Những ngày này, không khí Giáng Sinh đang tràn ngập trên nẻo đường ngõ phố. Những cây thông được trang hoàng bởi những ánh đèn lấp lánh và những hang đá đủ kiểu dáng cùng những bài thánh ca truyền thống nhịp nhàng vang lên. Việc chuẩn bị đón Chúa đến nơi Học viện thánh Giuse Dòng Tên cũng hòa điệu rộn ràng nhưng bầu không khí Giáng sinh nhẹ nhàng và trầm lắng hơn…một không gian đủ lặng giúp lòng người đủ ấm để nên như máng cỏ mời đón Chúa Hài Nhi ngự vào. Giáng Sinh đang đến thật gần!
Khác với những hoạt động rộn rã trước đó vài tuần với việc tổ chức bữa tiệc sẻ chia dành cho những người nghèo, những người bạn của Chúa; với sự kiện tĩnh tâm mùa Vọng cho các bạn sinh viên,… Không gian Cộng đoàn học viện trong những ngày áp lễ Giáng sinh nhẹ nhàng và thiêng liêng, trong tâm tình dọn lòng với ngày tĩnh tâm và giờ canh thức sốt sắng với chủ đề “Tình yêu Nhập Thể”. Với khung cảnh và bầu khí thiêng thánh, giờ cầu nguyện được hướng dẫn đặt mình dưới ánh nhìn của “Ba Ngôi chiêm ngắm thế giới” trong Linh thao (LT 102), nhờ đó mỗi thành viên cảm nghiệm được mầu nhiệm của Tình Yêu nơi cuộc nhập thể của Ngôi Hai.
Hang đá bên trong nhà Nguyện
Hang đá Belem ngày nay tái hiện khung cảnh Giáng Sinh nghèo năm xưa được xét như một cung cách bên ngoài giúp đưa dẫn tâm tình bên trong. Hang đá Belem được dựng lại để giúp mọi người chiêm ngắm Ngôi Hai xuống thế làm người trong cảnh cơ hàn.
Các Hang đá còn thể hiện tính biểu tượng và lời mời gọi sống sứ điệp cụ thể của Giáo Hội. Đến với hang đá từ ngoài cổng bước vào, mọi người không khỏi ngỡ ngàng với cách thiết kế và trang trí với phong cách dân dã khác lạ.
Khi chiêm ngắm hang đá này, điểm độc đáo mọi người đều nhận ra là tượng Giáng Sinh được thiết kế với phong cách thích nghi văn hóa Việt và được phối cảnh dưới mái tranh cột tre khéo léo.
Thầy Cao Cường S.J cho biết, năm 2019 này HĐGM VN nhắm tới chủ đề “đồng hành với những gia đình gặp khó khăn”, vậy nên khung cảnh Giáng sinh được khởi hứng và thiết kế trên ý tưởng này.
Đã có nhiều thắc mắc về ý nghĩa của những người nộm bên phía bên ngoài.
Thầy Phan Quỳnh S.J cho biết, cả hai bên đều là hình ảnh gia đình. Ở phía bên trái là gia đình hạnh phúc, các thành viên cùng hướng về khuôn mẫu là Thánh Gia; ở phía bên phải là gia đình không được hạnh phúc khi các thành viên không quan tâm đến nhau và không cùng nhau xây đắp tình yêu. Vai trò của Giáo hội được thể hiện qua việc đồng hành và giúp đỡ các gia đình, nhất là gia đình gặp khó khăn hướng về Gia Đình Thánh.
Nếu như khung cảnh Giáng Sinh nghèo năm xưa được tái hiện bởi những hang đá thì ngày nay có nhiều cách thế để diễn tả. Các khu vực trong khuôn viên học viện cũng được bài trí hang đá với các phong cách khác nhau, thể hiện kinh nghiệm thiêng liêng của mỗi tác giả. Điểm hay cũng cần nhắc tới là những hang đá được tạo nên bởi những chất liệu đơn sơ và bởi sự cộng tác của nhiều thành viên.
Hang đá của các Triết sinh trong tòa nhà Học viện
Hang đá và trang trí của các Thần sinh trong tòa nhà Học viện
Hang đá khu vực Junior
Trang trí và hang đá ở nhà cơm gợi lại ý tưởng chủ đạo về Đấng từ “chồi Giêsê” (Is 11, 1-10)
Giáng sinh đang đến rất gần, những trang hoàng bên ngoài và sự chuẩn bị bên trong giúp đặt khung cảnh với ơn xin trong Linh Thao 104:
“Xin điều tôi muốn. Ở đây là xin được lòng hiểu biết thâm sâu về Chúa, Đấng đã làm người vì tôi để được yêu mến Ngài hơn và theo Ngài hơn”.
Joseph Trần Ngọc Huynh, S.J.
Xem thêm hình ảnh tại:https://photos.app.goo.gl/jSWkrujzSuJgvSwA8