IL PAPA FRANCESCO: Đức Ki-tô Phục Sinh Đã Lên Trời, Ngự Bên Hữu Chúa Cha Chính là Đấng Bảo Trợ Cho Chúng Ta

hinh chen

Sáng nay, thư Tư, ngày 17-4-2013, như thường lệ, ĐTC Phan-xi-cô có buổi Tiếp Kiến Chung với các tín hữu và du khách hành hương tại Quảng trường thánh Phê-rô. Trước hơn 70.000 người có mặt tại Quảng trường, ĐTC đã tiếp tục bài Giáo Lý về Năm Đức Tin, kỳ thứ 21, với chủ đề: “Đức Giê-su Ki-tô Phục Sinh Lên Trời, Ngự Bên Hữu Thiên Chúa Cha, Chính là Đấng Bảo Trợ Cho Chúng Ta”. Để giúp đào sâu chủ đề này, ĐTC đã nêu lên những câu hỏi chủ điểm liên quan đến biến cố Thăng Thiên của Chúa Ki-tô: đâu là tầm quan trọng của biến cố Chúa Thăng Thiên? Theo đó, đâu là những hệ quả của biến cố ấy đối với đời sống của chúng ta? Việc chiêm ngắm Chúa Giê-su ngự bên hữu Thiên Chúa Cha có ý nghĩa là gì? Dưới đây là phiên bản Việt-ngữ toàn văn bài Giáo Lý của ĐTC trong buổi Tiếp Kiến Chung hôm Sáng thứ Tư vừa qua.

PHẦN A: 

PHẦN B: 

Anh chị em thân mến! Chào buổi Sáng!

Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tìm thấy lời xác quyết rằng Đức Giê-su “lên trời và ngự bên hữu Chúa Cha”. Đời sống trần thế của Đức Giê-su đạt đến đỉnh điểm với biến cố Thăng Thiên, là lúc Ngài vượt qua thế giới này để về cùng Cha, và được nâng lên ngự bên hữu Chúa Cha. Đâu là tầm quan trọng của biến cố Chúa Thăng Thiên? Theo đó, đâu là những hệ quả của biến cố ấy đối với đời sống của chúng ta? Việc chiêm ngắm Chúa Giê-su ngự bên hữu Thiên Chúa Cha có ý nghĩa là gì? Để hiểu được những điều này, chúng ta hãy để cho Thánh Sử Luca hướng dẫn chúng ta.

Chúng ta khởi đi từ giây phút Đức Giê-su quyết định khởi hành chuyến hành hương lên Giê-ru-sa-lem lần cuối. “Khi đã tới ngày Ðức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem” (Lc 9,51). Trong khi “lên” Thành Thánh, nơi Ngài sẽ thực hiện cuộc “xuất hành” của Ngài khỏi cuộc sống này, Đức Giê-su đã thấy trước một mục tiêu, đó là Trời, nhưng Ngài cũng biết rõ con đường mang Ngài vào vinh quang của Cha, đó là con đường Thập Giá, ngang qua sự vâng theo kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa dành cho con người. Sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo xác nhận rằng: “Việc đưa lên thập giá có ý nghĩa và loan báo việc “đưa lên” trong mầu nhiệm Thăng Thiên” (số 662).

Chúng ta cũng vậy, chúng ta phải thấy rõ điều này trong đời sống Ki-tô hữu của chúng ta. Để đi vào trong vinh quang của Thiên Chúa, chúng ta phải trung tín với ý định của Ngài trong đời sống thường nhật, kể cả khi nó đòi chúng ta phải hiến tế, đòi chúng ta phải thay đổi những dự tính của mình. Việc Đức Giê-su được rước lên trời xảy ra một cách cụ thể trên Núi Oliu, gần nơi Ngài đã cầu nguyện trước cuộc khổ nạn để ở lại trong sự hiệp thông sâu xa với Cha: một lần nữa, chúng ta thấy rằng việc cầu nguyện trao cho chúng ta ân sủng để sống trung tín với kế hoạch của Thiên Chúa.

Cuối Tin Mừng của mình, Thánh sử Luca đã tường thuật lại sự kiện Đức Giê-su được rước lên trời một cách rất vắn tắt. Đức Giê-su dẫn các môn đệ “tới gần Bê-ta-nia, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được rước lên trời. Bấy giờ các ông bái lạy người, rồi trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan hỷ, và hằng ở trong Ðền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa” (Lc 9,51). Tôi muốn lưu ý đến hai yếu tố trong câu chuyện này.

Trước hết, trong lúc được rước lên trời, Đức Giê-su thực hiện cử chỉ tư tế của việc chúc phúc và chắc chắn là các môn đệ diễn tả niềm tin của họ với sự phủ phục, quỳ gối và cúi đầu. Đây là điểm quan trọng đầu tiên: Đức Giê-su là vị Thượng Tế duy nhất và đời đời, Đấng mà với cuộc khổ nạn của mình đã vượt qua cái chết và ngôi mộ để sống lại và lên Trời để ở với Cha và chuyển cầu cho chúng ta (Dt, 9,24). Như thánh Gioan đã xác nhận trong Thư thứ Nhất rằng Đức Giê-su là Đấng bảo trợ của chúng ta.

Mà thật là đẹp khi nghe điều này! Khi một ai đó bị tòa án gọi lên hoặc là bị tố, thì điều đầu tiên mà anh ta làm là kiếm cho mình một người luật sư để bào chữa cho mình. Chúng ta cũng có một luật sư luôn bào chữa cho chúng ta, luôn bảo vệ chúng ta khỏi những cạm bẫy của ma quỷ, bảo vệ chúng ta khỏi chính mình, khỏi các tội lỗi của chúng ta. Anh chị em thân mến! Chúng ta có vị bào chữa như thế, chúng ta đừng sợ mà đi tới để xin ơn tha thứ, xin được chúc lành, và khẩn nài lòng xót thương. Ngài luôn thứ tha cho chúng ta, Ngài là Đấng bảo trợ của chúng ta. Chúng ta đừng quên điều ấy!

Việc Đức Giê-su được rước lên trời là một thực tại rất an ủi đối với hành trình của chúng ta: nơi Đức Giê-su, Thiên Chúa thật và là con người thật, bản tính nhân loại của chúng ta được mang đến trước Thiên Chúa. Ngài mở ra cho chúng ta một con đường, Ngài là sợi trục chính cho người muốn leo lên một đỉnh núi, khi Ngài lên đến đỉnh núi, chính Ngài kéo chúng ta lên với Thiên Chúa. Nếu chúng ta phó thác đời mình cho Ngài, nếu chúng ta để cho Ngài hướng dẫn đời sống chúng ta, chúng ta sẽ an toàn trong bàn tay của Ngài, trong bàn tay của Đấng Cứu Độ và là Đấng Bảo Trợ của chúng ta.

Về yếu tố thứ hai, thánh Luca đề cập đến các Tông Đồ rằng, sau khi ngước nhìn Chúa Giê-su lên trời, thì các ông trở về Giê-ru-sa-lem “với niềm hoan hỷ”. Với chúng ta thì điều này có vẻ hơi lạ. Cứ sự thường thì khi chúng ta bị tách lìa khỏi gia đình, khỏi bạn bè, để bước vào cuộc khởi hành sau cuối mà trên cả là khi đứng trước cái chết, thì những khi đó, nơi chúng ta có một nỗi đau buồn tự nhiên, bởi lẽ chúng ta biết rằng mình sẽ chẳng còn gặp lại dung mạo của họ nữa, chẳng còn nghe được tiếng của họ nữa, chẳng còn có thể tận hưởng tình cảm lẫn sự hiện diện của họ nữa. Trong khi ở đây thì ngược lại, thánh sử Lu-ca lại nhấn mạnh đến niềm vui sướng sâu xa nơi các Tông Đồ (khi thấy Chúa Giê-su lên trời). Điều xảy ra thế nào được? Thưa, nó xảy ra là bởi vì, dầu mắt các ông không còn thấy Chúa Giê-su nữa, nhưng với cái nhìn của lòng tin, các ông biết được Chúa Giê-su hằng ở lại cùng các ông, Ngài không rời bỏ họ, và trong vinh quang của Chúa Cha, Chúa Giê-su Ki-tô sẽ trợ giúp họ, hướng dẫn họ, và chuyển cầu cho họ. 

Thánh sử Luca cũng thuật sự kiện Thăng Thiên trong phần khởi đầu của Sách Công Vụ Tông Đồ, để nhấn mạnh rằng biến cố Thăng Thiên này giống như một cái nhẫn siết chặt và nối kết đời sống trần thế của Chúa Giê-su với đời sống của Giáo Hội. Cũng ở đây Thánh sử Luca có nhắc đến một đám mây, “rước Người lên, và làm khuất mắt các ông”, đang khi các ông nhìn đăm đăm Đức Ki-tô bay về với Thiên Chúa (x. Cvtđ 1,9-10). Rồi liền sau đó hai người đàn ông mặc áo trắng nói với các ông là họ đừng đứng bất động nhìn lên trời nữa, mà hãy nuôi dưỡng đời sống của họ và nuôi dưỡng chứng tá của họ về niềm tin chắc rằng Chúa Giê-su sẽ ngự đến theo cùng một cách y như cách các ông đã thấy Người lên trời (x. Cvtđ 1,10-11). Ấy chính là lời mời hãy khởi đi từ sự chiêm niệm Vương quyền của Chúa Ki-tô, để nhận từ Ngài sức mạnh để mang và làm chứng cho Tin Mừng trong đời sống thường ngày: chiêm niệm và hoạt động (“ora et labora”), điều mà Thánh Bê-nê-đích-tô dạy, cả hai hành vi “chiêm niệm và hoạt động” đều cần thiết trong đời sống người Ki-tô hữu chúng ta.

Anh chị em thân mến, Thăng Thiên không có ý nói về việc bay biến của Chúa Giê-su, mà Thăng Thiên muốn nói với chúng ta rằng Ngài vẫn sống động ở giữa chúng ta trong một cách thức mới; Ngài không còn hiện diện một chỗ cụ thể trong thế giới này y như lúc Ngài chưa Thăng Thiên; giờ đây, Ngài ở trong vinh quang của  Thiên Chúa, Ngài hiện diện khắp mọi nơi, ở mọi thời, Ngài hiện diện gần bên mỗi người chúng ta.

Trong cuộc sống của mình, chúng ta không còn cô đơn nữa, chúng ta có Đấng bảo trợ này đang đoái đến chúng ta, đang bảo trợ  cho chúng ta. Chúng ta chẳng còn cô đơn, Đức Chúa chịu đóng đinh và phục sinh đang hướng dẫn chúng ta; cùng với chúng ta có rất nhiều anh chị em, đang trong sự thinh lặng và trong sự ẩn kín, trong đời sống gia đình và công việc, trong nỗi khó khăn và những khốn khó hằng ngày của họ, trong niềm vui mừng và niềm hy-vọng của họ, thì hằng ngày họ vẫn sống đức tin, và cùng với chúng ta, họ mang vào thế giới này vương quyền của tình yêu Thiên Chúa, trong Đức Ki-tô Giê-su phục sinh, đã lên trời, bảo trợ cho chúng ta.

Từ RadioVaticana, ngày 17-4-2013

Augustin Nguyễn Thái Hiệp, S.J.

Augustin Nguyễn Minh Triệu, S.J.

chuyển ngữ và giới thiệu.

Kiểm tra tương tự

“Chúng tôi là anh em trong Chúa”

  “You are mine” là bài hát dẫn chúng tôi vào bầu khí linh thao …

ĐTC Phanxicô: Căn tính và sứ mạng của Đại học Urbaniana là loan báo Tin Mừng

Sáng 30/8/2024, gặp gỡ các tham dự viên Đại hội ngoại thường của Bộ Loan …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *