống trên mây với những hiểu biết hay tư tưởng mà không biết thế nào là thực hành nhân đức yêu thương. Hy vọng đừng ai yêu thương mông lung và mù quáng, bởi đó chỉ là mê muội, quyến luyến lệch lạc hay bác ái thiếu nhận định mà thôi. Hy vọng đừng ai hì hục sống với cái đầu lạnh và trái tim cũng lạnh của một kẻ đần độn vô cảm.

Niềm hy vọng ấy triết học có thể mang lại, chính là hạnh phúc và bình an được thông truyền, như lời Karl Jasper: “Truyền thông khi đó là mục đích của triết học, và trong sự truyền thông tất cả các đích nhắm khác rốt cuộc cũng đạt được như: nhận thức được hiện hữu, làm cho sáng tỏ (bởi) tình yêu, và đạt được an bình hoàn toàn.”[4] Hạnh phúc ấy, bình an ấy có vĩnh cửu? Lại là một bí ẩn mà cả triết học lẫn triết nhân vẫn đang đi tìm. Khôn nguôi…

 Bart. Nguyễn Anh Huy, S.J.

[1] X. Thiên Phong Bữu Dưỡng, Triết Học Quan (Sàigòn: Văn Đàn, 1968), tr. 24t.

[2] X. Thánh Inhaxiô Loyola, Linh Thao, nn. 230 & 231.

[3] Ibid.

[4] Karl Jaspers, Way to Wisdom: an Introduction to Philosophy. Ralph Malhelm, trans. (London: Gollancz, 1951), p. 26. Giáo sư Lê Tôn Nghiêm dịch từ nguyên bản tiếng Đức hơi khác: “Nhờ thông cảm mục đích của triết lý mới đạt được vì ở đây mọi chủ đích khác cũng mới thực hiện được như: tìm hiểu hữu, soi sáng tình yêu, gặp được sự an tĩnh hoàn bị.” Người viết dựa vào bản dịch tiếng Anh: “Communication then is the aim of philosophy, and in communication all its other aims are ultimately rooted: awareness of being, illumination through love, attainment of peace” và bản dịch tiếng Pháp của Jeanne Hersch: “C’est seulement dans la communication qu’on atteint le but de la philosophie où réside en dernier ressort le sens de tous les autres buts: prendre connaissance de l’être, éclairer l’amour, trouver la perfection du repos”.

 

Kiểm tra tương tự

Hỡi các bậc phụ huynh, thánh Tôma Aquinô sẽ giúp bạn vượt qua những năm tháng mệt mỏi

Thánh Tôma Aquinô hiểu sự hiện hữu như một quá trình năng động chuyển từ …

Đất nước duy lý trước cơn đói khát thiêng liêng

Nhìn về một kiểu đa dạng khác cho Giáo hội hiệp hành và thần học …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *