Niềm sùng bái Quan thế âm, nhất là một cách vô thức18, dưới hình thức Người mẹ – Trinh nữ, đã vun xới cho mảnh đất Việt yêu quý để nó có khả năng đón nhận vào chỗ sâu nhất của hồn mầu nhiệm Đức Nữ Trinh Maria, Mẹ Chúa Trời và là Mẹ của loài người. Nhiều người, tuy chẳng hiểu gì về Kitô giáo, nhưng tự nhiên vẫn có cảm tình với Đức Maria, ưa cầu ơn với Người, thậm chí còn làm thơ tán tụng Người nữa. Đức Mẹ đúng là Đường tới Con, càng là Đường tới Con hơn đối với dân tộc Việt chúng ta.
Bằng nền tảng huyền thoại riêng của mình, Việt Nam đã mở đường khá tốt về phía Đức Kitô. Nhưng để từ vô thức, các tiêu mẫu nguyên thuỷ xuất hiện sung túc ở ý thức, nó phải tìm được những trang phục quen thuộc, và đó là các biểu hiệu truyền thống. Các biểu hiệu truyền thống này cũng là môi giới cần thiết để đạo Chúa đạt tới chiều sâu thâm u của tâm hệ Việt, và tự chiều sâu ấy làm vọt lên được những năng lượng phong phú nhất để nuôi dưỡng và phát triển nó.
Những biểu hiệu rất dân tộc ấy đồng thời cũng phải diễn tả được bộ mặt huyền bí của Đạo.
Người thái cổ bán khai và các tâm hồn chất phác có một cảm thức thần thiêng khá bén nhạy, nên rất ưa huyền bí. Chỉ lo huyền bí thành huyền hoặc, chứ đừng lo người Việt ta không đủ khả năng hiểu mầu nhiệm. Chỉ cần tìm ra cách khiến người ta hiểu được thôi.
Để hiểu bằng lý trí những học thuyết cao xa, dĩ nhiên phải có một trình độ văn hóa. Và từ sự thông bác đó, người ta dễ tiến sâu hơn vào mầu nhiệm. Nhưng chưa chắc một triết gia hay thần học gia hiểu được mầu nhiệm ở chỗ là mầu nhiệm đâu. Chủ nghĩa duy lý và duy thực nghiệm hôm nay đã đánh tan cảm thức thần thiêng bằng cái sính lý luận và trừu tượng. Các bài giảng bằng những “ý tưởng sáng sủa và rõ ràng” chẳng nói được gì về khoảng cách giữa ta và Chúa. Các công thức kinh kiểu La Mã, vắn tắt quá và công thức quá, không đủ khả năng khơi dậy những tâm tình. Cũng chính phụng vụ La Mã này, bằng các cử điệu khuôn đúc (stéréotypé) và thường tục, không đánh thức được những nguồn năng lượng thâm u nhất, chúng chỉ liên kết với các nguyên tiêu và biểu hiệu thiêng liêng truyền thống thôi.
Được sửa soạn từ nhiều thế kỷ do một nhân sinh quan hòa thái (tầng nền đna) cũng như do đạo lý Phật học và Lão học, người Việt Nam dễ thiên về huyền nhiệm (mystique) hơn nhiều dân tộc khác. Cố nhiên thiên ít hay nhiều là tuỳ người. Và cũng còn tuỳ ở trình độ văn hóa của người ấy nữa.
Vì thế, phải đưa huyền nhiệm vào bài giảng, giáo lý và phụng vụ. Nhất là đối với hai lễ Khai Tâm và Tạ Ơn. Cần giải thích cho hiện nổi ý nghĩa huyền bí của hai nghi lễ ấy.
Cảm thức huyền nhiệm mới chỉ là đường tới kinh nghiệm thần bí. Bằng các phương pháp tu luyện, nhập định Đạo giáo, tu thiền và trường trai Phật giáo, bằng con đường sùng ái của thứ đạo Bhakinhtei (sùng ái Ấn Phật), và bồ tát, người Việt đã được chuẩn bị tốt nhất cho huyền nghiệm (expérience mystique) Kitô giáo.
Dĩ nhiên, huyền nghiêm là ơn đặc biệt, nên huyền nghiệm chính cống phải thụ động (passive) hoàn toàn. Thế nhưng sửa soạn cho nó và tạo ra những điều kiện tâm sinh lý cần thiết thì phải có sự chủ động về phía chúng ta. Kitô giáo đã sinh truởng bên trời Tây đa thần chưa được tôi luyện trong một tôn giáo hoàn chỉnh. Nên để chủân bị cho huyền nghiệm, Kitô hữu Âu châu chỉ biết mò mẫm trong cầu nguyện và suy niệm thôi. Trái lại, kỹ thuật tu trong Đạo giáo và Phật giáo rất cao, thừa khả năng thay thế một phần cho các đêm giác năng và tinh thần để thanh lọc và thanh lặng hóa, sự thanh lọc và thanh lặng tối cần để đi vào một thứ kinh nghiệm và tri thức khác biệt hoàn toàn.19
Hiểu được chữ Vô vi ở chỗ thiêng liêng của nó rồi, người Việt đã sẵn sàng hơn người Tây rất nhiều để trèo núi Camêlô nội tâm. Thế mà, than ôi, họ đã không biết lợi dụng ưu thế của mình. Mấy trăm năm rồi mà chưa mấy ai đạt huyền nghiệm…
Chú thích
(1) Hậu quả sẽ là thoái ấu (régression) hay quái biến (perversion)
(2) Quả có những thúc bách tôn giáo và đạo đức từ nền tảng của cơ cấu tâm linh khiến khoa tâm thần trị liệu không thể không đếm xỉa đến được (xem C.G.Jung L’homme à la découverte de son âme, éd.Mont.Blanc, Genève 1962 tr.62-68).
(3) Xem C.G.Jung, Thăm dò tiềm thức (Essai d’exploration de l’inconscient) bản dịch của Vũ Đình Lưu, Sài gòn 1967 tr.169.
(4) Xem C.G.Jung, Thăm dò tiềm thức tr.170
(5) Les rêves, Payot 1968
(6) Ibidem, tr.168
(7) Hệ huyền thoại của một bộ lạc là tôn giáo sống của họ, mà nếu mất đi, thì bao giờ và nơi đâu cũng thế, ngay cả đối với con người văn minh, luôn luôn có một “sụp đổ tinh thần” (C.G.Jung, Introduction à l’essence de la mythologie, P.B.Payot, Paris 1968, tr.108-109).
(8) Jung nói: “Chỉ có một phân biệt chủ yếu giữa một bên là hoạt động ý thức và bên kia là hoạt động vô thức của tâm hệ. Ý thức, dù với tất cả cường độ và sự tập trung của nó, hoàn toàn có tính cách mong manh, chỉ phù hợp với hiện tại tức thì và gần gũi quanh đó; tự bản chất nó chỉ có đựoc những vật liệu của kinh nghiệm cá nhân, trải ra không đầy mấy chục năm. Nói chung, ký ức của nó rất nhân tạo và chủ yếu chỉ gồm loại giấy in rồi. Vô thức thì khác hẳn! Không tập trung cũng chẳng cường mạnh, nó âm u, gần như tăm tối. Nhưng chính do sự tăm tối ấy mà nó trải rộng mênh mông, nó quy tụ bên nhau những yếu tố dị chất nhất. Ngoài cả một khối tri giác bên lề ý thức, không quy về cái gì cả, nó còn có sẵn một kho tàng bao la những lớp tầng chồng chất của ức vạn đời tiên tổ lắng đọng làm nên. Chỉ bằng sự hiện diện của chúng, những tầng lớp ấy đã góp phần biệt định giống người. Nếu có thể cá nhân hóa vô thức, nó sẽ có dáng vẻ một con người tập thể sống bên lề sự phân chia giới tính, bên lề của tuổi xuân và tuổi già, bên lề của cái sinh và cái tử, nhưng lớn mạnh bằng cả kinh nghiệm người gần như vĩnh cửu của một hai triệu năm… Hẳn đây là một kẻ chiêm bao vạn thưở; và nhờ kinh nghiệm vô tận của y, hẳn đây là lời sấm với những chẩn đoán không gì so sánh được. Vì y đã sống cuộc sống của cá nhân, của gia đình, bộ lạc, chủng tộc cả ức vạn lần rồi, và y biết, như một cảm nghiệm sống, nhịp độ của dịch biến, của phát triển và suy đồi”.(L’homme à la recherche de son âme tr.60-61). Ấy là chưa tính đến phần của vô thức cá nhân đấy.
(9) Dù huyền kiến Đức Giêsu, Ramakrichna luôn hiểu và nói về Ngài bằng những phạm trù Ấn Độ giáo của ông.
(10) Năm 166, sứ giả của hoàng đế La Mã Marc-Aurèle cũng phải lên bộ ở đây. Năm 226, một thương gia Địa trung hải cũng vậy.
(11) Cổ thư Trung Quốc đã từng nói đến Ma lai ở Tân Đồng Long, nước chư hầu của Lâm Ấp phía dưới Phan Rang (coi BEFEO. XIV 9 tr.39).
(12) Phạm là họ mà Trung Quốc đặt ra để gọi các vua Phù Nam và Lâm Ấp khi những vua này không có họ nào khác. Có học giả cho rằng Phạm là phiên âm của chữ Varman. Varman là danh xưng của hàng vương giả Ấn Độ. Thí dụ Jayavarman. Vua Việt cũng bắt chước Tàu gọi các vua Lâm Ấp bằng họ Phạm.
(13) Bằng chứng nữa: nhiều thành phố Chăm và Khơme mang tên của các địa danh Mahâbhârata, nhiều vương hiệu được bằng chính tên dòng họ của các nhân vật lớn thuộc cuốn anh hùng thi ấy.
(14) Như thế, Nhân đúng là cái đức mà Cựu ước gọi là Miséricorde.
(15) Hơn nữa, ắt ai cũng thấy rằng: lòng nhân dễ gây sự cảm thông và thân tình. Mà hễ đã thân, thì không nỡ dối nhau. Hễ thông cảm, một cách tự nhiên và cởi mở sẽ trao đổi với nhau.
(16) Evdokinov trong cuốn Sacrement de l’Amour cũng nhìn nhận Thần khí có cái gì đó gần gũi với nữ tính.
(17) Dù sao, đây cũng là sự tiến bộ của Phật giáo đối với Ấn giáo. Với Ấn giáo, chỉ đàn ông mới có khả năng đạt giải thoát, nên cũng chỉ đàn ông mới tu được thôi.
(18) Truyện Thị Kính không được Phật giáo chính thức công nhận, nhưng đã phổ cập giữa dân gian vì phù hợp với khuynh hướng vô thức của người Việt Phật tử.
(19) Theo kinh nghiệm của thánh Thérèse d’Avila, thì chính phương pháp không dùng suy tưởng của sách ABC thứ ba đã khiến chị dễ đi vào huyền nghiệm hơn là phương pháp dùng đến trí hiểu và tưởng tượng làm cho mệt óc (xin xem Tự truyện, ch.IV).