II. ĐÔNG NAM Á CŨNG LÀ VÙNG ĐƯỢC ẤN HÓA VÀO ĐẦU CÔNG NGUYÊN
Vùng ăn trầu và nhuộm răng đen vào đầu công nguyên cũng là vùng từ đầu công nguyên được Ấn hóa một cách sâu rộng.
Phật giáo chỉ truyền sang Trung Quốc từ thế kỷ IV, nhưng trước đó thì nước Đại Lý (nay là tỉnh Vân Nam) đã là một đất Phật rất thịnh và được Ấn Độ biết đến bằng một cái tên sanskrit. Và cũng trước khi Trung Quốc biết đến Phật giáo có lẽ ngay từ thế kỷ II, đạo của Đức Thích Ca đã truyền vào Bắc Việt qua ngả các quốc gia phía Nam. Phải, khi ấy Phật giáo và Ấn giáo đã tràn vào các nước phía dưới và cùng với tôn giáo, văn hóa Ấn cũng được các đoàn người Ấn đích thân mang vào.
Đúng là vùng đna, trừ Việt Nam ra, đã được Ấn hóa ngay từ đầu công nguyên. Bằng chứng mà rất nhiều học giả như P.Pelliot, G.Coedès, G.Maspero đưa ra gồm có các minh văn sanskrit, sử liệu Trung Quốc và hiện vật đào được.
Niên sử Trung Quốc, ngay từ thế kỷ II và đầu thế kỷ III đã nói tới hai nước Phù Nam và Lâm Ấp, ghi nhận các cuộc triều cống của Phù Nam vào những năm 268, 285, 286, 287, 357. Theo cách diễn tả, thì vào thời ấy, hai quốc gia này đã hoàn toàn Ấn hóa rồi. Hồi thế kỷ III, sứ Trung Quốc đi Phù Nam về kể truyện nguồn gốc của nước đó. Theo ông cho biết, vị vua tiên khởi cai trị Phù Nam là một người Thiên Trúc (Ấn Độ) tên Hỗn Điền (có lẽ Kundinya) đã dùng chiếc cung thần thắng bà chúa Liễu diệp, khiến được bà lấy làm chồng và nhường ngôi cho. Truyện này chỉ là huyền thoại, giống nhu của Chân Lạp và Chăm, cả ba đều mô phỏng huyền thoại của Ấn về nguồn gốc triều đại Pallava ở Kânci. Có điều vua Phù Nam đầu tiên thì chắc đúng là người Ấn, vì hai vua kế tiếp, không cách xa thời sứ Tàu mấy, đã được phiên âm là Hỗn (Houen) và đệm bằng Bàn, trong khi những người tiếm vị sau đó lại họ Phạm12. Họ Phạm tiếp tục được một thời gian thì đầu thế kỷ V, sử Tàu lại nói đến một vua Phù Nam tên là Kaundinya vốn tập cấp Brahman, nghe theo tiếng gọi của Trời sang đó làm vua và được cả nước ra đón. Các vua kế tiếp sau vẫn họ kaundinya và tên sanskrit, như kaundinya Jayavarman chẳng hạn. Vua Jayavarman này, năm 484, đã sai nhà sư Ấn Sakya Nâgasena sang Trung Quốc. Sử liệu Trung Quốc, vào thế kỷ IV, còn nói đến kiểu ngồi của vua Phù Nam: chân trái bỏ thõng (như các vua Ấn), và tượng thần hai đầu bốn tay, bốn đầu tám tay.
Cũng theo sử liệu Trung Quốc, Lâm Ấp lập quốc năm 192. Tiếng Lâm Ấp xuất hiện lần đầu trong sử sách tàu khi sứ của họ đến triều cống “đấng Thiên tử” nơi Lữ đại thứ sử Quảng Châu, và tiếp đó năm 248 và 270 khi quân họ đến cướp phá (có lẽ) vùng Thừa Thiên thời thứ sử Đào Hoàng. Khi ấy, vua Chăm đã được Tàu đặt cho họ Phạm (varman) rồi.
Chứng liệu tiếp theo là các minh văn (trên đá) sanskrit, xuất hiện từ thế kỷ IV và V. Các di tích (đền đài) và hiện vật (tượng, điêu khắc), cũng mang cùng niên kỷ đó.
Để xác định rõ hơn tuổi tác của cái thứ tôn giáo – và do đó, văn minh Ấn, cố nhiên – lúc truyền sang vùng này, tôi xin trình bày ở đây một bằng cứ riêng có tính văn học, mà tôi diễn giải dài dòng hơn ở một tập nghiên cứu khác. Luận cứ này dựa trên việc phân tích và đối chiếu hai hình thái tôn giáo, một của tập anh hùng ca vĩ đại Mahâbhârata và một của các tập cổ đại thư (purâna).
Mahâbhârata, dài trên hai trăm ngàn dòng thơ, được sáng tác và thu hợp dần mãi đến thế kỷ II tr.cn mới hoàn tất. Trái lại, các tập cổ đại thư thì được sáng tác bắt đầu từ thế kỷ IV trở đi. Hai loại sách này phản ánh hai hình thái tôn giáo – xã hội rất trái ngược nhau về nhiều mặt, nhất là về tương quan Siva-Visnu cũng như tương quan vương công- thầy tế.
Trong Mahâbhârata, cả Siva lẫn Visnu đều là thần tối thượng, lớn ngang nhau nhưng hòa hợp với nhau trong cả niềm tin lẫn trong sự sùng bái của dân. Hơn thế, Visnu, Siva và Brahma còn làm nên tam dạng của Thượng tính, nên có thể lẫn lộn với nhau. Một số sách sáng tác vào thời ấy cũng chia sẻ lối nhìn như vậy. cuốn Harivamsa (gia phả Hari, tức của Visnu) đã đồng hóa Siva-Visnu. Bộ luật Manu, ở 3.89 và 12.21 chẳng những nhìn nhận cả Siva lẫn Visnu, mà còn khuyên nên tất cả Siva ái thê nữa.
Ngược lại với tinh thần trên, các cổ đại thư rất kỳ thị tôn giáo. Với Kurmapurâna, Visnu là thần tính của chư thần, còn Siva là quỷ tính của mọi quỷ. Còn với Visnu-purâna, thì Visnu mới là đấng tối cao. Ngài sáng tạo dưới dạng Brahma của Ngài, và huỷ diệt dưới dạng Siva.
Tôn giáo cổ đại thư chính là hình thái tôn giáo hiện nay bên Ấn. Từ rất nhiều thế kỷ, Ấn giáo đã phân hai rõ rệt: Siva-giáo và Visnu-giáo với đền thờ hoàn toàn riêng rẽ. Sự tiến hóa này hẳn đã bắt đầu rất lâu, trứơc khi có Cổ đại thư, chúng chỉ phản ánh một tình trạng sẵn có. Cũng thế, phải có một tiến hóa hàng thế kỷ để địa vị thầy bàlamôn, dưới hẳn vua trong Mahâbhârata, đã vượt xa trên vua khá sớm sau công nguyên.
Bây giờ nếu nhìn kỹ Ấn giáo bên Chân Lạp, Phù Nam và Chăm, ta thấy ngay đúng đây là hình thái Ấn giáo của Mahâbhârata. Tuy bên đna, người ta sùng Siva hơn là Visnu (có lẽ vì Siva là nguồn của vương đế tích, nên các vua chúa mới thích xây đền cho ông), nhưng trong các đền miếu, cả hai thần được thờ như nhau, chưa có phân ly, kỳ thị gì cả. Ngoài ra, lắm khi một thầy bàlamôn nhảy lên làm vua mà vẫn được hoan nghênh, không phải chuyển đổi tập cấp. Thêm vào đấy, các hóa thân của Visnu là Krsna và Ram cũng chưa mấy xuất hiện. Và đây cũng là tình trạng tôn giáo Mahâbhârata. Trong tập trường thi này, Rama thì chưa có, còn Krsna chỉ được ca tụng trong tập Bhagavadgita, tập thơ này được lồng vào trong Mahâbhârata khá muộn, khoảng đầu công nguyên thôi. Thế mà trong Cổ đại thư, Krsna đã thành thượng thần của quần chúng, làm lu mờ hẳn chính Visnu.
Xem như thế, rõ ràng Ấn giáo dưới hình thái của thời Mahâbhârata (đầu công nguyên trở về trước) đã được truyền bá sâu rộng khắp vùng đna, khiến cho những đợt sóng người Ấn Độ đến sau (nhất là vào thế kỷ IV-V) đã không thay đổi nổi tình trạng ấy.13